Thành phố Hong Kong đông đúc, chật
chội không phải là nơi bạn có thể nghĩ tới cơ hội tìm được một hòn đảo
hoang. Thế nhưng tại một góc vắng lặng của quận Sai Kung, cách khu
Central khoảng 25km về phía đông bắc, một hòn đảo tí xíu lại chính là
nơi cho bạn cơ hội hiếm hoi để nhìn lại quá khứ.
Được đặt tên lóng là ‘Đảo Ma’, đảo Yim Tin Tsai rất xanh tươi, thấp thoáng những căn nhà bị bỏ hoang.Đảo này từng là nơi cộng đồng Hakka, một dòng họ từ bắc Trung Quốc di cư tới vài thế kỷ trước, phát triển thịnh vượng. Họ định cư trên hòn đảo hoang vắng và sinh sống bằng nghề làm muối.
Cái tên Yim Tin Tsai có nghĩa là ‘Diêm Điền Tử’ trong tiếng Quảng Đông. Khi các ruộng muối bị đóng cửa hồi hơn 100 năm trước do bị cạnh tranh tăng lên từ Việt Nam và Trung Quốc, hầu hết cư dân đã chuyển sang làm ruộng, ngư nghiệp và nghề nông.
Vào lúc phát triển nhất, hồi thập niên 1940, nơi này được cho là có khoảng từ 500 đến 1.200 người sinh sống. Nhưng tới thập niên 1960, ngày càng có nhiều gia đình rời đi để tới những nơi có điều kiện học hành tốt hơn thay vì chỉ dừng ở bậc tiểu học ở đảo; họ tới Kowloon hoặc thậm chí sang cả Anh.
Những người dân làng cuối cùng rời khỏi Yim Tin Tsai vào thập niên 1990, và trong những năm sau đó Yim Tin Tsai hoàn toàn vắng bóng người, với những căn nhà bị bỏ hoang trở nên điêu tàn.
Thế nhưng với một số ít các dân làng thì hòn đảo này đại diện cho điều đặc biệt – một phía độc đáo của lịch sử và văn hóa Hong Kong không thể bị lãng quên.
Những khởi đầu mới
Nếu khách vãng lai tới Yim Tin Tsai vào chừng mươi năm trước, họ sẽ không thấy gì ngoài cỏ dại mọc um tùm, những căn nhà đổ nát và những cánh đồng phủ nâu phủ bụi. Đó chính là những gì mà Colin Chan, một gương mặt của làng, chứng kiến khi ông trở về làng sau 40 năm ra đi.“Tôi trở lại nơi này để tìm kiếm những thứ ta cảm như đã mất,” Colin nói. “Tôi thấy hòn đảo trong tình trạng mục ruỗng, và tôi thấy trĩu buồn. Nơi đây là chốn tôi đã lớn lên. Nơi đây là nhà của cha tôi, của ông tôi.”
Các cụ tổ của Chan đã tới định cư ở đảo này hồi hơn 300 năm trước. Là dân làng ở thế hệ thứ tám, ông sống tại Yim Tin Tsai cho tới khi lên bảy, rồi chuyển tới Sai Kung và sau đó sang Anh để theo đuổi việc học.
“Tôi nhớ là lồi nhỏ tôi chạy quanh suốt các ngọn núi,” ông nói. “Tôi nhớ cái cảm giác đó. Tôi không thể tìm thấy nó ở những nơi khác của Hong Kong, nhưng lại tìm được nó ở đây.”
Vào năm 1999, Colin được bầu làm người đại diện cho làng, và bắt đầu một sứ mệnh mà ông sẽ mang theo suốt đời: làm hồi sinh hòn đảo.
Trong vài năm đầu, ông tập trung vào việc xây dựng một mạng lưới những người dân làng, nay sống tản mát khắp các nơi trên thế giới, hy vọng tạo ra một cộng đồng có cùng suy nghĩ, gồm những con cháu dân làng và những tình nguyện viên, nhằm giúp cho việc tái dựng lại Yim Tin Tsai theo cách thức bền vững.
Mọi thứ thực sự khởi động vào năm 2003 khi Giáo hội La Mã phong thánh cho Josef Freinademetz, một nhà truyền giáo gây nhiều ảnh hưởng, vốn từng sống cùng dân làng hồi thế kỷ thứ 18.
Sau khi tin tức loan ra, những người Công giáo từ trên toàn thế giới đã coi hòn đảo nhỏ như một địa điểm hành hương, và Colin muốn đảm bảo rằng những người tới thăm sẽ được chào đón một cách nồng ấm.
Bảo tàng sống
Cùng với một ủy ban gồm chừng 100 cựu dân làng, Colin gây quỹ để xây dựng một trung tâm hướng dẫn du lịch dành cho du khách. Hồi năm 2014, một quỹ thiện nguyện đã đóng góp các khoản quỹ thông qua Giáo hội La Mã để cải tạo nhà nguyện lịch sử của hòn đảo.Được các nhà truyền giáo Thiên chúa xây dựng từ năm 1890, đây là một trong những nhà nguyện Thiên chúa giáo cổ nhất ở Hong Kong.
Đơn giản và trang nhã, nhà nguyện có màu trắng như lòng trắng trứng và có những cửa sổ làm bằng kính màu tinh tế và một sảnh cầu nguyện ấm cúng. Vài hàng ghế băng bằng gỗ hướng về phía gian thờ được trang trí ở mức giảm thiểu, với sắc màu đỏ và ánh vàng. Vào năm 2005, nơi này đã được trao giải Di sản Châu Á – Thái Bình Dương của Unesco về Bảo tồn Di sản Văn hóa.
Phấn khởi từ việc được công nhận, người dân làng đã tổ chức một chương trình chạy phà đều đặn để du khách có thể tới được đảo, và xây dựng nội dung giới thiệu lịch sử độc đáo của ngôi làng cho mọi người. Họ đã tạo một lối đi mang những nét đặc trưng xưa kia, cải tạo các ngôi nhà cổ của người Hakka và mở một bảo tàng vật dụng gia đình và đồ gốm sứ, thậm chí còn bắt đầu mở một trang trại ngay dưới chân nhà thờ.
“Tôi muốn hòn đảo này trở thành một bảo tàng sống,” Colin nói. “Mười năm trước, mọi người thực sự không nghĩ về di sản và bảo tồn. Họ muốn kiếm tiền và xây những tòa nhà cao tầng. Nhưng nay họ đang để ý tới chuyện này.”
Muối của Đất
Sau một loạt các hoạt động cải tạo thành công, ủy ban đã chuyển trọng tâm sang các ruộng muối cũ.Nơi từng là cánh đồng bẩn thỉu, bụi bặm hồi chục năm về trước nay đang sống lại, trở thành cánh đồng muối đúng nghĩa của nó. Cạnh đó nay còn có thêm một trung tâm hướng dẫn du khách chuyên giới thiệu từng bước quá trình sản xuất.
Vào năm 2015, những cánh đồng muối hồi sinh đã được Unesco ghi nhận là bảo tồn được di sản nghề này tại Hong Kong, ước tính từng tồn tại từ hơn 2.000 năm trước.
Ngày nay, các ruộng muối lấp lánh sắc trong nắng mặt trời, được bao quanh bởi những cây đước. Chúng không tạo ra đủ muối để trở thành một ngành kinh doanh, nhưng bởi là những ruộng muối duy nhất ở Hong Kong, chúng đóng vai trò là cầu nối cho người ta nhớ về quá khứ.
“Tạo dựng lại được các ruộng muối khiến tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc bởi nó đưa tôi xích lại gần gũi với tổ tiên, cội nguồn hơn,” Rosa Chan, một hướng dẫn viên trên đảo và là cư dân thế hệ thứ tám của ngôi làng, nói.
Rosa đã sống trên đảo này cho tới khi 13 tuổi, rồi chuyển tới sống ở Kowloon City để tiếp tục việc học. Sau đó, bà chuyển sang Anh cùng gia đình cho tới khi nghỉ hưu.
“Khi trở lại Hong Kong, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm giúp đỡ,” bà nói. “Khi tôi quay trở lại lần đầu tiên, mọi thứ đều đổ nát. Cây cối mọc um tùm khắp nơi. Cỏ cứa rách cả chân tôi.”
Gia đình bà đã dọn đi khi bà còn nhỏ, để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng với Rosa, cuộc sống đó chính là ở nơi này, trên hòn đảo này. “Tôi cảm thấy đây chính là nhà, một cảm giác đến rất tự nhiên,” bà nói. “Tôi thích bắt cua, đi câu cá, đời sống tự nhiên đưa tôi đến đây. Tôi không thể làm những điều đó khi ở Kowloon.”
Những ngày này, bà từ nhà mình ở Kowloon tới đảo tuần hai lần để chăm sóc các khu vườn và để hướng dẫn du khách. Có khá nhiều người tới thăm: hòn đảo rộng chưa tới 1 cây số vuông này đã đón gần 34 ngàn du khách trong năm 2016, hầu hết đều tới để tìm hiểu về các ruộng muối, khám phá lối đi cổ, đi bộ quanh đảo hoặc có thể chỉ để tìm một chốn yên tĩnh cho việc thiền.
Đi bộ quanh ngôi làng, du khách sẽ cảm nhận được tâm trạng của cộng đồng từng sống tại đay, nhờ những dãy nhà lợp mái ngói truyền thống kiểu Hakka, và các mặt tiền ốp gạch.
“Khi mọi người tới đây, tôi rất vui được chỉ cho họ xem những ngôi nhà đổ nát,” Rosa nói. “Bởi chúng kể cho ta biết toàn bộ lịch sử. Đó là một phần trong câu chuyện của chúng tôi.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét