Phương
Thảo
(Hà Lan)
(VNTB) - Tuyệt nhiên không có một em học sinh nào đề
cập đến việc lên án người Đức hay khơi dậy lòng thù hận. Các em chỉ nói một
điều rất đơn giản, “ Màu da nào, tôn giáo nào cũng như nhau vì ai cũng là con
người.”
Sau sự kiện Charlie Hebdo ở Pháp và việc người Do thái
lại trở thành mục tiêu của khủng bố, Anne Frank lại được đưa vào chương trình
học của học sinh từ 12-18 tuổi ở Hà lan theo một cách thức mới.
Các em học sinh được xem kịch miễn phí và học hỏi thêm về Anne Frank. Cha của
Anne, ông Otto Frank đã nói, “ để xây dựng tương lai chúng ta cần phải biết về
quá khứ.”
Anne Frank- một cô bé người Do thái- nổi tiếng nhờ quyển nhật ký được cô viết trong thời gian xảy
ra cuộc thế chiến lần thứ hai. Sinh ra ở Đức, nhưng cả gia đình phải di
cư sang Hà Lan
khi cô mới được bốn tuổi nhằm trốn chạy khỏi các cáo buộc của người
Đức đối với
người Do thái về cuộc khủng hoảng kinh tế Đức những năm 1930
của thế kỷ trước.
Gia đình Anne Frank có được khoảng thời gian yên bình
ngắn ngủi trước khi Đức quốc xã chiếm đóng Hà Lan vào tháng 5 năm 1940. Người Do thái
bị phân biệt đối xử ở khắp nơi từ hồ bơi, rạp chiếu phim, trên tàu điện cho đến
các công viên. Tất cả mọi người Do thái phải đi trình báo để chính quyền biết
nơi nào có người Do thái sinh sống và trên áo phải đính một ngôi sao có chữ “Do
thái”.
Ngày 12 tháng 5 năm 1942, Anne Frank tròn 13 tuổi và món
quà sinh nhật mà cô bé nhận được là một quyển nhật ký và cô bé bắt đầu viết từ
đấy. Vào một ngày mưa tầm tã của tháng 7 năm 1942, họ đến một căn
phòng nhỏ phía sau công ty của bố Anne mà họ đã chuẩn bị trước từ lâu. Mỗi
người cố mặc thật nhiều quần áo vào người và mang theo vài vật dụng cá nhân.
Anne không quên mang theo quyển nhật ký viết dở và trong đó để đánh dấu ngày
phải đi chạy trốn này cô viết “Khoảng thời gian vô lo thời học trò sẽ không bao
giờ quay trở lại.” Căn gác xép chật hẹp trở thành nơi cư ngụ của hai gia đình
tám người.
Trong hơn hai năm trời không được ra ngoài và giao tiếp với
người khác, quyển nhật ký trở thành bạn của Anne. Cô bé viết thư cho một người
bạn tưởng tượng có tên là Kitty để giải tỏa nỗi lòng. Ngày 4 tháng 8 năm 1944,
một ngày hè nắng rực rỡ, hai gia đình bị bắt sau hơn hai năm trốn ở căn phòng
trên gác xép. Tất cả mọi thứ quý giá đều bị lấy đi, quyển nhật ký của Anne bị
rơi lại khi đổ bỏ các thứ vặt vãnh trong giỏ ra để lấy chỗ chứa các món đồ có
giá trị. Quyển nhật ký nằm lại trên sàn nhà, Anne và những người sống cùng và
cả những người che chở cho bọ bị đưa đi. Anne đã bị thủ tiêu khi cô 15 tuổi vào
một ngày tháng 3 năm 1945 trong một trại tập trung ở Bergen-Belsen.
Sau chiến tranh, bố của Anne quay trở lại Amsterdam, nhận đươc
quyển nhật ký của con gái ông không thể nào có thể tưởng tượng được con gái ông
có thể trải lòng ra với tất cả cảm xúc nhiều được như vậy. Anne có viết rằng cô
bé có ý định sẽ xuất bản quyển sách về những ngày sống trong căn nhà phía sau
ấy. Bố Anne quyết định làm theo ý nguyện của con gái mình và ngày 25 tháng 6
năm 1947 quyển nhật ký của Anne Frank được xuất bản lần đầu tiên với 3.000 bản
in. Kể từ đó vô số các bản in được tái bản nhiều lần, phim tài liệu, kịch... đã
được làm ra dựa trên câu chuyện có thật này.
Căn nhà Anne Frank từng sống những ngày trốn tránh cuộc truy bắt
của Đức quốc xã giờ đây trở thành một viện bảo tàng. Mỗi ngày du khách xếp hàng
dài trước cửa để vào tham quan. Mùa đông cũng như mùa hè, mưa cũng như nắng, có
khi phải chờ 90 phút mới được vào cửa là chuyện thường. Có người đến vì họ cũng
là người Do thái, có người cũng đã từng phải sống trốn chạy như gia đình Anne
dưới ách các chế độ độc tài ở Trung Đông, có người Mỹ gốc phi đến vì đồng cảm
với sự kỳ thị màu da và chủng tộc mà họ trải qua trong những năm 60. Họ cùng học
được một điều từ cô bé Anne: con người ai cũng có quyền như nhau, không ai được
phép cho mình là thượng đẳng và trên hết là niềm tin vào tự do đồng thời biết
nhận định rõ bản thân. Nhiều người bước ra khỏi viện bảo tàng nhỏ với đôi mắt
ngấn lệ hay là đôi vai trĩu nặng vì họ cảm nhận được những gì cô bé phải trải
qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét