30 thg 11, 2019

Thơ Xướng Họa : NGẬM NGÙI (Thơ Con Gà Què và Các Thi Hửu


NGẬM NGÙI !
Tận chốn xa xôi tìm gặp nhau,
Nghe lòng rộn rã phút vui đầu.
Bao nhiêu nỗi nhớ như mờ ảo,
Ngần ấy tình mơ đã tỏ sâu...
Lặng lẽ hồn cầm vang nhịp tấu,
Xót xa tâm khúc nghẹn lời cầu.
Chẳng cần chi nữa câu yêu dấu,
Thôi nhé đành cam nhấn phím sầu !
Con Gà Què

Họa :VÔ VỌNG

Kiếp nầy đã trót chẳng bên nhau
Hẳn biết từ khi mới bắt đầu .
Cung ái đâu ngờ bao nốt lụy
Thơ tình nào biết mấy vần sâu .
Ngân hà đôi ngã luôn chia bến
Ô thước hàng năm vẫn bắc cầu
Bể khổ đang chờ sao cứ muốn
Đưa tay nhắm mắt cạn chung sầu !
HHM

 Họa :TÌNH GẶP

Từ đâu ta lại đến bên nhau,
Để phải tim rung động buổi đầu.
Lúc nhớ mắt môi ưng ửng đỏ,
Khi mơ mi tóc cuốn vờn sâu.
Tình yêu thanh thản trong mơ mộng,
Ước muốn yên vui lúc nguyện cầu.
Cảm xúc biết bao lòng thắm đậm,
Tơ duyên hội ngộ xóa đau sầu.
HỒ NGUYỄN (11-11-2019)

Họa :ĐẮNG CAY !

Chẳng gì sao lại muốn gần nhau?
Ai biết vì đâu tự lúc đầu !
Thuở ấy lơ mơ không nghĩ thấu,
Bây giờ lẩn thẩn chẳng ngờ sâu.
Trái tim lặng lẽ âm thầm khóc...
Trí não cuồng điên cay đắng cầu...
Cứ ngỡ như lòng hờ hững lắm,
Dẫu hồn chất ngất tái tê sầu !
H2N

Họa :BUỒN THƯƠNG !
Đọc Xuôi:
Ta với em cùng chẳng rún nhau,
Thắm tình tơ tưởng mộng chung đầu.
Trà sen cạn chén vui lòng nặng,
Tửu cúc đầy ly nguyện ý sâu !
Tha thiết tiếng thơ lời tưởng nhớ,
Tột cùng câu hát khúc mong cầu.
Tà dương tắt lịm thuyền xa bến…
Ta khóc thương buồn lệ thảm sầu !
 Đọc Ngược:
Sầu thảm lệ buồn thương khóc ta !
Bến xa thuyền lịm tắt dương tà.
Cầu mong khúc hát câu cùng tột,
Nhớ tưởng lời thơ tiếng thiết tha !
Sâu ý nguyện ly đầy cúc tửu,
Nặng lòng vui chén cạn sen trà.
Đầu chung mộng tưởng tơ tình thắm…
Nhau rún chẳng cùng em với ta !
         Liêu Xuyên
 Họa :NẾU BIẾT RẰNG...
Đôi lòng ngây ngất phút bên nhau
Âu yếm sẻ chia giấc mộng đầu
Cứ ngỡ duyên tình dần thấm đượm
Nào ngờ mâu thuẫn lại hằn sâu
Cách xa chỉ thấy bao điều tốt
Kế cận nảy sinh vạn chuyện sầu
Biết thế thì thôi đừng gặp gỡ
Để còn nghĩ đẹp tựa mong cầu
Sông Thu

Mời Quí Thân Hửu Họa tiếp...

Guy De Maupassant: Khúc củi

Truyện ngắn của
Guy De Maupassant (1850-1893)
Thân Trọng Thủy dịch
Phòng khách nhỏ, phủ đầy màn cửa dày, kín đáo thoảng mùi hương thơm.Trong lò sưởi lớn lửa đang cháy và một ngọn đèn với cái chao viền rua đăng–ten cũ đặt bên góc lò sưởi chiếu ánh sáng lờ mờ lên hai người đang trò chuyện.
Người đàn bà, chủ nhà, là một bà già tóc bạc, môt trong những bà già khả kính, làn da không có nếp nhăn, mịn màng như một tờ giấy láng mỏng và thơm, do từ lâu bà tắm bằng nước tẩm tinh dầu nguyên chất để làm đẹp da; môt bà già mà mỗi khi hôn tay bà người ta cảm thấy mùi thơm nhẹ xông lên mũi như khi mở một hộp mùi hoa diên vĩ của Florence.
Người đàn ông là một bạn cũ, sống độc thân, một người bạn gặp gỡ hàng tuần, một bằng hữu thông thường,không hơn không kém.
Họ đã ngưng nói chuyện khoảng một phút, cả hai đang vừa nhìn vào ngọn lửa vừa suy nghĩ vẩn vơ, trong một khoảnh khắc yên lặng thân tình của những người mỗi khi ngồi bên nhau không cần phải nói liên miên cho vui.
Bỗng một thanh củi to, một khúc gốc rễ dựng đứng đang cháy tự nhiên rớt xuống, nẩy khỏi vĩ lò, văng qua phòng khách, lăn trên thảm làm văng tàn lửa tung tóe khắp chung quanh.
Bà già khẽ kêu lên một tiếng, bật đứng dậy như muốn bỏ chạy, còn ông già thì đá thanh cũi lớn vào lại trong lò sưởi và dùng đế giày đùa hết những tàn lửa nóng đang rơi vãi chung quanh.
Khi “tai họa” đã được ngăn chận thì một mùi khét tỏa ra và ông già đến ngồi lại trước mặt bà bạn của mình, nhìn bà và cười. Ông vừa chỉ vào thanh cũi vừa được bỏ vào lò sưởi vừa nói : “Đó chính là lý do tại sao tôi không bao giờ lấy vợ.”
Rất ngạc nhiên, bà nhìn ông bằng con mắt thích tìm hiểu của phụ nữ, con mắt của những phụ nữ không còn trẻ, phản chiếu tính tò mò phức tạp, thường là tinh nghịch, và bà hỏi: “Sao thế?”
Ông trả lời : “Ồ, đó là cả một câu chuyện dài, rất buồn và khó chịu.
Các bạn cũ của tôi thường ngạc nhiên về sự lạnh nhạt đột ngột xẩy ra giữa một trong những anh bạn thân nhất của tôi là Julien và tôi.Họ hoàn toàn không hiểu vì sao hai đứa tôi vẫn luôn thân thiết chẳng bao giờ rời nhau bỗng chốc lại có thể trở nên xa lạ với nhau như thế. Đây, bí mật của chuyện chúng tôi xa nhau là như thế nầy:
Hồi trước, anh ấy và tôi, chúng tôi ở chung với nhau. Chúng tôi chẳng bao giờ rời nhau và tình bạn giữa chúng tôi khắng khít đến nỗi không gì có thể chia cắt được.
Một tối khi về nhà anh tuyên bố sắp cưới vợ.
Tôi bị nhói trong ngực như bị anh ta đánh cắp hay phản bội.Khi một đứa bạn thân lấy vợ, thế là hết, hết tất cả.Tình yêu pha với tính ghen tuông của một người đàn bà, thứ tính ngờ vực, lo âu và đầy nhục dục sẽ chẳng bao giờ chịu khoan nhượng tình bạn thắm thiết và trung thực, xuất phát từ tâm hồn, từ sự tin cậy lẫn nhau giữa hai người đàn ông đâu!
Thưa bà, bà có thấy không, cho dù tình yêu có gắn kết hai người lại với nhau chăng nữa, người đàn ông và người đàn bà vẫn luôn xa cách nhau về tâm hồn và trí tuệ,, họ luôn là hai kẻ đối đầu nhau, họ thuộc những dòng giống khác nhau, luôn luôn phải có một kẻ chinh phục và một kẻ bị chinh phục, khi một người là chủ thì người kia là nô lệ và ngược lại, chứ họ chẳng bao giờ bình đẳng cả. Họ siết tay nhau, bàn tay họ run lên vì tình cảm nồng nàn chứ họ không bao giờ bắt tay nhau bằng một cái bóp tay chân thật, lâu và chặt, cái bóp tay như mở lòng ra với nhau, phô bày tình thương chân thật, bền bỉ và rắn rỏi. Các nhà hiền triết, để an ủi tuổi già của mình, thay vì lập gia đình, sinh con đẻ cái, để rồi chúng có thể bỏ rơi họ,có lẽ nên tìm một người bạn tốt đáng tin cậy, sống già với nhau và cùng chia sẻ những tư tưởng chỉ có thể có giữa hai người đàn ông với nhau mà thôi.
Tóm lại anh bạn Julien của tôi cưới vợ. Người vợ rất xinh đẹp, duyên dáng, tóc vàng và quăn, lanh lợi, mũm mĩm, tỏ ra rất yêu chồng.
Lúc đầu tôi ít qua lại nhà hắn, sợ làm vướng víu họ, tự thấy mình thừa thải. Nhưng dường như họ lại có ý lôi kéo tôi, mời mọc tôi luôn và có vẻ mến tôi.
Dần dà tôi bị cuốn theo nếp sinh hoạt chung đáng yêu đó, tôi thường ăn tối tại nhà họ, và buổi tối lúc về nhà, tôi thường nghĩ đến chuyện bắt chước anh ấy, cưới một cô vợ, vì tôi thấy căn nhà trống trải của mình giờ đây buồn tẻ quá.
Bọn họ tỏ ra rất yêu nhau, chẳng bao giờ rời nhau. Thế rồi một hôm, Julien biên thư mời tôi đến ăn tối. Tôi đến liền. Anh ta nói: “Bạn hiền, sau bữa ăn, tôi có công chuyện phải đi ngay. Trước mười một giờ thì tôi chưa về được nhưng tôi sẽ về lúc mười một giờ đúng.Tôi nhờ anh ở lại đây với Bertha cho có bạn, nhé!.
Người đàn bà trẻ mỉm cười,nói: ” Chính em đã đưa ý kiến mời anh đó.”Tôi bắt tay chị ta : “Chị tử tế quá!” và tôi cảm thấy một cái siết chặt, thân mật và hơi lâu ở đầu mấy ngón tay tôi. Tôi chẳng quan tâm đến điều đó. Chúng tôi ngồi vào bàn và đến tám giờ thì Julien tạm biệt chúng tôi.
Ngay khi anh ta vừa đi khỏi, một sự ngượng ngùng kỳ lạ đột ngột nẩy sinh giữa vợ anh ta và tôi. Chúng tôi chưa bao giờ chỉ ngồi hai người với nhau, và mặc dầu càng ngày chúng tôi càng thân mật, cuộc giáp mặt nầy đã đặt chúng tôi vào một tình huống mới. Thoạt đầu tôi nói những chuyện vu vơ, những chuyện vô nghĩa để khỏa lấp những khoảnh khắc im lặng bối rôi ngượng nghịu. Chị ta chẳng trả lời gì, chỉ ngồi trước mặt tôi, phía bên kia lò sưởi, đầu cúi xuống, cái nhìn bất định, một bàn chân đưa về phía ngọn lửa, kiểu như đang mải miết suy nghĩ về một việc khó khăn nào đó. Khi tôi không còn chuyện để nói, tôi nín lặng. Thật ngạc nhiên là nhiều khi khó tìm ra chuyện để nói. Rồi thì tôi bỗng cảm thấy một cái gì đó trong không khí, cảm thấy một cái vô hình, một cái không biết gọi là gì, không giải thích được, cái linh cảm báo cho ta biết trước những ý định thầm kín, tốt hoặc xấu, của người kia đối với ta.
Sự im lặng nặng nề ấy kéo dài một lúc. Rồi Bertha nói với tôi: “Anh bỏ thêm một khúc củi vào đi. Anh thấy lửa sắp tàn rồi đó” Tôi mở thùng chứa củi, để ngay ở chỗ giống như thùng củi của bà đây và tôi lấy ra một khúc củi, khúc to nhất, rồi tôi để chồng lên những khúc khác đã cháy hết hai phần ba.
Rồi lại im lặng.
Sau ít phút, khúc củi cháy mạnh đến nỗi mặt chúng tôi nóng ran. Người đàn bà trẻ ngước nhìn tôi bằng cặp mắt rất lạ. Chị ta nói; “Nóng quá, ta lại đằng kia ngồi trên xô-pha đi.”
Chúng tôi đến ngồi trên xô-pha.
Đột nhiên chị ta nhìn thẳng vào mặt tôi: “Anh sẽ làm gì nếu có một phụ nữ nói với anh rằng cô ta yêu anh?”
Tôi khá sững sờ, liền đáp: “Trường hợp nầy đôt ngột quá, và cũng còn tùy thuộc vào người phụ nữ.”
Thế là chị ta phá lên cười, tiếng cười khô khốc, kích động và run rẩy, một kiểu cười giả tạo như có khả năng làm vỡ kính, và chị ta nói tiếp:
” Đàn ông chẳng bao giờ táo bạo, cũng chẳng láu lỉnh.” Chị ta ngừng lại, rồi nói tiếp:
” Ông đã từng yêu ai chưa, ông Paul?”
Tôi thú nhận : “Có, tôi đã từng yêu.”
Chị ta nói: ” Kể em nghe đi!”
Tôi kể một chuyện bất kỳ. Chị ta chăm chú nghe, thỉnh thoảng tỏ dấu hiệu không tán thành và coi thường. Bất thình lình chị ta nói: “Không, anh chẳng hiểu gì cả. Đối với em, tình yêu đích thực là phải làm đảo lộn con tim, làm rối tung thần kinh và giày vò đầu óc, tình yêu thực sự phải – nói sao nhỉ – nguy hiểm, thậm chí khủng khiếp, gần như là phạm tội, gần như là phạm thánh, phải là một thứ phản bội, em muốn nói là cần phá vỡ mọi trở ngại thiêng liêng, mọi luật lệ, mọi quan hệ anh em; khi mà tình yêu được yên bình, dễ dàng, không có hiểm họa, hợp pháp, thì đó có thực là tình yêu không?”
Tôi không biết phải trả lời sao.và trong lòng thầm thốt lên một câu triết lý : ” Ôi! Thật đúng là đầu óc đàn bà!”
Trong khi nói chị ta tỏ vẻ thờ ơ, giả bộ ngây thơ; rồi chị ta dựa lưng vào gối, duỗi người ra, đầu tựa vào vai tôi, cái váy bị kéo lên cao để lộ bít tất lụa màu đỏ mà thỉnh thoảng lửa trong lò làm cho sáng rực lên.
Sau khoảng một phút, chị ta nói: “Em làm anh sợ à? Tôi phản đối. Chị ta tựa hẳn vào ngực tôi và nói mà không nhìn tôi : “Nếu chính em nói em yêu anh thì anh sẽ làm gì?” Trước khi tôi có thể tìm ra câu trả lời, hai tay chị ta đã vòng qua cổ tôi, đột ngột kéo đầu tôi xuống và đặt đôi môi lên môi tôi.
A! bà bạn thân mến của tôi, tôi xin trả lời bà là tôi không đùa! Sao? Lừa dối Julien à? Trở thành tình nhân của người đàn bà điên khùng, tai quái và quỷ quyệt, có lẽ là dâm đãng nữa, trong lúc người chồng không còn đáp ứng đầy đủ nữa à? Không ngừng phản bội, luôn luôn lừa dối, đùa cợt với ái tình chỉ vì sự quyến rũ của trái cấm, bất chấp nguy hiểm, phản bội tình bạn? Không! Việc nầy không thích hợp với tôi. Nhưng tôi biết làm sao? Bắt chước Joseph (1) ư? Vai tuồng nầy quá ngu ngốc , hơn nữa, quá khó khăn, bởi vì lúc phản bội chị ta thật đáng sợ, nào là hừng hực táo bạo, nào là phập phồng, nào là phấn khích. Ôi, ai chưa từng cảm nhận nụ hôn dài trên miệng một người đàn bà sẵn sàng hiến dâng, xin hãy ném viên đá đầu tiên vào người tôi…
… Cuối cùng, một phút nữa thôi…bà hiểu tôi nói gì chứ, phải không? Một phút nữa thôi và ….tôi đã là….không…chị ta đã là…xin lỗi, là anh ấy đã…hay đúng hơn ai sẽ có thể là…thì bỗng nhiên một tiếng động lớn làm chúng tôi nhảy đựng lên.
Khúc củi, phải, thưa bà, khúc củi đã văng vào phòng khách, sau khi hất đổ cái xẻng và thanh chắn, vụt qua như môt cơn bão lửa, làm cháy sém cái thảm rồi mắc kẹt dưới một chiếc ghế bành và không chừng sẽ bốc cháy.
Tôi chạy lại như điên và trong lúc tôi ném thanh củi cháy cứu mạng vào lại trong lò sưởi thì cửa phòng bỗng sịch mở! Julien tươi cười bước vào. Anh ấy reo lên: ” Tôi rảnh rồi, đã xong việc sớm hai tiếng!”
Vâng, bà ạ, nếu không có khúc củi thì tôi đã bị bắt quả tang phạm tội và hậu quả sẽ ra sao chắc bà cũng biết.
Vậy nên tôi đã cố hết sức tránh để không còn xẩy ra trường hợp tương tự, không bao giờ, không bao giờ nữa. Sau đó tôi thấy Julien tỏ ra lạnh nhạt với tôi, như người ta nói. Rõ ràng là vợ anh ta đã hủy hoại tình bạn của chúng tôi và dần dà anh ta gạt tôi ra khỏi nhà; và chúng tôi đã ngưng gặp nhau.
Bây giờ hẳn bà đã biết vì sao tôi không hề lập gia đình.
—————
(1) Joseph: Theo Cựu ước (sách Sáng thế ký) Joseph là một tên nô lệ được người Ishmaelite cho Potiphar, chỉ huy trưởng thị vệ của Pharaoh, Thấy Joseph siêng năng và có tài quán xuyến, Potiphar đặt chàng làm người quản lý nhà cửa và tài sản của ông. Vợ Potiphar thấy Joseph đẹp trai nên ưa thích và tìm đủ cách chinh phục trái tim của Joseph nhưng chàng cương quyết khước từ.
THÂN TRỌNG THỦY
” La bûche ”
Guy De Maupassant
26 janvier 1882

Hoàng Hải Vân - Bài bác Alexandre De Rhodes, sao dùng chữ của ông ?


Trước năm 1975, Sài Gòn có hai con đường mang tên Alexandre de Rhodes và Hàn Thuyên, một người là ông tổ chữ quốc ngữ, một người là ông tổ chữ Nôm. Hai con đường này đặt cạnh nhau rất có ý nghĩa.

Nhưng sau năm 1975, người ta đã bỏ tên Alexandre de Rhodes ra khỏi con đường để thay bằng tên của người khác (đường Hàn Thuyên có đổi tên hay không tôi không nhớ). Tôi vẫn còn nhớ báo Tuổi Trẻ hồi đó có đăng một tiểu phẩm, nửa đêm hai ông hiện hồn lên gặp nhau tâm tư về thế sự, đó cũng là tâm tư của người Sài Gòn.

Không chỉ có Alexandre de Rhodes, mà còn rất nhiều các nhân vật lịch sử và văn hóa lớn, trong đó có những người có công khai phá vùng đất Nam Bộ và Sài Gòn như các chúa Nguyễn và các minh quân triều Nguyễn (Gia Long, Minh Mệnh…) cũng đều bị hạ bỏ tên khỏi các đường phố, nhưng câu chuyện không nằm trong phạm vi đề cập của stt này.


Sau này, có lẽ thấy quá đáng, nên chính quyền TP.HCM đã khôi phục lại đường Alexandre de Rhodes, nhiều người trẻ bây giờ không biết ông đã “chết đi sống lại” ở Sài Gòn.

Mới đây, chính quyền TP. Đà Nẵng dự định lấy tên Alexandre de Rhodes đặt cho một con đường. Lập tức dự định này bị một nhóm trí thức lớn tiếng “phản biện”, nên dự định này tạm bị gác lại. Một tu sĩ Phật Giáo, người mà tôi từng kính trọng, đã vội bày tỏ sự hả hê với sự tạm gác lại này khiến cho tôi phải xét lại lòng kính trọng của mình có đặt đúng chỗ hay không.

Các vị trí thức văn hay chữ tốt nói trên đã dùng thứ chữ của chính Alexandre de Rhodes tạo ra để phản đối việc lấy tên ông làm tên đường, đã thể hiện sự vô ơn ngay trong văn bản “phản biện”. Vị tu sĩ kia cũng vậy, bài bác một giáo sĩ Thiên Chúa giáo bằng chính thứ chữ của vị giáo sĩ này. Kinh Phật ngày nay nếu không được dịch ra chữ của Alexandre de Rhodes thì người Việt nào có thể đọc được ? Nhưng thôi, thời đại tự do ngôn luận rồi, mỗi người đều có quyền nêu ra ý kiến của mình, cả lời hay ý đẹp và tâm địa vô ơn rác rưởi.

Chỉ buồn cho chính quyền Đà Nẵng non tay. Lấy tên Alexandre de Rhodes đặt cho một con đường ngày nay chẳng bị ai quy là “phản động” cả, sao vẫn không dám ! Nếu quy "phản động" thì chính quyền TP.HCM đã bị quy từ lâu rồi.

Email của ông Alexandre de “Dốt” gửi người xứ Việt


Thưa các quí ngài,
Tôi viết mail này không phải tôi phật ý với mấy ông trí thức đã tỏ rõ quan điểm về cái tên tranh cãi của tôi cho dù tôi cũng có công khai phá xứ Đông Dương. Chẳng hạn, PGS.TS Lê Cung bảo, Alexandre de Rhodes có tội làm sao đặt tên đường được. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân lại phán, chữ quốc ngữ tạo ra không nhắm phát triển dân tộc ta mà là công cụ xâm lăng. Cứ gọi tôi là Alexandre de Dốt cũng “OK – ça va bien – tốt thôi”.
“Dốt” hay nói chữ nên tôi, với mục đích truyền giáo, đã trót dại đưa tiếng Việt, một cách thoát Trung hơn hẳn Triều Tiên và Nhật Bản cố vượt ra khỏi bóng chữ tượng hình mà điển hình là chữ Nho.
Ý tôi là phổ cập chữ cho mọi người dân hơn là chỉ để mấy lão hủ nho ngồi ngâm vịnh câu chữ để vợ gánh gồng đi chợ nuôi chồng, nuôi con. Phần đông dân chúng biết chữ vẫn hơn là vài lão nhiều chữ trong bụng nhưng toàn ăn báo hại, bám gấu váy vợ ngày hành kinh vẫn đi lội ruộng mà thổ chữ Nho.
Tôi xin các ngài hãy ngừng ngay việc lấy tên “Alexandre de Rhodes” đặt cho bất kỳ một phố nào ở Việt Nam. Hà Nội, Sài Gòn từng có những con phố mang tên tôi, rồi “cách mạng bùng lên, rồi kháng chiến trường kỳ, quê tôi đầy bóng giặc”, họ xóa luôn, nhưng nghĩ thấy sai sai và cho tên tôi trở lại, đúng kiểu “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng” ở xứ các ngài.
Theo thiển nghĩ của tôi, một người sinh ra cách đây hơn 4 thế kỷ, thì xứ Việt coi chuyện đặt tên mang mầu sắc chính trị từ thời phong kiến đến cộng sản, trong khi tên phố cần sự ổn định lâu dài vì liên quan đến địa chỉ người ở, nhà cửa, đất đai, giấy khai sinh, bao việc thế mà cứ đổi luôn xoành xoạch thì chết bố lão “Dốt”.
Bắt chước Mỹ là hay, tên phố theo vần ABC, 1, 2, 3, chế độ thay đổi nhưng tên phố vẫn nguyên. Ngay Sài Gòn thôi các quí vị còn nhớ, cụ Diệm lên cũng đổi nhiều tên phố, cụ Duẩn vào xào nấu lại cho đúng với 4 dòng thác cách mạng. Giờ lại muốn quay về tên cũ mà khó nghĩ kinh.
Tôi nhớ mấy chục năm trước, Việt Nam có lão IT Cua nửa mùa từng email cho tôi đã phạm sai lầm khi các ông ý định tin học hóa xứ này như tôi từng latin hóa xứ Đông Dương.
Số là những năm đầu 1980 khi máy vi tính vào Việt Nam nhưng không có bộ gõ tiếng Việt làm đau đầu các chuyên gia IT. Không nhớ có bao nhiêu hội thảo đưa chữ Việt lên bàn phím và màn hình, cãi nhau hoài năm này qua năm khác. Có lão lấy 2 vợ vẫn không đưa ra nổi giải pháp nào cho ra hồn.
Chả là bảng ký tự ASCII dựa trên bảng chữ cái latin được dùng trong tiếng Anh hiện đại và các ngôn ngữ Tây Âu dễ dàng vì họ đâu có nghĩ cho Việt Nam. ASCII được dùng để hiển thị văn bản trong máy tính và các thiết bị thông tin khác.
Bảng có 128 ký tự và mở rộng tới 256 ký tự, thuận tiện cho tiếng Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đức, nhưng ASCII không đủ chỗ cho các nguyên âm tiếng Việt (ô, Ô, ồ, Ồ…) mà “lỗi” thuộc việc lão “Dốt – Rhodes” thêm các dấu sắc, hỏi, ngã, nặng, mũ, ơ, ô. 400 năm rồi vẫn bị đào mồ lên do làm sai, “Dốt” không có tầm nhìn công nghệ.
Đau đầu tới mức trong một hội thảo, một ông IT có tiếng đề nghị đổi tiếng Việt theo kiểu Telex (OO = Ô, OW = Ơ) thì bảng mã ASCII mới kham nổi tiếng Việt. Hội trường nhao nhao nhạo báng nhưng không ít người thấy cũng có lý.
Tranh cãi kết thúc cho đến khi bộ UNICODE ra đời và những gì các bạn gõ dễ dàng kiểu Telex trên máy tính hay smartphone hôm nay là kết quả của bao các kỹ sư, tiến sỹ IT “giời đánh, thánh vật không chết” đó ạ, kể cả ý tưởng thay tiếng Việt telex. Công của lão “Dốt” la tinh hóa tiếng Việt không uổng nhé.
Cho dù vậy, tên tôi không nên đặt cho tên phố ở Việt Nam. Nhỡ hôm nào đó một ai lôi ra khuyết điểm rằng, tôi tuy sống ở thế kỷ 16 nhưng tham nhũng ở thế kỷ 21, sống vô đạo, họ lại hạ b tên tôi thì sao.
Đưa tên lên chả sướng nhưng hạ xuống mới nhục nhã, các quí vị ạ. Đấy, các vị về chùa đình miếu mạo có tên các VIP trồng cây, ghi danh, giờ thất thế, vào tù, nhà chùa lại đục đi, xấu hổ không.
Xin các quí vị, đừng bàn “Dốt” cho tên phố nữa.
Alexandre de “Dốt” – níck ảo của Rhodes.

(Từ HieuMinh.Blog )

29 thg 11, 2019

Thơ Xướng Họa : CHỜ AI ? ( Nguyễn Cang và Công Chúa Nhỏ )


CHỜ AI?
Ta đứng chờ em góc phố xưa
Bao năm xa cách nói sao vừa
Nhớ ai mong mỏi ngày quay lại

Cho đến bây giờ mắt ướt mưa
Vạt nắng chưa tàn con nước lớn
Mây chiều còn đợi gió mưa lùa
Thẩn thờ chờ mãi bao lâu nữa
Đêm lạnh trăng mờ rụng hết chưa?!

Nguyễn Cang (5/11/2019)

 Họa : Chờ Ai
Đứng chờ Ai cạnh nhà thờ xưa
Gần bốn năm xa vắng đủ vừa
Sông núi cách ngăn tình muộn dại
Nước non tràn ngập cảnh sầu mưa!
Hôm đưa tiển ... nắm tay Ai hứa?
Nay nuốt lời... cay mắt khói lùa!
Triệu nhớ tỷ thương chìm ký ức
Buông tay Ai thấm nỗi buồn chưa???

Công Chúa Nhỏ