11 thg 2, 2014

Tình nghĩa học đường - Hồ thị Đậm

Tình Nghĩa Học Đường
cgc Hồ Thị Đậm

Chị Hồ thị Đậm tốt nghiệp khóa SPCT  Saigon 1958,làm trong ngành GD đến 1978 .
Bài nầy trích trong Đặc San Liên Trường Tây Ninh 3.

Tôi có vinh hạnh tham dự ngày Hội ngộ Liên trường Tây ninh (HN-LTTN) lần thứ nhì, tổ chức tại nhà hàng Paracel Sea Food, Nam Cali vào ngày 15-7-2011. Sau vài tiết mục thường lệ như chào cờ, chào quan khách, giới thiệu buổi lễ ... em Trần Anh Dũng, một cựu học sinh tiểu học Tây ninh và là người có công thực hiện đặc san kỷ niệm HN-LTTN, đọc danh sách quí thầy, cô và đồng môn từ xa về dự buổi hội ngộ. Danh sách có tên tôi về từ tiểu bang Kentucky. Tôi đang chăm chú theo dõi xem có người bạn nào quen trong danh sách, thình lình có một vị độ sáu mươi tuổi đến tìm tôi và hỏi, “Xin lỗi, phải trước kia cô đã từng dạy ở Cần thơ ?” Tôi trả lời là tôi có dạy ở trường Tiểu học Phụng hiệp (Cần thơ) hai năm. Người đó vui mừng cầm tay tôi nói, “Thưa cô, cô có nhớ em không? Em là Nguyễn văn Phong, học trò cũ của cô ở lớp Nhất B, niên học 1958-1959.”
Tôi hơi ngẩn ngơ một chút vì ngày nay em học sinh ấy đã lớn tuổi, tóc bạc màu nhưng khi nhớ tới  lớp Nhất B, lớp đầu tiên tôi bắt đầu đi dạy học, tôi nhớ ngay em ấy. Ngày xưa khi học lớp tôi, em độ 12, 13 tuổi, còn rất ngây thơ. Từ từ tôi nhớ cả dáng dấp và cách phục sức của em khi đến lớp, rồi tôi xúc động mạnh, không cầm được nước mắt, khiến vài quí vị ngồi chung bàn cũng xúc động lây khi thấy tình thầy trò của chúng tôi không hề phai lạt dù đã trải qua nửa thế kỷ.
Vì nóng lòng muốn biết tin-tức của các em khác nên tôi hỏi dồn dập:
“Em có gặp các bạn cũ không? Các em khác như thế nào? Đã từ lâu cô mong và muốn biết tin tức về các em, dù chỉ một em cũng tốt lắm!”
Tôi thất vọng khi nghe em nói em đã di chuyển nhiều nơi nên không có dịp gặp lại các bạn.

Hơn nửa thế kỷ mới gặp lại người học trò cũ thân mến, lòng tôi tràn ngập nỗi vui mừng.  Tôi muốn bước lên sân khấu để nói lời cám ơn chân thành với ban tổ chức hội ngộ LTTN đã tạo cơ hội cho thầy trò chúng tôi gặp lại đồng thời chia sẻ niềm hạnh phúc của tôi, nhưng tôi ngại làm gián đoạn chương trình nên bỏ ý định ấy.

Phong là phóng viên nhà báo nên hôm sau, trong buổi picnic của liên trường và đồng hương Tây ninh ngoài công viên, em và vài phóng viên của mấy tờ  báo khác đến dự. Em chụp thêm cho tôi mấy tấm hình với bạn bè đồng hương, rồi em yêu cầu quí thầy cô đứng chụp hình chung dưới tấm biểu ngữ với hàng chữ, “Picnic Hội-ngộ II Liên-trường Tây ninh Nam California 16-7-2011”  Khi thấy tôi đứng phía sau với một chị bạn, em đến mời tôi ra đứng ở hàng đầu để hình tôi được rõ hơn.

Hai hôm sau em Phong lại đến thăm tôi ở Thánh thất Cao Đài, đường Chestnut, nơi tôi ở trọ tạm với vài người bạn đồng hương. Em đem theo máy chụp ảnh để chụp hình thêm cho chúng tôi và biếu tôi mấy món quà, trong số đó có  một cuốn sách tựa đề “Người tù cải tạo”  có đăng bài viết của em. Khi ấy tôi mới biết em đi cải tạo bảy năm và chịu biết bao nhọc nhằn, tủi nhục! Ở trang đầu cuốn sách em viết như sau:
“Kính tặng cô Hồ thị Đậm, người thầy vô cùng kính mến của em. Cô đã dạy dỗ em nên người. Sau 53 năm xa cách, bất ngờ thầy trò gặp lại nhau trong ngày hội ngộ Liên trường Tây ninh 15-7-2011 tại Nam California. Không gì vui sướng cho em bằng được gặp lại cô. Những hình ảnh của cô phụ trách tại trường Tiểu học Phụng hiệp, Cần thơ lại bỗng chốc sống dậy nơi em. Cám ơn cô và xin ơn trên phù hộ cô được nhiều sức khỏe và niềm vui trong tuổi già.”

Cám ơn em, có lẽ vì em nể trọng tôi nên em nói quá lời. Tôi chỉ là một vòng trong sợi dây xích cuộc đời học vấn của em.

Ngoài món quà đó, em còn tặng cho tôi món quà vô giá khác. Đó là bản danh sách học sinh lớp nhất B niên học 1958-1959 do tôi phụ trách. Em cho tôi biết, cuối năm học 1958-1959, vì thương thầy mến bạn, em đã dùng trí nhớ của mình ghi lại tên họ tất cả bạn học cùng lớp và viết theo thứ tự A B C. Trên cùng bản danh sách, phía trái em ghi, “Trường Tiểu học Phụng hiệp Cần thơ” và bên phải em viết, “Nữ giáo viên: Hồ thị Đậm, niên học 1958-1959.”  Ở cuối bản danh sách, bên phải có dòng chữ, “Để kỷ niệm niên học cuối cùng ở trường Tiểu học Phụng hiệp - Tại P.h. hè 59.” Nhìn nét chữ trong danh sách, tôi nhớ lại nét chữ của em ngày xưa. Tuy lúc bấy giờ em còn bé nhưng em viết chữ rất đẹp. Thỉnh thoảng tôi nhờ em viết bài học lên bảng.
Bản danh sách nầy được em ép plastic cẩn thận và giữ suốt 53 năm nay, mặc dù em đã di chuyến nhiều nơi, ở tù cải tạo bảy năm và rời quê hương sang Mỹ. Sau khi gặp lại cô giáo cũ, em viết bên cạnh bản danh sách mấy dòng để tặng tôi, “Đây là các học sinh lớp Nhất B, niên học 1958-1959 do cô phụ-trách. Tờ danh sách nầy, bản
chánh em viết vào ngày cuối niên học và vẫn giữ tới bây giờ. Kính gởi cô làm kỷ-niệm. Học trò cũ của cô. Nguyễn văn Phong, phóng viên nhật báo Viễn-Đông tại nam California 17-7-2011.”
Quí mến tấm lòng của em, tôi để bản danh sách nầy ngoài bìa 1 cuốn sách  và bọc plastic lại. Ai nhìn vào tủ sách của tôi là thấy ngay quyển sách quí nầy. Bìa sách không có tên, chỉ thấy bản danh sách học sinh nên khác biệt với mấy quyển khác. Tiếc là tôi chưa gặp lại các em học sinh cũ của lớp Nhất B. Sau nầy nếu có dịp hội ngộ, tôi sẽ đem khoe với các em bản danh sách quí nầy, chắc các em cảm động đến rơi nước mắt! Tôi nguyện giữ kỷ vật này đến cuối đời và khuyên con cháu tiếp tục giữ gìn như một bảo vật tinh thần, lấy đó làm gương, dạy đám trẻ sau nầy sống phải có tình nghĩa, biết quí trọng thầy cô và yêu mến bạn bè như em Phong.

Khi về Kentucky được một tuần, tôi nhận được thư của anh  Nguyễn văn Hải (người bạn ở cửa số 4, gần nhà tôi ở Tây ninh khi xưa). Trong thư có tờ báoViễn Đông, phát hành ngày 23-7-2011, có đăng tin về ngày HN-LTTN. Anh viết ngắn gọn, “Chị năm, tôi gởi qua chị tờ báo có đăng bài của Thanh Phong, ký giả nhựt báo Viễn Đông. Nó viết mấy câu về chị đọc cảm-động lắm! Để làm kỷ-niệm, thân ái.”

Thời buổi đạo đức suy đồi, con người thường trọng tiền tài và địa vị. Phần đông học sinh bây giờ không có  tư tưởng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” như ngày xưa, cũng chẳng còn nặng tình bằng hữu. Chuyện học sinh đánh nhau, bắn giết thầy cô trong trường đã diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Khi đã rời trường lớp biết bao nhiêu năm rồi mà tôi còn tìm lại được những em học sinh đầy tình đầy nghĩa như Phong hay Phước và Khanh (trong bài viết của tôi, “Tình thầy trò trong chuyến buôn hàng khó quên” Đặc san Tây Ninh Quê Tôi 2007) đã nhớ ơn, giúp đỡ người cô giáo xưa, quả thật là hiếm hoi. Vì vậy khi đọc báo biết tin tôi đã gặp được người học trò có tình nghĩa sau 53 năm xa cách, anh Hải vui lây niềm vui của tôi nên gởi báo cho tôi xem và để làm kỷ niệm. Cùng chung tâm trạng với anh Hải, trong phần trích đoạn ở phía sau Đặc san Tây ninh Quê Tôi 2007, ông cựu Đại tá Nguyễn văn Quí, Hội trưởng Tây ninh Đồng hương hội lúc bấy giờ, đã  viết rằng, “Cảm động thay, những bài viết về những hoàn cảnh trong đó thầy không còn là thầy, nhưng trò vẫn là trò...” khi ông nói đến những bài viết trong đó những học trò cũ có tình nghĩa, còn nhớ ơn thầy.


oOo

Tôi ra trường năm 1958. Sau khi nhận “Sự vụ lệnh “ của Nha Tiểu học Sài gòn, tôi và sáu bạn cùng khóa “khăn gói” về trình diện ở Ty Tiểu học Phong dinh (Cần thơ). Chỉ có một chị được dạy ở tỉnh lỵ còn sáu giáo sinh khác đều về  các quận như Ô môn, Rạch gòi, Cờ đỏ, Kế sách, Vị thanh, Phụng hiệp (còn gọi là Ngã bảy Phụng hiệp vì đây là chỗ gặp nhau của bảy nhánh sông). Chị Nga về Vị thanh, một quận mới thành lập, chưa có đường trải nhựa, xe chạy trên đường đất đỏ, bụi bay mịt mù! Cầm “Sự vụ lệnh “ trên tay, chị Nga “ớn da gà” vì vùng nầy không được an ninh, bị gọi là vùng “xôi đậu”. Tôi thương chị quá!  Còn tôi thì về Phụng Hiệp, nơi mà tôi chưa hề nghe tên lần nào, nói chi đến đặt chân đến đó, có an-ninh hay không tôi cũng không biết ! Mấy anh về Rạch Gòi, Cờ Đỏ phải dùng thuyền ghe mới tới nơi và tôi nghe nói những vùng nầy cũng không an ninh gì hơn.
Muốn được thi tuyển vào trường Quốc gia Sư phạm Sài gòn, chúng tôi phải làm tờ cam kết, sau khi ra trường sẽ chấp nhận đi dạy bất cứ vùng nào trong nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng Dân tộc Thiểu số, hoặc Côn sơn ... Cho nên sáu người chúng tôi phải miễn cưỡng vui vẻ đi nhận nhiệm sở của mình. Muốn trấn an chúng tôi, ông Trưởng ty Tiểu học Phong dinh nói, “Quí vị cứ an tâm, khi về trình diện trường nào là có hiệu trưởng ở đó lo chỗ trọ cho quí vị. Trước lạ sau quen mà!” Nghe ông Trưởng ty nói, chúng tôi an tâm một phần nào. Chúng tôi mỗi người một ngã. Tôi gọi xe lôi chở giùm cái rương to đùng của tôi ra bến xe về Phụng hiệp. Phụng hiệp nằm trên tuyến đường Cần thơ-Sóc trăng-Cà mau. Bác xe lôi nói, “Không có xe đi Phụng hiệp, cô đón xe đi Sóc trăng hay Cà mau cũng được, khi xe tới Phụng-hiệp thì cô xuống.” Ra tới bến, thấy xe đi Cà mau chạy trước, nên tôi đi trên chuyến xe về Cà mau. Ngồi trên xe, tôi lo lắng, nếu họ quên dừng xe, có thể tôi đi lạc đến Sóc trăng hay Cà mau thì sao? Tôi cẩn-thận dặn bác tài cho tôi xuống chỗ nào gần trường Phụng hiệp. Bác tài cho biết, “Xe nầy chạy về Cà mau, tôi sẽ cho cô xuống ở Ngã ba Phụng hiệp, cô nhờ xe lôi chở đi tìm trường.” Nghe ông nóiNgã ba Phụng hiệp” tôi  thắc mắc, “Tôi nghe nói Ngã bảy Phụng hiệp chớ đâu có Ngã ba Phụng-hiệp.” Bác tài lên giọng kẻ cả, “Cô quê quá!  Ngã bảy Phụng hiệp là ở dưới sông, còn trên đường là Ngã ba Phụng hiệp. Tôi cho cô xuống ở Ngã ba, chợ Phụng hiệp gần một bên.” Nghe bác tài nói như vậy tôi hay như vậy, chớ tôi biết đường sá gì đâu, nên nỗi lo sợ của tôi càng gia tăng. Thật rõ là “Thân gái dặm trường!” Tôi nghĩ, nếu không có tờ cam-kết “mắc dịch” kia có lẽ tôi đã bỏ sở về nhà rồi.           
Khi đến Ngã ba Phụng hiệp, tôi nhờ bác xe lôi chở tôi đi tìm trường Phụng hiệp. Đến nơi, thấy tấm bảng nêu rõ ràng “Trường Tiểu học Phụng-hiệp” tôi mới an tâm, biết rằng mình không bị lạc đường. Tôi nhờ bác xe lôi mang cái rương của tôi để ở hành lang trường và vào trình diện ông Hiệu trưởng. Đi đâu tôi cũng đem theo cái rương vì lúc bấy giờ toàn bộ tài sản của tôi ở trong đó, bao gồm quần áo, giày dép, sách vở, mùng mền và cả bộ yết tường lộng kiếng, gồm bảy khuôn hình nặng trịch (bảng danh dự, thời khóa biểu, danh sách học sinh...). Vì vậy khi đến trình diện ở Ty Tiểu học Phong dinh và đến trường Phụng hiệp, cái rương luôn kề cận bên tôi. Gặp tôi, ông Hiệu trưởng vui mừng nói, “Tôi mong cô lắm vì cả tuần nay lớp Nhất B không có thầy cô, nên thầy lớp Nhất A phải dạy cùng một lúc hai lớp.”  Ông đưa tôi xuống lớp giới thiệu với học sinh, rồi ông cho tôi mấy cuốn sách để tham khảo dạy. Ông trấn an tôi, “Phụng hiệp là một quận tương đối an ninh, mới ra trường ít ai được về nơi mình mong muốn, tôi ở Ô môn mà phải về phục vụ ở đây đó cô!”  Ông nhìn tôi thấy tôi không có ý kiến gì, chỉ biết nói, “Dạ ... dạ ...” ông ôn tồn nói tiếp, “Cô tạm ở với cô Định, một cô giáo độc thân ra trường trước cô một năm. Nếu có gì trở ngại cô cho tôi biết sau.” Rồi ông nhờ chú lao công gọi xe chở tôi cùng cái rương đến nhà trọ, cách trường độ hai trăm mét.
Thời gian trôi ... tôi chu toàn nhiệm vụ với bao nỗi vui buồn lẫn lộn.
Gặp lại em Phong, hình ảnh lớp Nhất B như sống lại trong lòng tôi. Nhìn bản danh sách, đọc từng tên các em, tôi  nhớ rõ nét mặt ngây thơ của các em, nhớ mái trường xưa yêu dấu cùng những bạn đồng nghiệp thân mến, lòng tôi se thắt ... Thời gian qua thật nhanh, đúng là “Bóng câu qua cửa sổ.” Thoáng một cái là đã qua hơn nửa thế kỷ! Trường Phụng hiệp xưa kia chỉ có hai dãy lớp nằm song song, cách cái sân nhỏ. Trường nằm kế bên cơ quan quận và gần chợ. Học sinh là con của những người sống gần chợ và con của nông dân. Nhìn chung các em thuộc những gia đình không được khá giả cho lắm. Học sinh nam mặc quần đùi đen, áo sơ mi trắng. Học sinh nữ mặc quần đen áo bà ba trắng. Đa số các em không mang giày và đầu không nón, tóc các em hầu hết cháy nắng vàng hoe. Tuy các em còn nhỏ nhưng dáng vẻ trông như đã trải qua những ngày khó khăn, chật vật!  Phần đông các em “cuốc bộ” đến trường dù mưa hay nắng. Học sinh nào ở xa thì đi học bằng xe đạp, đôi khi còn chở em hoặc bạn cùng xóm. Có những em đi học bằng xuồng. Hầu hết các em chơn chất, thật thà rất dễ thương. Tôi đi dạy xa, chỉ những ngày Tết hay bãi trường tôi mới về nhà. Ở nơi đây, các em học-sinh là những người thân duy nhất của tôi. Đến lớp tôi luôn thấy vui như được gặp lại người trong gia-đình.
Ở thôn quê, các em ít có cơ hội tiến xa như học sinh ở thành thị, những ngày được ngồi ở ghế nhà trường là thời gian quí nhất của các em. Nghĩ như vậy, mặc dù mới ra trường, tôi chưa có kinh nghiệm dạy học, nhưng lúc nào tôi cũng cố gắng dạy dỗ các em, nhằm tạo cho các em có căn bản học tập. Tôi đặc biệt theo dõi các em học kém, kiểm soát chúng chặc chẽ hơn. Phần nhiều phụ huynh học sinh đầu tắt mặt tối lo kế sinh nhai, đâu có thì giờ săn sóc việc học các con. Học-sinh đến trường, trách-nhiệm giáo-dục con em là thầy cô giáo gánh vác hết.
Ngoài những em có cha mẹ khá giả, sống với điều kiện vật chất tốt, mấy em khác thật đáng thương, thiếu thốn mọi bề. Thầy cô giáo dạy ở đây, thỉnh thoảng nhín chút ít tiền lương để các em có vài cuốn tập, viết, sách, lắm lúc tặng vài khúc vải để học sinh mình ăn mặc lành lặn hơn.
Tôi nhận thấy các em đều tỏ lòng kính mến tôi. Ngoài giờ học, dù các em đi cách xa tôi vài mươi mét, gặp tôi các em cũng đến gần, khoanh tay kính cẩn, “Thưa cô.” Lắm lúc có em đi phía sau lưng, tôi không hề thấy, em cũng, “Thưa cô.” Ngó lại thấy em, tôi mỉm cười chào lại hoặc nói với em vài lời. Tôi thấy em vui hẳn lên vì dường như ngoài giờ học các em cũng thích gặp tôi. Tôi có một kỷ niệm khó quên như sau:
Một ngày nọ, nhân ngày nghỉ cô giáo Định rủ tôi cùng đi chợ mua những thứ cần thiết. Khi đến chợ, thấy bún riêu có vẻ ngon quá, chị bạn đề nghị:
“Mình ăn bún riêu đi!”
 Tôi ngần ngại nói:
 “Ăn uống ngoài chợ kỳ lắm bạn à!”
 Chị bạn vừa kéo tay tôi  bảo tôi ngồi xuống ghế vừa nói:
 “Không sao đâu, có tôi cùng ăn nữa mà. Ở đây bún riêu còn nóng ngon lắm.”                                           
Chìu bạn, tôi ngồi xuống. Bà chủ vừa trao hai tô bún cho chúng tôi, chưa kịp ăn miếng nào, thình-lình tôi nghe giọng nói quen thuộc của học trò tôi, “Thưa cô.” Tôi xoay mặt lại, gật đầu, cười chào em nhưng trong lòng rất thẹn thùng. Chúng tôi  chưa ăn xong thì có tiếng em khác “Thưa cô.” ở sau lưng lần thứ hai. Từ đấy về sau chúng tôi không bao giờ dám ăn quà ở chợ nữa.
Thỉnh-thoảng tôi có quà “cây nhà lá vườn” của mấy em học-sinh như vài chùm mận Hồng đào tươi rói, mấy trái ổi xá-lị thật to, một nải chuối sứ mập ù ... Ngày nọ có em đem cho tôi một rổ nhỏ gồm mười trứng gà, em cẩn thận để trấu vào rổ để giữ hột gà không bể. Tôi rất ngại nhận quà của các em. Một chục hột gà đối với những người ở nông thôn là một món quà quí. Tôi cương quyết từ chối. Không nhận thì các em không về, ngồi nài nĩ mãi, buộc lòng tôi phải nhận một ít em mới chịu về.
Thời gian trôi nhanh, rồi tôi rời xa quê hương ...
Cuối năm 2011  tôi về Việt nam, có dịp đi cùng với mấy đứa cháu đến Bạc liêu. Trên đường về, tôi yêu cầu chú tài xế ghé Phụng hiệp để tôi thăm trường xưa và tìm lại thầy cô giáo cũ. Tôi biết bạn đồng-nghiệp của tôi đã về hưu từ lâu nhưng tôi nghĩ có thể ở trường sẽ có một vài tin tức về họ.
Trường bây giờ đã thay đổi hẳn, rất to, có lầu, gồm bốn dãy và tên trường là “Trường Tiểu học Hùng Vương”. Hiệu trưởng và nhân viên trong trường hoàn toàn xa lạ với tôi. Họ không biết một tí gì về các thầy cô giáo cũ ngày xưa. Tôi muốn xin coi danh sách giáo viên của trường để tìm xem có tên em học trò cũ nào của tôi, có thể vài em là giáo viên của trường. Rồi tôi sực nhớ tuổi về hưu ở Việt nam chỉ năm mươi lăm mà học trò của tôi đều trên sáu mươi tuổi hết rồi, đều ngoài tuổi hưu. Tôi xin phép xuống lớp để hỏi cầu may một vài cô giáo về các bạncủa tôi. Đi lang thang trên hành lang trường, tôi thấy mình lạc lõng, lòng buồn rười rượi. Cuối cùng không ai biết về những giáo viên tôi muốn tìm. Tôi thất vọng ra xe.Trên đường về, cháu tôi là Phan thành Thái xúc động, làm tặng tôi mấy câu thơ như sau:
“Năm mươi ba năm, ghé lại trường,
Phụng hiệp lòng tôi gợi nhớ thương.
Nhớ lúc xưa về trường mấy lớp,
Hôm nay bốn dãy ngó ra đường.
Hai năm truyền thụ nguồn tri thức,
Ngày tháng yêu nghề mặc gió sương.
Chân bước quanh thềm tìm kỷ-niệm,
Bạn, trò nào thấy, thấy Hùng Vương.”

Ngày xưa chúng tôi có dịp đến nhà ông Hiệu trưởng để dự đám tang người ccủa ông. Nhà ông cũng dễ nhớ vì ở gần cuối đường hẽm, ngang chợ Ô môn. Tôi nghĩ nếu đến thăm, ông sẽ cho tôi biết tin tức về các bạn đồng nghiệp của tôi. Chú tài xế cho xe đậu ở góc chợ, tôi và đứa cháu gái đi bộ vào con hẽm. Nhà cửa bây giờ san sát, trông thật lạ. Đến gần cuối đường hẽm, may quá tôi gặp nhà ông. Ngôi nhà ngói xưa cổ kính có vẻ xuống cấp nhiều, mái ngói đã rêu phong,  nằm giữa vườn cây ăn trái. Thấy nhà đóng cửa và cảnh vật có vẻ hoang tàn, hầu như không có người ở, lá cây rụng đầy sân. Hàng rào dâm bụt trước cửa không được cắt xén nhưng vẫn còn trổ hoa đỏ rực. Bất chợt tôi nhớ đến mấy câu thơ cúa cụ Nguyễn Du:
“ Đầy vườn cỏ mọc, lau thưa,
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời;
Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.”

Nhìn mãi tôi không thấy bóng dáng người nào, tôi hỏi thăm nhà bên cạnh. Bà lão cho biết, “Cô đến trễ quá, ông Hiệu trưởng Hồng đã mất mấy tháng trước, vợ ông đã theo con ở xa, vài tháng mới về một lần. Nghe bà cụ nói, nền đất dưới chân tôi dường như chao đảo, trời đất như tối sầm lại. Tôi đã hy vọng rất nhiều về cuộc gặp gỡ ngày hôm nay, tưởng tượng ông sẽ mừng biết bao khi gặp lại tôi sau nửa thế kỷ xa cách. Nỗi vui khi tìm được nhà ông chưa trọn trong lòng, trong khoảnh khắc nỗi buồn lại xâm chiếm tim tôi. Khi tôi mới đến trường, ông đã giúp đỡ tôi rất nhiều và các bạn đồng nghiệp đối với tôi thật chân thành, tốt bụng. Tôi còn nhớ rõ, khi tôi và chị Định được Sự vụ lệnh đi gác thi ở trường Phan Thanh Giản Cần thơ, thầy An sẵn lòng mời chúng tôi ở tạm nhà thầy mấy bữa (Nhà thầy ở tại tỉnh lỵ và thầy đi dạy ở Phụng-hiệp.) Thầy không cho chúng tôi đi dùng cơm ở ngoài, vợ thầy vừa đẹp người vừa đẹp nết, bà nấu ăn rất ngon. Buổi chiều vợ chồng thầy lại mời chúng tôi đi dùng cơm với gia-đình ở Bến Ninh-Kiều. Thầy nó, Ban đêm bến Ninh Kiều đẹp lộng lẫy!” Thật vậy, ban đêm có rất nhiều du khách đến đây, những cửa hàng, đèn đuốc sáng choang, những nhà hàng nổi trên sông đông nghẹt thực khách, đèn màu giăng ngang giăng dọc trông đẹp mắt. Nhờ dịp nầy chúng tôi mới biết bến Ninh Kiều. Khi đi công tác ở Khu trù mật Vị thanh, những công việc nặng nhọc quí thầy làm giùm tất cả. Tôi không sao quên được những buổi họp mặt thật vui ở trường, quí thầy lo trang hoàng phòng tiệc, quí cô lo xúm xít nấu ăn thật vui với tiếng cười rộn rã. Ông Hiệu trưởng mất, coi như tôi không còn hy vọng tìm lại được những bạn đồng nghiệp khi xưa. Thật đáng tiếc!

Tôi đi dạy học ở một nơi không được như ý muốn, bù lại tôi đã gặp những bạn đồng nghiệp tốt và có những em học sinh thật dễ thương, ngoan ngoãn, sống có tình, có nghĩa. Đó là một nguồn an ủi lớn lao cho đời giáo chức của chúng tôi.


cgc Hồ Thị Đậm

1 nhận xét:

  1. Bài viết của cô Hồ Thị Đậm rất sâu lắng, tạo cảm xúc manh,cho những ai đã từng đứng trên bục giảng, thập niên 50-60.Tôi cho rằng, bài này thể hiện hai nét đặc trưng: 1-Bản chất tốt đẹp của người Thầy....2- Sư " Tôn sư trọng đạo" của học trò....Đây là thành quả của nền giáo dục Dân tộc- Nhân bản- Khai phóng của VNCH. Rât đau buồn cho Đât nước- Dân tộc,, tài sản vô giá đã mất...Cô Đậm còn giử được đến ngày nay, quí lắm thay,,,,,!!

    Trả lờiXóa