Bộ Kế hoạch đầu tư hôm thứ Sáu 26 tháng 5 thừa nhận việc rất
nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng các dự án lớn và quan trọng ở Việt Nam.
Tuy nhiên thực tế cho thấy những dự án do Trung Quốc trúng thầu sau khi
hoàn thành và đưa vào sử dụng một thời gian ngắn không đảm bảo chất
lượng, mau xuống cấp.
Gian hàng của Công ty Phụ tùng ôtô Quangzhou Mingyang của Trung Quốc tại một cuộc Triển lãm Vietnam AutoExpo ở Hà Nội.AFP photo |
Những lý do do Bộ Kế hoạch- Đầu tư đưa ra có được xem là hợp lý hay
không? Qui trình đấu thầu ở Việt Nam hiện tại có đúng luật hay không?
Thực trạng của vay vốn
Một trong những nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu do Bộ Kế hoạch và
Đầu tư đưa ra là Việt Nam phải sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Theo cách
giải thích, để vay vốn của Trung Quốc thì Việt Nam phải chấp nhận nhà
thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay.
Bình luận về điều này, trước tiên Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên
gia về ngân hàng hiện đang làm việc tại Việt Nam cho biết, ông nhìn nhận
đấy là “một thực trạng”. Để nói về sự hợp lý hay không trong nguyên
nhân do Bộ kế hoạch đầu tư đưa ra, ông nhắc đến những gói tài trợ giúp
chính phủ Việt Nam phát triển gọi là ODA
“Những gói và chương trình ODA như thế thường đi kèm với lợi ích
của quốc gia đó. Chẳng hạn như những nhà thầu Nhật Bản có những gói tài
trợ cho những công trình về hạ tầng cơ sở, cầu cống… họ cũng có những
điều kiện là chúng ta phải tuyển dụng, dùng kỹ sư của họ hoặc dùng những
nguyên vật liệu mà họ đề nghị.
Chúng ta không thể loại trừ lợi ích quốc gia của các nước cung cấp ODA và các nước đầu tư trong chương trình hỗ trợ Việt Nam.”
Ông nói rằng nguyên tắc này cũng đúng với Trung Quốc khi họ đưa ra
những gói hỗ trợ Việt Nam ở hạ tầng cơ sở cũng như những lĩnh vực kinh
tế khác.
“Họ kèm theo điều kiện chẳng hạn như phải cho họ trúng thầu, phải tuyển dụng lao động của họ, phải mua nguyên vật liệu của họ.
Đây là điều xảy ra thông thường.Vấn đề là chúng ta chấp nhận được đến đâu.”
Một chi tiết đáng chú ý trong nhận định của tiến sĩ Nguyễn Trí
Hiếu, ông đề cập đến vấn đề mua nguyên vật liệu. Vào đầu tháng 5 vừa
qua, báo trong nước dẫn lời của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng
Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia
Hà Nội – VEPR) cho biết số vốn đầu tư của Trung Quốc là bước đi nằm
trong kế hoạch chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và máy móc cũ sang các
nước nhận đầu tư. Một trong những nước đó là Việt Nam.
Riêng về vấn đề đấu thầu, chính Bộ KH-ĐT cũng khẳng định trong
thông tin mới nhất rằng Việt Nam nên tự chủ về vốn, tránh việc vay vốn
Trung Quốc quá nhiều.
“Trong một nền kinh tế quốc gia, chính phủ phải đưa ra những
tiêu chí để phân bổ đầu tư và làm sao tránh được tập trung quá nhiều vào
1 nhà cung cấp hoặc 1 nhà tài trợ. Có lẽ Trung Quốc là một thị trường
nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.”
Theo Trang thông tin điện tử Đầu Tư Nước Ngoài, trong Quý I năm
2017 có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong
đó Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 823,6
triệu USD, chiếm 10,68% tổng vốn đầu tư.
Với những thống kê trên, cùng với báo cáo do Bộ KH-ĐT đưa ra, Tiến
sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung
Quốc trong những lĩnh vực tài chính, đầu tư, thương mại mậu dịch ngày
càng cao.
Mặc dù cũng không phủ nhận rằng Việt Nam cần nhiều nguồn đầu tư từ
nước ngoài trong lúc này, nhưng Tiến sĩ Vũ Quang Việt, kinh tế gia của
Liên Hiệp quốc đồng thời nhấn mạnh:
“Có thể Việt Nam vẫn cần nhưng cần là cần cái tốt chứ không phải cái xấu.”
Quy trình và chất lượng
Ba yếu tố khác mà theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư là nguyên nhân dẫn đến
lý do vì sao nhà thầu Trung Quốc trúng nhiều công trình dự án quan trọng
có giá trị cao, đó là chất lượng lập, phê duyệt dự án chưa chính xác,
thứ ba là phê duyệt tổng mức đầu tư thấp; và cuối cùng là chất lượng
công tác lập hồ sơ mời thầu còn yếu kém, chưa đưa ra được rào cản về kỹ
thuật để có thể chọn những nhà thầu khác ngoài Trung Quốc.
Liên quan đến việc lựa chọn những nhà thầu nước ngoài cho các công
trình dự án trong nước, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích dựa trên hai
yếu tố mà ông cho là tối cần thiết, đó là yếu tố minh bạch và yếu tố
công bằng.
“Tất cả những nhà thầu thông thường đều phải qua tiến trình đấu
thầu. Nguyên tắc của đấu thầu là phải đấu thầu minh bạch, tức là những
tiêu chí, yêu cầu, điều kiện, trúng thầu phải đưa ra rất rõ ràng cho tất
cả các bên. Rồi ngày mở thầu, mở tất cả những gói thầu và chủ đầu tư,
trong trường hợp này là chính phủ Việt Nam sẽ lựa chọn nhà thầu nào
thích hợp nhất với tiêu chí của mình đưa ra với giá hợp lý nhất.”
Về chất lượng, theo ông đây là một vấn đề rất quan trọng trong
những công trình, đặc biệt là hạ tầng cơ sở, vốn là những công trình đòi
hỏi chất lượng cao. Với quan điểm của ông, điều này là trách nhiệm của
Chính phủ.
Nói về Luật Đấu thầu, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đấu thầu
không quy định chọn thầu theo giá rẻ mà chỉ quy định những nhà thầu đã
được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật mới được xem xét, xác định giá
đánh giá, đề nghị trúng thầu.
Thế nhưng, cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, hiện các nhà
thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án trọng điểm nhưng triển khai chậm,
thi công kém chất lượng như dự án sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, đường
sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Như đề cập, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được khởi
công tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư trên 18.000 tỷ đồng, sử dụng vốn
vay của Trung Quốc. Tuyến đường dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ
trên cao. Theo kế hoạch, tháng 10/2017 dự án sẽ chạy thử liên động toàn
hệ thống và dự kiến quý II/2018 dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Theo báo Dân trí trong nước đưa tin ngày 23 tháng 5, nhà ga La Khê
thuộc dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có những hiện tượng
kính cường lực bị nứt, kẽ ga quá rộng, thiếu bu lông, đinh ốc… Ghi nhận
của phóng viên báo Dân trí cho biết những hình ảnh này gây tâm lý e ngại
cho người dân về sự an toàn của công trình.
Đưa ra ý kiến về chất lượng của những dự án đấu thầu, tiến sĩ
Nguyễn Trí Hiếu cho biết cần phải có những quy trình tuyển chọn nhà thầu
rất chặt chẽ, mà trong đó, Chính phủ Việt Nam có một trách nhiệm rất
lớn.
“Nếu hiểu rằng đây là những công trình mang tầm mức quan trọng
không những cho thế hệ này mà còn cho những thế hệ sau, nó đóng góp một
phần rất lớn trong phát triển quốc gia, thì phải đưa ra những gói thầu
với tiêu chí rất chặt chẽ. Và chọn lựa những nhà thầu đáp ứng được những
tiêu chí đó. Đây là vấn đề của chính phủ.”
Bên cạnh bức xúc của người dân ngày càng tăng đối với các công
trình dự án của nhà thầu Trung Quốc, là câu hỏi của một bài báo trong
nước phải chăng 12 dự án thua lỗ, yếu kém đều do nhà thầu Trung Quốc đảm
nhận?
Đó cũng là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khi ví von rằng “Hãy tránh tình trạng bỏ quá nhiều quả trứng vào một rổ”.
Theo RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét