2 thg 6, 2017

Điểm sách: Thế kỷ XX dạy chúng ta bài học gì về chuyên chế





Giản dị, thẳng thắn và thiết thực là những gì mà người ta có thể nói về On Tyranny: Twenty lessons from the twentieth century (Về chuyên chế: 20 bài học từ thế kỷ XX).

Đây là tác phẩm mới ra mắt của Timothy Snyder, giáo sư lịch sử chuyên nghiên cứu về thảm họa phát-xít của Đại học Yale. Cuốn sách mỏng, chỉ hơn 100 trang này đúc kết 20 bài học về chuyên chế trong thế kỷ XX, đồng thời cũng là 20 cách để ta nhận ra một chính thể chuyên chế.

Là một so sánh ngầm giữa những gì diễn ra cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX và cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI, người đọc có thể nhận ra qua các bài học này những nguy cơ mà thế giới ngày nay đang phải đối mặt khi quân bài chủ nghĩa dân tộc được nhiều chính trị gia trên thế giới sử dụng trong cuộc chạy đua quyền lực, khi những dạng thức chuyên chế lan ra dưới danh nghĩa bảo vệ “nhân dân”, bảo vệ “đất nước”.

Nếu cuối thế kỷ XIX và cuối thế kỷ XX chứng kiến sự mở rộng của hoạt động thương mại toàn cầu, khiến kỳ vọng tiến bộ tăng cao, thì đầu thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, những kỳ vọng phát triển vượt bậc ấy bị thách thức bởi những tầm nhìn mới về chính trị quần chúng, trong đó một nhà lãnh đạo hay một đảng tự nhận mình là người đại diện trực tiếp cho ý chí của người dân. Lịch sử, bởi thế, có thể cảnh báo và cho ta những bài học kinh nghiệm quý báu.

Dưới đây là bài học số 2 do Luật Khoa trích dịch.

***

Bài học số 2: Bảo vệ thiết chế

Các thiết chế giúp chúng ta gìn giữ phép tắc. Song chúng cũng cần đến sự góp sức của chúng ta. Đừng nói đến “thiết chế của chúng ta” nếu bạn không biến chúng thành của mình bằng cách nhân danh chúng mà hành động. Thiết chế không tự bảo vệ được mình. Chúng sẽ sụp đổ hết lần này đến lần khác nếu không được bảo vệ ngay từ đầu. Vì vậy, hãy chọn cho mình một thiết chế mà bạn quan tâm – một tòa án, một tờ báo, một điều luật, một công đoàn – và đứng về phía nó.

Chúng ta thường giả định rằng các thiết chế sẽ tự đứng vững trước cả những đòn tấn công trực diện nhất. Đó chính là quan điểm sai lầm của những người Đức Do Thái về Hitler và Đức Quốc Xã khi những kẻ này lên nắm chính quyền. Ngày 2/2/1933, một tờ báo hàng đầu cho người Do Thái ở Đức đã xuất bản một bài xã luận bày tỏ niềm tin lầm lẫn này:

“Chúng tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng ông Hitler và những người bạn của ông ta, những người cuối cùng đã giành được quyền lực mà họ khao khát bấy lâu, sẽ thực hiện các đề xuất đang truyền bá [trên báo chí Đức Quốc Xã]; họ sẽ không đột ngột tước bỏ các quyền hợp hiến của người Đức Do Thái; quây họ trong những khu Do Thái, hay phó mặc họ trước cơn tị hiềm sặc mùi giết chóc của đám đông. Họ không thể làm vậy vì có nhiều yếu tố quan trọng là đối trọng giúp kiểm soát quyền lực… và họ hiển nhiên là sẽ không muốn đi con đường đó. Khi một người hành động như một cường quốc châu Âu, toàn bộ không khí thường hướng tới một sự chiêm nghiệm đạo đức về bản thể tốt hơn của người đó và xa rời khỏi việc xem xét lại vị thế đối lập trước đó của mình”.

Đó là quan điểm của nhiều người duy lý trong năm 1933, và cũng là quan điểm của nhiều người duy lý ngày nay. Sai lầm ở đây là ta giả định rằng những kẻ cầm quyền vươn lên vị trí quyền lực thông qua các thiết chế không thể thay đổi hay phá hủy các thiết chế đó – ngay cả khi đó chính xác là những gì mà họ tuyên bố sẽ thực hiện.

Trên thực tế, đôi lúc các cuộc cách mạng quả thật có ý định đập tan cùng lúc tất cả các thiết chế. Đây là phương pháp của những người Bolsheviks ở Nga. Đôi lúc các thiết chế lại bị tước bỏ chức năng và khả năng sinh tồn, bị biến thành cái bóng của chính chúng trước kia, đến nỗi chúng chỉ còn vờn quanh, thay vì phản kháng lại trật tự mới. Đó chính là cái mà Đức Quốc Xã gọi là Gleichschaltung (đồng bộ hóa – phục tùng chính trị).

Trật tự mới của Đức Quốc Xã chưa đầy một năm là đã được củng cố. Đến cuối năm 1933, Đức đã trở thành nhà nước độc đảng trong đó tất cả các thiết chế quan trọng đều trở nên tầm thường. Tháng 11 năm đó, các nhà chức trách Đức đã tổ chức bầu cử quốc hội (không có đảng đối lập) và một cuộc trưng cầu dân ý (về một vấn đề mà ai cũng biết rõ câu trả lời “đúng đắn” là gì) để xác nhận trật tự mới. Một số người Đức Do Thái đã tham gia bỏ phiếu theo ý nguyện của các nhà lãnh đạo Đức Quốc Xã với hi vọng rằng hành động trung thành này sẽ đảm bảo vị trí của họ trong hệ thống mới. Không có hi vọng nào viển vông hơn thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét