22 thg 10, 2018

Về Câu Thơ : Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn và các Câu Đối

Hạ Vũ hỏi

Đỗ C. Đức thân mến,
           Tôi có một thắc mắc nhờ giúp:
           Trong Chinh Phụ Ngâm của Bà Đoàn thị Điểm dịch, có câu:
                       "Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn" 
          "Mạc" có phải một bên bộ thủ và một bên chữ mạc? có nghĩa là sờ...  Mạc mặt ở đây nghĩa là "vuốt mắt".  Tôi không có font chữ Hán, chữ Nôm nên không tra cứu được.  Hay là còn có chữ mạc viết khác nữa, hay mạt (chữ t). Nhờ Đức giúp.  Cảm ơn nhiều. 
                                                                                                             Hạ Vũ
Bài của Đỗ Chiêu Đức
Kính Chị,

     Chữ " mạc " mà Chị hỏi trong câu :

                    
 Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn
chữ MẠC đó là chữ Nôm có nghĩa là VẼ và là tiếng Việt cổ mà bây giờ đã không còn dùng nữa :

* MẠC 漠 còn có thể viết là 莫, vì là từ Hán Việt, chữ Nôm chỉ Mượn Âm để đọc mà thôi.
MẠC trong câu thơ trên có nghĩa là VẼ, vì căn cứ vào 2 câu chữ Hán của Đặng Trần Côn là :

征 人 貌 誰 丹 青 Chinh nhân mạo, thùy đan thanh ?
死 士 魂 誰 哀 弔 Tử sĩ hồn, thùy ai điếu ?
Có nghĩa :
Diện mạo của chinh nhân ai vẽ nên ?
Hồn của tử sĩ ai thương xót mà phúng điếu ?

* Đan Thanh 丹 青 : Đan là Đan Sa , Chu sa có màu đỏ; Thanh là Thạch Thanh có màu xanh, là 2 loại màu chính ngày xưa dùng để vẽ, nên ĐAN THANH có nghĩa là VẼ. Trong Cung Oán, Ôn Như Hầu tả nàng cung nữ tài hoa với 2 câu :

Câu cẩm tú đàn anh họ Lý,
Nét ĐAN THANH bậc chị chàng Vương.
là Nàng cung nữ thơ giỏi hơn Lý Bạch và VẼ giỏi hơn cả Vương Duy.
Nên...
MẠC trong câu thơ trên có nghĩa là VẼ, hãy xét 4 câu liên tục thì sẽ thấy nghĩa của chữ VẼ rõ ràng hơn :

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi,
Chinh phu tử sĩ mấy người,
Nào ai MẠC mặt nào ai gọi hồn.
Có nghĩa :
Hồn của những tử sĩ (đã chết) theo gió thổi ù ù, còn...
Mặt của những chinh phu (còn sống) thì trăng soi dòi dọi (vì phải thức đêm gác giặc).
Chinh phu và Tử sĩ có được những người nào được vẽ hình (để vào LĂNG YÊN CÁC để ghi công)khi còn sống và những người nào khi chết đi (tử sĩ) được làm lễ cầu siêu gọi hồn ?

Từ "Nào ai" rồi "Nào ai" được lặp lại như có ý mĩa mai của các chinh phu và tử sĩ : Sống không ai VẼ hình ghi công, chết không ai phúng điếu gọi hồn.

Từ LĂNG YÊN CÁC ở trong nguyên bản chữ Hán của Chinh Phụ Ngâm câu 447 ghi :
凌 煙 閣 兮 秦 叔 寶 Lăng yên các hề Tần Thúc Bảo.
để chỉ :
Tướng Tần Thúc Bảo đời Đường cùng với 23 người khác có công giúp vua Đường Lý Thế Dân lập nên nhà Đường, nên được vua cho họa sĩ vẽ hình của 24 người đem treo ở Lăng Yên Các để ghi nhớ công lao của họ.

Còn ở nguyên bản chữ Hán của Chinh Phụ Ngâm câu 447-448 ghi :

凌 煙 閣兮秦 叔 寶 Lăng yên các hề Tần Thúc Bảo
麒 麟 臺兮霍 嫖 姚 Kỳ Lân đài hề Hoắc Phiêu Diêu

và đã được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn nôm một cách tài tình:

Tài so Tần , Hoắc vẹn tuyền
Tên ghi gác khói, tượng truyền Đài Lân.


Còn ...
Về chữ MẠT mà Chị nói là có bộ THỦ 扌một bên còn một bên là chữ MẠT 末 thì có nghĩa :

* MẠT 抹 : là Bôi, Xóa, Trét, Vuốt, Thoa, lau... Như Đồ Mạt 塗抹 : Bôi xóa. Mạt Dược 抹藥 : Bôi thuốc . Mạt Hắc Bản 抹黑板 : Xóa bảng đen. Mạt Nhãn Lệ 抹眼淚 lau nước mắt. Mạt Phấn 抹粉 : Thoa phấn. Mạt Kiểm 抹臉 : là Vuốt Mặt....

Vì phải nói cho có đầu đuôi, nên trả lời hơi lòng vòng, mong Chị thông cảm !

Nay kính,
Đỗ Chiêu Đức

Da Trắng Vỗ Bì Bạch
Nhân nhắc đến bà Đoàn Thị Điểm lại nhớ đến câu đối hóc búa mà bà đã ra cho Trạng Quỳnh khi bà đang tắm mà Trạng đòi vào xem ... Mời xem các trao đổi giữa các bạn trong Câu Lạc Bộ Tình Bằng Hữu sau đây :

Kính gời quý Tỷ Huynh,
Hôm nay được bạn gởi lại cậu đồi của Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm, chắc là quý Tỷ Huynh, ai cũng biết. Tôi xin gởi câu đối lại như sau, quý Huynh Tỷ xem chơi, có được không?

Bài viết về câu đối, tôi xin trích đoạn sau đây:

"Tiếng Việt có rất nhiều chữ đồng âm khác nghĩa, do đó, cách chơi chữ này dễ chơi và rất phổ biến.
Một giai thoại văn học nổi tiếng là câu đối chỉ có một vế của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Tương truyền, cụ thân sinh của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm có một học trò rất giỏi tên là Quỳnh – mà ta thường gọi là Trạng Quỳnh. Trạng Quỳnh thường trêu ghẹo cô Điểm. Để ngăn cản Quỳnh, cô Điểm ra những câu đối khó. Nhưng lần nào Quỳnh cũng đối lại được.
Một lần nọ, khi cô Điểm đang tắm thì Quỳnh gõ cửa đòi vào xem. Cô Điểm giận lắm nhưng vẫn ra một câu đối, bảo rằng nếu đối được thì sẽ mở cửa cho vào. Quỳnh hí hửng chịu ngay.
Câu đối đưa ra là : "Da Trắng Vỗ Bì Bạch."
Quỳnh nghĩ hoài, nghĩ mãi, nghĩ không ra. Cuối cùng đành lẳng lặng rút lui, và từ đó không còn dám trêu ghẹo cô Điểm nữa.
Câu đối này tại sao khó đến mức một người thông minh như Trạng Quỳnh cũng phải bó tay?
Da nghĩa là Bì, Trắng nghĩa là Bạch. Da Trắng là Bì Bạch. Nhưng Bì Bạch còn nghe như tiếng tay vỗ lên da. Cái khó chính là tiếng tượng thanh “bì bạch, bì bạch” này đây.

Về sau, nhiều người tìm cách đối lại, ví dụ như:

Cô Miên Ngủ Một Mình.
Cô là Một Mình, Miên là Ngủ – Cô Miên tức là Ngủ Một Mình

Nhà Vàng Ngồi Đường Hoàng
Nhà là Đường, Vàng là Hoàng – Nhà Vàng tức là Đường Hoàng

Trời Xanh Màu Thiên Thanh
Trời là Thiên, Xanh là Thanh – Trời Xanh là Thiên Thanh

Nhưng cả 3 câu trên chỉ đối được nghĩa chữ Hán Việt, nhưng không thể đối với tiếng tượng thanh “bì bạch”. Do đó, cho tới nay, câu “Da Trắng Vỗ Bì Bạch” vẫn là câu đối duy nhất chỉ có một vế."

"Da Trắng Vỗ Bì Bạch" Đoàn Thị Điểm
"Bóng Bàn Đánh Ping Pong" Bảo Trâm


Bóng bàn là Ping Pong và cũng là tiếng tượng thanh như Bì Bạch khi đánh trái bóng vào mặt bàn.
Mới quý Huynh Tỷ đối thêm
Bảo Trâm
Em xin chép lại một câu đối khuyết danh đã cũ,mời huynh tỷ đọc vui.
Rừng sâu mưa lâm thâm
Rừng là Lâm, Sâu là Thâm; nên Rừng Sâu là Lâm Thâm. Nhưng câu đối nầy cũng chỉ đối được phần chữ Hán Việt, mà chưa đối được phần Tượng Thanh.
........................................


Thầy Đồ Dõm tôi cũng xin tham gia
với câu đối của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cho vui nhà vui cửa :

"Da Trắng Vỗ Bì Bạch" Đoàn Thị Điểm
Xin đối là :
"Bạn em cười khanh khách".

KHANH 卿 là Nhân xưng Đại từ ngôi thứ 2, tương đương với Mi, với Nàng, với EM, là từ ngày xưa đàn ông dùng để gọi người yêu hay gọi vợ; Vua dùng để gọi bề tôi, nếu là bề tôi yêu dấu thì còn thêm một chữ ÁI phía trước nữa là Ái Khanh. Nên...
KHANH KHÁCH 卿客: là Khách của Khanh, là Khách của em, mà cũng là "Bạn của em" nữa, nên mới đối là :
"Bạn em cười khanh khách".
Khanh Khách cũng là từ Tượng thanh chỉ tiếng cười của bạn em.
* Một câu đối nữa là :

" Lính thường bắn bình binh"

BÌNH 平 : là Bình Thường 平常. BINH 兵 : là Lính. Nên...
BÌNH BINH 平兵 : là Tên lính bình thường. Mượn chữ bình Thường để diễn ý Thường xuyên mà đối :

" Lính thường bắn bình binh"
BìNH BINH cũng là từ Tượng thanh chỉ tiếng súng bắn !

Nhớ...
Hồi trẻ khi làm lao công trong Chợ Lớn, có một ông người Hoa thích văn chương Việt Nam, đã từng làm câu đối đối lại câu của bà Đoàn Thị Điểm như thế nầy :

" Phì phà đàn Tỳ bà "

PHÌ PHÀ 琵琶 : Âm tiếng Quảng Đông là Đàn Tỳ Bà. Nhưng nghĩa tiếng Việt PHÌ PHÀ là hút thuốc Phì Phà khói. Nên mới dùng để đối câu đối trên, có nghĩa :

" Vừa hút thuốc phì phà vừa đàn tỳ bà "

Mặc dù không có từ Tượng Thanh , nhưng đây vẫn là một câu đối có nét độc đáo riêng về ngôn ngữ !

Kính trình quý vị xem chơi tiêu khiển !

Đỗ Chiêu Đức



















1 nhận xét:

  1. TRÂN TRỌṆG GÓP CÂU ĐỐI " Da trắng vỗ bì bạch ", Đối : " Bảy Xanh la thất thanh " Ng. Minh Thanh.

    Trả lờiXóa