Cô sống với chúng tôi 56 năm. Cô ấy nuôi mấy anh chị em tôi
mà chẳng cần được trả tiền. Trước khi tôi nhận ra cô ấy là ai, vai trò là gì trong gia đình mình, tôi chỉ mới 11 tuổi.
Hũ tro cốt bằng nhựa của cô được tôi cất cẩn thận trong chiếc túi vải
lanh, đóng gói vào hành lý, sẵn sàng cho chuyến bay vượt Thái Bình Dương
đến với Manila. Từ đó, tôi sẽ bắt xe đến một làng quê xa xôi và tôi sẽ
giao tất cả những gì còn sót lại của người
phụ nữ đã “làm nô
lệ” cho gia đình tôi suốt 56 năm cho người thân của cô ấy.
Cô ấy tên Eudcia Tomas Pulido. Chúng tôi vẫn hay gọi cô là Lola. Cô cao
khoảng 1m50, có làn da nâu đỏ, đôi mắt màu hạnh nhân mà tôi sẽ chẳng thể
nào quên được. Năm cô Lola được 18 tuổi, ông tôi đã trao cô cho mẹ tôi
như một món quà, và khi gia đình tôi chuyển
đến Mỹ sinh sống, chúng tôi mang cô ấy cùng đi. Một ngày của Lola bắt
đầu trước khi mọi người thức giấc và kết thúc khi chúng tôi đã ngon
giấc. Cô ấy phải chuẩn bị đủ 3 bữa ăn một ngày, đảm bảo nhà cửa sạch sẽ,
đợi bố mẹ tôi về và chăm sóc 4 anh chị em chúng
tôi. Bố mẹ tôi chưa bao giờ trả công cho cô ấy và thậm chí họ còn mắng
chửi cô ấy liên tục. Dù cô ấy không bị còng chân lại nhưng thực ra thì
cô ấy chẳng khác gì một người nô lệ trong nhà tôi cả. Rất nhiều đêm, khi
vào nhà tắm, tôi thấy cô ấy ngủ thiếp đi
ở một góc, tay vẫn còn ôm mớ quần áo giặt ủi, ngón tay cô thậm chí còn
như đang gấp quần áo vậy.
Đối với những người hàng xóm xung quanh, chúng tôi là một gia đình di
dân kiểu mẫu. Bố tôi có bằng luật sư, mẹ thì chuẩn bị trở thành bác sĩ,
anh chị em chúng tôi đều đạt điểm số tốt, biết nói “làm ơn” và “cảm ơn”.
Chúng tôi không bao giờ nói về Lola. Bí mật
của chúng tôi trở thành điều cốt lõi của việc chúng tôi là ai, ít nhất
là để trở thành những đứa trẻ Mỹ như chúng tôi vẫn mong muốn. Năm 1999,
sau khi mẹ tôi mất vì bệnh bạch cầu, Lola đến sống với tôi tại một thị
trấn nhỏ ở Seattle. Tôi lập gia đình, có sự
nghiệp, một ngôi nhà ở ngoại ô - một giấc mơ Mỹ mà nhiều người ao ước.
Chân dung Lola (Ảnh: theatlantic)
Đến Manila,
tôi mở hành lý của mình ra xem để đảm bảo hũ tro cốt của Lola vẫn ở đó.
Ngoài kia, tôi ngửi thấy mùi quen thuộc: một sự pha trộn của khí thải
và chất thải, mùi biển, trái cây và cả mồ
hôi.
Sáng hôm
sau, tôi được một người tài xế tên Doods, tuổi cũng trung niên chở tôi
đến quê nhà của Lola. Cảnh vật xung quanh thật sự khiến tôi choáng váng.
Xe cộ đông khủng khiếp, người thì len lỏi
giữa dòng xe cộ như nêm ấy. Những người bán hàng rong cứ thế chân trần
chạy dọc theo những chiếc ô tô để bán những bao thuốc lá, ít đậu phộng
luộc, mấy đứa trẻ ăn xin cứ thế ép sát mặt chúng vào cửa sổ xe.
Doods và
tôi tiến thẳng đến nơi mà câu chuyện về Lola được bắt đầu, phía bắc của
đồng bằng trung tâm: tỉnh Tarlac - vùng chuyên trồng lúa gạo, quê nhà
của một trung úy quân đội - ông tôi Tomas Asuncion.
Những câu chuyện gia đình đã tạo nên hình ảnh một ông Trung tá Tom đáng
sợ với tâm trạng kì lạ, bí ẩn, có nhiều đất đai nhưng ít tiền, và giữ
những cô nhân tình trong các ngôi nhà nằm trên lãnh thổ ông. Vợ ông chết
sau khi hạ sinh ra đứa con duy nhất của họ
- mẹ tôi.
Trung úy
Tom có tới 3 gia đình utusan - tức người hầu trong tiếng Tagalog - sống
dựa vào tài sản của ông. Vào mùa xuân năm 1943, khi hòn đảo đang bị Nhật
Bản chiếm đóng, ông đã mang về nhà một cô
gái xuất thân một gia đình làm nông. Ông tôi rất khôn ngoan. Ông biết
rằng người con gái ấy không tiền bạc, không được đến trường và rất dễ
uốn nắn. Bố mẹ cô muốn cô phải kết hôn với một gã chăn nuôi lợn gấp đôi
tuổi cô. Cô rất tuyệt vọng nhưng không biết
phải làm gì khác, cũng chẳng có nơi nào để đi. Lợi dụng chuyện đó, ông
tôi đã tiếp cận cô với một lời đề nghị: cô sẽ có cơm ăn, chỗ ở nếu cô
hứa sẽ chăm sóc đứa con gái 12 tuổi của ông khi đó.
Dĩ nhiên là Lola đồng ý, cô biết rằng đó là lựa chọn tốt cho cuộc sống hiện tại của cô, hơn là lấy gã chăn lợn kia.
“Cô gái này là món quà bố tặng con”, ông đã nói với mẹ tôi như thế. Dù biết rằng không còn lựa chọn nào khác nhưng mẹ tôi vẫn tỏ thái độ: “Nhưng
con không muốn cô ta”.
Lola (ảnh trái) - người đã được Trung úy Tom (ảnh phải) tặng cho cô con gái 12 tuổi như một món quà (Ảnh: theatlantic)
Và rồi ông
tôi đã lên đường chiến đấu chống lại Nhật Bản, để mẹ tôi ở lại với Lola.
Cô ấy chăm lo cho mẹ từng bữa ăn, giấc ngủ, từng chiếc váy, để mẹ tôi
lúc nào cũng luôn xinh đẹp. Mỗi khi ra đường,
Lola luôn sát bên cầm dù che cho mẹ tôi. Khi màn đêm buông xuống, Lola
vẫn còn hàng tá việc khác phải làm, nào là cho chó ăn, quét nhà, gấp áo
quần mà cô đã giặt bằng tay bên bờ sông Camiling. Rồi cô lại ngồi cạnh
giường, trông chừng mẹ tôi ngủ. Cuộc sống
của Lola cứ thế trôi qua cùng mẹ tôi.
Một ngày
nọ, ông tôi bất ngờ trở về nhà, bắt gặp mẹ tôi đang đứng nói chuyện với
một chàng trai mà ông đã cấm không cho bà tiếp xúc. Trong cơn tức giận,
ông bắt bà đứng sát bàn chờ hình phạt từ
ông. Mẹ tôi chỉ biết nhìn Lola, khi đó đang đứng nép vào góc nhà. Mãi
một lúc sau, bằng giọng run run sợ hãi, mẹ bảo với ông Lola sẽ là người
chịu phạt thay mình. Mặc Lola nài nỉ, van xin nhưng mẹ tôi vẫn không
thay đổi. Lola đành phải tiến đến chiếc bàn ăn,
tay run run nắm chặt cạnh bàn. Ông tôi bắt đầu rút thắt lưng và quất tới
tấp cô ấy 12 roi. Lola tuyệt nhiên không dám thút thít hay hó hé nửa
lời.
Đến cuối đời, mẹ tôi đã kể lại câu chuyện này và thậm chí còn hỏi tôi bằng một giọng vui vẻ: “Con
có tin là mẹ đã làm thề không?”. Mang chuyện này đến hỏi Lola, cô bảo rằng muốn nghe chi tiết từng lời kể của mẹ. Cô chăm chú lắng
nghe, mắt nhắm lại và sau đó nhìn tôi buồn bã nói: “Phải. Nó là như thế”.
7 năm sau,
năm 1950, bố mẹ tôi kết hôn và chuyển đến Manila sinh sống. Dĩ nhiên,
Lola cũng đi cùng. Năm 1951, anh trai tôi Arthur ra đời, sau đó là đến
tôi và 3 anh chị em khác liên tiếp nhau. Bố
mẹ tôi buộc Lola phải cống hiến hết mình, chăm sóc bọn tôi thật chu
toàn, như cô đã chăm sóc bố mẹ tôi. Vậy là cô chăm lo cho chúng tôi khi
bố mẹ tôi đi học và đạt được thành tích tốt, bằng cấp cao, nhưng lại
chẳng tìm được việc. Rồi một ngày nọ, bố mang về
một tin chấn động: bố được nhận vào Bộ Ngoại giao với vai trò nhà phân
tích thương mại, lương ít nhưng sẽ làm việc tại Mỹ - nơi mà cả bố và mẹ
tôi đều ao ước, nơi họ có thể biến mọi ước mơ thành hiện thực.
Lola lúc 27 tuổi, chụp ảnh cùng Arthur - anh trai của tác giả bài viết (Ảnh: theatlantic)
Bố được
phép mang gia đình theo và một người giúp việc. Bố mẹ biết cả hai đều
phải đi làm và họ cần đến Lola để chăm sóc con cái, nhà cửa. Khi nhận
được thông báo của mẹ tôi, Lola lập tức không
đồng ý với lý do mà nhiều năm sau, Lola mới dám nói với tôi rằng: “Vì nó quá xa. Bố mẹ con sẽ không
để cô về nhà”.
Cuối cùng,
điều thuyết phục Lola theo gia đình tôi là lời hứa của bố rằng mọi thứ
sẽ khác khi ở Mỹ. Ông nói với cô rằng khi họ vững vàng về kinh tế, họ sẽ
trả cô thù lao và Lola có thể gửi tiền
về cho bố mẹ, họ hàng của cô. Bố mẹ Lola trước giờ vẫn sống trong một
ngôi nhà dơ bẩn, ẩm thấp và lời hứa ấy đã khiến Lola vẽ nên bức tranh
đẹp có thể giúp bố mẹ xây một ngôi nhà bê tông khang trang, có thể thay
đổi cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.
Chúng tôi
hạ cánh ở Los Angeles vào ngày 12/5/1964 với rất nhiều đồ đạc được gói
gọn trong những thùng các-tông buộc dây thừng chắc chắn. Tính tới thời
điểm đó, Lola đã theo mẹ tôi được 21 năm.
Bằng nhiều cách, đối với tôi, cô ấy còn hơn cả bố mẹ tôi nữa. Đó là
gương mặt đầu tiên tôi nhìn thấy vào buổi sáng và cuối cùng trước khi đi
ngủ. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã có thể gọi tên Lola ngay cả trước
khi biết gọi bố, mẹ. Khi chập chững tập đi, tôi
sẽ không ngủ nếu không có Lola ôm ấp hay ít nhất là ở cạnh tôi.
Khi chuyển
đến Mỹ, tôi chỉ là một cậu bé 4 tuổi, quá nhỏ để thắc mắc về vai trò của
Lola trong gia đình tôi. Nhưng khi lớn lên ở nơi này, chúng tôi nhìn
thấy thế giới hoàn toàn khác biệt. Bước nhảy
vọt băng qua đại dương đã mang đến một sự nhảy vọt trong nhận thức chúng
tôi.
Lola không bao giờ được nhận tiền lương. Cô nhiều lần hỏi về khoản tiền
ấy trong suốt 2 năm trời đầu tiên ở Mỹ. Mẹ cô ốm mà gia đình cô lại
không có tiền mua loại thuốc đặc trị. Đắn đo mãi cô mới dám hỏi bố mẹ
tôi. Nếu mẹ tôi chỉ biết thở dài thì bố tôi đã
gầm lên: “Cô còn dám hỏi sao? Cô không thấy chúng tôi đang rất khó khăn hả? Hỏi mà không thấy xấu hổ
sao?”.
Bố mẹ tôi
đã mượn tiền để chuyển đến Mỹ và sau đó là vay mượn nhiều hơn để sinh
sống qua ngày ở nơi đây. Bố tôi được chuyển từ Tổng lãnh sự quán ở Los
Angeles tới cơ quan lãnh sự Philippine ở Seattle
với mức lương 5.600 USD một năm. Ngoài ra, ông còn phải làm thêm 2 việc
khác ngoài giờ nữa. Mẹ tôi thì sau một thời gian xin việc đã được nhận
vào vài phòng thí nghiệm y khoa với vai trò kỹ thuật viên. Chúng tôi gần
như không gặp mặt bố mẹ mà nếu có thì họ
cũng đã kiệt sức và cáu gắt.
Lúc nào mẹ tôi về nhà cũng kiếm cớ để mắng chửi Lola, nào là nhà không sạch, nào là không để thư đúng chỗ. “Tôi
nói bao nhiều lần là thư phải để ở đây khi tôi về nhà?”. Bằng giọng cay độc nhất có thể, mẹ bảo: “Nó
khó lắm hả? Một thằng ngu cũng nhớ được nữa đấy”. Rồi
đến khi bố tôi về là đến lượt ông mắng chửi Lola. Khi bố tôi cất giọng,
tất cả
mọi người trong nhà đều phải khúm núm, im re. Đôi khi, cả bố mẹ tôi cùng
nhau “đồng thanh” chửi rủa Lola cho đến khi cô ấy chịu không nổi bật
khóc nức nở. Mọi thứ cứ như thế như thể đó là mục đích của họ.
Điều đó
khiến tôi hoang mang lắm. Bố mẹ rất tốt, rất yêu thương bọn tôi. Nhưng
họ chỉ yêu thương chúng tôi trong khoảnh khắc nào đó thôi, còn lại vẫn
là Lola. mãi cho đến khi tôi 11 hay 12 tuổi
gì đó, tôi mới lờ mờ nhận ra vị trí của Lola trong gia đình. Anh trai
tôi - Arthur - thì đã phát hiện ra từ lâu rồi. Anh là người đưa từ “nô
lệ” vào đầu tôi khi nói về vị trí của Lola. Trước đó, anh chỉ nói với
tôi rằng cô ấy là một thành viên không may mắn
trong gia đình tôi mà thôi. Tôi ghét những lúc bố mẹ mắng chửi Lola
nhưng tôi không nghĩ rằng họ và những việc làm của họ là vô đạo đức.
Tác giả bài viết - cậu bé ngoài cùng bên trái của bức ảnh trắng đen và
cả gia đình (ảnh phải) sau 5 năm đặt chân đến Mỹ (Ảnh: theatlantic)
“Em có biết ai bị đối xử như Lola không? Ai phải sống cuộc sống như Lola?”, Arthur
hỏi tôi. Rồi không đợi tôi trả lời, anh tổng kết hiện thực của Lola:
không được trả công, chùi dọn nhà vệ sinh mỗi ngày, bị mắng chửi nếu
ngồi quá lâu hay ngủ quá sớm, bị chửi rủa nếu dám trả lời, mặc những bộ
quần áo may sẵn rẻ tiền, ăn đồ thừa, đồ bỏ đi
trong bếp, hiếm khi rời khỏi nhà, không có bạn bè hay sở thích nào khác,
không có khu vực riêng tư. Quả thật là vậy, cô chẳng có chỗ nghỉ ngơi
riêng mà phải ngủ trên một chiếc ghế dài hay nhà kho, một góc nào đó
trong phòng em tôi, thậm chí là nằm giữa đống
quần áo.
Chúng tôi
không thể xác định chính xác người nào tương tự như Lola ngoại trừ những
nhân vật nô lệ trên TV, trong phim ảnh, như Pompey trong phim The Man
Who Shot Liberty Valance. Trong tâm trí của
tôi, tôi cho rằng: Lola là Pompey, Pompey là Lola.
Một tối nọ, bố tôi phát hiện ra em gái 9 tuổi của tôi khi đó - Ling - bỏ bữa tối. Ông lại mắng nhiếc Lola lười biếng. “Tôi
đã cố gắng cho Ling ăn”, Lola cố gắng giải thích khi bố tôi nổi cơn
thịnh nộ, nhìn chằm chằm cô ấy. Lời nói yếu ớt của Lola đã khiến bố tôi
lên cơn điên tiết, ông đấm ngay vào vai Lola. Khi cô ấy chạy khỏi phòng
rồi tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng khóc
của cô ấy, rất đáng thương.
“Ling không đói mà bố”, tôi
lên tiếng
giải thích. Bố mẹ lập tức quay lại nhìn tôi, hình như họ hơi bất ngờ.
Thông thường, tôi sẽ cảm giác được gương mặt mình giật từng cơn trước
khi khóc nhưng lần này thì tôi không khóc. Trong mắt mẹ tôi là một điều
gì đó mà tôi chưa bao giờ thấy trước đây, hình
như là một sự ghen ghét. “Con đang cố gắng bảo vệ Lola đó hả?”, bố
tôi gằn từng chữ. “Ling nói nó không đói”, tôi
thì thầm trả lời lại với bố.
Khi đó tôi
13 tuổi. Đó là nỗ lực đầu tiên của tôi dành cho người phụ nữ đã chăm sóc
tôi suốt bao nhiêu năm vừa qua. Người phụ nữ đã dùng ngôn ngữ Tagalog
để giúp tôi đi vào giấc ngủ, nuôi tôi lớn
lên, lo cho tôi từng chiếc quần chiếc áo, cùng tôi đến trường, đón tôi
về lúc tan học. Tôi ốm nặng chẳng thể ăn, cô sẽ nhai nhuyễn, mớm thức ăn
cho tôi. Khi tôi phải bó bột chân, cô sẽ lau cho tôi, mang thuốc đến dù
có là nửa đêm và giúp tôi hồi phục suốt
nhiều tháng liền. Tôi cáu kỉnh, cô chẳng phàn nàn hay mất kiên nhẫn,
chẳng bao giờ.
Giờ đây tiếng khóc của cô ấy đã khiến tôi phát điên lên.
Ở Philippine, bố mẹ tôi cảm thấy không cần phải giấu việc đối xử tệ bạc
với Lola. Ở Mỹ, họ đối xử với cô ấy tệ hơn nhưng phải rất nỗ lực để che
giấu điều đó. Khi có khách đến nhà, bố mẹ tôi sẽ lờ cô ấy đi hay nếu
được hỏi, họ sẽ nói dối và nhanh chóng đổi đề
tài. 5 năm sống ở North Seattle, chúng tôi được gia đình Missler giàu có
gồm 8 thành viên giới thiệu những thứ như mù tạt, câu cá hồi, cắt cỏ,
xem bóng đá trên TV, la hét suốt trận đấu. Lola sẽ phục vụ thức ăn, nước
uống suốt trận đấu, bố mẹ tôi sẽ mỉm cười,
cảm ơn trước khi cô ấy biến mất thật nhanh. “Người phụ nữ bé nhỏ trong
nhà bếp là ai đấy”, ông bố gia đình nọ tò mò. “Một người họ hàng ở quê
ấy mà”, bố tôi xấu hổ trả lời.
Nhưng bạn
thân tôi - Billy Missler - lại không tin vào điều đó. Cậu ta ở nhà tôi
khá nhiều, có khi cả cuối tuần, đủ để cậu ta lờ mờ biết được bí mật gia
đình tôi. Một lần Billy nghe thấy mẹ tôi
la hét trong nhà bếp và khi tìm thấy mẹ tôi, cậu ta đã thấy mẹ tôi đỏ
mặt nhìn chằm chằm vào Lola đáng thương đang đứng co ro một góc nhà. Vài
giây sau tôi mới có mặt ở “hiện trường”. Gương mặt Billy khi đó trông
bối rối và lúng túng, như muốn dò hỏi tôi chuyện
gì đang xảy ra. Tôi vẫy tay ra hiệu Billy hãy quên nó đi.
Tôi nghĩ
Billy cũng cảm thấy xót xa cho Lola. Cậu ta vẫn hay khen cô ấy nấu ăn
ngon, khiến cô cười vui vẻ - nụ cười mà chúng tôi chưa bao giờ thấy.
Những lần Billy ngủ lại, Lola đã nấu món Philippine
mà Billy thích nhất: thịt bò tapa với cơm trắng. Nấu ăn là cách diễn đạt
duy nhất của Lola. Chỉ qua cách cô ấy phục vụ, cho chúng tôi ăn, tôi
cũng hiểu được rằng cô ấy rất yêu chúng tôi.
Một lần nọ,
tôi bảo với Billy rằng Lola là người dì xa của chúng tôi, Billy bảo cậu
ấy vẫn nghĩ Lola là bà tôi ngay từ lần đầu gặp gỡ. “Vì sao cô ấy lúc
nào cũng làm việc?”, Billy thắc mắc, “Vì
cô ấy thích thế”, tôi trả lời. “Vì sao bố mẹ cậu la mắng cô ấy”, “À, vì
tai cô ấy không thính cho lắm”, tôi xấu hổ trả lời.
Thừa nhận
sự thật nghĩa là sẽ phơi bày tất cả chúng tôi. Chúng tôi đã trải qua
thập kỷ đầu tiên trên đất nước này, tìm hiểu tập quán của người dân vùng
đất mới và cố gắng để hòa hợp. Sở hữu một
người nô lệ rõ ràng là không hợp pháp. Có một người nô lệ khiến chúng
tôi nghi ngờ về đạo đức của chính mình. Cho dù chúng tôi xứng đáng được
chấp nhận hay không, tôi vẫn cảm thấy xấu hổ về tất cả, kể cả sự đồng
lõa của tôi. Tôi có nên tiếp tục ăn thức ăn
cô ấy nấu không, có nên mặc quần áo cô ấy giặt và ủi phẳng phiu không?
Nhưng mất cô ấy là một mất mát lớn của tôi.
Còn một lý
do khác mà chúng tôi phải giữ bí mật về Lola: Visa du lịch của cô ấy đã
hết hạn vào năm 1969, 5 năm sau khi chúng tôi đặt chân đến Mỹ. Cô ấy có
một hộ chiếu đặc biệt liên quan đến công
việc của bố tôi. Sau hàng loạt vụ rắc rối với cấp trên, bố tôi đã rời
khỏi Lãnh sự quán và tuyên bố sẽ ở lại Mỹ. Ông đã sắp xếp giấy tờ cho
gia đình nhưng với Lola thì không thể, ông lẽ ra phải đưa cô ấy về lại
Philippine.
Lola vào năm 1976, khi cô được 51 tuổi (Ảnh: theatlantic)
Mẹ Lola mất
vào năm 1973, bố cô ấy cũng đi theo bà 6 năm sau đó. Cả hai lần, trong
cơn tuyệt vọng, cô bạo gan xin bố mẹ tôi cho về nhà. Nhưng cả hai lần,
bố mẹ tôi chỉ biết nói: “Rất tiếc…”. Không
tiền, không thời gian. Bọn trẻ cần cô ấy. Bố mẹ tôi phần cũng lo sợ cho
họ - điều mà họ đã thừa nhận với tôi sau đó. Nếu chính quyền biết về
Lola, bố mẹ tôi có thể gặp rắc rối, thậm chí là bị trục xuất. Họ không
thể mạo hiểm.
Sau khi bố
mẹ qua đời, Lola cảm thấy bị sỉ nhục ghê gớm và im lặng suốt nhiều
tháng. Cô thậm chí còn không phản hồi khi bố mẹ tôi vu vạ cô nhưng điều
đó không làm bố mẹ tôi ngưng mắng nhiếc, bêu
xấu cô. Lola đáng thương chỉ biết cúi gằm đầu xuống rồi tập trung làm
việc của mình.
Việc từ
chức của bố tôi đã tạo nên một giai đoạn hỗn loạn cho gia đình sau đó.
Tiền bạc bị xiết chặt hơn, bố mẹ tôi không nhìn mặt nhau. Họ liên tục di
chuyển cả gia đình từ Seattle đến Honolulu
rồi quay lại Seattle tới vùng đông nam Bronx, và cuối cùng dừng chân ở
thị trấn Umatilla, bang Oregon có dân số khoảng 750 người. Trong suốt
quá trình di chuyển này, mẹ tôi phải làm việc suốt 24 giờ trong vai trò
là bác sĩ tập sự, sau đó là chính thức. Bố
tôi thì thường biến mất nhiều ngày, làm những việc vặt và thậm chí còn
cải trang nữ. Một lần, ông trở về nhà và bảo đã “nướng” chiếc xe mới của
cả nhà vào cờ bạc.
Trong nhiều ngày liên tiếp, Lola là người lớn duy nhất ở trong ngôi nhà.
Cô ấy biết mọi thứ chi tiết trong cuộc sống của chúng tôi theo cái cách
mà bố mẹ tôi không bao giờ biết, không bao giờ có thời gian để tâm đến.
Chúng tôi dẫn bạn bè về nhà, cô ấy nghe
chúng tôi kể về trường học, chuyện trai gái và bất kì điều gì trong tâm
trí chúng tôi. Lola thậm chí còn liệt kê được tên của những cô gái mà
tôi thầm thương trộm nhớ từ lớp 6 cho đến khi vào trung học.
Khi tôi 15 tuổi, bố đã bỏ đi. Tôi không muốn tin vào điều đó, nhưng sự
thật là ông đã bỏ rơi mẹ con tôi sau 25 năm kết hôn. Vái năm sau đó, mẹ
tôi không thể trở thành bác sĩ có giấy phép và chuyên ngành của bà lại
không đặc biệt sinh lợi cho bệnh viện. Bố thì
không đưa tiền cấp dưỡng nuôi con, và thế là tiền bạc luôn là vấn đề
quan trọng của gia đình tôi.
Mẹ tôi vẫn
giữ đầu mình tỉnh táo, mạnh mẽ để đi làm kiếm tiền nuôi chúng tôi, nhưng
đêm đến, bà sẽ chìm trong đau khổ và tuyệt vọng. Và đến lúc này, nơi
duy nhất mẹ tìm thấy sự an ủi, thoải mái
đó chính là Lola. Họ nói chuyện nhiều hơn, nhiều lúc tôi thậm chí còn
thấy họ còn cười khúc khích với nhau trong bếp. Một đêm nọ, tôi nghe
tiếng mẹ khóc, chạy vào phòng khách, tôi thấy mẹ đã gục ngã trong vòng
tay của Lola. Cô ấy đã dùng sự mềm mỏng nhất của
mình để trò chuyện với mẹ, hệt như cách cô vẫn nói với chúng tôi khi còn
bé. Tôi nán lại một lúc rồi quay trở lại phòng, sợ mình sẽ làm mẹ và
Lola giật mình.
Cánh đồng ở Mayantoc - quê nhà của Lola (Ảnh: theatlantic)
Doods ngân
nga bài hát nào đó suốt chặng đường dài, cũng chính giai điệu ấy đã đánh
thức tôi dậy. “Hai giờ nữa”, người tài xế trấn an tôi. Tôi liếc mặt
kiểm tra hũ tro cốt của Lola rồi nhanh chóng
phóng tầm mắt ra ngoài cửa sổ - đường cao tốc MacArthur. Tôi phàn nàn: “Này, hai giờ trước anh cũng
bảo “hai giờ nữa” mà”, Doods chẳng thèm đáp trả, vẫn cứ ngân nga.
Anh ta
không biết mục đích chuyến đi của tôi. Tôi chẳng thoải mái để bộc lộ nội
tâm của mình. Tôi chẳng khá hơn bố mẹ mình là bao. Tôi đã có thể trả tự
do cho Lola, giúp cuộc sống cô ấy tôi hơn
nhưng tôi vẫn không làm thế.
Doods và
tôi đi ngang qua những vùng đất xinh đẹp. Không phải những hình ảnh bóng
bẩy trong mấy tấm thông tin du lịch mà là một vẻ đẹp rất thực, sống
động. Hai bên đường cao tốc là những dãy núi
chạy song song: Zambales ở phía tây và Sierra Madre ở phía đông. Cảnh
vật trong mắt tôi giờ đây chỉ có một màu xanh ngắt của núi rừng. Doods
chỉ tôi ngọn núi Pinatubo - nơi chịu thiệt hại nặng nề của lần phun trào
núi lửa lớn thứ hai của thế kỷ 20. Dòng dung
nham đã nhấn chìm những ngôi làng cổ đại, lấp đầy các con sông, thung
lũng, quét sạch toàn bộ hệ sinh thái. Nó tiến sâu vào chân núi của tỉnh
Tarlac - nơi ở của bố mẹ Lola, và cả mẹ tôi nữa. Rất nhiều hồ sơ, giấy
tờ của gia đình tôi đã bị mất trong chiến tranh
và giờ thì chúng đã bị chôn vùi dưới hơn 6 mét bùn lầy.
Vài năm sau khi bố mẹ tôi ly hôn, mẹ tôi tái hôn với Ivan - một người
Croatia nhập cư quen biết với vài người bạn của mẹ. Ivan chưa học hết
trung học, từng 4 lần kết hôn và là một con bạc hiếu chiến, thích được
mẹ phục vụ tận răng. Từ khi Ivan xuất hiện, Lola
đã thể hiện con người mà chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Cuộc hôn nhân
của mẹ và ông ta đã có vấn đề ngay từ lúc bắt đầu và tiền bạc - đặc
biệt là việc ông ta sử dụng tiền của mẹ - là vấn đề chính. Một lần nọ,
khi cuộc cãi vã lên tới đỉnh điểm, mẹ tôi chỉ
biết khóc trong tiếng gào thét của Ivan, Lola bước đến, đứng giữa hai
người. Cô ấy nhìn Ivan và gọi tên ông ta một cách cứng rắn. Ivan nhìn
vào Lola, chớp mắt rồi ngồi xuống.
Em gái tôi
Inday và tôi lúc đó đang ngồi trên sàn. Ông ta nặng hơn trăm ký và tiếng
bước chân của ông ta tôi tưởng như có thể rung lắc những bức tường. Vậy
mà Lola có thể khiến ông ta ngồi vào vị
trí chỉ bằng một từ. Cảnh tượng ấy tôi được chứng kiến vài lần nữa nhưng
hầu hết thời gian, tôi cũng thấy Lola phục vụ Ivan mà không nghi ngờ
gì, hệt như mẹ tôi yêu cầu cô làm như vậy. Nhìn thấy Lola phải phục vụ
hết mình cho một người khác, đặc biệt là gã
như Ivan khiến tôi rất buồn. Nhưng nếu tôi lên tiếng nói gì đó với mẹ,
sẽ có chuyện xảy ra.
Mẹ tức giận mỗi khi Lola ốm. Bà không muốn đối mặt với sự gián đoạn
trong công việc cũng như chi phí, và thế là bà đổ lỗi cho Lola không
biết tự chăm sóc bản thân. Đến tận những năm 1970, khi những chiếc răng
của Lola bắt đầu gãy rụng, mẹ tôi mới bắt đầu lưu
ý, dù cho Lola đã nói rất lâu trước đó. “Là do cô không đánh răng đúng cách”, mẹ
tôi vặn vẹo Lola. Tôi biết Lola cần được đến nha sĩ, ở tuổi 50, cô ấy
chưa một lần đến kiểm tra răng từ lúc ra đời. Nhưng Lola chỉ uống những
viên aspirin mỗi ngày để giảm đau, răng cô ấy trông như đống đổ nát. Mỗi
tối nhìn Lola rệu rã nhai miếng bánh mì ở
bên không đau, tôi cảm thấy đau thay cô.
Tối đó tôi và mẹ cãi nhau để bảo vệ quan điểm khác nhau của chúng tôi.
Mẹ bảo mẹ mệt mỏi với việc chăm sóc bệnh nhân nhưng đau khổ hơn khi nhìn
thấy những đứa con của mình luôn đứng về phía Lola. Mẹ còn dùng những
từ ngữ tệ hại khác để nói về Lola nhưng tôi
chẳng quan tâm. Tôi bỏ đi một lát rồi quay lại tiếp tục tranh luận. Tôi
không ngần ngại bảo mẹ tôi giả tạo, lừa dối và nếu mẹ chịu ngừng một
phút xót xa đời mình, mẹ sẽ thấy Lola hiếm khi ăn bởi những chiếc răng
thối rữa đang hành hạ và sẽ thấy Lola đáng được
đối xử như một người bình thường chứ không phải như một nô lệ phục tùng
mọi mệnh lệnh của mẹ.
“Nô lệ”, mẹ
tôi vặn vẹo lại tôi rồi bà kết thúc cuộc tranh luận bằng quan điểm tôi
sẽ không bao giờ hiểu được mối quan hệ giữa bà và Lola. Không bao giờ.
Giọng mẹ đau đớn lắm, đến nỗi giờ đây ngồi
nghĩ lại, tôi còn cho rằng bà đau như thể khi đó có ai đấm vào dạ dày
bà. Phận làm con, sẽ rất kinh khủng nếu bạn ghét mẹ mình, nhưng tôi đã
có cảm giác ấy vào đêm đó. Nhìn mắt mẹ, tôi nghĩ bà cũng có cảm giác như
tôi.
Cuộc tranh cãi chỉ khiến mẹ lo sợ rằng Lola đã cướp con từ tay bà và mẹ
bắt Lola phải trả giá. Mẹ cay nghiệt với Lola hơn, mẹ bảo: “Tôi
hy vọng cô vui khi thấy bọn trẻ đang ghét cay ghét đắng tôi”. Khi chúng tôi giúp Lola việc nhà, mẹ cáu tiết: “Cô
đi ngủ được rồi đó Lola. Cô làm việc quá sức rồi, lũ trẻ đang lo lắng cho cô kìa”. Nói
rồi mẹ bắt Lola phải vào phòng ngủ của mẹ, nghe
mẹ thuyết giảng để rồi khi Lola trở ra, đôi mắt cô ướt đẫm và sưng húp.
Lola cuối cùng cũng phải xin chúng tôi đừng giúp đỡ cô ấy nữa...
“Vì sao cô phải ở lại đây chịu mắng chửi như thế?”, chúng tôi không giấu được tò mò, bạo gan hỏi cô. “Ai sẽ nấu ăn cho các con?”, câu trả lời tuy nhẹ nhàng của cô nhưng nó hàm ý rằng nếu không có cô thì chẳng có ai làm mọi việc trong nhà, chẳng có ai chăm sóc cho mẹ con chúng tôi.
Cũng với câu hỏi ấy nhưng một lần khác, cô lại trả lời: “Cô biết đi đâu bây giờ...”. Câu
trả lời này dường như tiệm cận gần hơn với thực tế đau lòng của Lola.
Đến Mỹ là một việc điên rồ, trước khi chúng tôi kịp thở dài thì một thập
kỷ đã trôi qua. Chúng tôi quay lại nơi cũ, thập kỷ thứ hai đã kết thúc.
Tóc Lola đã rụng dần và bạc đi nhiều lắm.
Cô biết được những người họ hàng ở quê nhà không nhận được sự giúp đỡ từ
cô như lời hứa hẹn ban đầu và tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với cô. Thế
nên với cô, trở về quê nhà là một sự xấu hổ, tủi nhục.
Mà không về
quê nhà, cô cũng chẳng biết đi đâu ở đất Mỹ này thật. Cô chẳng quen
biết ai đây lại không có phương tiện để di chuyển. Điện thoại cũng chẳng
biết dùng. Những thứ hiện đại như ATM, máy
bán hàng tự động hay bất cứ thứ gì có bàn phím sẽ khiến cô đau đầu. Giao
tiếp với những người nói quá nhanh sẽ khiến cô ú ớ, không biết nói gì
và vốn tiếng Anh bập bẹ của cô cũng khiến người khác rơi vào trạng thái
tương tự. Cô không biết sắp xếp một cuộc
hẹn, chuyến đi chơi, điền giấy tờ hay gọi thức ăn... tất cả đều phải có
sự giúp đỡ của chúng tôi.
Tôi cho
Lola một thẻ ATM và dạy cô ấy cách sử dụng. Lần đầu, rất thành công
nhưng lần thứ hai, cô ấy bị rối, đâm ra hoảng loạn, không bao giờ dám
thử lại nữa. Tuy vậy, Lola vẫn giữ thẻ ATM bên mình
bởi cô ấy xem nó như một món quà quý giá mà tôi tặng. Tôi cũng cố gắng
dạy cô ấy lái xe. Dĩ nhiên cô xua tay từ chối nhưng tôi vẫn nhấc bổng cô
lên mang đến xe hơi, đặt cô vào ghế lái. Lola từ vui vẻ đến sợ hãi, rồi
nhanh chóng tháo chạy khỏi chiếc xe trước
khi tôi kịp nói lời nào. Tôi cũng cố gắng vài lần sau đó bởi tôi cho
rằng biết lái xe sẽ thay đổi cuộc đời Lola. Cô ấy có thể đến nhiều nơi,
và nếu không thể chịu đựng mẹ tôi nữa, cô ấy có thể lái xe đi mãi mãi.
Lola và tác giả của bài viết chụp cùng nhau vào năm 2008 (ảnh trái); Tác
giả và người chị em của Lola - bà Gregoria (ảnh phải). (Ảnh:
theatlantic)
Bốn làn xe
giờ chỉ còn hai, vỉa hè giờ chỉ còn đá sỏi. Mấy chiếc xe ba bánh giờ đi
xen lẫn với xe hơi tạo nên một sự hỗn độn rất đỗi bình thường ở đất nước
này. À, còn vài con trâu kéo mớ tre trên
đường nữa. Vài con chó hay dê gì đấy thậm chí còn ngang nhiên đi lại
trước mũi xe tải, trông rất thong dong... Tôi lôi bản đồ, tìm đường đến
làng Mayantoc - điểm đến của chúng tôi. Tôi gõ gõ cái hộp nhựa, hối hận
vì mình không mua một cái bình tốt hơn, bằng
sứ hay gỗ gì đấy. Không biết mọi người nghĩ gì nữa. Tôi nghe nói chỉ còn
mỗi người chị em gì đấy của Lola - bà Gregoria, 98 tuổi và trí nhớ kém
lắm nhưng mỗi khi nghe đến tên Lola, bà lại bật khóc mà lại chẳng biết
vì sao mình khóc.
Trước khi
đi, tôi may mắn liên lạc được với một trong những người cháu của Lola.
Cô ấy đã lên kế hoạch cho lễ tưởng niệm của Lola ở Công viên Tưởng niệm
Mayantoc Eternal Bliss. Đã 5 năm kể từ ngày
Lola qua đời nhưng tôi vẫn chưa nói lời tạm biệt cuối cùng - điều mà tôi
biết chắc chắn sẽ xảy ra. Cả ngày tôi buồn bã nhưng không thể để Doods
thấy mình khóc. Hơn cả sự xấu hổ về cách gia đình tôi đối xử với Lola,
hơn cả những lo lắng của tôi về việc họ hàng
của Lola ở Mayantoc sẽ đối xử với tôi thế nào, tôi cảm thấy nặng nề khi
mất cô ấy, như thể cô ấy chỉ vừa qua đời một ngày trước đó.
Doods đưa tôi đến cao tốc Romulo để đến nhà ông tôi - trung úy Tom. Hai
làn xe thành một, những viên sỏi giờ chỉ là cát bụi. Con đường mòn chạy
dọc theo sông Camiling, nơi có những ngôi nhà trẻ nằm sát bên, và rồi
những ngọn đồi xanh rì hòa lẫn với ánh nắng
vàng vọt đã hiện ra phía trước. Đó là nơi mẹ tôi từng sống.
Đám tang
của mẹ, tôi hết lời ca tụng bà. Những lời tôi nói là thật. Mẹ tôi đã rất
dũng cảm và mạnh mẽ. Bà đã làm mọi thứ tốt nhất trong khả năng. Bà
trông rất rạng rỡ khi hạnh phúc. Bà tự hào về
những đứa con của mình và cho chúng tôi một ngôi nhà thực sự ở Salem,
Oregon - một nơi ở cố định mà chúng tôi chưa bao giờ có. Tôi ước mình có
thể nói cảm ơn mẹ một lần. Tôi biết, tất cả chúng tôi yêu mẹ.
Tôi không
nói về Lola trong đám tang cũng như không đề cập đến Lola khi tôi ở cùng
bà vào những năm tháng cuối đời của bà. Yêu mẹ đòi hỏi tôi phải có một
tinh thần thép. Đó là cách duy nhất để tôi
và mẹ có thể có mối quan hệ mẹ và con trai thực sự - điều mà tôi rất
muốn, đặc biệt là khi sức khỏe mẹ xuống dốc vào khoảng giữa những năm
90. Tiểu đường, ung thư vú, bệnh
bạch cầu cấp tính, tế bào ung thư lớn mạnh trong máu, trong tủy xương. Mẹ từ người phụ nữ mạnh mẽ trở nên mong manh yếu ớt chỉ sau
một đêm.
Sau cuộc
tranh cãi đỉnh điểm về Lola vào đêm đó, tôi hầu như tránh về nhà. Ở tuổi
23, tôi chuyển đến Seattle sinh sống. Thỉnh thoảng về thăm, tôi thấy có
sự thay đổi. Mẹ vẫn là mẹ, nhưng không phải
sự tàn nhẫn trước đó. Mẹ đã mua cho Lola bộ răng giả tốt, cho Lola một
phòng ngủ. Cố gắng để Lola có thể định cư ở Mỹ một cách hợp pháp. Đó là
một quá trình dài nhưng Lola đã trở thành công dân Mỹ vào tháng 10/1998 -
4 tháng sau khi mẹ tôi nhận được chẩn đoán
bệnh bạch cầu. Và mẹ tôi sống được hơn 1 năm sau đó.
Trong suốt
thời gian đó, mẹ và Ivan (người chồng sau của mẹ) nhiều lần du lịch đến
thành phố Lincoln ở bờ biển Oregon, đôi khi Lola cũng được đi cùng. Lola
yêu biển, được đến biển, quay trở về những
hòn đảo là ước mơ của Lola. Tôi biết Lola chẳng thể nào hạnh phúc hơn
khi mẹ tôi dần thoải mái hơn với cô. Một buổi chiều bên bờ biển hay 15
phút trong bếp cùng mẹ nhớ lại những ngày tháng cũ ở quê nhà, Lola dường
như đã quên hết những năm tháng đau khổ của
cô ấy.
Trước khi
qua đời, mẹ đưa tôi hai quyển nhật kí bà viết về cuộc đời mình. Về những
năm tháng học y khoa, cho đến khi đến Mỹ, trở thành bác sĩ thực tập… Mẹ
viết rất chi tiết về từng đứa con và cảm
giác tự hào, yêu thương chúng tôi như thế nào. Mẹ đã hy sinh hết mình
cho hai ông chồng, cố gắng nắm bắt họ như những nhân vật phức tạp trong
câu chuyện cuộc đời mình. Chúng tôi là những nhân vật xuất hiện có chủ
đích, còn Lola là một sự ngẫu nhiên. Lola được
đề cập đến như là một nhân vật phụ xuất hiện trong câu chuyện của ai đó,
như: “Lola
cùng con trai yêu
dấu của mẹ Alex đến ngôi trường mới vào sáng nay. Mẹ hy vọng con sẽ
nhanh chóng làm quen và không còn sợ hãi nếu phải di chuyển nữa…”. Hình
như có hai trang về tôi nhưng lại không thấy đề cập đến Lola.
Một ngày
trước khi mẹ mất, một vị linh mục đã đến thực hiện những nghi thức cuối
cùng. Khi được hỏi muốn tha thứ hay được tha thứ điều gì, mẹ nhìn khắp
phòng với đôi mắt nặng trĩu mà chẳng nói gì.
Mẹ chẳng nhìn Lola rồi mở bàn tay đặt lên đầu mình. Mẹ chẳng nói gì nữa
cả.
Lola trên trang bìa ấn phẩm của tạp chí The Atlantic số tháng 6/2017 (Ảnh: theatlantic)
Lola đến ở
với tôi khi cô đã được 75 tuổi. Lúc đó tôi đã kết hôn, có hai cô con
gái, sống trong một ngôi nhà ấm cúng. Ở đây Lola muốn làm gì cũng được,
chẳng còn phải phục vụ chúng tôi như trước.
Đó là lần đầu tiên trong đời Lola và tôi biết để được như thế, cô đã rất
đau khổ suốt mấy mươi năm qua.
Ở cùng
Lola, cô ấy khiến tôi khó chịu vài thứ, chẳng hạn như cô ấy luôn bảo tôi
phải mặc áo len để không lạnh (dù khi ấy tôi đã 40 tuổi). Cô liên tục
than thở về bố tôi và Ivan, rằng bố tôi là một
gã lười biếng, Ivan là một con đỉa bám lấy mẹ tôi. Cô ấy kiểm tra thùng
rác để đảm bảo chúng tôi không vứt đi những thứ còn dùng được. Cô ấy rửa
và dùng lại khăn giấy cho đến khi chúng rã ra trong tay…
Cô ấy tích
cực nấu bữa sáng dù cho chúng tôi phải vắt giò lên cổ chạy cho kịp giờ
vào mỗi sáng. Cô ấy dọn giường, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa. Ban đầu
tôi nhẹ nhàng bảo: “Lola,
cô không cần phải làm thế”, “Lola, chúng con sẽ tự làm”, và đến khi tôi quá bực: “Lola,
đó là việc của hai đứa nhỏ”. Cô ấy bảo được rồi và vẫn tiếp tục làm. Cô ấy thậm chí còn khiến tôi tức điên lên khi đứng ăn trong nhà
bếp hay dọn dẹp mỗi khi tôi bước vào phòng.
Sau vài tháng như thế, tôi biết mình phải nói chuyện với Lola: “Con
không phải bố. Cô không phải nô lệ ở đây”. Nghe những lời ấy, Lola cố gắng hết sức để kềm nén sự xúc động. Tôi nhẹ nhàng hôn lên trán
cô rồi bảo: “Đây là nhà của cô. Cô ở đây không phải để phục vụ chúng con. Cô phải nghỉ ngơi, được chứ?”. Cô
bảo được rồi và vẫn quay lại dọn dẹp. Thực tế thì cô ấy không biết mình
phải nghỉ ngơi bằng cách nào vì gần như cả đời việc của cô là phục vụ.
Thế rồi tôi phải tự khuyên chính mình, phải thả lỏng. Nếu cô ấy muốn nấu
bữa tối, hãy để cô ấy nấu rồi cảm ơn và
dọn dẹp. Tôi phải liên tục nhắc nhở bản thân mình: để cô ấy được thoải
mái.
Một đêm về
nhà muộn, tôi thấy Lola đang ngồi chơi đố chữ, chân gác lên ghế, TV thì
bật. Một tách trà đặt sát bên. Cô ấy nở nụ cười tươi và sáng choang (nhờ
hàm răng giả) rồi quay trở lại với câu
đố. Có tiến bộ đấy!
Cô ấy trồng
hoa hồng, tulip và vài loại phong lan nào đó ở sân sau. Cô ấy dành cả
buổi chiều để chăm sóc chúng. Cô ấy đã biết thăm hỏi hàng xóm, nhưng ở
tuổi 80, khi bệnh viêm khớp tồi tệ hơn, cô
ấy phải đi lại bằng gậy. Đi qua phòng ngủ của Lola, tôi thường nghe thấy
những bài hát dân ca Philippine phát ra từ đó. Một cuộn băng lặp đi lặp
lại. Tôi thậm chí còn biết cô ấy đã gửi tất cả tiền mà tôi và vợ cho cô
ấy - 200 USD một tuần - về cho những người
họ hàng ở quê nhà.
Một chiều nọ, tôi thấy cô ngồi ở sân sau, nhìn chằm chằm vào bức ảnh ai đó ở quê. “Cô
muốn về nhà sao Lola?”, tôi tò mò. Tay mân mê, vuốt nhẹ bức ảnh, Lola khẽ khàng gật đầu.
Lola trở về quê nhà sau lần sinh nhật tuổi 83, chụp ảnh cùng em gái Juliana sau 65 năm xa cách (Ảnh: theatlantic)
Vậy là sau
sinh nhật lần thứ 83 của Lola, tôi mua vé cho cô ấy về Philippine. Một
tháng sau đó tôi đến để đón cô quay lại Mỹ - trong trường hợp cô ấy muốn
thế. Thật ra, chuyến đi này còn là dịp
để Lola xem sau nhiều năm, cô có còn cảm giác thân thuộc như xưa hay
không. Rồi cô ấy đã tìm thấy câu trả lời: “Mọi
thứ không còn như trước”. Trang
trại cũ biến mất, ngôi nhà chẳng còn, bố mẹ, hầu hết anh chị em đã qua
đời. Những người bạn ấu thơ
còn sống thì trở nên xa lạ. Gặp lại họ thật tuyệt nhưng mọi thứ không
còn như xưa. Cô ấy vẫn muốn trải qua những năm tháng cuối đời ở đây
nhưng giờ thì chưa sẵn sàng. “Về
với khu vườn của cô thôi”, tôi bảo, “Ừ, về nhà thôi”, Lola ngậm ngùi đáp lời.
Lola đã
chăm sóc hai cô con gái của tôi hệt như cách chăm sóc anh chị em tôi khi
bé. Sau giờ tụi nhỏ tan học, cô ấy sẽ nghe lũ trẻ kể chuyện và lao vào
bếp nấu nướng thứ gì đấy cho chúng ăn. Không
giống như vợ chồng tôi, Lola rất thích mỗi phút giây của những sự kiện,
buổi biểu diễn ở trường. Dù không thể tham dự hết nhưng lần nào có mặt,
Lola cũng được ngồi ở hàng ghế đầu.
Đi chơi đâu chúng tôi cũng dắt cô ấy theo và không chỉ những lúc đi chơi đâu, trông Lola giờ đây thực sự hạnh phúc.
Lola thậm
chí còn tự học đọc chữ nữa. Nhiều năm liền, bằng cách nào đó Lola đã học
cách phát âm chữ cái, giải những câu đố về từ vựng. Phòng cô ấy đầy
những câu đố như thế. Mỗi ngày, Lola xem tin
tức, cố gắng nghe và nhận biết từ ngữ. Cô tìm hiểu thêm trên mấy tờ bào
và cố tìm ra ý nghĩa của chúng.
Suốt 12 năm
Lola sống ở nhà chúng tôi, tôi có rất nhiều cơ hội để hỏi Lola về bản
thân cô ấy, để cô ấy có thể kể về bản thân, về cuộc đời mình - điều tôi
luôn muốn biết từ khi còn bé. “Lola,
có bao giờ cô phải lòng ai đó chưa?”, tôi không giấu được sự tò mò.
Lola cười rồi kể về chuyện tình của cô ấy khi mới 15 tuổi. Đó là một anh
chàng điển trai tên Pedro ở nông trại gần nhà cô khi trước. Họ thu
hoạch lúa cùng nhau suốt nhiều tháng liền rồi
cô nảy sinh tình cảm. “Cô thích anh ta”, cô chậm rãi trả lời và rồi là một khoảng lặng... “Sau
đó thì anh ta chuyển đi…”.
Cũng suốt
những năm đó, tôi hiểu được rằng Lola cũng muốn điên lên khi mẹ tôi thô
lỗ suốt những năm tháng sống cùng nhưng cô ấy vẫn rất nhớ mẹ tôi.
Thỉnh
thoảng, khi Lola còn trẻ, cảm giác cô đơn đã khiến cô ấy không ít lần
rơi lệ. Tôi biết cô ấy mong mình có được tấm chồng nhưng cô bảo với tôi
rằng nhìn thấy những ông chồng của mẹ thì cô lại
thấy cô đơn cũng không phải là điều tồi tệ. Cô ấy chẳng nhớ bất kì ai
trong hai người chồng của mẹ. Có lẽ cuộc sống của cô ấy sẽ khá hơn nếu
cô ở lại Mayantoc, kết hôn rồi lập gia đình như chị em cô ấy. Nhưng nó
cũng có thể tệ hơn, ai có thể biết được.
Lola ở tuổi 82 (Ảnh: theatlantic)
Không ai trong chúng tôi chuẩn bị cho cái chết quá đột ngột của Lola.
Cô ấy lên
cơn đau tim khi đang trong nhà bếp nấu bữa tối, còn tôi thì chạy ra
ngoài làm vài việc vặt. Khi trở lại, cô ấy đã đau một lúc lâu rồi. Một
vài giờ sau đó ở bệnh viện, trước khi tôi có
thể chấp nhận mọi chuyện đang xảy ra, cô ấy đã ra đi - lúc 10 giờ 56
phút tối ngày 7/11. Tâm trí hoang mang, tôi chẳng nhớ được gì nhưng bọn
trẻ đã bảo tôi rằng, Lola chết cùng ngày, cùng tháng với mẹ tôi, cách
nhau 12 năm.
Vậy là ở
tuổi 86, Lola đã ra đi. Tôi vẫn còn có thể nhìn cô ấy trên chiếc giường
bệnh. Tôi nhớ mình đã nhìn vào những viên thuốc kế bên người phụ nữ nhỏ
hơn cả một đứa trẻ này và nghĩ về cuộc đời
của cô ấy. Cô ấy đã từ bỏ tất cả những ham muốn riêng để phục vụ, cống
hiến hết mình cho chúng tôi, một sự trung thành tuyệt vời. Cô ấy đã trở
thành một nhân vật được kính trọng trong gia đình đông đúc của chúng
tôi.
Tôi mất vài
tháng để dọn dẹp những vật dụng của cô ấy trên tầng gác mái. Tôi tìm
thấy những công thức nấu ăn cô cắt ra từ mấy quyển tạp chí vào những năm
1970 - thời điểm cô ấy bắt đầu học đọc.
Những quyển album có hình mẹ tôi, giải thưởng của anh chị em chúng tôi -
những thứ chúng tôi thường vứt đi còn cô ấy thì cất giữ. Tim tôi như vỡ
vụn khi thấy những tờ giấy báo đã vàng úa mà tôi đã viết từ rất lâu
rồi. Lúc đó cô ấy chẳng biết đọc nhưng vẫn
khư khư cất giữ chúng như bảo vật gia đình.
Ngôi nhà thời thơ ấu của Lola (Ảnh: theatlantic)
Chiếc xe
của Doods chở tôi đến một căn nhà nhỏ, xung quanh là ruộng lúa xanh ngắt
một màu như kéo dài bất tận. Xe đỗ xịch, tôi chưa kịp ra khỏi xe thì
mọi người đã kéo nhau ra khỏi nhà ngó nghiêng.
Doods bỏ dây an toàn, ngả ghế, đánh một giấc sau chuyến đi dài. Tôi quẩy
túi lên vai, hít một hơi thật sâu rồi mở cửa bước ra.
“Đường này”, giọng nói dịu dàng vang lên, dẫn tôi đi vào căn nhà ấy. Có khoảng 20 người, già, trẻ có đủ nhưng hầu hết là đã khá lớn tuổi. “Lola
đâu”, một giọng nói vang lên. Tôi chưa kịp định thần thì trong phút chốc một phụ nữ trung niên nở nụ cười, là Ebia - cháu gái Lola.
Thì ra đây là nhà cô ấy. Cô ấy lại ôm tôi, rồi hỏi lại: “Lola đâu?”. Tôi mở túi, đưa chiếc hộp nhựa
cho cô ấy. Trịnh trọng cầm chiếc hộp trên tay, cô ấy nhìn quanh rồi lại hỏi: “Lola đâu?”. Có
lẽ mọi người ở đây không quen với việc hỏa táng người quá cố. Tôi đã
không mang tro cốt của Lola đến sớm hơn vì tôi không chắc mọi người ở
đây vẫn còn quan tâm đến cô ấy.
Nhưng rồi
Ebia vẫn ôm khư khư chiếc hộp trong lòng, chậm rãi cúi xuống, đặt trán
lên chiếc hộp và bắt đầu khóc. Vai cô ấy rung lên từng đợt và tiếng khóc
ngày càng thảm thiết hơn, hệt như tiếng
khóc của Lola lúc bị bố mẹ tôi mắng chửi mà tôi từng nghe vào những năm
còn bé.
Tôi chưa
kịp tiến đến an ủi Ebia thì một người phụ nữ đã vòng tay ôm Ebia, rồi cả
hai bắt đầu khóc. Và rồi những người còn lại cũng khóc theo suốt 10
phút sau đó. Thẫn thờ nhìn khung cảnh đau thương
quanh đây, tôi không nhận ra, nước mắt mình cũng đã rơi từ khi nào.
Nhìn vào chiếc túi trống rỗng mà trước đó đã đựng tro cốt Lola, tôi biết mình đang mang cô ấy về đúng nơi thuộc về.
Alex Tizon (sinh năm 1959) là
một nhà báo người Mỹ gốc Philippine. Ông từng được trao giải Pulitzer -
một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn
cả là về báo chí và văn học. Đặc biệt về
báo chí, Pulitzer được xem như một trong những giải danh giá nhất. Ông
còn là tác giả cuốn sách Big Little Man: In Search of My Asian Self .
Câu chuyện về cuộc đời của Lola
(tên thật Eudcia Tomas Pulido) là tác phẩm cuối cùng trong cuộc đời
Alex. Với tựa đề gốc My Family's Slave, tác phẩm sẽ được xuất bản trong
ấn phẩm tháng 6/2017 của tạp chí The Atlantic.
Ông qua đời vào ngày 23/3/2017 vừa qua tại nhà riêng và đó chính là ngày
đội ngũ biên tập viên của The Atlantic quyết định chọn My Family's
Slave sẽ xuất hiện trên trang bìa tạp chí, nhưng rất tiếc, họ vẫn chưa
kịp thông báo với ông điều này.
(Dam Ho chuyển)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét