17 thg 4, 2025

CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN Kỳ 15/4/2025 - Ngộ Không Phí Ngoc Hùng

 Chùa Keo-Thái Bình


 Chữ nghĩa làng văn 


***


Chuyện chính tả


Đa số trường hợp sai chính tả liên quan đến cách phát âm địa phương, như giồng giọt – trồng trọtcon giai – con trai.


Tuy thế, vấn đề không đơn giản. Chẳng hạn, chính phủ được coi là chuẩn, còn chánh phủ là địa phương nhưng cả nước đều nói và viết chánh văn phòngchánh thanh tra, chứ không ai viết chính văn phòngchính thanh tra


(Hoàng Dũng)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ


Ăn quả nhớ kẻ mang về


Chữ là nghĩa 


Những vay mượn lạ lùng chắc không bao giờ giải đáp được, nếu không nói rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, chẳng hạn về màu sắc, ta co đủ cả, đỏ, đen, xanh, trắng nhưng lại không có m vàng. Quan-thoại nói Wàng, Quảng-đông nói Woòng thì Vàng chắc chắn do đó mà ra.

Không lẽ trên lãnh thổ Giao-chỉ vào thời ấy, củ nghệ lại chưa mọc, mà hễ có nghệ thì dân phải biết màu vàng.


(Gương mặt dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt – Bình Nguyên Lộc)

Một số từ hay bị dùng sai trong tiếng Việt


Ngày nay, người ta thường dùng từ cảm giác thay cho từ cảm nghĩ. Thí dụ: ‘Với tình hình nầy, anh có cảm giác thế nào?”. 


Thực là sai một cách trầm trọng. Cảm giác 感覺: Đó là sự nhận biết của cơ thể do ngoại giới tác động vào các giác quan của cơ thể. Thí dụ: “Gió về khuya gây cảm giác”. 


(khuyết danh)


Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca


Mắt dài, mày ngắn: bất bình
Mày dài, mắt ngắn: đệ huynh vẹn toàn

Tướng mặt


Mặt là bộ phận được nghiên cứu nhiều nhất trong nhân tướng học phương Đông. Chỉ cần nhìn qua người đối diện, bạn có thể biết cá tính, vận mệnh cả đời của người đó.


Khuôn mặt chữ Thân (申) :

Chữ Thân trên dưới nhỏ, ở giữa lớn, nên theo đó khuôn mặt dài, trán nở phần gần chân mày nhưng hẹp ở đỉnh đầu, cằm dài. Tướng này tuổi nhỏ gặp nhiều vất vả, có cha mẹ cũng không được nhờ cậy, phần lớn đa thọ nhưng về già cô độc.


Một số sai lầm khi dùng từ Hán-Việt


Sai lầm vì dùng từ Hán và Nôm trùng hợp.

Không nói “giàu sang phú quý” nên nói “giàu sang” hay “phú quý”..


(Lưu Khôn)


Nhất Linh và Văn Hóa Ngày Nay 


Cảm nhận này không chỉ ở phía đa số độc giả mà ở ngay cả những người trong nhà, lại là những người cũng đã trở thành nhà văn sau này. 


Tôi muốn nói đến hai nhà văn Thế Uyên và Duy Lam, những người có họ hàng ruột thịt với Nhất Linh và cũng đã tiếp cận với ông khi VHNN đang được chuẩn bị ra số đầu. Duy Lam thực sự là một cây bút chủ lực của VHNH, nhưng Thế Uyên thì lại không thấy xuất hiện bài nào. Trong cuốn “Những Ý Nghĩ Của Bọt Biển”, nhà văn Thế Uyên đã thuật lại rằng khi chủ trương ra tờ Văn Hóa Ngày Nay, Nhất Linh đã nói với ông rằng : “ Cháu viết được nhưng kiểm duyệt không cho đăng đâu.”

 

Khi Văn hóa ngày nay đã ra được vài số, cả Duy Lam lẫn Thế Uyên cũng đều có cảm nhận giống như tôi đã trình bầy ở trên. Trong tập “Chân Dung Nhất Linh” do tạp chí Văn ấn hành, Thế Uyên đã viết trong bài “Người Bác’  như sau:

“Cả hai đứa đều không chịu nổi những bài khảo luận linh tinh, những bức thư Nhất Linh viết trả lời độc giả. Đọc loạt bài này đôi khi thấy cũ kỹ và lẩm cẩm. Về văn, tuy vẫn phục nghệ thuật phân tích tâm lý, nghệ thuật trình bày nhân vật, nhưng tôi đã cảm thấy Nhất Linh không còn là nhà văn của thế hệ trẻ. Trường giang tiểu thuyết Xóm Cầu Mới có những nhân vật đặt trong một không gian thật xa cách.” Điều này hầu như cũng là nguyên do khiến cho chỉ sau vài số, số lượng báo VHNN bán ra đã sút giảm dần.

 

(Nhật Tiến)


Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả


“xương: xương quai sanh”. (Gs Nguyễn Văn Khang)


Viết “xương quai xanh” mới đúng. Vì “xương quai xanh” (xương đòn) là cách gọi xương theo hình dáng quai của cái xanh.


(Hòang Tuấn Công)


Tchya Đái Đức Tuấn


Đến dầu năm 1946, tại Thanh Hóa có cuộc xung đột quốc cộng xảy ra dữ dội. Nhiều vụ đổ máu diễn ra từ đồn điền Di Linh đến khách sạn Tứ Dân là bản doanh chính của nhóm lãnh đạo phong trào bài Cộng. TchyA vẫn đi đi về về am Mai Nguyệt. Nghe phong thanh, bọn Vẹm đến đốt am, khiêng ông đạo về giam ở ngục. Không biết ông đạo thuyết pháp thế nào mà được tha. Thế là ông tếch luôn về Tứ Dân, võ trang bằng dây lưng da thắt vòng ra ngoài áo the dài. Sau vì vốn chữ Hán đủ để bút đàm với Tàu, anh nghiễm nhiên đóng vai cố vấn ban chỉ huy, từ đó mặc quân phục màu cứt ngựa, mũ lưỡi trai, giầy ủng, bên hông có khẩu súng buông thõng cái giây tua. Đến khi quân Tàu rút lui, anh cũng rút theo... sang đến tận Côn Minh.


Khoảng năm 1952, tôi nhận dược giấy gọi của sở Mật thám Pháp, đến nơi được biết có ông Đái Đức Tuấn ở Côn Minh gửi đơn xin về Hà Nội, cậy tôi đứng bảo lãnh. Tôi vui vẻ ký nhận, thì ít bữa sau tái ngộ với TchyA đầu tóc bồng bềnh. Ở chơi vài hôm rồi anh lên phố Hàng Bún, ở với Đỗ Văn bấy giờ làm giám đốc Thông tin. Vài tháng sau, anh vào Huế do lời mời của thủ hiến Phan Văn Giáo vốn là bạn thân khi trước ở Thanh Hóa và ông này cử anh với anh Đàm Quang Thiện làm đại úy ngành chiến tranh tâm lý.


Ở đây, anh tìm xuống trọ trong một con đò sông Hương, cùng với họ Đàm. Tôi có gửi mấy câu họa một bài chữ Hán của anh:

Nghe anh trở lại đất kinh kỳ

Lấy bút làm gươm rạch thị phi

Mây nước bao la còn nhớ hẹn

Cỏ cây xơ xác ngẫm càng bi

Nửa đầu sương tuyết ngô hoàn ngã

Một mái giang sơn khách thị thùy

Sóng rộn lòng Hương thuyền mấy lá

Cầm ngang ngọn dáo vẫn ngâm thi...


(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc - Nhớ nơi kỳ ngộ)


Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả


 “chiêu: chiêu mộ → không viết: triêu”. (Gs Nguyễn Văn Khang)


Không ít người lầm tưởng chỉ có “chiêu mộ”, không có “triêu mộ”. Ví dụ “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân) giảng: “chiêu mộ nghĩa sáng và chiều”; “chiêu mộ là tuyển người làm một việc gì”. Sự thực, ngoài “chiêu mộ” 招募 (tuyển mộ), còn có “triêu mộ” 朝暮 (sớm chiều), như “tiếng chuông triêu mộ”..


(Hòang Tuấn Công)


Gặp gỡ người làm văn học miền Bắc - 1


T.K.: Anh nghĩ như thế nhưng vẫn còn nhiều người nghĩ ngược lại anh, tại sao vậy? Và anh có lập luận nào để bảo vệ ý kiến anh?

V.T.N.: Sở dĩ đôi lúc người ta khó công nhận Văn học miền Nam là hình như họ nghĩ như thế này: tức là nếu công nhận Văn học miền Nam thì [Văn học] miền Bắc coi như là thua, là kém, là không ra gì cả, thậm chí là hỏng, là vứt đi. Cách nghĩ "chỉ có một [nền văn học] thôi" là không phải, vì như vậy sẽ gây ra nhiều rắc rối trong việc tiếp cận nhau. Phải nói chúng ta có cả hai [nền văn học], và hai bên bổ sung cho nhau.


Tôi nghĩ độ một trăm năm sau, nhìn lại xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, muốn hiểu con người sống như thế nào thì cần phải đọc cả hai. Nền văn học miền Bắc, tôi tạm gọi là văn học của chiến công, nền văn học lôi cuốn người ta đi vào cuộc chiến tranh. 


Còn muốn đi tìm những trang diễn tả tình cảnh con người trong chiến tranh thì tôi khuyên họ hãy tìm đến phần văn học miền Nam. Đọc từ Võ Phiến, Mai Thảo, Y Uyên, Nhật Tiến, Thế Uyên… qua những tác phẩm của Nhã Ca, của Phan Nhật Nam, hay những bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn, chỗ nào tôi cũng thấy chiến tranh, xa gần đều có dây dưa tới chiến tranh. Nếu chúng ta có mảng văn học chức năng, động viên thôi thúc con người hành động, ví dụ như Bình Ngô Đại Cáo hay thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, thì Văn học miền Bắc nối truyền thống đó rất rõ. 


Ngược lại, nếu đi tìm cái mạch nối tiếp truyền thống của Nguyễn Du, của Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, của Hồ Xuân Hương, Tú Xương,-- tức là tìm tới thứ văn học thiên về những đau khổ của con người, cả tình thế bi thương, đau đớn, cả sự bơ vơ, bất lực, trong đời sống này không biết tìm ra lối nào để đi đích nào để hướng tới -- thì tôi thấy ở Văn học miền Nam rõ hơn đầy đủ hơn.


(Nói chuyện với nhà phê bình Vương Trí Nhàn – Thụy Khuê)


Gặp gỡ nhà văn miền Nam


TNT: Ngoài những quan hệ có tính cách cá nhân như thế ông có thường đọc các tác phẩm văn học bằng tiếng Việt ở nước ngoài không? Nếu thường thường như thế nào? 

NTT: Nói chung thì không ai đọc được hết sách văn học trong nước cũng như hải ngoại. Trước 1975 khi còn phân biệt ta - địch giữa hai chế độ tôi cũng đã đọc được một số sách ở Sài Gòn. 

Lúc đó tôi (Nguyễn Trọng Tạo) thích thơ Nhã Ca, Nguyên Sa, Nguyễn Bắc Sơn, Thanh Tâm Tuyền (người có câu thơ thật ngộ: Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ)... Tôi cũng nhớ một số câu thơ của ai đó trong một tập thơ không còn nguyên vẹn: "Anh đi ném bom xé nát trăm miền/ Rồi về dưới đó mua chùm hoa nhân tạo/ Sáng mùng một Tết tặng em" - "Bấm vào đầu thấy đau/ Bấm vào chân thấy đau/ Da thịt còn đau dấu hiệu sống còn" "Nếu không có con/ Biết lấy ai làm chứng cho ba đã có mặt trong đời"... Một người lính ở "phía bên kia" đã viết như thế. Rất người. Và tôi nghĩ văn chương đích thực sẽ vượt qua thành kiến và thù hận vượt qua biên giới để tìm đến chia sẻ với đồng loại. Bây giờ tôi đọc "Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển" hay "Sóng từ trường"... 


Thụy Khê là một nhà bình luận văn chương sắc sảo chấp nhận những góc cạnh của tài năng lại có một giọng nói rất sang và quyến rũ trên đài RFI. Chị đã nêu được nhiều vấn đề văn học trong nước và hải ngoại khiến không khí văn chương trở nên cập nhật. Tôi chú ý thơ tân hình thức nhưng nhiều bài thơ đã làm tôi buồn cười hơn là thích thú. Tôi nghĩ nếu trong hồn người viết không có thơ thì dù có bày trò giỏi mấy cũng chỉ dựng lên được những xác chữ mà thôi.


(30 năm: khỏang cách dấu hỏi - Nguyễn Trọng Tạo)


Gặp gỡ người làm văn học miền Bắc - 2


T.K.: Qua những dịp nói chuyện với anh, tôi biết là anh đã đọc khá nhiều văn học miền Nam từ lâu rồi. Nhưng hình như trước đây anh ngại phát biểu về vấn đề này. Ngày nay, anh sẵn sàng trở lại vấn đề này một cách công khai. Vì sao như vậy, chắc ở đây phải có một lý do sâu xa?

V.T.N.: Đúng là thời gian gần đây, tôi cảm thấy không thể im lặng mãi mà cần nói nên nói. Sở dĩ lý do rất đơn giản, cái chính là đời sống trong nước gần đây có nhiều khó khăn, không phải chỉ là vấn đề kinh tế mà còn nhiều mặt khác trong đời sống tinh thần. 


Với tư cách là một người viết văn, điều làm tôi đau lòng nhất là nhìn thấy con người hiện nay, có cái gì đó như là suy thoái, tha hóa, tầm thường đi, trở nên hung hãn càn rỡ hơn, chỉ biết chiều theo những bản năng thấp, ham hưởng thụ và mệt mỏi, chán ngán, làm bậy. Tôi thấy chúng tôi những người viết văn có lỗi trong chuyện này và trước mắt phải nhận lấy trách nhiệm suy nghĩ và lý giải vấn đề này. Trong quá trình tự lý giải cho mình, tôi đi tới ý tưởng là con người hôm nay là hệ quả của chiến tranh. Nghĩ gì thì nghĩ, xã hội Việt Nam hôm nay là xã hội hậu chiến. Có người bảo 30 năm đã qua, mọi sự thay đổi rồi; nhưng theo tôi, thực sự xã hội Việt Nam vẫn còn đang phát triển theo quy luật của chiến tranh và nếu chúng ta không trở lại tìm hiểu cuộc chiến tranh, không nói rõ ra những đặc điểm của con người hậu chiến, thì không thể hiểu được đời sống trước mắt không thể gọi ra căn bệnh của con người hiện nay và cũng không thể góp phần chạy chữa và giúp con người sống tốt hơn được. 


Trong khi suy nghĩ về các vấn đề trước mắt, tôi tìm thấy nhiều gợi ý, đồng cảm ở Văn học miền Nam, cái phần mà tôi đã biết, đã đọc từ trước. Nó giúp tôi hiểu cả hai miền trong chiến tranh. Nó lại là cái sơ sở để cắt nghĩa tình hình hôm nay. Trong tài liệu nghiên cứu, các sách văn học sử dạy ở nhà trường, chỉ thấy có Văn học miền Bắc là tồn tại thôi, còn Văn học miền Nam thì bị lờ đi coi như không có. Cùng lắm viết mấy câu qua loa vẻ chiếu cố và nặng về phê phán. Nhưng sự thực là trong thời gian 45-75, rõ ràng chúng ta có hai nền văn học cùng tồn tại, hai nền văn học đó bổ sung cho nhau, mỗi bên có giá trị riêng và giá trị đó không thể bỏ được.


(Nói chuyện với nhà phê bình Vương Trí Nhàn – Thụy Khuê)


Gặp gỡ người làm văn học miền Nam


Những thiếu sót, sai lầm có chủ đích:

Trong phần về giáo sư Nguyễn Văn Trung (tập 4, trang 7-54), mở đầu Chương 8-Các Văn Gia Hiện Đại, Nguyễn Q. Thắng ghi rằng giáo sư Trung còn có bút hiệu Nguyễn Nam Châu. 

Thực ra, Nguyễn Nam Châu (bút danh Hoài Kim Yến) là một giáo sư đại học Huế những năm cuối thập niên 1950, viết nhiều bài trên tạp chí Đại Học và là tác giả những cuốn Sứ mệnh văn nghệ và Những nhà văn hóa mới (1958). Sau này ông Nguyễn Nam Châu trở về Bỉ làm giáo sư đại học và không lâu trước khi mất đã xuất bản một tập sách nhìn lại chủ nghĩa Marx. 

Nguyễn Q. Thắng còn ghi thời trước 1975, giáo sư Nguyễn Văn Trung sinh hoạt trong một số lực lượng, hội đoàn “dưới sự chỉ đạo trực tiếp, có lúc gián tiếp của lực lượng cách mạng nội thành” mà không dẫn chứng bằng cớ, dễ khiến hiểu lầm và trong trường hợp này sai lầm rất nghiêm trọng. 


Những đánh giá và xếp loại vô nghĩa, lỗi thời:

Đây là trường hợp các nhà văn nữ miền Nam thời ấy Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, kể cả Nhã Ca, đều bị Nguyễn Q. Thắng gán cho nhãn hiệu “vô sỉ’. Theo ông, các nhà văn này mà ông gộp chung là “những người cùng nhóm là một thứ “vô sỉ’ (cynique) trong văn chương. Nghĩa là họ đem những cái không đáng phô trương ra quảng diễn không chút e dè (Nguyễn Thị Thụy Vũ tr.455, Trùng Dương tr.872, v…v…”. 


Nguyễn Q. Thắng thêm rằng Nguyễn Thị Thụy Vũ làm công việc này “khá nhiệt tình trên từng trang văn”, còn tác phẩm nhà văn Trùng Dương “đều được dựng nên bởi nhân sinh quan và thế giới quan một cách “hiện sinh”, buông xả và gần như vô sỉ” (tr. 872, 873). Nặng nề nhất là với nhà văn Túy Hồng mà Nguyễn Q. Thắng cho rằng cùng với các nhà văn nữ kia “từng gây nên hiện tượng văn học có tính nhục cảm dồn nén thể xác của các cô gái lỡ thì… (một cách) tiêu biểu nhất” (tr. 538). Đây là thứ ngôn ngữ của Vũ Hạnh và Tin Văn (do Nguyễn Ngọc Lương, Trần Bạch Đằng chi phối, điều khiển)!


(Văn học miền Nam qua “Văn học sử” – Nguyễn Vy Khanh)


Tôi (Trùng Dương) (*) tò mò tìm tên các bạn gái viết văn của mình hồi ấy thì thấy Nguyễn thị Thụy Vũ được khoác cho cái nhãn “nhà văn nữ giầu tình dục”, Túy Hồng “nữ văn sĩ giầu tính nhục cảm”, Nguyễn thị Hoàng “nhà văn trẻ của tình lụy”, Thu Vân (?) “nhà văn dùng tính dục để giải quyết vấn đề”, và cá nhân tôi, Trùng Dương “nhà văn hiện thực buông xả(chữ nghiêng là của tôi, vì tôi không hiểu chữ “xả” đi với “buông” có nghĩa gì). Cuối cùng ông in lại nguyên truyện ngắn “Mưa Không Ướt Đất” của tôi, với lời giới thiệu: “Sau đây là truyện ngắn mang hơi hám tác giả” (chữ nghiêng là của tôi, vì tôi vẫn nghĩ là phải là “hơi hướm” hay “hơi hướng” mới đúng, chứ chữ “hơi hám” làm tôi có cảm tưởng mình... lâu ngày không tắm!) Dầu sao, tôi chỉ bàn… loạn cho vui.

(Văn học miền Nam tìm ở đâu? – Trùng Dương)


(*) Trùng Dương, tên khai sinh Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 

tại Sơn Tây, hồi nhỏ sống ở Hải Phòng rồi di cư và lớn lên tại miền Nam từ 1954. Học trung học ở trường Gia Long, tiếp

đến theo phân khoa Kiến Trúc năm 1964 một thời gian, sau qua 

Văn Khoa. Bà nguyên là chủ nhiệm, chủ bút nhật báo Sóng Thần 

(Sài Gòn, 1971-75), và là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài: Vừa đi vừa ngước nhìn (1966), Mưa không ướt đất (1967)

Các con tôi đã về (1978) ghi lại những ngày cuối cùng ở Sài Gòn vào mùa xuân 1975.


Một phần tuổi thơ...- 1


Có tiền thì mua dế, không tiền thì sau khi tan học về nhà cơm nước xong, ước chừng 2-3 giờ chiều là cả đám ơi ới rủ nhau lên đám ruộng phía trước hãng sơn Huê Phát để bắt dế. Bắt dế cực hơn bắt cá lia thia nhiều. Đi lom khom, rón rén, nhẹ nhàng mắt thì chăm chú nhìn xuống khe nức của đám ruộng xem có dế hay không. Tai thì lắng nghe xem chỗ nào có tiếng dế gáy te te. Khi phát hiện thì lấy cây chèn khe nức rồi lấy dao phay đào đất ruộng để bắt. Dế bắt khoẻ và dễ nhất là đến những chỗ mà người ta chất lá dừa nước lợp nhà. Lá cũ còn nhiều dế hơn chỗ chất lá mới, mỗi khi mưa xuống xong trời về chiều, mát mẻ, nước mưa còn đọng trên tàu lá, cứ lấy tay bươi giở tàu lá lên là chụp . 

Hay khoảng đến tháng 10, khoảng 8 giờ tối đèn đường sáng trưng cũng có dế, không biết từ đâu ra, nhiều khi cả đám tụi tôi bắt được mỗi đứa 5-7 con là chuyện bình thường.


Dế hồi đó tụi tôi nuôi trong nồi nhôm nấu đồ ăn. Thùng carton đựng bánh tây, có khi nghe mấy anh lớn tuổi bày vẽ nên lấy đất sét nặn ra làm hầm, làm nhà cho dế ở, lén lấy hột đậu xanh bỏ vô chừng vài ngày là nó thành giá cho dế ăn, bằng không thì lên chợ lượm cải nồi vụn về bỏ vô nuôi dế.


(Trần Ngọc Hiếu)


Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca


Con lợn mắt trắng thì nuôi
Những người mắt trắng đánh rồi đuổi đi

Một phần tuổi thơ...- 2


Dế mà muốn đá thì phải lấy tóc xỏ vô chân dế. Còn mình thì tay quay miệng thì thổi phù phù chừng vài ba phút xong mới thả xuống không đá thì bắt lên quay lại. Xong lấy cây chưn nhang có gắn một cái đầu dế se se chọc cho 2 con dế xáp vô đá. Con nào bỏ chạy thì gọi là ê càng. Con nào rót không chịu đá thì gọi là chịch. Sớm muộn gì cũng bị ngắt đầu xỏ vô cây nhang làm đồ ráy. Mà phải lấy tóc con trai mới được. Tóc con gái thì con dế nó chịch đá không lại. Hồi đó nội tôi bắt tôi hớt tóc dài, nghĩa là hớt kéo chớ không cho thợ hớt tóc tôi bằng tông đơ như con nít trang lứa. Nên bị tụi nó nhổ tóc hoài luôn.


Con nít hồi đó thật thà và quá khờ khạo dễ tin. Nên bị người lớn chơi trác hoài. Cá mà muốn đá hay thì chế vô một chút nước sôi !!! Hay cá đá bị thương muốn mau lành thì bỏ vô chút chút muối bọt. Nước sôi, thì cá chín tía nó rồi. Còn lia thia sống vùng nước ngọt bỏ muối vô thành nước mặn khác môi trường…cá nào sống nổi? Rồi đá dế cũng vậy muốn dế sung thì khi cột tóc quay, ngậm rượu đế phun nó mới sung. Vậy mà cũng tin làm theo ngọt sớt ... 


Tuổi thơ con nít vùng ven đô Saigon của tụi tôi hồi xưa vậy đó.


(Trần Ngọc Hiếu)


Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ


Pháp chia 3 vùng đất Việt Nam là: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ

Tháng 3 năm 1945, thống sứ Nhật Nashimura đổi Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam thành Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ.


Chữ nghĩa làng văn


Lưu Trọng Lư – 2


Lại phải mời Hoài Thanh bào chữa cho ông thôi: Trong thơ Lư, ta hãy tin rằng tiếng ấy, màu kia chỉ có ở trong mộng. Mộng! Đó mới là quê hương của Lư. Thế giới thực của ta với bao nhiêu thanh sắc huy hoàng. Lư không nghe thấy gì đâu. Sống ở thế kỷ 20, ngày ngày nện gót trên các con đường Hà Nội mà người cứ mơ màng thấy mình gò ngựa ở những chốn xa xăm nào. 

Tương truyền khi viết bài thơ này, Lưu Trọng Lư đến thăm nhà một người bạn. Rồi nhân cớ thấy cái bình gốm cổ có vẽ con nai đứng giữa núi non. Lưu Trọng Lư bèn vịnh ngay bài thơ này. 

Thực chất, nếu chuyện đó là thật, thì con nai trên bình gốm chỉ là cái cớ rất nhỏ, là tiếng động rất nhỏ đánh thức con nai vàng và khu rừng vàng trong tâm hồn Lưu Trọng Lư thức dậy. Nhờ thế, thi ca Việt Nam đã có một kiệt tác thật hiếm có, ngỡ như đó là khúc nhạc huyền bí của thần linh, chứ quyết không phải là tiếng ca phàm tục của người đời...


(Chân dung và đối thoại - Trần Đăng Khoa)


“Thơ con cóc”: Một bài thơ hay 


Vâng, như một lời đồng điệu. Tôi mơ hồ cảm thấy bài ‘Thơ con cóc’ đã nói hộ giùm tôi bao nhiêu niềm u uẩn, cứ day dứt trong lòng. Những nỗi niềm ấy nhoi nhói đòi phát ngôn, đòi tìm tri âm mới sau khi đã giã từ những người bạn cũ, rất mực hiền lành, chỉ quen một điệu ‘ví dầu cầu ván đóng đinh’... ‘ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung’... Từ sự cảm nhận mơ hồ này, dần dần, tôi khám phá ra một điều, là, trái hẳn những định kiến quen thuộc của chúng ta lâu nay, bài ‘Thơ con cóc’ không chừng là một bài thơ hay. 


Mà đâu chỉ có một mình tôi nhận ra điều đó. Dường như, tự thâm tâm và một cách thiếu tự giác, rất nhiều, nếu không nói là hầu hết người Việt Nam đều công nhận như thế. 

Có hai chứng cứ: 

(i) một là, mọi người đều ghi khắc mãi bài thơ ấy vào trí nhớ; 

(ii) hai là, mọi người đều coi nó là điển hình của cái dở nói chung


Trong số những bài thơ khuyết danh, dễ không có bài thơ nào được nhiều người nhớ như bài ‘Thơ con cóc’. Ngay cả những người hoàn toàn hờ hững với thơ ca cũng thuộc lòng bài thơ ấy. Trong ngôn ngữ, chữ ‘Thơ con cóc’ được dùng để chỉ sự nôm na, cọc cạch cũng như chữ Hoạn Thư chỉ sự ghen tuông, chữ Thúc Sinh chỉ sự sợ vợ, chữ Tào Tháo chỉ sự gian hùng. 


Hai sự kiện này hoàn toàn mâu thuẫn với những lời lẽ bỉ thử chúng ta dành cho bài ‘Thơ con cóc’ vì lý do giản dị: một tác phẩm văn học đã trở thành điển hình và được mọi người, từ thế hệ này qua thế hệ khác, ghi nhớ thì không thể nào dở được. 

Hạng người đểu giả và đồi bại trong tình yêu bao giờ cũng nhan nhản trong cả cuộc đời lẫn văn chương ở mọi thời nhưng phải đợi đến ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du, trong vài câu, với vài nét chấm phá, mới thành một điển hình: Sở Khanh. Hạng người hợm mình và láu cá hẳn không hiếm trong xã hội Việt Nam, đặc biệt trong những buổi giao thời, được nhiều nhà văn quan tâm phản ánh, nhưng phải đợi đến ngòi bút sắc sảo của Vũ Trọng Phụng nó mới thành một điển hình: Xuân tóc đỏ. Khuôn mặt ‘hao hao như mặt lợn’, trên đó gắn cái mũi ‘vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành’, một đôi môi như ‘miếng thịt trâu xám ngoách’ phải nhờ Nam Cao mới trở thành một điển hình cho cái xấu nói chung, cái Xấu viết hoa: Thị Nở.


(Nguyễn Hưng Quốc)


Từ huyền sử đến sự thật - 1


Truyền thuyết Hồng Bàng

“Cứ theo tục truyền thì vua Ðế Minh, cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục. Sau Ðế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Ðế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.

Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Ðộng Ðình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Ðông giáp bể Nam Hải.

Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Ðộng Ðình Quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân lấy con gái vua Ðế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: ''Ta là dòng dõi Long-quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.'' 


(Trần Thị Vĩnh Tường)


Góp ý về cuộc tranh luận thơ con cóc 

  
Khi Nguyễn Hưng Quốc thách Đỗ Minh Tuấn phải chứng minh được rằng Thơ con cóc không phải là thơ, Đỗ Minh Tuấn đã vội lo "đây là một thách thức triết học nghiêm túc, nhưng lại là một vấn đề ngụy tạo". Những lo lắng của Đỗ Minh Tuấn thật sự không cần thiết vì ở đây cũng chẳng có vấn đề triết lý triết học gì cả. Chỉ có một lẽ dễ hiểu là xưa nay chưa ai định nghĩa được một cách chính xác Thơ là gì? Con cóc có nhẩy lên hỏi ông trời thì trời cũng chịu. Cũng như chưa ai định nghĩa được tình yêu, Thượng Đế, v.v... và người ta cũng không hi vọng Nguyễn Hưng Quốc hay Đỗ Minh Tuấn sẽ là những người đầu tiên định nghĩa được thi ca trên trái đất này. Vậy Thơ con cóc, bảo nó là thơ cũng được. Mà bảo không phải là thơ cũng xong.

Nhưng người ta có thể giải thích được Thơ con cóc hay hoặc dở dựa trên những tiêu chuẩn nghệ thuật, hoặc những phương pháp phân tích ngữ học. Điều cốt yếu là sự giải thích ấy có tính thuyết phục hay không, mà thôi.

Thơ con cóc vốn mang tiếng là dở. Tại sao? Tại vì những câu: Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi không mang một kiến trúc nghệ thuật nào cả: Vắng hình ảnh, không vang âm, không có khả năng biểu cảm, không có tính chất phức âm, đa nghĩa.
Điểm thứ nhì, nó cũng không "miêu tả" cho biết con cóc như thế nào: sần sùi hay nhẵn nhụi, mắt lồi hay mắt lõm, cẳng nghêu, chân trạc, chân kiềng? v.v... cho nên nó chưa thành văn.


Vậy chỉ còn mục đích thông tin: Nó cho biết có con cóc từ trong hang nhảy ra. Nhưng đây cũng lại là một thông tin dài dòng và không cần thiết về một con cóc đang nhảy, rồi nghỉ, rồi lại nhảy ... Một thông tin như vậy chỉ cần viết ngắn gọn: "Con cóc nhẩy từ hang ra ngoài" là đủ, vì phần còn lại "con cóc ngồi đó, con cóc nhẩy đi" là một thông tin thừa, vì ai cũng biết rõ là cóc không biết đi, không biết chạy, chỉ nhẩy cẫng, vì thế mà người ta gọi là nhẩy cóc. Thông tin này giống kiểu "nàng là phận gái ta là phận trai" của Nguyễn Đình Chiểu hoặc "15 phút trước khi chết, ông ấy còn sống" mà người Pháp gọi là vérité de La Palice: một thông tin ngây ngô vì ai cũng biết cả rồi.

(Thụy Khuê)


Từ huyền sử đến sự thật - 2


Truyền thuyết nơi người Việt hải ngoại

Ở Orange County, địa danh/tên tuổi của truyền thuyết được dùng đặt tên cho một số cơ sở: Trung Tâm Việt Ngữ Hồng Bàng, Hiệp Hội Di Sản Hùng Vương, Ðoàn Văn Nghệ Lạc Hồng, hoặc... tiệm ăn: Âu Lạc.

Thật sự, những người quan tâm tới truyền thuyết Hồng Bàng, tới lịch sử nói chung, không nhiều. Một số người còn tỏ vẻ coi thường, cho Hồng Bàng là chuyện vớ vẩn khó tin. Trái lại, một số bài viết/tác phẩm công phu/dài hơi, huyền thoại hóa thêm truyền thuyết đã sẵn mầu mờ ảo, khiến truyền thuyết/lịch sử dường như chỉ dành cho giới... cao cấp. Hậu quả, những buổi nói chuyện về tiểu phẩm/tác phẩm lịch sử chỉ lôi cuốn được một số người, đa số lớn tuổi, hoặc các cựu giáo chức sử/địa/ngôn ngữ. Con số thật khiêm nhường so với một buổi trình diễn ca nhạc. 


Do đó “về nguồn, di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, 4000 năm văn hiến...” được lập đi lập lại trong các bài bình luận/diễn văn đẫm ánh đèn sân khấu, cũng hiếm khi nêu rõ nguồn gì, di sản ấy là gì, bản sắc gì, giữ gìn thế nào, văn hiến tính từ hồi nào...


Ở giới trẻ, có lẽ sự hiểu biết về truyền thuyết bị hạn chế. Ngay các thày cô giáo dạy Việt Ngữ, cũng không có câu trả lời khi các em học sinh thắc mắc “đẻ một lần một trăm con, người đẻ ra trăm trứng...” Vô tri bất mộ, không biết tất không yêu. Tuy không nói ra, các em không tin tưởng vào truyền thuyết nữa. Cứ thế, nước chảy qua cầu.


(Trần Thị Vĩnh Tường)


Những ngôi chùa Bắc


Chùa Thầy


Trở lại chùa Thầy, ngôi chùa được mang tên dân gian là chùa Cả, gồm có ba tòa lộng lẫy: chùa Thượng, chùa Trung và chùa Hạ. Tòa kiến trúc nầy mang phong cách kiến trúc nghệ thuật của thế kỷ XVIII, nhưng vốn trước kia do vua Lý Thần Tông dựng lên mà sau nầy được tu bổ lại.

Trước chùa Cả có hồ, giữa hồ có nhà rối nước trong dịp hội lễ của những thời điểm khác nhau; tương truyền chính ngài Từ Đạo Hạnh đã sáng tạo ra trò múa rối truyền lại cho dân chúng sau nầy. Ông được thờ làm Thần tổ của múa rối nước ta.


Múa rối nước cũng là một thể điệu diễn xướng dân gian truyền thống vào những ngày đầu năm, thường được gọi là sân khấu nước. Những người xem thì đứng chung quanh bờ hồ. Giữa hồ có dựng lên thuỷ đình, có màng che là hậu trường của rối nước, nơi các nghệ nhân dấu mình điều khiển các con rối trên mặt nước, qua những bộ điều khiển đặt ngầm dưới nước. Trong thủy đình, còn có diễn viên hát theo những động tác của những con rối. Tất cả đều phù hợp với nhau, được tập luyện công phu.


Múa rối nước có từ lâu đời; theo Lĩnh Nam Chích Quái (Trần Thế Pháp) rối nước có từ đời Trần (1225). Để có rối nước, phải tạo hình những con rối khéo léo từng nhân vật, có "bộ điều khiển", thành thạo các động tác của rối. Nhiều trò diễn cần đến dăm bảy nghệ nhân; có khi con rối cách xa người điều khiển đến 7 mét. 

Những vùng có rối nước là phường rối Bình Phú, Chàng Sơn, Thạch Xá (huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây), phường rối nước Nam Chấn tỉnh Thái Bình.


(Kiêm Thêm)


Những ngôi chùa Bắc


Chùa Bút Tháp


Chùa Bút Tháp của làng Bút Tháp, phủ Thuận Thành, Bắc Ninh.

Chùa được dựng lên từ đời đầu  vua Trần Thánh Tông. Đây cũng chính là nơi tu hành và truyền đạo của nhà sư: Huyền Quang. Hoà thượng Huyền Quang đã từng là một danh  nho đương thời, đậu Trạng Nguyên từng làm quan chức Lại Bộ thượng thư đời Trần; nhưng sau đó tìm con đường tu hành để cứu nhân độ thế; ông trở thành một trong ba sư tổ của phái Trúc Lâm. 


Chùa được xây trên khu đất rộng ở lưng chừng của vùng  đồi núi  Bút Tháp. Từ ngoài có ba lối ra vào qua một tam quan rộng lớn. Sau cổng tam quan là một sân rộng, hai bên có những  bửu tháp to nhỏ khác nhau. Sau đó là gác chuông; trên có  lầu chuông nặng đến 300 kg. Tầng dưới của lầu chuông có thờ đức Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu. Tầng trên lầu thì thờ đức Đế Thích, được tạc trên đá xanh. 


Ở hai bên của tiền đường còn có 2 pho tượng: ông Thiện và ông Ác, tức là hai vị hộ pháp của chùa.. Kiến trúc chùa bằng gỗ lim khá kiên cố;  kế theo đó chính là thượng điện.

Điện xây trên nền cao, theo kiểu của Trung Hoa. Điện thờ nầy đã được xây dựng toàn bộ do ngài Chuyết Công trong thời gian mới đến trụ trì tại ngôi chùa nầy. Thành thử kiến trúc khác hẳn những mô thức  khác. Nóc  không nhọn mà tròn tương tự như những mô hình kiến  trúc  Nhật Bản thấy ở nhiều ngôi chùa và tháp đồng thời. Đây cũng là kiến trúc điển hình của thời đại Trần, dù  vay mượn nhưng vẫn còn mang tính chất cổ truyền Việt  Nam.  


(Kiêm Thêm)


Khoa trương trong ca dao của người Việt


Khoa trương gián tiếp

Là khoa trương có sử dụng các thủ pháp tu từ khác, chẳng hạn so sánh, ẩn dụ, nhân cách hóa, vật cách hóa v.v. . . ; còn được gọi là khoa trương “dung hợp”. Ví dụ:

Răng đen hạt nhót, chân đi cù nèo

Tóc rễ tre cô chải lược bồ cào
Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung

Trên đầu chấy rụng như sung
Rốn lồi quả quýt, má hồng trôn niêu.

(ẩn dụ)


Hay

Vợ con chưa có

Đêm nằm vò võ

Một xó giường không

Hỏi giường có bực mình không hỡi giường.

(nhân cách hóa)


(Nguyễn Ngọc Kiên)


Xe ôm Sài Gòn


(Xe Lambretta được quảng cáo 

trên báo Sài Gòn Mới 

xuân Giáp Ngọ năm 1954)


Tại một cơ quan của người Mỹ ở trung tâm Sài Gòn có một ông nhân viên tên là X. tuổi vào lứa 50, con đông nheo nhóc. Ông mua được một chiếc xe Lambretta dùng để đến sở làm mỗi ngày. Xe Lambretta hai thì, khỏe, yên thon dài nên ngồi rất thoải mái, thích hợp với vóc dáng cao ráo của ông. Đùng một cái, sở làm của ông thu hẹp ông X. phải nghỉ làm. Sau một thời gian chới với vì “bể nồi cơm”, ông trấn tĩnh lại rồi ráo riết nghĩ đến việc kiếm sống nuôi con. Trong thời gian nghe ngóng, ông X. vẫn thỉnh thoảng lui tới thăm chỗ làm cũ, gặp bạn bè người Mỹ đã cùng làm ở đó.


Một buổi chiều, ông X. được anh nhân viên Mỹ hỏi thăm về một snack-bar trên khu Kho 18 thuộc Q.4, gần cầu Tân Thuận. Hôm đó là cuối tuần và anh Mỹ này định nhờ ông cho quá giang xe đến đó để giải trí. Ông X. vui vẻ nhận lời.


(Phạm Công Luận - trích Sài Gòn, chuyện đời của phố, tập 3)


Tiểu sử : Phạm Công Luận, bút danh Phạm Lữ Ân. Sinh năm 1961 tại Sài Gòn. Quê nội Quảng Bình, hiện ở Phú Nhuận. 

Tác phẩm : Trên đường rong ruổi - Sài Gòn chuyện đời của phố 1, 2, 3 & 4


Văn hóa…cây cỏ


Trái ô môi


Trái ô môi dài, cong, màu da đen  , sần sùi, gút mắc, cứng như khúc cây, nhìn ngoài không hấp dẩn.  Khi ăn phải  vạt hai bên trái, chừa lại hai sống hai bên, đẩy nhẹ hai sống so le, gỡ ra từng miếng tròn đường kinh khoảng 20mm mà ăn. Ô môi có vị ngọt, có thể nấu chè ăn rất ngon. 


(Mai/Y Nguyên)


“Ba Tàu” huyễn sử 


Nếu ai có điều kiện gặp lại các sách vở báo chí của những thập niên đầu thế kỷ XX ắt sẽ thấy từ “khách trú” xuất hiện nhan nhản để gọi những người “khách” từ phương bắc đến “trú” trên đất nước mình.” Nhưng “khách trú” chỉ là cách của người Việt dùng từ Hán Việt. Người Tàu không nói thế. Họ gọi người ở trọ là: “ký cư giả” (寄居者), và người Việt “dịch” gọn là “khách trú.”.


Trong Chương 3 (Regionalism and the Six Dynasties - Chủ nghĩa địa phương và Lục triều) sách The Birth of Vietnam, tác giả, tiến sĩ Keith Weller Taylor, có nói đến các sojourners (chỉ di dân người Trung quốc) ở Giao Châu. Mà từ sojournerlà được tác giả dịch từ nguyên văn chữ Hán “kí cư giả”, Sojourner: ký cư giả: khách trú


Từ đây “khách trú” bị nói trệch thành “Các chú,” một từ hiền khô, chẳng có ngụ ý gì cả. Cũng chẳng hề mang nghĩa bà con chú bác anh em gì với ai.


(Thiếu Khanh)


Cáy và ba khía


Cả hai con vật này đều thuộc họ cua. Cáy thường phổ biến ở miền Bắc, càng to, chân nhiều lông, thường sống trong hang giữa các bờ mương, bờ ruộng. Có lẽ vì hơi thấy động một chút là cáy lại rúc vào hang nên người ta mới nói “nhát như cáy”. 


       


Con cáy miền Bắc


Còn ba khía là đặc sản của miền Tây miền Nam. Chúng sống được ở cả nước mặn và nước lợ. Tuy cách biệt về địa lý nhưng cả hai có sự liên hệ mật thiết trong tên gọi.

Trước hết, xin nói về “ba khía”. Nhiều người cho rằng sở dĩ gọi như vậy là do trên mai của loài này có ba cái khía, nhưng rõ ràng điều này không hoàn toàn đúng. Nhiều giống ba khía có hoạ tiết trên mai rất phức tạp, không đơn giản như cách giải nghĩa trên. 

Vậy hãy xem các nhà ngôn ngữ học nói sao về nguồn gốc của tên gọi này.


Đến những tiết mục dưới đây, tầm khảo tôi bị chữ nghĩa từ điển nhồi chữ như nhồi rơm nhồi rạ: Theo Tầm nguyên từ điển của tác giả Lê Ngọc Trụ thì “ba khía” bắt nguồn từ “bành kỳ”, tức “loại cua nhỏ”. Tra Hán Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh sẽ dễ dàng tìm ra “bành kỳ” được viết bởi hai chữ 蟛蜞 đọc theo tiếng Triều Châu là “bhê ki”, rất gần với “ba khía”. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của cũng giảng giải: “Con ba khía là loài cua nhỏ, người ta hay muối mặn, thổ sản Ba-thắc, Bảy-xàu”. Vùng Ba-thắc, Bảy-xàu vốn thuộc tỉnh Sóc Trăng, xưa có nhiều người Triều Châu sinh sống. Vậy việc kết luận “ba khía” bắt nguồn từ tiếng Triều Châu “bhê ki” là có cơ sở.


Có điều là trong từ điển Hán Nôm thì hai chữ “bành kỳ” (蟛蜞) được giảng là “con cáy”. Quả thực, chữ “kỳ” (蜞) đọc theo âm Quảng Đông là “kei” vốn là tiền thân của “cáy”. Như vậy, có thể kết luận “cáy” và “ba khía” đều là phiên âm của “bành kỳ”, nhưng một từ thì phiên theo tiếng Quảng Đông, còn từ kia phiên theo tiếng Triều Châu. (nguồn: LTN)


***

Người Ăng-lê gọi cáy là Fiddler crab tức Cua kéo đàn.

Tên Hán - Việt là Bành kỳ, càng có 3 màu: màu đỏ, vàng, trắng


     

Những truyện ngắn Việt Nam làm liên tưởng đến điện ảnh


Phim “Tuyết Trên Đỉnh Kilimanjaro” và truyện “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời” của nhà văn Mai Thảo 


Phim Tuyết Trên Đỉnh Kilimanjaro trên từng chiếu ở miền Nam Việt Nam trong những năm cuối của thập niên 1950 (phim thực hiện vào năm 1952 với các ngôi sao điện ảnh lúc bấy giờ là Gregory Peck, Susan Hayward và Ava Gardner). Phim này thực hiện rất sát với truyện ngắn cùng tên của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway(sáng tác năm 1938). 


Tác giả viết theo lối “Dòng Cảm Thức Đan Chen Khi Hồi Tưởng”, một điều cũng dễ thực hiện qua điện ảnh: cảnh này bắc qua cảnh khác khi nhớ lại dĩ vãng, không cần báo trước lúc đổi không gian-thời gian một khúc quanh khác trong cuộc đời nhân vật. Ví dụ đang lúc nhân vật nằm điều trị vết thương làm độc dưới chân núi cao ngất Kilimanjaro ở Phi Châu, ta đồng thời thấy cảnh hồi tưởng lúc nhân vật hệ lụy với những người nữ tại Paris, hoặc lúc đang dự trận chiến chống độc tài ở Tây Ban Nha. Đây là một trong những truyện ngắn danh tiếng của Hemingway, các nhà phê bình văn học tìm thấy qua truyện ngắn các chủ đề như về tình ái, về chiến tranh, về cái chết, về hư vô chủ nghĩa, về hiện sinh chủ nghĩa, về sự săn bắn, về cảnh vật hoang dã… 


Cả đến tiếng máy bay nghe được rồi mất hút khi nhân vật sắp chết và sau đó hồi sinh trong căn lều dưới chân núi Kilimanjaro, cũng có nhà phê bình nói về chủ đề sự cứu rỗi. Bí ẩn như lời phù chú, câu văn dưới đây được tác giả Hemingway đặt liền ngay dưới nhan đề và chỉ được nhắc lại ở đoạn cuối sau bao thăng trầm của đời nhân vật, từ đó đưa tới quyết định đi săn thú trong vùng núi xa xôi Kilimanjaro: “Sát với sườn phía Tây (của Kilimanjaro) có xác chết khô và đóng băng của một con beo. Không có lời giải thích nào về việc con beo tìm kiếm gì ở cao độ ấy”. Chính câu nói được lặp lại ấy, khi nhân vật thầm thì với hai cô gái điếm, và làm họ cũng không rõ nhân vật nói cái gì. Điều bí ẩn tại sao con beo vốn sinh sống dưới đồng cỏ bạt ngàn Phi Châu, tại sao nó từng có mặt trên sườn núi cao quanh năm tuyết phủ. 


(Trần Văn Nam)


Trên tuyến tàu xưa Gò Vấp-Sài Gòn


Xe bò trên đường Lê Lợi 

khoảng đầu thế kỷ 20


Thằng Cưng thỉnh thoảng theo ba nó lái xe bò ra đến Khăn Đen Suối Đờn - một khu xóm đối diện với trường Võ thị Sáu bây gìờ (Lê văn Duyệt cũ), thấy xe “lửa” đậu ở ga Xóm Gà cho người lên xuống là nó ước ao một ngày nào đó nó sẻ lái xe lửa, xe bò chậm quá. Thỉnh thoảng nó đưa má nó ra ga Xóm Gà giúp má nó mang trầu-cây nhà lá vườn-ra chợ Bà Chiểu bán, nhưng thường thì má nó đi xe thổ mộ

Đường làng 15 (đường Lê Quang Định) lúc bấy giờ hầu hết chỉ có người đi xe đạp, thỉnh thoảng có vài chiếc mobylette hay xe nhà binh của Pháp chạy qua, lẫn tiếng xe thổ mộ lóc cóc trên đường. 


Khoảng đầu thập niên 50, phương tiên di chuyển chính là thổ mộ. Xe thỗ mô (xe làm bằng gỗ có hai bánh cũng bằng gỗ hai bên thùng xe, thường sơn màu nâu đậm rất thịnh hành ở vùng Bà Điểm, Hóc Môn, Chợ Cầu, Gò Vấp, Bà Chiểu, chợ Đất Hộ, Tân Định ra tận đến Sài Gòn, xe nào cũng có 4 cái mốc, mỗi bên hai cái bên hông xe để người đi treo dép hoặc gồng gánh. 


Ai đi xe thổ mộ củng phái ngồi xếp bằng, co ro trong thùng xe, xe chật dĩ nhiên chuyện cọ sát với nhau là thường, anh nào còn trai tráng thường phải ngồi phía sau, hoặc ngồi phía trước đối diện với anh lái xe thổ mộ. Người đi thường là bạn hàng mang hàng xuống từ Hóc Môn, Bà Điểm, chợ Cầu, trái cây, hoa, rau, trầu cau, thuốc rê Gò Vấp.


(Y Nguyên - Mai Trần)


Sầu riêng


Sầu riêng – Do chữ Mã lai Dou-rion.


“rion có thể đọc ra là…“riêng”.


Thập niên 30, Sài Gòn lai rai


Thời kỳ này dân nhậu đã có rất nhiều chọn lựa. Sài Gòn còn là nơi đất rộng người thưa, kiểu quán nhậu lộ thiên được ưa chuộng vì không thiếu chỗ. Ở Cầu Bông có tiệm nem nướng của ông Lê Hai được tiếng là ngon, có bán lave, ngồi ngoài trời hưởng thanh khí mát mẻ. Đã vậy còn có dàn đờn ca ngâm tài tử từ thời đó đã có. Chuỗi quán ăn Đức Thành Hưng của bà Lê Thị Ngọc cũng vậy, khi nghệ sĩ Út Trà Ôn từ miền Tây lên Sài Gòn chơi năm 1937 đã nghe ca hát ở đó.


Bar Quận Công ở đầu đường Frère Louis (Nguyễn Trãi) có sáng kiến bán nem chiên và bánh hỏi làm tại lò Thủ Đức để đáp ứng nhu cầu của khách Sài Gòn ngại lên Thủ Đức xa xôi. Bar này còn bán nem chua, chả giò cuốn cua, khô bò, bánh phồng tôm, bánh đập, vân vân.


(Phạm Công Luận)


Bạt


Cụ Huỳnh Mẫn Đạt làm bài điếu khóc Nguyễn Trung Trực đánh úp đồn Kiên Giang (nay là Rạch Giá). Sau Nguyễn Trung Trực bị bắt và bị hành hình ở chợ Rạch Giá 

ngày 27-10-1868. Bài văn tế có câu:

Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần


Chữ bạt có nhiều nghĩa tùy theo cách viết trong chữ Hán: 

Bạt có thể là cục đất, nhổ rút, đánh chiếm, vượct, đường chó đi,

rễ cỏ, lều tranh, cái chũm chọe, gót chân.


Lời bạt là lời viết của tác giả trong những trang cuối của tác phẩm.


(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)


Chân dung và đối thoại : Lưu Trọng Lư


Em không nghe, còn anh thì nghe thấy hết. Nghe thấy hết mà không nói ra được. Đây là cuộc đối thoại mà kẻ đối thoại lại ẩn sau sự câm lặng. Hoặc giả em cũng đã nghe thấy, nhưng anh vẫn hỏi như vậy, nghĩa là anh không hiểu em. Đằng nào thì cũng vẫn cứ là thiếu niềm đồng cảm. Một bên thì thổn thức, rạo rực, kêu xào xạc, một bên thì không nghe, không nghe, không nghe, cả con nai ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô, nghĩa là nó cũng không nghe nôt. Hiểu một cách sống sít như thế thì thật thô thiển. Nhà phê bình đã kéo những đám mây ngũ sắc đang bay bảng lảng trong không trung, rồi rải xuống đường làm rơm rạ lót chân, và như thế còn đâu cánh rừng thu, tâm hồn thu cho con nai vàng trú ngụ. Mấy câu điệp khúc ấy thực chất chỉ để tạo giai điệu rất đặc biệt cho bài thơ này. ở đây, nhạc điệu cũng là một phần nội dung chính làm nên hồn vía bài thơ. 


Còn ở góc độ khác, cũng nhìn bằng con mắt lý trí, có người còn cho rằng đây là bài thơ Lưu Trọng Lư thâu cóp của nước ngoài. Thực tế trong bếp núc sáng tác, có thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Người bình luận còn viện cớ rằng: Thực tế Việt Nam làm gì có khu rừng vàng. Đấy là rừng châu âu. Rừng Việt Nam là rừng luốm nhuốm. Mùa thu Việt Nam đúng như Nguyễn Du mô tả trong Kiều: Rừng thu rừng biếc chen hồng?


(Trần Đăng Khoa)


60 năm nhìn lại cuộc di cư 1954 - Vĩnh biệt Hải Phòng 


Khi cha mẹ tôi đem vàng đi bán, định để mua một căn nhà để gia đình an cư và lo chuyện xây dựng lại cuộc đời thì khám phá ra là toàn vàng giả. Tôi có thể hình dung ra nỗi đau đớn của ông bà khi ở tuổi ngoài 40, chợt thấy hai bàn tay trắng, với một lũ con mà phần lớn còn nhỏ, tại một vùng đất lạ hoắc. 


Dù vậy, tôi không hề nghe ông bà than phiền hay nuối tiếc đã bỏ mọi thứ để đem anh chị em tôi đi Nam. Tôi sẽ mãi mãi ghi ơn ông bà đã chọn lựa Miền Nam làm nơi cho anh chị em tôi lớn lên, trong một không khí tự do dù là tương đối. Chỉ tiếc là 20 năm sau, chúng tôi lại phải đối đầu với thêm một lần bỏ cửa bỏ nhà ra đi tới những nơi còn xa hơn từ Bắc vào Nam, tuốt tận bên kia đại dương nghìn trùng. Và không đứa nào trong vài anh chị em chúng tôi đi thoát được khỏi Việt Nam vào những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975 đã đem theo được cha mẹ già. 


Cha tôi không muốn đi, nói đã lớn tuổi, không muốn nhờ vả vào ai; còn mẹ tôi thì rất muốn đi khỏi Việt Nam nhưng thấy cha tôi không muốn đi nên cũng lặng lẽ nhìn chúng tôi lần lượt biến mất khỏi cuộc đời bà. Mẹ tôi mất khoảng một năm sau ngày Sàigòn thất thủ. Cha tôi nể lời con cái bằng lòng đi Mỹ đoàn tụ vào đầu năm 1983, nhưng chỉ sống được tám tháng thì qua đời, vì bệnh một phần, song có lẽ vì cảm thấy quá cô quạnh. 


(Trùng Dương)


[TD, 2014/07]



Tiểu sử : 

Trùng Dương, tên thật: Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây. Hiện cư ngụ tại Oregon, Hoa Kỳ.

Tác phẩm :

Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn, Mưa Không Ướt Đất, Chung Cư, Một Cuộc Tình, Lập Đông Những Người Ở Lại 


***


Phụ đính 


Phong Hóa và Ngày Nay


Phong Hóa và Ngày Nay là hai tuần báo xuất hiện ở Hà Nội từ năm 1932 tới 1940, dưới chế độ Bảo Hộ, thuộc Pháp. Thoạt đầu tuần báo Phong Hóa do ông Phạm Hữu Ninh làm chủ, đã ra 13 số báo không có độc giả, sắp sửa phải đình bản (Khái Hưng và Đông Sơn Nhất Linh, có viết và vẽ cho tờ báo này). Nhất Linh đã mua lại và làm chủ bút, vẫn giữ trên mặt báo Phạm Hữu Ninh, Nguyễn Xuân Mai. Ông cùng một nhóm anh em bạn hữu gồm có Khái Hưng Trần Khánh Giư, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Tứ Ly Nguyễn Tường Long, Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, tạo thành một ban biên tập hoàn toàn mới.


Năm 1933, Phong Hóa có thêm Thế Lữ Nguyễn Đình Lễ, một nhà thơ, nhà văn mới. Tới giữa năm 1934, văn đoàn Tự Lực được thành lập với sáu thành viên: Nhất Linh, Tứ Ly, Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ và Thế Lữ. 


Sau này Tự Lực Văn Đoàn thêm thành viên thứ bảy: Xuân Diệu.


(Phạm Thảo Nguyên/Phong Hóa-Ngày Nay)



Ảnh 189...2 nhà truyền giáo pháp và đồng bào DT thiểu số



Mời Xem Lại :