Giữa thế kỷ thứ 7, Thiên hoàng
Nhật Bản Kotoku đã gửi rất nhiều sứ đoàn sang kinh đô Trường An của nhà
Đường, thành phần bao gồm nhiều học giả và tăng lữ. Họ nghiên cứu về hầu
hết các lĩnh vực, từ văn hóa tới chính trị quân sự của Trung Hoa và
mang về những thu hoạch hiếm có.
Thiên
hoàng Kotoku là vị thiên hoàng thứ 36 trong lịch sử Nhật Bản, thời gian
cầm quyền của ông đánh dấu những thay đổi quan trọng của đất nước. Lên
ngôi vào thế kỉ thứ 7, chỉ trong 9 năm cầm quyền (645 – 654), ông đã
khởi xướng cuộc cải cách có ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội Nhật Bản, chủ
yếu bằng cách học theo nền văn minh đỉnh cao ở nước láng giềng (Nhà
Đường). Những thay đổi được thực hiện đã mang Nhật Bản bước sang một kỷ
nguyên văn minh mới.
Sự
chuyển mình nhọc nhằn hàng thế kỷ sau đó của Nhật Bản chính là minh
chứng cho sự tôn trọng và kính ngưỡng của giới tinh hoa Nhật Bản với
vương triều Trung Hoa thời Đường. Những cố gắng mô phỏng nguyên vẹn cốt
lõi văn hóa Đại Đường, từ kiến trúc, trang phục, văn học, lịch pháp,
nghệ thuật và chữ viết, đã định hình nên đất nước Nhật Bản tới hàng
nghìn năm sau.
Đại cải cách Taika: Mang văn hóa Nhà Đường về Nhật Bản
Sự cường
thịnh của Nhà Đường bắt đầu từ triều đại của Đường Thái Tông, trị vì
trong 23 năm (626 – 649). Ông chính là người đã xây dựng một vương
triều có sức ảnh hưởng kéo dài từ Trung Á tới Triều Tiên, với nền văn
hóa đỉnh cao và sức mạnh quân sự vượt trội, được các nước láng giềng
kính sợ.
Nhà
Đường đã xây dựng nên kinh đô Trường An, một trong những thành phố lớn
nhất thế giới lúc đó, với hàng triệu dân, luôn tràn ngập các sứ đoàn,
lưu học sinh, học giả và các tăng sĩ đến từ khắp Á – Âu.
Khi
Kotoku lên ngôi vào những năm 645, ông đã lấy chữ “Taika” (Đại Hoá) làm
vương hiệu, thể hiện ý chí mạnh mẽ cải tổ đất nước. Mục tiêu đầu tiên là
xây dựng bộ máy nhà nước trung ương tập quyền, xóa bỏ tình trạng cát cứ
lũng đoạn của các thế lực quý tộc địa phương, thay đổi mô hình hành
chính quản lí đất nước.
Cùng lúc
đó, bên kia đại dương là xứ Hoa Hạ, dưới trị vì của của Đường Thái
Tông, đang ở giai đoạn phát triển rực rỡ nhất. Một cách tự nhiên, Thiên
Hoàng Kotoku rất muốn tìm hiểu và áp dụng những tinh hoa văn hóa của Nhà
Đường cho đất nước mình.
Cải cách
Taika được bắt đầu trong khoảng 5 năm cuối của triều đại Kotoku. Trong
khoảng 2 thập kỉ, Nhật Bản đã gửi hàng chục sứ đoàn sang Nhà Đường.
Thành phần của sứ đoàn ngoài những viên chức ngoại giao còn có hàng trăm
nhà sư, học giả, kiến trúc sư và thợ thủ công. Những người này đa số
được học hỏi trực tiếp với những bậc tôn sư đương thời về từng lĩnh vực,
rồi mang về Nhật những kiến thức vô giá.
Giới
trung lưu và quý tộc Nhật Bản nhanh chóng hấp thụ những giá trị văn hóa,
tinh thần, khoa học và kĩ thuật được mang về. Một ví dụ là sự lan
truyền của ngôn ngữ và thơ ca cổ của Trung Quốc. Vài thế kỉ trước thời
Đường, Hán tự (Kanji) đã được sử dụng ở Nhật, nhưng sự xuất hiện của
những tác phẩm kinh điển như Thi Kinh (詩經), Văn Tuyển (文選), Ngọc Đài Tân Vịnh (玉臺新詠), vốn là các tuyển tập thơ ca cổ xưa nhất của Trung Hoa, đã có ảnh hưởng bùng nổ tới xã hội Nhật Bản.
Việc phổ
biến rộng rãi văn thơ Trung Hoa đã ảnh hưởng lớn đến giới văn chương
Nhật Bản, ví dụ như sự phát triển thể thơ Waka (Hòa Ca) cùng các các
hình thức văn học khác. Kết quả đầu tiên là tập thơ: “Kaifuso” (Hoài
Phong Tảo), bao gồm 120 bài thơ, từ khoảng 64 tác giả, viết phỏng theo
theo các thể thơ từ thời Lục Triều đến thời Đường. Kaifuso thường có chủ
đề về trăng, mận, hoa cúc, tuyết, rượu, mang âm hưởng triết lý tu Phật
và Đạo.
Quyết
định của Kotoku cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của chính phủ
Nhật Bản. Vào năm 700, những quan chức cao cấp hoặc hậu duệ của họ, đa
số trong đó đã từng sang Trung Hoa, đã được yêu cầu soạn thảo bộ “Đại
Bảo Luật Lệnh” (大宝律令). Đây là văn bản pháp lý đầu tiên của Nhật, phỏng theo luật pháp thời Đường, được ban hành và thực thi khoảng 2 năm sau đó.
Nguồn gốc chữ viết Nhật Bản
Mặc dù
cùng ở khu vực Đông Á, Tiếng Nhật và Trung có cấu trúc khác hẳn nhau.
Tiếng Nhật là ngôn ngữ đa âm tiết, khác xa về vốn từ, cấu trúc từ, cấu
tạo câu và ngữ pháp, phát âm cũng rất khác tiếng Trung. Tuy vậy chữ
tượng hình Trung Quốc lại là những thành phần cơ bản tạo nên chữ viết
của Nhật.
Đúng vào
thời Đường, nhằm phù hợp với đặc điểm riêng biệt của đất nước mình, một
số học giả đã tạo ra 2 bộ kí tự phiên âm mới, là chữ cái riêng của
Nhật, được dùng song song với các chữ Kanji – Hán tự.
Kibi no
Makibi, một học giả vĩ đại Nhật Bản, đã thực hiện hai chuyến đi đến
Trường An, nhằm nghiên cứu về nhiều lĩnh vực: Thiên văn học, lịch pháp,
khoa học quân sự, xây dựng và luật pháp. Ông là người phát minh ra bộ
chữ cứng “Katakana”, lấy từ các nét thẳng của Chữ Hán. Hiện nay chữ cứng
được dùng để phiên âm trực tiếp tên riêng hay các thuật ngữ tiếng nước
ngoài (nếu không có chữ Hán tương ứng).
Bộ chữ
mềm Hiragana, là thành quả của một trí tuệ khác, đại sư Không Hải
(Kukai). Sư Không Hải đến nghiên cứu Phật Giáo và tiếng Phạn tại Thanh
Long Tự, Trường An trong khoảng 2 năm (804 – 806). Ngài thọ giáo Chân
Ngôn Tông (một chi phái của Mật Tông) với tổ Huệ Quả, rồi trở thành vị
tổ thứ 8. Hai bộ chữ Hiragana, Katakana, kết hợp với Hán Tự, là ba thành phần của ngôn ngữ Nhật Bản đang được sử dụng đến ngày nay.
Trước
khi có 2 bộ chữ Kana (Kitakana & Hiragana), chỉ những người biết Hán
Tự mới có thể đọc và viết (gần giống trường hợp như chữ Latin ở Châu
Âu). Với việc ra đời 2 bộ chữ Kana, người ta đã có thể dễ dàng dùng
chúng để đọc và viết chữ Hán như cách họ phát âm. Sự hình thành hai bộ
chữ này là điều kiện thuận lợi để văn minh thời Đường được truyền bá
rộng rãi ở Nhật Bản.
Tri thức cổ nhân được bảo tồn
Vào năm
735, khi Kibi no Makibi trở về Nhật Bản, ông đã mang về 200 bộ sách, là
món quà cho hoàng đế Nhật, trong số đó có bộ “Nhạc lý cơ bản”. Văn bản
quý giá này về sau đã bị thất lạc ở Trung Quốc, nhưng vẫn được lưu giữ
rất tốt ở Nhật. Ông cũng đồng thời mang về các nhạc cụ như Đàn Tranh (16
dây), Đàn Tam Thập Lục (36 dây), có biến thể là đàn Koto ở Nhật.
Cao tăng
Không Hải (Kukai), người phát minh ra bộ chữ mềm cũng nghiên cứu văn
học và đồng thời là một nhà thư pháp nổi tiếng. Ông là người đã phổ biến
nghệ thuật thư pháp ở Nhật, được coi là một trong ba đại sư phụ về thư
pháp ở thời của mình.
Sư Không
Hải cũng biên soạn bộ sách khảo cứu về văn pháp, tổng hợp từ thời Hán,
Ngụy, Tùy, Đường, có tên “Văn Kính Bí Phủ Luận” (文镜秘府论). Đây
là một tác phẩm đồ sộ, viết về các quy tắc, kĩ thuật và phép tu từ
(Luật, Niêm, Vần, Đối và Bố cục) của thơ cổ Trung Quốc, dựa trên những
nghiên cứu thơ ca trong 6 triều đại, từ Hán đến Đường. Bộ sách được
hoàn thành khoảng năm 820).
Nền tảng tổ chức nhà nước
Cải cách Taika dần chuyển đổi Nhật Bản thành một nhà nước phong kiến tập quyền. Quyền
sở hữu ruộng đất của các quý tộc cũ bị xóa bỏ, tất cả đều thuộc sở hữu
nhà nước (vua). Đất đai sau đó sẽ được chia cho nông dân, và họ sẽ có
nghĩa vụ nộp tô thuế cho nhà nước. Chính quyền trung ương đứng đầu là
Thiên Hoàng, dưới Thiên Hoàng là các vị quan quản lí 8 bộ về Nội chính,
Tư pháp, Quân sự , Kinh tế, Lễ nghi…
Nhật Bản
cũng áp dụng mô hình tổ chức địa giới hành chính của nhà Đường: Lớn
nhất là Đạo, rồi xuống Châu, Huyện. Khái niệm “Đạo” hiện đã không còn
dùng, nhưng nó vẫn còn hiện diện trong tên của hòn đảo ở Cực Bắc Nhật
Bản: Hokkaido (北海道/Bắc Hải Đạo).
Cả hai
cựu đô Nara (710 – 794) và sau này là Kyoto (794 – 1868) của Nhật bản
đều được xây dựng phỏng nguyên vẹn theo thiết kế kiến trúc của kinh đô
Trường An nhà Đường. Thành phố hình chữ nhật, Hoàng ung được đặt ở cực
Bắc, hàm ý tương ứng với sao Bắc Đẩu, biểu tượng của của tôn quý và
quyền lực tối cao.
Ngày nay
Kyoto sẽ thành nhỏ bé nếu với Tokyo về số dân hay kinh tế. Nhưng Kyoto
vẫn là một thành phố vô cùng quan trọng, sở hữu những đặc điểm độc đáo
đặc biệt, vốn được mang về từ nhà Đường ở niên đại xa xưa.
Trong
Chiến tranh thế giới thứ 2, Kyoto hầu như không bị Người Mĩ ném bom.
Thậm chí thành phố Nagasaki đã bị chọn là mục tiêu của quả bom nguyên tử
– thay cho Kyoto, phần lớn bởi giá trị di sản văn hóa đặc biệt của nó.
Trong khi hầu hết các thành phố có khác có liên quan đến công nghiệp đều
bị tàn phá nặng nề.
Đất nước Mặt Trời mọc
Trước
khi có mối bang giao mật thiết với triều Đường, quốc đảo này không có
tên. Khi đó họ có văn hóa tương đối biệt lập, quyền lực bị phân tán theo
các lãnh chúa và thị tộc, và họ không có nhu cầu được định danh như là
một thể thống nhất. Người Trung Quốc còn gọi họ bằng những cái tên khá
miệt thị: “Giặc lùn”.
Dần dần,
điều này đã thay đổi cùng với sự gia tăng mối quan tâm tới phía Đông
của các vương triều Trung Hoa. Trong các văn bản bắt đầu xuất hiện một
thuật ngữ mới mang hàm nghĩa “Gốc của Mặt Trời” (tức là Nhật Bản). Trong
suy nghĩ của người Trung Hoa, những người Nhật đến từ tận phía bên kia
của Biển Đông, nơi mặt trời mọc lên. Về sau người Nhật gọi đất nước mình
bằng cái tên Nihon hay Nippon.
Nhà thám
hiểm vĩ đại Marco Polo, trong chuyến du hành đến Trung Quốc, đã dùng từ
“Cipangu”, phiên âm từ cách gọi của người Trung Quốc. Từ này về sau
được phương Tây ghi thành “Japan”, là tên của Nhật Bản ngày nay.
Ngày nay, đến nước Nhật, người ta đều có
thể nhận ra được rằng giữa cái bộn bề của lối sống công nghiệp hiện
đại, đất nước này vẫn gìn giữ gần như hoàn hảo những nét văn hóa truyền
thống của mình. Phần lớn trong số đó đều là được du nhập về từ sau những
chuyến tham quan, học hỏi của các học giả Nhật Bản từ Đại Đường – vương
triều hưng thịnh bậc nhất lúc bấy giờ.
Thậm chí ngay ở Trung Quốc ngày nay,
người ta cũng không thể tìm thấy nhiều dấu ấn văn hóa nhà Đường trong
cuộc sống hiện đại như ở Nhật Bản vậy.
Theo The Epochtimes
Phương Nguyên biên dịch
Phương Nguyên biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét