21 thg 6, 2017

Nét Đặc Biệt Trong Bài Thơ "ĐỀ THU GIANG TỐNG BIỆT ĐỒ"( 題秋江送別圖) của Trần Đình Thâm / Nguyễn Cang




Văn học đời Trần mang sắc thái đặc biệt không giống những thời khác. Các tác giả hầu hết là người của triều đình. Họ làm thơ để ghi lại nhũng cảm xúc trên mọi khía cạnh của vấn đề, phản ảnh những sinh hoạt của xã hội đương thời vì họ là chứng nhân của lịch sử. Tính ra nhà Trần truyền được 11 đời,tổng cộng 173 năm. Những nhà thơ nổi tiếng thời nầy có vua Trần Thái Tông, Thánh Tông , Nhân Tông...các quan có Chu văn An, Trần nguyên Đán, Phạm sư Mạnh...

Những thể thơ thường sáng tác là : Thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, ngũ ngôn...

Trong các quan thời đó có một vị quan ít người biết tới là Trần Đình Thâm, mà tác phẩm chỉ còn sót 2 bài thơ chép lại trong Toàn Việt Thi Lục. Tôi chọn một bài vì nó khá đặc biệt trong cách gieo vần mà ngày xưa cũng như bây giờ ít người chọn:

Nguyên tác:

題秋江送別圖  

江樹晴更濃
江波綠未已
離思浩難收
滔滔寄江水
 (
陳廷深
)
Phiên âm Hán Việt:
Đề thu giang tống biệt đồ



Giang thụ tình cánh nùng,
Giang ba lục vị dĩ.
Ly tứ hạo nan thu,
Thao thao ký giang thủy.
(Trần Đình Thâm)
Chú thích từ ngữ:
đề(
):đưa ra, viết lên.
tống(
):tiễn biệt, đưa đi, vận chuyển.
biệt(
):từ biệt, đi xa.
đồ(
):bức tranh , bản đồ.

giang thụ (江樹):cây bên sông.
cánh (
): càng
nùng (
濃,): đậm, trái nghĩa với lợt.

dĩ(): đã qua( dĩ vãng)
ly tứ(
離思): tình cảm, ý nghĩ lúc xa nhau, do chữ tư(): suy nghĩ, suy tư.

hạo(): mênh mông. Bản dịch khác là : khoát(rộng)
thu(
): thu lại, lấy lại.
thao thao (
滔滔): nước lớn mênh mông.

Dịch nghĩa:

Đề tranh đưa tiễn trên sông thu



Trời tạnh, cây bên sông càng xanh đậm,

Sóng vỗ trên sông xanh không ngừng.

Nỗi nhớ lúc biệt ly thật mênh mông khó kềm lại,

Đành gửi theo dòng sông cuồn cuộn trôi.

Tiểu sử tác giả:
Trần Đình Thâm (chữ Hán:
陳廷深,?-? ) sinh tại làng Phúc Đa xã Chí Tri, trấn Hải Thanh nay là huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh.
Đậu Thám Hoa năm 1374 làm quan tới chức Ngự Sử Trung Tán, quyền Giám Tu Quốc Sử, được cử đi sứ nhà Thanh.

Khi Hồ Quý Ly lên làm vua ông giả điếc không ra làm quan. Tác phẩm còn lại 2 bài thơ chép trong Toàn Việt Thi Lục.

Phân tích và những lời bình:

Bài thơ 5 chữ 4 câu, số lượng chữ bị hạn chế ở mức tối thiểu để diễn tả sự việc bình thường. Sự hạn chề nầy khiến cho ý tưởng trong bài phải được cô đọng tối đa, đòi hỏi người làm thơ phải cân nhắc chọn lọc từng chữ, gọt giũa từng câu hết sức kỹ lưỡng. Vì câu ngắn nên nhạc điệu trong thơ phải đơn giản. Càng đơn giản thì bài thơ hay hay dở sẽ lộ ra ngay. Nếu hay thì thơ dễ cảm nhận,tạo hứng thú, còn dở thì cũng hiện ra sự non nớt yếu kém.

Đơn giản trong cách diễn tả , gó bó trong cách trình bày, làm cho người đọc có cảm tưởng : vui không ồn ào mà buồn cũng lặng lẽ. Cho nên nhà nho có tâm trạng bi quan hay thất thời thường dùng thể loại nầy để sáng tác cũng để biểu lộ cái nghiêm trang nữa. Đôi khi cái hùng khí cũng được thể hiện bằng thơ 5 chữ để tả cái dũng mãnh của bước chân đoàn quân chiến thắng trở về.

Ngoài nhạc điệu nội tại của thể thơ 5 chữ , thêm cách gieo vần trắc ở chữ cuối câu 2 (dĩ: phù thượng thanh) và 4(thủy: trầm thượng thanh), khiến cho bài thơ mang âm hưởng mênh mông kéo dài triền miên không dứt.

Nguyên thủy, vần bằng là một âm kéo dài rồi chấm dứt. Thơ gieo vần bằng mang âm hưởng kéo dài đến một lúc nào đó rồi ngưng lại. Nó tạo ra cảm giác trong tâm thức ngừơi đọc là câu chuyện tới đây là chấm dứt. Trái lại trong vần trắc, dấu sắc:(phù khứ thanh và phù nhập thanh), âm thanh cao vút lên, nên khi dứt tiếng nó còn kéo dài âm vang trong tiềm thức. Còn nếu là vần trắc, dấu nặng:( trầm khứ thanh và trầm nhập thanh)thì âm thanh chìm sâu vào đáy lòng, người đọc có cảm giác cô liêu u tịch trong nỗi cô đơn. Trong vần trắc còn có dấu hỏi (trầm thượng thanh), dấu ngã(phù thượng thanh).

Bài thơ trên như một bức tranh thủy mạc thật đẹp giữa khung trời mùa thu thơ  mộng bằng vài nét chấm phá đơn giản:
Hai câu đầu :
     Giang thụ tình cánh nùng,
     Giang ba lục vị dĩ.
Tả cảnh sớm  mai lúc trời vừa tạnh mưa thu, hàng cây bên kia sông còn mờ trong sương khói khiến màu xanh của lá trở nên thẫm đậm hơn. Dưới sông xanh, sóng vỗ mạnh không ngừng. Màu của cây và màu của nước như hòa lẫn vào nhau tạo thành bức tranh tổng thể đẹp tự nhiên.
Hai câu kế :
     Ly tứ hạo nan thu,
     Thao thao ký giang thủy.
Nỗi buồn biệt ly khó giữ lại trong lòng,
cũng khó nói thành lời.  Trong Truyện Kiều cũng vậy, ta nhận thấy nỗi lòng của Kim Trọng tuy có khác với tác giả trong bài nầy nhưng vẫn mang đậm nét sầu thương khi trở lại gia trang không gặp Thúy Kiều: 

Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.
(Tuyện Kiều câu 247-248)

Cái buồn xa cách bị đè nén, muốn giải tỏa chỉ còn cách viết vào giấy gửi nó cho dòng nước chảy xiết đưa đến người bạn nơi phương xa. Sự kiện nầy có tính cách đặc trưng ước lệ để biểu lộ tình cảm nhớ thương tha thiết gửi đến bạn thân hay người yêu. Trong văn chương cổ điền, người xưa hay dùng cách thức nầy.

Cái đặc sắc của bài thơ nầy là sử dụng ngôn ngữ thật đơn giản kết hợp với nhạc điệu thi ca phảng phất như có như không khiến cho cảnh vật có vẻ đẹp vừa mông lung vừa thơ mộng. 

Bài nầy của Trần Đình Thâm là một điển hình trong cách sử dụng vần trắc: trầm thuợng thanh( dấu hỏi) và phù thượng thanh(dấu ngã) để diễn tả cái mông lung bao la của trời thu trên dòng sông vắng, đồng thời tác giả cũng mượn dòng sông để nói lên tâm sự của minh đối với bạn mà nỗi buồn xa cách sao cứ đọng mãi trong lòng không bao giờ dứt!

Sau đây là một bài khác cũng dùng cách gieo vần trắc nhưng với dấu sắc và nặng. Đó là bài Vọng Thái Lăng của Chu Văn An:

(Chu Văn An 朱文安 (1292-1370) tự Linh Triệt 靈澤, hiệu Tiều Ẩn 樵隱, tên thuỵ là Văn Trinh).
Vọng Thái Lăng
望泰陵 • Trông về Thái Lăng*:
  
  
望泰陵

松秋深鎖日將夕
煙草如苔迷亂石
黯淡千山風更愁
消沉萬古雲無跡
溪花欲落雨絲絲
野鳥不歸山寂寂
幾度躊躇行復行
平蕪無盡春生碧
(
朱文安)

chú thích: Thái Lăng, vùng đất An Sinh (huyện Đông Triều), tỉnh Quảng Ninh, chính là quê gốc của nhà Trần; ở đây có một hệ thống di tích lịch sử,khu lăng mộ vua Trần ở xã An Sinh đã cho thấy Đông Triều từng là một trung tâm văn hoá hết sức quan trọng thời nhà Trần trong đó Thái Lăng (lăng Đồng Thái) là lăng đầu tiên được xây dựng ở An Sinh vào năm 1320, cũng là nơi an táng vua Trần Anh Tông (1276-1320). (Theo Nguồn "Bảo tồn Văn Hóa Việt Nam").

Phiên âm Hán Việt:

Vọng Thái Lăng


Tùng thu thâm toả nhật tương tịch,
Yên thảo như đài mê loạn thạch.
Ảm đạm thiên sơn phong cánh sầu,

Tiêu trầm vạn cổ vân vô tích.
Khê hoa dục lạc vũ ti ti,
Dã điểu bất đề sơn tịch tịch.
Kỷ độ trù trừ hành phục hành*,
Bình vu vô tận xuân sinh bích.
(Chu Văn An)

*Chú thích :行復行(hành phục hành), có bản ghi là: 行不行(hành bất hành). Về nghĩa, hai bản văn tương tự nhau, chỉ tâm trạng bối rối, tấn thối lữơng nan.
 Dịch nghĩa:


Cây tùng cây thu khoá kín (bầu trời), ngày sắp tàn,

Khói lan trên cỏ xanh, như rêu che lấp những hòn đá ngả nghiêng.

Ngàn non ảm đạm, gió thổi càng thêm sầu,

Muôn thuở tiêu điều, mây không để lại vết tích.

Hoa bên suối sắp rụng, mưa lất phất,

Chim ngoài đồng nội ngưng tiếng hót, núi quạnh hiu.

Mấy lần dùng dằng, đi rồi lại đi,

Cỏ hoang bát ngát, sắc xuân xanh biếc.

    Trong bài thơ nầy vần trắc gieo ở chữ cuối câu 1(tịch),câu 2(thạch), câu 4(tích), câu 6( tịch), câu 8(bích). Bài thơ tả cảnh trời chiều khi hoàng hôn sắp tắt bên cạnh bờ suối. Trời mưa lất phất gió thổi mạnh tùng cơn, lòng tác giả bâng khuâng buồn diệu vợi, nhìn về hướng mộ địa Thái Lăng, nhớ triều đại hưng thịnh vua chúa ngày xưa, mà thời gian như xóa mờ tất cả, còn đây chỉ là rừng núi quạnh hiu, chim đồng ngưng tiếng hót. Tác giả dùng dằng nửa muốn đi nửa muốn về, mà đi đâu về đâu ông cũng không biết!

Vần trấc gieo ở đây có tác dụng làm nỗi buồn như kéo dài bất tận với sự cô đơn trước thiên nhiên mênh mông.

Dịch thơ: bài "Đề Thu Giang Tống Biệt Đồ"/Nguyễn Cang

Đề bức tranh tiễn biệt trên sông mùa thu



Trời tạnh bên sông cây đậm màu
Dưới sông nước biếc chảy xuôi mau
Biệt ly sầu nhớ thêm man mác
Thư cuốn theo dòng dạ não nao.


Phỏng dịch
:V. Ng.
   Tiễn Biệt
Liễu vẫn đẹp não nùng
Sóng sông xanh chưa dứt
Biệt ly sầu mênh mông
Trôi về nơi heo hút.

Nguyễn Cang(11/6/2017)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét