29 thg 6, 2017

FM 974 Ấn Độ: 560 Triệu Người Dân Ấn Không Chịu Dùng Cầu Tiêu:





Chuyện Thế Giới Trong Tuần

Thứ Hai 26/06/2017



     Một buổi sáng cuối tháng tư, Harish Tikeda, Ganesh Soni và Mohammed Ansari, đứng nối đôi nhau chờ tới phiên vào cái cầu tiêu công cộng của khu nhà “ổ chuột” Indira Nagar ở phía đông thành phố Mumbai, thình lình nguyên sàn nhà sụp xuống, làm cả ba lọt vào cái bồn chứa phân người trộn hóa chất sâu hơn năm thước dưới đất.

     Hai người khác cũng rớt theo, Sirajudin Turat và Ramakant Kanojia nhưng bám tòn ten vào thành bồn chứa, cho tới lúc họ được toán nhân viên cấp cứu kéo lên, không ai nhìn ra ai vì phân dính trùm kín đầu đến chân, họ được chở tới bệnh viện gần đó nhưng Tikeda, Soni và Ansari đã chết. Tại các khu nhà “ổ chuột” ở Mumbai, chỉ cần một sơ xuất nhỏ nào đó, khi làm công việc hàng ngày cũng có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng, nhất là ở khu M-East, nơi dân số trú ngụ quá đông mà các phương tiện vệ sinh công cộng lại quá ít. M-East là khu nghèo nhất và thiếu thốn phần lớn các dịch vụ công cộng trong số 24 phường hành chánh của Mumbai, ở đây chánh quyền thành phố có mở mang thêm ra trong suốt 15 năm qua nhưng vẫn còn được xem nằm ngoài địa giới phát triển của hệ thống quản trị chánh phủ liên bang, sự khác biệt giữa những gì mà các chung cư giới trung lưu và khu nhà “ổ chuột”có, đã bị báo chí chỉ trích nặng nề.

    Phần lớn nhà cửa trong khu khoảng 1 cây số vuông này, không có hệ thống cầu tiêu và đường ống dẩn nước máy, hoặc là vì đơn xin xây cầu tiêu riêng và gắn vòi nước đang chờ cứu xét hay vì khu này nằm cuối ngỏ cụt, có nghĩa là cục công chánh sẽ không cung cấp bất cứ một dịch vụ công cộng nào cả. Về hệ thống cầu tiêu, người dân thành phố Mumbai phải trả khoảng 3 rupees (từ 2 tới 4 xu tiền Anh) cho mỗi lần dùng cầu tiêu, việc này mang đến cho chính quyền lợi tức thu vào độ 45 triệu bản Anh một năm, người nghèo nhất của người nghèo trả hơn 120 ngàn bản Anh mỗi ngày cho việc dùng các dịch vụ căn bản, các chỗ công cộng này ít khi được bảo trì, quét dọn, sửa chửa mặc cho không biết bao nhiêu lần bị than phiền, khiếu nại. Khoảng 78% cầu tiêu công cộng tại các khu nhà “ổ chuột” ở Mumbai đều thiếu nước trầm trọng, 58% không có điện và nhiều chỗ không có cửa nẻo chắc chắn đàng hoàng hay chỗ cho phụ nữ thay dồ dùng vệ sinh cá nhân, khu M-East là khu tồi tệ nhất.

    Đa số những người sống tại khu nhà “ổ chuột” buộc phải dựa vào các nhóm cung cấp dịch vụ không chính thức, được điều hành bởi một mạng lưới của số người có quyền lực địa phương, họ cung cấp nước bằng các thùng chứa hay dẩn qua mấy đường ống dẩn mà chính phủ bỏ ngang, không tiếp tục, giá cả tùy theo mức độ cung cầu, từ cao nhất là 48 xu tiền Anh, xuống thấp nhất khoảng 6 xu cho mỗi một thùng chứa 40 lít, khi hội đồng thành phố ra lệnh giới hạn mức nước tiêu dùng vào mùa hè, giá này tăng lên cao hơn nhiều. Cái cầu tiêu sụp ở khu nhà “ổ chuột” Indira Nagar được xây lên chừng 10 năm nay do số tiền đóng góp của dân biểu và nghị viên địa phương, nhà thầu đã bị bắt giữ và bị buộc vào tội hình sự theo đạo luật hình sự Ấn, nhưng không với tội danh giết người, người thầu khoán này gần đây được trả tự do, ông ta không bình luận gì cả. Tai nạn này không phải là cái xãy ra duy nhất, trên khắp vùng Mumbai, đã có 7 người chết và một tàn tật do tai nạn y như vậy trong ba tháng vừa qua. Theo tiêu chuẩn của ủy ban “làm sạch Ấn Độ”, một cầu tiêu xây lên chỉ đủ sức chịu đựng cho 25 người phụ nữ hay 30 người đàn ông dùng, nhưng ở khu M-East, tính trung bình, mỗi cái cầu tiêu có đến 190 người vào đó. Bên cạnh đó, chuyện cung cấp nước xài thường xuyên đã từng là điều mà chính quyền hứa hẹn, nhưng bất chấp những hoạt động tranh đấu của các chính trị gia, xem ra không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có thay đổi tại các khu nhà “ổ chuột” ở Mumbai. Các đảng phái chính trị thường đưa ra vấn đề cung cấp nước làm lá bài tranh cử, đều nói nếu họ lên nắm quyền, vấn đề nước sẽ được giải quyết, sau đó, đường ống dẩn nước được lắp đặt, gắn tới gắn lui nhưng vẫn không có nước chảy cho nên, dân sống ở đây phải mua nước mà xài.

   Ở một nơi khác, xa những khu nhà “ổ chuột” ở thành phố Mumbai, mỗi buổi sáng Pradeep thức dậy sớm, trươc khi có tiếng gà bắt đầu gáy trong làng, anh rời nhà đi ra đường huýt sáo, ra dấu hiệu cho đám bạn tụ họp lại, họ nói chuyện với nhau gì đó một hồi rồi chia nhau đi nhiều hướng khắp làng, họ đang trên đường làm công việc đặc biệt mà ít người nghĩ tới. Khi bình minh bắt đầu rạng hé lên trên vùng nông thôn Sehore, ở tiểu bang trung Ấn, Madhya Pradesh, dân làng rời nhà, trên tay cầm theo cái “dabba” nhỏ (cái hộp) để làm cái chuyện vệ sinh của con người có từ thuở xa xưa, khi những ông những bà này tìm tới ngồi ở một góc bờ hay bụi rậm khuất vắng, bắt đầu chuyện này, Pradeep và đám bạn huýt sáo rầm lên in ỏi và đổ nước trong các cái “dabba” của họ ra, tự gọi tên cho nhóm của mình là “nhóm Dabba Dol”, Pradeep cùng những người bạn, hầu hết là còn nhỏ, từ 8 tới 13 tuổi, làm việc này để gây nên sự chú ý của những người dân làng làm chuyện “đi cầu” ngoài đồng trống, với ước mong ngăn ngừa họ làm như vậy trong tương lai.

    Pradeep là một trong hàng ngàn người trên khắp Ấn Độ, đang cố gắng tìm cách giải quyết một sự thách thức lớn nhất hiện tại, là làm thế nào để hơn 560 triệu người dân Ấn không còn thói quen “đi cầu” ngoài đồng, thay vì nên dùng cầu tiêu. Tổ chức “Làm sạch nước Ấn” (Swachh Bharat Missison) sau khi tái tổ chức và tái phát động chiến dịch vệ sinh đã tiến hành những sự tranh cải và đòi hỏi phải có hành động tức khắc, mục tiêu mà họ nhắm tới là, sẽ làm cho nước Ấn không còn người “đi cầu” ngoài đồng từ ngày 2 tháng 10 năm 2019, ngày này là ngày kỷ niệm 150 năm sinh nhật của ông Mahatma Gandhi. Một trong các phương cách khả thi nhất là khuyến khích sự tham gia tiên phong của cộng đồng có trực tiếp liên hệ, kêu gọi hành động chung của người dân sống tại các khu nhà “ổ chuột” với sự hổ trợ của các chuyên viên có kinh nghiệm hướng dẫn, để họ hiểu được yếu tố vệ sinh sức khỏe và những hậu quả kinh tế của việc “đi cầu” ngoài đồng thay vì dùng cầu tiêu.

    Tuy nhiên trong thực tế, việc này không bao giờ dễ dàng như người ta nghĩ, vẫn còn rất nhiều người dân, từ chối tin tưởng vào các lợi ích của việc dùng cầu tiêu, phần lớn thích làm chuyện này ngoài trời hơn vì họ tin rằng, ông cha đã làm như vậy trong nhiều thế kỷ qua, một thói quen lâu đời, rất khó thay đổi. Vi vậy, để tạo áp lực cho người dân này, chính quyền địa phương, cho áp dụng nhiều phương cách khác nhau, thí dụ như lập ra một “nigrani samitis” (ủy ban quan sát theo dỏi), thành viên của nhóm này sẽ để mắt theo dỏi dân làng, xem ai vẫn còn “đi cầu” ngoài đồng, người đó xem như phạm tội, đi theo họ tới chỗ họ đã làm việc đó, buộc họ phải đi quanh làng, mỗi người phạm tội sẽ mang tấm bảng nói chuyện họ làm, và tên của họ cho dân chúng đứng xem.

    Chính quyền của tiểu bang Harayana, ở phía bắc Ấn, mới vừa qua, tuyên bố sẽ dùng máy bay nhỏ, điều khiển bằng bộ phận cầm tay, bay trên trời, theo dỏi và thu hình người phạm tội, đồng thời ở tiểu bang Madhya Pradesh, một đạo luật đã được thông qua, cấm những ai không chịu xả nước sau khi dùng cầu tiêu, được ra ứng cử tại các kỳ bầu cử, một ông xã trưởng của một xã thuộc tiểu bang Chhattisgarth còn đi xa hơn nữa, ông ra lệnh rằng, những ai không chịu xây cầu tiêu trong nhà mình sẽ không được đến các cửa hàng phân phát nhu yếu phẩm của chính phủ để nhận thực phẩm, thảm thương thay, cũng tại tiểu bang này, mới vừa đây đã có một người đàn ông chết vì cầu tiêu sập xuống.

    Bài học rút ra từ các sự thất bại và thành công của chính sách về chủng ngừa bệnh sưng màn phổi và kế hoạch hóa gia đình được xem là quý giá để chính quyền Ấn tránh bị phản ứng ngược từ người dân, nhất là với chiến dịch “làm sạch nước Ấn” của tổ chức “Swachh Bharat Mission”, chuyện cầu tiêu và “đi cầu” ngoài đồng, vẫn là một vấn nạn nhức đầu không ít mà họ phải đối mặt với con số 560 triệu người.


  

Thuyên Huy

Mon 26.06.2017

(Viết theo Asia Times)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét