Liêu Diệc Vũ
Thận Nhiên dịch qua bản tiếng Anh
Sáng
nay nhắc lại bài viết tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn của nhà thơ Liệu
Diệc Vũ, trong đó có thuật lại một phần chuyện đời của ông khi bị nhà
cầm quyền Trung cộng bỏ tù 4 năm vì dính líu đến nó.
Sau khi ra tù, gia đình tan nát, ông lang thang kiếm
sống và viết những điều chứng kiến được từ đáy xã hội Trung Quốc. Nhiều
năm sau, những chuyện này được in thành sách ở Tây phương (Pháp) và được
dịch ra, phổ biến rộng, bản tiếng Anh là The corpse walker.
Tôi dịch lại một chuyện dưới đây.
***
KẺ DẮT THÂY MA
Những câu chuyện dắt thây ma về nhà rất phổ biến ở cả
miền Bắc lẫn miền Nam Trung Quốc. Phần lớn những chuyện này được phóng
đại ly kỳ cho tới nỗi người ta phải xem chúng như chuyện hư cấu. Sau khi
Lý Trường Canh, một tay khóc mướn chuyên nghiệp, nhắc tới chuyện dắt
thây ma trong một cuộc phỏng vấn trước đây, thì có nhiều độc giả viết
thư hỏi xem họ có nên tin vào lời mô tả về chuyện này hay không. Riêng
tôi, thì nghĩ rằng nó nửa thật nửa bịa, nhưng mới đây tôi nghe câu
chuyện sau đây, thì có vẻ như khá là đáng tin. Vào dịp đám giỗ của cha
tôi, tôi đã đến vùng Lệ Giang ở Tứ Xuyên, nơi cha tôi ra đời và tro cốt
của ông được chôn. Sau khi làm xong những nghi thức lễ lạt – thắp hương,
đốt pháo bông, và khấu đầu lạy trước mồ – thì tôi đến thăm lão La Thiên
Vương, một thầy phong thủy, người đã chọn phần mộ của cha tôi. Lão La
là một người bạn cũ của gia đình, giờ đã trên bảy mươi. Trông ông rất
khỏe và tràn đầy nhựa sống; mắt vẫn tinh anh và tâm trí thì nhạy bén, và
chúng tôi đã trò chuyện cùng nhau khá lâu.
***
LIỆU DIỆC VŨ: Thời thơ ấu ở đây tôi thường nghe Vương
Tam Nãi Nãi, một bà hàng xóm, kể những câu chuyện về việc dắt thây ma.
Bà bảo rằng người ở Tứ Xuyên gọi vụ này là “yo shi” . Vì “shi” nghĩa là
“thây ma”, còn “yo” thì được lấy ra từ “yo ho, yo ho”, là tiếng mà thầy
dắt thây niệm trong lúc lê dắt cái thây ma theo mình. Ông có nghĩ là có
chút sự thật nào về những những chuyện này không?
LA THIÊN VƯƠNG: Có chứ. Dắt thây ma chưa bao giờ là
một nghề được người ta chính thức nhìn nhận, nhưng nó đã có từ thời xa
xưa. Khi còn bé, tôi có rất nhiều bạn làm nghề buôn muối. Họ từng đi bộ
trên những con đường đất đến những tỉnh trung tâm Thiểm Tây và Hà Nam.
Nhiều khi họ gặp những quán bên đường, đóng cửa và trống không, có
trương bảng báo “thây ma đang đi qua ranh giới”. Những bảng này rất ma
quái – run rẩy, chập chờn trong gió lạnh trên con đường núi vắng hoe.
Khi những bạn tôi kể chuyện của họ, tôi hỏi: “Khi người ta chết thì thi
thể hắn cứng đơ. Làm sao mà hắn có thể đi qua ranh giới được chứ?” Họ
không biết, và cho mãi tới vài năm về sau này thì tôi mới hiểu ra việc
đó được thực hiện như thế nào.
LIỆU DIỆC VŨ: Thây ma đi qua ranh giới? Có phải điều
đó có nghĩa là cái ranh giới phân chia thế giới của người sống và người
chết không?
LA THIÊN VƯƠNG: Không phải, nó đúng theo nghĩa đen là
đi qua ranh giới của tỉnh hay hạt. Như tôi đã nói với cậu, thời đó
phương tiện vận chuyển còn tệ lắm. Cái được gọi là quốc lộ chỉ là một
con đường mòn thôi. Khi một thương khách qua đời vì bệnh hoạn hay tai
nạn bất ngờ thì việc mang xác về làng quê của hắn để chôn là vô cùng
khó. Và nếu kẻ qua đời ấy không về được quê nhà, theo như phong tục, thì
hắn sẽ được xem là một vong hồn cô quạnh và một con ma vô sở trú. Thế
nên, vì không có xe đò hay xe tải nên nếu gia đình có thể trang trải,
thì họ thuê những kẻ dắt thây ma chuyên nghiệp.
LIỆU DIỆC VŨ: Nhưng làm sao thây ma có thể đi được
chứ? Có trò ảo thuật huyền hoặc gì không đây? Tôi có nghe rằng những kẻ
dắt thây ma cho một con mèo đen bò ngang qua cái xác chết, tạo thành
tĩnh điện có thể làm cho nó cử động như một con rối.
LA THIÊN VƯƠNG: Chuyện đó nhảm nhí.
LIỆU DIỆC VŨ: Có bao giờ ông thấy ai dắt một thây ma đi chưa?
LA THIÊN VƯƠNG: Rồi. Hồi đầu thập niên 50, chính phủ
Cộng sản mới lên điều một nhóm cán bộ để phát động chiến dịch Cải cách
Ruộng đất, tước đất của người giàu rồi ban cho người nghèo. Nhóm này
phân loại người ta ra, dựa theo sự giàu có và tín ngưỡng của họ. Những
địa chủ giàu có và những người theo Quốc gia được xem là kẻ thù của nhân
dân, và nhiều người bị tra tấn và tử hình nếu họ không nhanh chân trốn
lên núi hay hối lộ những tổ tam tam để bảo vệ họ. Vì ba thế hệ của gia
đình tôi trong nghề phong thủy, nên chúng tôi bị xem là những người hành
nghề mê tín dị đoan, và tôi không được tham gia vào những hoạt động
phân phối lại đất đai. Chẳng có việc gì để làm, rồi một buổi chiều u ám
tôi đang lững thững trên đường làng thì đột nhiên một vật thể kềnh càng,
đen thui đi ngang qua, làm tôi lạnh xương sống. Cái vật đó được trùm
bằng một cái áo choàng thùng thình, đen như mực. Chân áo lấm tấm bùn,
thỉnh thoảng một chiếc giày da thò ra bên dưới. Những bước chân nặng nề,
vang lên thình thịch, thình thịch như tiếng ai dùng gậy gỗ nện xuống
đất. Ngay lúc đó, Tí Heo, thằng bạn tôi lon ton chạy tới, thì thầm vào
tai tôi: “Cái thây ma đó mày à.”
Lời của Tí Heo khiến tôi hoảng hồn, tôi bèn chạy vòng
ra đằng trước cái áo choàng. Một gã đàn ông ở ngay đó, đang đi trước
cái thây ma mấy bước, vận áo khoác bằng vải len mộc, bưng một cái giỏ
đựng đầy tiền giấy vàng bạc. Tay kia gã cầm một cái đèn lồng màu trắng.
Cứ vài phút, gã thò tay vào giỏ bốc ra vài tờ tiền, ném tung lên trời.
Cậu biết cái nghi thức này mà, phải không nào? Nó được gọi là “mua đường
vào cõi âm”. Dân quê vẫn tin rằng tiền vàng bạc được dùng để hối lộ cho
lũ ma hộ mệnh của thây ma để chúng không chặn đường lên cõi cực lạc.
LIỆU DIỆC VŨ: Vậy ra là người ta nghĩ rằng cõi âm
cũng suy đồi chẳng kém trần gian. Nhưng tại sao lại có cái đèn lồng giữa
ban ngày ban mặt như thế chứ?
LA THIÊN VƯƠNG: Để soi đường lên trời. Và cái đèn
lồng trắng, tiền vàng bạc, và cái áo choàng đen cùng tạo ra cái không
khí tang tóc. Cái đèn lồng còn phục vụ cho một mục đích thực dụng khác
nữa – nhưng hãy để tôi kể nốt câu chuyện đã. Tí Heo và tôi quyết định
tiếp tục đi theo tay dắt thây này. Cái thây ma trông cao hơn người bình
thường một cái đầu và đội cái mũ rơm to đùng. Bên dưới cái mũ là một mặt
nạ giấy màu trắng – giống một trong những mặt-nạ-ngó-buồn-thiu mà người
ta che mặt trong những vở tuồng. Gã đi trước niệm lớn, “Yo-ho, yo-ho,”
và lạ thay cái thây ma tuân thủ theo như một người lính được huấn luyện
thành thục. Nó theo kẻ dắt đường với một độ chính xác tuyệt vời. Chẳng
hạn, khi họ leo lên những bậc đá trên đường, thì kẻ dắt thây nói, “Yo
ho, yo ho, bậc thang ở trước.” Cái thây ma dừng lại một giây, rồi bước
lên thang, từng bước một, với thân hình cứng đờ nghiêng ra sau. Tí Heo
và tôi đi theo họ chừng sáu, bảy cây số, mãi cho tới một quán nhỏ ven
đoạn đường vắng. Trong lúc cái thây ma chờ ở lối vào, thì kẻ dắt thây đi
vào phòng khách, gõ tay lên quầy, rồi hạ giọng: Phúc thần đã tới.
LIỆU DIỆC VŨ: Câu đó có nghĩa là gì?
LA THIÊN VƯƠNG: Rõ ràng nó là một mật hiệu, vì lão
chủ quán gật đầu, mỉm cười rồi bước ra khỏi quầy. Lão cung kính cúi đầu
chào kẻ dắt thây rồi dẫn gã và thây ma vào phía sau quán. Chúng tôi lẻn
vào sân sau và tìm ra phòng của kẻ dắt thây nhờ thấy cái đèn lồng trắng
để ở trước cửa phòng. Chúng tôi cố tiến gần lại thì nghe tiếng la giận
dữ của lão chủ quán. Lão chộp lấy tay áo tôi và gào lên: “Cút đi, mấy
thằng oắt khốn nạn này. Cấm bọn mày thèo lẻo với ai nhé, hiểu chưa?”
LIỆU DIỆC VŨ: Lão chủ quán không sợ xui xẻo vì tiếp đón thây ma à?
LA THIÊN VƯƠNG: Bởi vì thây ma được bó lại trong cái
áo choàng, chẳng có khách hàng nào nghi ngờ gì cả, và dân địa phương thì
cho rằng những kẻ dắt thây mang điềm lành đến, bởi vì cái chết là sự
khởi đầu của đời sống trong một thế giới khác. Sau này tôi nghiệm ra
rằng điều đó là lý do vì sao kẻ dắt thây được tôn vinh là phúc thần.
Thậm chí tương truyền rằng: Nếu phúc thần đến quán của ai, thì may mắn
theo vào như nước. Dĩ nhiên, lão chủ quán có thể tính tiền tiếp đãi cao
gấp ba lần.
Mặc kệ những lời chửi mắng của lão chủ quán, Tí Heo
và tôi không muốn bỏ đi. Chúng tôi quanh quẩn ngoài hành lang. Một lúc
sau, lão chủ quán trở ra với một tờ bạc lấp lánh trên tay. Vào thời đó
nó là món tiền lớn – lão không kềm được nỗi vui mừng. Khi thấy chúng
tôi, lão gọi đến dúi cho một ít bạc lẻ, rồi sai chúng tôi chạy xuống
quán ăn ở cuối đường mua đậu phộng rang, lỗ tai heo luộc, lưỡi heo, và
một ít rượu mạnh. Lão còn bảo chúng tôi mua đèn cầy và tiền vàng bạc ở
một tiệm chuyên bán đồ tang lễ. Lão chủ quán bảo rằng kẻ dắt thây cần bổ
sung thêm đồ dự trữ cho cuộc hành trình ngày hôm sau. Thật lạ, lão chủ
quán nhắc kỹ với chúng tôi mua ở quán ăn tới hai bộ chén đũa. Lão bảo
một bộ là dành cho phúc thần.
Chúng tôi nhanh chóng làm xong việc, lão chủ quán rối
rít cám ơn. Lão trả công cho chúng tôi một ít xu hào và mời ngồi uống
trà với lão. Lão kể rằng trong hai mươi năm qua, lão đã tiếp đón hơn
mười kẻ dắt thây ma đi qua vùng này. Chúng tôi hỏi dồn. Lão hạ giọng thì
thầm: “Không phải cái thây ma đi được đâu – mà là người sống đó.” Tí
Heo và tôi không hiểu. Lão chủ quán nói sự kỳ bí nằm bên trong cái áo
choàng. Nhưng lão không tiết lộ thêm gì nữa. Tí Heo bảo: “Bây giờ chúng
ta đang sống trong một thời đại Cộng sản mới. Dắt thây ma là trò của xã
hội cũ. Giờ nó được xem là mê tín và phạm luật. Không cần giữ bí mật với
chúng tôi làm gì đâu. Chúng tôi sẽ không kể lại với ai đâu. Nhưng nếu
lão không kể với chúng tôi, thì chúng tôi sẽ báo cáo với cán bộ rằng lão
cho kẻ dắt thây ma thuê phòng.” Sau một hồi chúng tôi nài nỉ rồi đe
dọa, lão chủ quán mới chịu kể.
LIỆU DIỆC VŨ: Bí mật của vụ này là thế nào?
LA THIÊN VƯƠNG: Bên trong cái áo choàng, có hai thân
người: thây ma và một người sống cõng nó trên lưng. Suốt chuyến đi,
người cõng xác phải dùng hai tay để giữ cho nó không tuột xuống. Chắc là
tụi bây đã biết, xác của người chết trở nên cứng đơ và nặng như tảng
đá. Phải đến tám người mới khiêng nổi cỗ quan tài. Thử hình dung xem,
một người trong áo choàng đen to, cõng cái thây ma trên lưng, đi hàng
trăm dặm, thì khó khăn, nặng nhọc đến mức nào. Vì gã khó mà gập được đầu
gối, mỗi cử động đều cứng nhắc và ngượng nghịu. Tệ nhất là, cái áo
choàng đen ngăn gã thấy những gì phía trước. Bây còn nhớ cái đèn lồng
trắng mà mình nhắc hồi nãy rồi không? Ánh sáng phát ra từ nó là để hướng
dẫn cho gã cõng thây ma.
LIỆU DIỆC VŨ: Khi nào thì kẻ dắt thây ma ăn?
LA THIÊN VƯƠNG: Thông thường, những kẻ dắt thây ma
chỉ ăn mỗi ngày một bữa, và họ đi một mạch từ mười đến mười hai giờ liền
mà không nghỉ. Vì đi có đôi, nên họ đổi ngày cõng xác cho nhau. Nhiều
khi chuyến đi dài tới hơn một tháng. Với chuyến đi dài như vậy, thì
không thể thực hiện trong những tháng nóng do cái xác sẽ thối rữa vì
nhiệt độ cao. Ngay cả trong mùa đông, kẻ dắt thây ma cũng phải tiêm thủy
ngân và những chất thuốc chống thối rữa vào xác. Khách hàng hiểu việc
này khó nhọc lắm nên họ sẵn lòng trả rất nhiều tiền công.
Lão chủ quán bảo người trong nghề phải trải qua hàng
mấy năm huấn luyện thể lực đặc biệt. Họ thường có võ nghệ rất giỏi và có
thể tự vệ chống lại bọn cướp đường.
Tí Heo và tôi rất hào hứng khi nghe những chuyện này.
Tí Heo muốn xuống sân sau để dò xét. Lão chủ quán ngăn nó lại, bảo rằng
cửa đã khóa rồi.
Tôi nói: “Tụi tôi có thể áp tai vào cửa để lắng nghe.”
Lão chủ quán véo tai tôi: “Nếu bắt được mày, thì họ
sẽ cắt tai mày để làm đồ nhắm ngay. Kẻ dắt thây ma là những người rất
riêng tư. Một khi đã vào phòng, thì họ sẽ không bao giờ bước ra cho tới
rạng sáng khi họ lên đường.”
Hôm đó lão chủ quán khá thấm mệt nên chúng tôi ngưng
câu chuyện. Trời bên ngoài tối thui khi chúng tôi bước ra. Lão dúi cho
chúng tôi thêm vài xu và bắt chúng tôi hứa sẽ không nói với ai về những
gì đã thấy. Lão nói rằng nếu bọn cán bộ mà biết rằng lão cho kẻ dắt thây
ma thuê phòng thì việc làm ăn của lão coi như tiêu tùng.
LIỆU DIỆC VŨ: Chuyện chỉ có vậy thôi à?
LA THIÊN VƯƠNG: Gượm đã! Tôi chưa kể xong. Sau khi về
nhà, thì tôi không thể đi ngủ ngay. Tôi vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh của
mấy kẻ dắt thây ma. Sáng hôm sau, tôi bị đánh thức bởi tiếng tay trưởng
làng đi lên đi xuống gõ cồng inh ỏi. Gã đang kêu gọi một cuộc mít-tinh
quan trọng cho cả làng. Tôi vọt ra khỏi giường, chụp cái áo khoác, rồi
chạy ào ra dưới cơn mưa phùn, bỏ luôn bữa ăn điểm tâm. Từ khắp mọi
hướng, dân làng cũng đang túa ra khỏi nhà.
Khi tới gần sân làng, tôi nhác thấy thằng Tí Heo. Nó
kéo tôi sang bên rồi nói lắp bắp: “Tao phải kể với mày chuyện này. Tối
qua sau khi chia tay, tao cứ nghĩ mãi về chuyện lão chủ quán kể với
mình. Tao nghĩ có điều gì không ổn. Mao chủ tịch dạy chúng ta phải đập
nát mọi trò mê tín. Thấy chưa, mấy cha nội dắt thây ma kia đang làm
những hoạt động mê tín – chúng là bọn phản cách mạng! Tao không thể để
Mao chủ tịch thất vọng.
Tao phải làm điều gì đó – nếu không, tao sẽ thành
đồng lõa. Thế nên nửa khuya tao bật dậy, đi mấy dặm tới văn phòng ủy
ban, rồi báo cáo với các đồng chí trong đội Cải cách Ruộng đất về bọn
dắt thây ma. Ngay lập tức họ liên lạc với một đơn vị Quân đội Giải phóng
Nhân dân đóng gần đó. Tao dẫn toán lính và các cán bộ của đội tới
quán.”
Lời của Tí Heo làm tôi nổi giận. Tôi tát nó: “Lẽ ra
mày không nên làm như vậy. Không phải mình đã hứa với lão chủ quán là sẽ
giữ bí mật sao?” Tí Heo nhìn tôi căm tức: “Cái gì, mày nghĩ là tao sẽ
câm mồm chỉ vì mấy đồng xu quèn sao?”
LIỆU DIỆC VŨ: Những lý do cách mạng cao quý quá hả! Tựu trung chỉ là tiền thôi, không đúng vậy sao?
LA THIÊN VƯƠNG: Không hẳn như vậy. Trong thời đó ai
cũng muốn có sự chiếu cố của nhà cầm quyền mới. Tí Heo chỉ đang cố tâng
công để tham gia vào nhóm ấy. Với sự giúp đỡ của Tí Heo, toán lính vũ
trang súng trường xông vào quán, bao vây lão chủ quán và nhân viên.
Chúng lặng lẽ tiến vào sân sau, dừng lại ngay trước cửa phòng của kẻ dắt
thây ma, rồi gõ cửa. Không ai đáp. Bọn lính phải đập cửa rầm rầm rồi
mới nghe vài tiếng sột soạt trong phòng. “Ai đó?” Có người hỏi. Điều đó
làm bọn lính điên tiết lên và chúng dùng báng súng dộng bung cửa. Bọn
lính vọt vào, lia đèn pin quanh phòng. Tí Heo, kẻ chứng kiến mọi chuyện
từ đầu tới cuối, bảo tôi rằng nó thấy hai kẻ dắt thây ma chỉ vận đồ lót,
đang đứng run lẩy bẩy cạnh cái giường. Cái thây ma, vẫn được trùm trong
cái áo choàng đen, đang dựa vào vách. Một tên lính kéo cái áo choàng
lên và thấy đó là xác của một người đàn bà, một phụ nữ giàu có – bà có
tóc uốn và gương mặt được trang điểm kỹ, bà được mặc một áo xường xám
bằng lụa xanh, đắt tiền. Trước đây, cả đám dân làng và bọn lính chưa có
ai từng được gần một bà giàu có. Vì tò mò, vài kẻ khều lên mặt bà, trong
lúc những kẻ khác sờ vào làn vải áo. Mũi, tai, và miệng bà được bơm đầy
thủy ngân và thứ chất lỏng gì đó bốc mùi rất nồng, nhưng điều đó không
đủ ngăn chúng ngừng tay khám xét.
Hai tay kẻ dắt thây ma giơ tay lên khỏi đầu. Bọn lính
ra lệnh cho họ và lão chủ quán đứng dọc theo vách, cạnh cái xác. Vì
thời ấy chưa có điện, bọn lính thắp cái đèn lồng trắng của họ lên rồi
thẩm vấn họ ngay tại chỗ. Tí Heo nói rằng dưới ánh đèn mờ mờ ảo ảo mọi
chuyện trông thật là quái dị.
LIỆU DIỆC VŨ: Những tay kẻ dắt thây ma ấy là ai vậy?
LA THIÊN VƯƠNG: Họ là hai anh em ở tỉnh Thiểm Tây.
Người anh ba mươi lăm tuổi, dáng thấp đậm, vạm vỡ. Người em ba mươi mốt
tuổi, gầy và cao hơn. Cha của họ đã trong nghề này rất lâu và nổi tiếng
trong vùng là Quỷ kiến sầu (Guijanchou). Từ khi còn bé hai anh em thừa
kế nghề nghiệp của cha. Họ bảo rằng họ đã cố gắng làm nông nhưng rồi bỏ
cuộc vì thu nhập quá tệ, không đủ sống. Khi bọn lính truy hỏi họ thông
tin về người phụ nữ đã chết kia thì hai anh em họ nhìn nhau, lắc đầu,
rồi nói rằng việc tiết lộ thông tin của người chết là vi phạm quy luật
nghề nghiệp. Bọn lính tát vào mặt họ rồi chĩa súng vào đầu, gào lên: Mao
chủ tịch dạy chúng ta, chỉ khoan dung với những kẻ chịu thú tội và
trừng trị bọn ngoan cố, không chịu hợp tác. Sợ đến són cứt, cả hai anh
em quỵ sụp xuống đất và khai báo mọi chuyện.
LIỆU DIỆC VŨ: Bà ấy là ai vậy?
LA THIÊN VƯƠNG: Người quá cố là vợ của một vị sĩ quan
trong quân đội Quốc gia. Khi quân Quốc gia bị đánh bại, thì vị sĩ quan
và vợ rơi vào tình cảnh phải lang thang, trôi dạt khắp nơi. Đó là vào
mùa đông, và người vợ bị viêm phổi. Trong lúc hấp hối, bà bắt người
chồng hứa mang xác bà về quê để chôn cất. Ông ta mua một chiếc cút-kít,
đặt xác vợ và hai cái rương hành lý lên, rồi đẩy nó theo những đường núi
lộng gió ở Xishenba, nơi đó ông gặp hai anh em nhà này. Vị sĩ quan kiệt
sức hứa sẽ trả công cho họ một số tiền rất lớn nếu họ mang xác người vợ
quá cố của ông về làng quê của bà. Họ nhận lời và mang xác bà vượt qua
địa hình hiểm trở trong hai tháng. Khi Tí Heo và tôi gặp họ, thì họ chỉ
còn cách điểm đến cuối cùng mười sáu cây số.
LIỆU DIỆC VŨ: Rồi chuyện gì xảy đến với họ sau đó?
LA THIÊN VƯƠNG: Bọn lính bắt hai anh em họ mang cái
thây ma đến nhà ủy ban nhân dân. Họ bị nhốt trong một phòng tối, cùng
với nó.
LIỆU DIỆC VŨ: Khổ thân họ. Dắt thây ma quả là lao lực
khổ nhọc, cực hơn làm nông nhiều. Họ không phải là những kẻ bóc lột, mà
là người thuộc giai cấp lao động – đồng minh của Chủ nghĩa Cộng sản.
LA THIÊN VƯƠNG: Tôi đồng ý rằng những kẻ dắt thây ma
là giai cấp lao động, và nếu cái xác là, nói vầy nghen, một cô gái nông
dân, thì hai anh này hẳn đã thoát đi dễ dàng rồi. Nhưng họ đã phạm một
thứ tội nặng gấp đôi: trước tiên là, họ làm một nghề cổ truyền và mê
tín; thứ hai là, họ lại làm công cho một tay sĩ quan Quốc gia. Người ta
xem việc hợp tác với kẻ thù là một tội rất nặng.
Dù sao đi nữa, vào thập niên 50, người ta bị xử tử
sau khi bị lên án ở một màn “đấu tố” là chuyện bình thường. Thế nên sau
khi Tí Heo kể những gì nó đã làm với những kẻ dắt thây ma, thì lòng tôi
tràn ngập nỗi sợ. Chẳng mấy chốc lũ khán giả lóng ngóng đứng ngồi đầy
trong sân làng. Tôi thấy đầu người ta cử động nhấp nhô trong làn mưa
mỏng. Tiếng trống và cồng vang vang nhấn chìm tiếng người trò chuyện lao
xao. Vài người không chen vào được thì leo lên mái nhà của trạm thu
nông sản. Suốt năm dài dân quê hiếm khi được lên chơi thành phố và không
có trò gì giải trí. Những cuộc mít-tinh đấu tố công khai này là màn
kịch miễn phí cho nhiều khán giả. Chẳng có ai muốn bỏ qua dịp này.
Một sân khấu tạm được dựng lên kế kho lúa. Tay trưởng
hạt mới được bổ nhiệm ngồi ở chính giữa, sau một cái bàn dài, vận bộ đồ
đại cán màu xám như đồ của Mao chủ tịch. Kế bên gã là tay thủ lãnh của
đội Cải cách Ruộng đất và ba gã lính. Khoảng một chục cái ghế gỗ và ghế
đẩu được đặt ở hàng đầu. Chúng được dành cho tay đội trưởng dân quân,
tay chủ tịch của Ủy ban Cách mạng Bần nông vừa được hình thành, và nhiều
tay nông dân tiên tiến. Lúc sau tiếng trống cồng đang inh ỏi bỗng im
bặt. Tay trưởng hạt chộp lấy cái mic-rô thỉnh thoảng ré lên những tiếng
chát chúa. Gã kề sát miệng vào, nói: “Trước tiên, hãy lôi cổ Trương
Khản, thằng địa chủ gian ác, Lưu Xương, thằng đầu lĩnh bọn cướp nổi
tiếng, và bọn tay sai của chúng lên sân khấu.”
Tôi hơi cảm thấy nhẹ lòng khi hai kẻ dắt thây ma
không bị kêu lên. Người đang đứng gần sân khấu xê dịch để nhường lối cho
những tội phạm. Hơn mười người bị đẩy lên sân khấu. Đầu họ đội những
cái mũ giấy cao nghều, tay bị trói quặt sau lưng, trước ngực treo bảng
đen có vẽ hình biếm họa với những nhân vật như địa chủ gian ác Trương
Khản chẳng hạn. Sau đó, tay trưởng hạt giơ tay phải lên trời và hô to,
“Đả đảo giai cấp bóc lột và giết sạch bọn địa chủ và bọn cướp!” Như thể
được ra hiệu, người ta giơ tay phải lên và đồng thanh gào theo. Sau khi
tiếng hô khẩu hiệu chìm xuống, thì vài tay nông dân tiên tiến đứng dậy
và bắt đầu kể lể những chuyện kinh khủng, rằng họ đã bị bọn địa chủ đối
xử và bóc lột tàn tệ như thế nào trước khi những người Cộng sản đến. Sau
những lời tố cáo của họ là một tràng tiếng hô khẩu hiệu. Rồi bọn lính
áp giải hai phạm nhân và những tay sai của họ ra cánh đồng trống kề bên,
cả đám bị bắn chết ngay tại chỗ.
LIỆU DIỆC VŨ: Thế số phận những kẻ dắt thây ma thì thế nào?
LA THIÊN VƯƠNG: Sau khi tay trưởng hạt tuyên bố cuộc
xử tử, thì người ta bắt đầu phát hung lên và hỏi: “Tôi nghe nói đêm qua
có mấy thằng dắt thây ma bị bắt. Chúng đâu rồi?” Tay trưởng hạt không
thể làm họ thất vọng. Chừng nửa giờ sau, hai kẻ dắt thây ma bị dẫn lên
sân khấu. Lập tức người ta dồn lên phía trước, cố nhìn cho bằng được
những kẻ được cho rằng có quyền năng huyền hoặc: có thể làm cho một thây
ma bước đi. Đám đông càng lúc càng hỗn loạn và nhiều đứa bé bị giẫm đạp
trong đám đông phát cuồng kia. Bọn lính trên sân khấu đứng cả lên rồi
nhảy xuống đám đông để giữ trật tự. Chúng cố đẩy lùi đám đông khỏi sân
khấu. Tay trưởng hạt gào lên trong mic-rô: “Trật tự, trật tự, đừng xô
đẩy. Hỗn loạn sẽ tạo cơ hội cho bọn kẻ thù giai cấp gây rối.”
Nhưng người ta không lùi lại. Ai trách được họ chứ?
Người anh và cái thây ma mặc áo xường xámbị trói đâu lưng vào nhau.
Người em vận áo choàng đen và cầm cái đèn lồng trắng và cái giỏ đựng
tiền vàng bạc. Chiếc mặt nạ kinh dị được cột vào sau đầu của gã. Người
anh có một tấm bảng đen treo trên cổ được ghi rằng: “Tay sai của Thây ma
Phản cách mạng”. Khi một thằng lính đè đầu của người anh xuống để bày
tỏ sự ân hận, thì cái đầu của thây ma, bị cột vào lưng gã, lại như ngẩng
lên. Chúng tôi thấy mái tóc uốn và gương mặt trang điểm của bà. Thật là
một cảnh kinh dị mà hài hước. Người ta trầm trồ vang trời. Một mụ trong
đám la to: “Con mẹ đó là hồ ly tinh!”
LIỆU DIỆC VŨ: Không phải làm nhục xác chết là kiêng kỵ sao? Người ta không sợ bị trừng phạt do báng bổ người chết à?
LA THIÊN VƯƠNG: Trong lúc đó người ta khích động cho
tới nỗi những truyền thống và kiêng kỵ đều bị dẹp ra ngoài. Cứ như là
một gánh xiếc. Đám đông càng lúc càng rối cả lên. Sự phấn khích lây lan.
Một số thanh niên cố trèo lên sân khấu để sờ thây ma. Bọn lính vật nhau
với chúng, cố đẩy chúng xuống. Thật là một cảnh tượng vô cùng hỗn loạn.
Rồi đột nhiên tôi nghe một tiếng đánh rầm: cái sân khấu đã sụp xuống.
Người ta la thét và ngã nhào lên nhau. Một thằng lính giương súng bắn
lên trời nhiều phát thì đám đông mới yên lặng và trở lại trật tự.
May thay cho hai anh em nhà họ, nghề võ trở nên hữu
dụng. Họ tránh được những cú tấn công của đám đông và thoát chết mà chỉ
bị vài chấn thương nhẹ. Bọn lính sau đó cởi cái thây ma ra khỏi lưng
người anh rồi nhốt cả hai vào lại trong căn phòng tối. Đêm đó hai anh em
họ phá cửa sổ bỏ chạy. Chẳng bao lâu sau họ bị lính tuần tra phát hiện,
bọn chúng đuổi theo họ nhiều cây số. Người anh, dù bị bắn trúng chân,
không muốn đầu hàng. Khi lao lên núi, thì gã bước lên một hòn đá chông
chênh và té vào một khe núi. Sau đó, người em bị bắt lại mà không kháng
cự gì cả.
LIỆU DIỆC VŨ: Người em có bị xử tử không?
LA THIÊN VƯƠNG: Người em được phép gói xác của anh
mình và xác người vợ của viên sĩ quan trong chiếu rơm, rồi gã đào một
cái huyệt, chôn cả hai cùng với nhau bên ngoài rìa làng. Rồi gã bị trục
xuất trở về làng của gã, được phát cho cái giấy khai tử của ông anh. Về
sau tôi nghe rằng chính phủ buộc tội người anh sau khi chết là “không
chịu nhận tội và tự sát để vinh danh một đứa phản cách mạng.”
LIỆU DIỆC VŨ: Một cái kết thúc thật buồn cười.
LA THIÊN VƯƠNG: Nhưng chuyện đó chưa kết thúc. Nhiều
ngày sau đó, cán bộ trong làng có khách bất ngờ: những thân nhân của bà
vợ vị sĩ quan Quốc gia. Họ đã nhận được một lá thư của vị sĩ quan bảo họ
đón chào cái xác, nên họ đã dựng bàn thờ và chuẩn bị tiệc tùng tang ma.
Họ đợi mãi, đợi mãi nhưng kẻ dắt thây ma không đến, rồi sau cùng thì họ
nghe tin đồn về chuyện xảy ra ở cuộc mít-tinh đấu tố.
LIỆU DIỆC VŨ: Họ có thể làm gì nữa chứ? Bà ta đã được chôn rồi.
LA THIÊN VƯƠNG: Những người thân nhân kêu khóc om sòm
rồi kéo nhau đến thẳng văn phòng tay trưởng hạt. Họ xin gã trả lại cái
thây ma. Thông thường thì tay trưởng hạt không dám đáp ứng cái yêu cầu
về bà vợ của người sĩ quan Quốc gia đâu. Nhưng sự thất bại ở cuộc
mít-tinh đấu tố cùng với việc giết kẻ dắt thây ma, người được xem là
thành viên của giai cấp lao động, đã làm gã hoang mang.
Gã sợ rằng thân nhân của người đàn bà quá cố sẽ đưa
sự việc lên cấp cao hơn trong chính phủ và gây rắc rối cho gã. Nên gã để
họ đào cái xác lên. Thân nhân liền thuê một đám người khóc mướn chuyên
nghiệp để họ mang cái xác về nhà. Rõ là một đám rước theo đúng nghi thức
cổ truyền, mà bọn cán bộ huyện lại giả vờ như không thấy.
Với người đàn bà đó thì quả là một cuộc hành trình
dài. Còn với người anh, thì thật là buồn, bởi kẻ đã bỏ cả đời để mang
người chết về với tổ tiên của họ lại bị chôn ở một nơi cách quê nhà của
mình xa lơ xa lắc.
LIỆU DIỆC VŨ
Thận Nhiên dịch lại từ bản dịch tiếng Anh THE CORPSE
WALKER – REAL-LIFE STORIES, CHINA FROM THE BOTTOM UP; ANCHOR BOOKS, tr.
28 – 39. Nguyên tác Trung văn: Yêu Thi Nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét