Cháu Cristina Mary
Hjortlund, bố Đan Mạch (làm việc tại Việt Nam), mẹ Việt, sinh năm Dần ở
Hà Nội, từ bé học trường quốc tế HIS và UNIS (Hà Nội), từ lớp 6 học phổ
thông ở quê bố ở Copenhagen.
Bản thân người viết mấy lời
“chapeau” này, một nhà báo chuyên viết về Mỹ thuật trong nhiều năm, đã
giật mình thon thót khi đọc bài của cô học trò 18 tuổi. Ngay từ lời
“tuyên bố” mở đầu đã có tư thế của một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp: “Mục
đích tôi nghiên cứu chủ đề này là bởi vì tôi thấy cho tới nay còn thiếu
sự hiểu biết về ảnh hưởng của phương pháp này tới Dalí. Có nhiều công
trình nghiên cứu về tranh của Dalí song không thấy đề cập vai trò của
phương pháp hoang tưởng-phê phán. Những thông tin có thể tìm thấy hiện
nay liên quan đến phương pháp này thì hoặc là quá sơ sài còn không thì
lại quá chung chung. Tôi nghĩ đây là một đề tài đáng quan tâm bởi lẽ tôi
thấy phương pháp này giúp ta vượt qua những giới hạn của cách nghĩ quá
lệ thuộc vào lý trí và nó giúp chúng ta khám phá một định nghĩa thật sự
về thế nào là “hiện thực” ở ngay trong thế giới chúng ta đang sống”. Cho
đến những phân tích cụ thể về bố cục, màu sắc, ánh sáng ở ba bức tranh
Dali, thì… chắc các nhà nghiên cứu Mỹ thuật ở nước ta cũng phải… gật gù!
“Tiểu luận tốt nghiệp phổ
thông” của cô học trò Cristina mà tôi xin được phép của gia đình cô đưa
lên Văn Việt và Bauxite Vietnam, đáng cho các nhà giáo dục và cha mẹ học
sinh Việt Nam tham khảo, để nhận ra con em mình có thể làm những gì nếu
được hướng dẫn đúng cách, để các vị có trách nhiệm quyết định “trận
đánh lớn về giáo dục” xem xét sao cho đường hướng cải cách sắp tới không
khiến cho con em nước nhà cứ ngày càng đi sau xa lắc trình độ chung của
trẻ em thế giới!
Cũng nhân đây xin giới
thiệu: ông ngoại cô học trò lớp 12 này là nhà giáo dục Phạm Toàn, người
khởi xướng và chủ biên bộ sách giáo khoa Cánh Buồm. Một vài cơ sở đang
dùng sách Cánh Buồm đã cho “ra lò” những “nhà thơ” lớp 4 hoặc lớp 5 mà
Văn Việt đã có lần giới thiệu hoặc “nhà” viết tiểu luận lớp 5 cỡ như bài này: “Con mắt bên trong của Hoàng Cầm và nỗi nhớ miền quê bị giặc chiếm qua bài thơ “Bên kia sông Đuống”. Trong bộ sách Trung học cơ sở Cánh Buồm, sách Tiếng Việt Lớp 9 thực sự là cuốn sách tổ chức cho học sinh dùng tiếng mẹ đẻ để khảo sát những vấn đề triết học, và sách Văn Lớp 9 thì chỉ học hai tác phẩm, Truyện Kiều (học trong 5 tháng, để khi vào đời thanh niên nào cũng thuộc áng văn chương bất hủ đó của dân tộc), và Faust (học trong 2 tháng) để những trang thanh thiếu niên kia sẽ không chỉ “… qua huyện Nghi Xuân, bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều…” – tác phẩm của Goethe bổ sung một chủ đề có tầm cỡ loài người hơn vì đi sâu vào tấm lòng từng cá nhân hơn: “con người tiến lên thông qua những lầm lạc”.
Nhà giáo dục Phạm Toàn nhắn
nhủ: “Nhóm Cánh Buồm xin “đấu thầu” bằng cái giá “bỏ thầu” này: cho
chúng tôi thực nghiệm ở một trưởng Phổ thông cơ sở, sau ba năm sẽ có 70
phần trăm học sinh lớp 9 giỏi hơn 90 phần trăm học sinh lớp 12 cùng
thời”.
Hoàng Hưng
Trường : HERLUFSHOLM
GV Hỗ trợ : Birgitte Lamb
Đề tài: “Phương pháp hoang tưởng-phê phán và ảnh hưởng của phương pháp này trong kỹ thuật sáng tác của họa sĩ Salvador Dalí”
(Câu hỏi nghiên cứu: Phương pháp hoang tưởng-phê phán ảnh hưởng tới các tác phẩm của Salvador Dalí như thế nào?)
Tóm tắt
Tiểu luận này đặt mục tiêu nghiên cứu phương pháp
hoang tưởng-phê phán (paranoiac-critical method) đã ảnh hưởng thế nào
tới các tác phẩm của Salvador Dalí. Đề tài này dĩ nhiên có nằm trong môn
Nghệ thuật thị giác và tôi chủ yếu tập trung vào nghiên cứu Dalí
đã sử dụng thế nào các yếu tố hình thức của hội họa, chức năng và mục
đích của các yếu tố ấy, làm công cụ để sáng tác. Từ đó tôi muốn chỉ ra
Dalí đã sử dụng phương pháp hoang tưởng- phê phán trong nhiều tác phẩm
của ông. Ngoài ra tôi cũng sử dụng các câu hỏi phụ liên quan và chọn ra
ba bức tranh của Dalí để phân tích nhằm làm rõ hơn đề tài nghiên cứu
“Phương pháp hoang tưởng- phê phán ảnh hưởng thế nào tới các tác phẩm
của Salvador Dalí?”
Để trả lời câu hỏi trên, tôi đã nghiên cứu tính
cách và tiểu sử của người họa sĩ này. Sau đó tôi trình bày định nghĩa về
phương pháp hoang tưởng- phê phán theo nhận thức của tôi. Sau cùng tôi
thử vận dụng các nguyên tắc của phương pháp này để phân tích ba tác phẩm
của Dalí: Dream Caused by the Flight of a Bee around a Pomegranate a Second before Wakening up, sáng tác năm 1944) (Giấc mơ xảy ra trong một giây thì tỉnh giấc có nguyên nhân là một con ong bay quanh một quả lựu); The Persistence of Memory, sáng tác năm 1931 (sự dai dẳng của ký ức) và; Swans Reflecting Elephants, sáng tác năm 1937 (Bóng của các con thiên nga biến thành các con voi).
Để đưa ra được kết luận đầy đủ, tôi đã nghiên cứu các ghi chép riêng tư của Dalí được xuất bản thành sách (cuốn Nhật ký của một thiên tài bẩm sinh),
các bài phỏng vấn Dalí, tranh của Dalí in thành sách và một số trang
web. Kết luận tôi rút ra là Dalí chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phương pháp
hoang tưởng-phê phán, ảnh hưởng này được thể hiện ở kỹ thuật ông đặt
mọi thứ ông bắt gặp ở trong trạng thái hoang tưởng vào trật tự đồng thời
cấp cho chúng một ý nghĩa tinh thần.
Dẫn nhập
Vào đầu những năm 1930, họa sĩ người Tây Ban Nha Salvador Dalí đã sáng tạo ra kỹ thuật vẽ được ông đặt tên là Phương pháp hoang tưởng-phê phán.
Bằng phương pháp này Dalí đã từ bỏ những quan niệm, khái niệm, cách
hiểu quen thuộc mỗi chúng ta vẫn thường có trong thế giới của hiện thực.
Phương pháp này giúp ông nhìn thế giới theo những cách thức mới mẻ,
theo cách khác đi và giải phóng mọi giới hạn. Điều này có được là nhờ kỹ
thuật khuyến khích làm xuất hiện trạng thái hoang tưởng[1].
Dalí định nghĩa phương pháp này như sau: “từ cơ sở là trạng thái hoang
sảng ta có thể tìm thấy sự lý giải, tìm thấy sự nhận thức tưởng như
phi-lý tính”[2].
Phương pháp hoang tưởng-phê phán bắt nguồn từ hội
họa siêu thực. Với phương pháp này Dalí có thể tạo ra một kiểu hình
thức mới mẻ cho hiện thực, hình thức ấy thoạt nhìn có thể gây hiểu nhầm.
Dalí có thể gợi cho người xem cách hiểu các đồ vật, các hình ảnh trong
tranh của ông tưởng như chúng không có liên hệ với nhau nếu nhìn theo
cách lập luận logic thông thường. Dalí đã sử dụng phương pháp này trong
suốt sự nghiệp sáng tác của mình. Ông tin rằng vô thức cũng có một ngôn
ngữ biểu trưng mang tính phổ quát. Khi xem tranh của Dalí ta thấy ở đó
một cách hiểu có tính chủ quan ở người sáng tác, nó gợi ra trong óc
người xem những suy nghĩ để họ chứng nghiệm chính mình cũng có những
hành vi vô thức[3].
Tiểu luận này sẽ trình bày nghiên cứu của tôi về
phương pháp hoang tưởng-phê phán đã ảnh hưởng thế nào tới các tác phẩm
của Salvador Dalí. Tôi phân tích ba tác phẩm của Dalí để khám phá kỹ
thuật vẽ điêu luyện và tinh tế đến từng chi tiết, đến từng màu sắc, bố
cục và các yếu tố hình thức hội họa khác, chúng gợi ra cho người xem
cách tư duy tưởng như hỗn độn song có hệ thống, bởi lẽ chính là nhờ vai
trò của phương pháp hoang tưởng-phê phán.
Ba bức tranh tôi chọn để phân tích là Swan Reflecting Elephants, Dream caused by the Flight of a Bee around a Pomegranate a Second before Wakening up, và The Persistence of Memory. Phân
tích các yếu tố hình thức hội họa (màu sắc, đường nét…) và lịch sử của
ba bức tranh này sẽ thấy được mối quan hệ giữa chúng với phương pháp
hoang tưởng-phê phán.
Mục đích tôi nghiên cứu chủ đề này là bởi vì tôi
thấy cho tới nay còn thiếu sự hiểu biết về ảnh hưởng của phương pháp này
tới Dalí. Có nhiều công trình nghiên cứu về tranh của Dalí song không
thấy đề cập vai trò của phương pháp hoang tưởng-phê phán. Những thông
tin có thể tìm thấy hiện nay liên quan đến phương pháp này thì hoặc là
quá sơ sài còn không thì lại quá chung chung. Tôi nghĩ đây là một đề tài
đáng quan tâm bởi lẽ tôi thấy phương pháp này giúp ta vượt qua những
giới hạn của cách nghĩ quá lệ thuộc vào lý trí và nó giúp chúng ta khám
phá một định nghĩa thật sự về thế nào là “hiện thực” ở ngay trong thế
giới chúng ta đang sống.
Salvador Dalí là ai?
Thế kỷ 20 dồn dập những biến động lớn: các trại
tập trung, các cuộc chiến tranh, nạn cấy ghép các bộ phận cơ thể người
vượt khỏi tầm kiểm soát, tất thảy đã dẫn đến một thế giới ngày càng trở
nên như không có thực. Nghệ thuật của họa sĩ người Tây Ban Nha Salvador
Dalí, một biểu tượng của hội họa siêu thực, chứa đựng trong đó sự tiên
tri về thế giới của chúng ta, một sự tiên tri chính xác có thể so sánh
với Sigmund Freud kể từ khi Freud xuất bản tác phẩm Civilisation and Its Discontents
(Nền văn minh và những điều bất mãn). Nhìn vào tranh của Dalí ta thấy
một cỗ máy tâm thần của người sáng tác đầy ắp những ý tưởng, những hành
vi, chúng theo đuổi con đường riêng, giống như những trò điên ở người
bệnh tâm thần. Dalí đã chuyển trao sang người xem tranh ông đời sống
tình dục và những hoang tưởng của chính cuộc đời ông. Ta không chỉ nhận
ra ở tranh của Dalí cái hứng thú phô bày sự lập dị của bản thân
(exhibitionism and eccentricity) mà còn cả cái cách ông tự trình bày
chính mình cho người xem nói chung. Nhân dạng, chẳng hạn, đúng hệt như
ông ở ngoài đời, cái vẻ bề ngoài rất nổi tiếng ấy: chiếc áo choàng không
tay dài chấm gót, cây gậy cầm tay, vẻ mặt kiêu ngạo thường trực, và bộ
râu dữ tợn “nhọn hoắt hướng lên trời, bá quyền chủ nghĩa, suy lý cực
đoan chủ nghĩa”[4].
Michel Déon đã thử lý giải “Điều gì khiến cho bộ rễ và cần ăng-ten của
ông gây cảm giác hoảng sợ cho người xem tranh của ông”. Déon mượn hình
ảnh “bộ rễ” và “cần ăng-ten” để nói tới sự cắm sâu vào đất để hút cái
“chất đất” còn “ăng-ten” là cái được vi chỉnh để “bắt sóng” của tương
lai với tốc độ thu của cây cột thu lôi.[5]
Thời thơ ấu của Dalí’ không có gì đặc biệt. Ông
sinh năm 1904 tại Figueras, gần Barcelona, bố ông là một luật sư. Ông
chỉ bắt đầu bộc lộ tính cách thiên tài bẩm sinh khi bắt đầu vào học
trường hội họa, đó cũng là lúc ông khám phá môn tâm phân học.
Đó là vào cuối những năm 1920. Lúc này hội họa
siêu thực đã có chỗ đứng vững chắc, với những nghệ sĩ đàn anh của phong
trào Siêu thực như Chirico, Duchamp và Max Ernst. Điều ta thấy Dalí tách
khỏi các nghệ sĩ siêu thực khác đó là Dalí là họa sĩ siêu thực đầu tiên
chấp nhận trọn vẹn “lôgic” của giai đoạn tâm phân học Freud thống trị.
Các tác phẩm của Dalí’ được phân biệt ở kỹ thuật tả thực (naturalism),
một kỹ thuật hội họa của thời kỳ Phục hưng lúc này vẫn còn được dùng,
song là tả thực những ảo giác, và ông còn đưa thêm vào đó tính dục và
cái chết, hai người bạn đường trung thủy của Dalí trong suốt cuộc đời
ông[6].
Ngoài ra, tranh của các họa sĩ Siêu thực khác đều dựa vào không gian tự
sự, chủ đề và cấu trúc thời gian theo lối truyền thống, thì ở Dalí là
kỹ thuật của chủ nghĩa hiện thực nhiếp ảnh, tranh của ông giống như một
khuôn hình được cắt ra từ một bộ phim. Tranh của Dalí biểu hiện một sự
đồng nhất khác thường về cách nhìn, về tính mới mẻ vượt ngoài giới hạn
thông thường và quyền năng của trí tưởng tượng. Từ nguyên tắc của tâm
phân học Freud theo đó sự lập luận (reasoning) là công việc “hợp lý hóa”
thực tại ở bên ngoài trí óc chúng ta, Dalí vứt bỏ sự lập luận. Người
xem tranh của ông có cảm giác bất an, thấy chúng dường như chẳng nói lên
điều gì một cách tường minh cả, thấy có sự di chuyển vị trí những khái
niệm mà ngoài đời ta vẫn quen, và điều này gây cho người xem cảm giác
hoảng sợ. Song điều khiến cho Dalí trở thành một biểu tượng đích thực
của hội họa siêu thực chính là sự trung thành với những ám ảnh, ông duy
trì chúng và đồng thời nâng chúng lên thành cái nhìn siêu hình học. Hiếm
có họa sĩ nào như Salvador Dalí, ở trong mỗi một bức tranh thể hiện các
phương diện khác nhau của nghệ thuật của mình, Dalí duy trì nhiều biết
bao những giá trị nghệ thuật và tinh thần.
Phương pháp hoang tưởng-phê phán là gì?
Sự phát minh ra phương pháp (hay kỹ thuật vẽ)
hoang tưởng-phê phán là đóng góp quan trọng hơn cả của Salvador Dalí cho
phong trào Siêu thực. Dalí chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nhà tâm lý học
người Áo là Sigmund Freud, lý thuyết về cái vô thức của Freud đã làm đảo
lộn cái cách chúng ta xưa nay vẫn hiểu thế nào là hoạt động của tâm
trí. Khi một người suy nghĩ và có cảm xúc về một điều gì thì cùng lúc đó
cái ý thức ở tầng tiềm thức (the subconscious) hoạt động mà người ấy
không hề biết, nó dẫn dắt đến những điều xảy ra trong lúc ngủ (nằm mơ)
và những giấc mơ ấy được mã hóa (coded) là do sự hoạt động của tiềm
thức. Để diễn đạt đơn giản hơn, đó là một quá trình được Dalí thấy là
cách thức mới mẻ và độc đáo để nhìn thế giới ở bên ngoài[7].
Không chỉ với Dalí, mà điều này còn hấp dẫn nhiều họa sĩ siêu thực, họ
kinh ngạc phát hiện ra rằng các giấc mộng có thể làm phơi mở ra nhiều
điều. Tiêu ngữ của phương pháp hoang tưởng-phê phán là “Hãy chinh phục
cái phi-lý tính”[8].
Vào đầu những năm 1930, Dalí tập trung chú ý tới
cơ chế bên trong của hiện tượng hoang tưởng. Khi mối quan hệ với thế
giới hiện thực bị căng bức, nếu nó bị méo mó đi thì lúc ấy xuất hiện một
hiện tượng có bản chất hoang tưởng. Bình thường, hiện thực của thế giới
bên ngoài phải được dùng làm hiện thực của trí óc chúng ta, trong khi
hoang tưởng là sự liên tục bất ngờ nhận ra trí óc bị ảo tưởng ở trng thế
giới bên ngoài đánh lừa. “Tôi tin rằng mình thấy ở trong tầm tay cái
thời điểm khi một trí óc hoang tưởng có sự chủ động tham gia, lúc ấy trí
óc có thể hệ thống hóa được sự “lẫn lộn” do trạng thái hoang tưởng gây
ra, và bằng cách ấy giải thể hoàn toàn uy tín của thế giới của hiện
thực.”[9]
Trào lưu Siêu thực tin rằng trí óc hữu thức đã đàn áp quyền năng của trí tưởng tượng[10].
Trào lưu này muốn khơi mào một cuộc cách mạng, muốn đặt sức mạnh vào sự
làm phơi mở ra những mâu thuẫn ở trong thế giới thường nhật, qua đó coi
nhẹ chủ nghĩa suy lý và chủ nghĩa hiện thực trong lĩnh vực phê bình văn
chương. Chính ở đây có vai trò to lớn của tâm phân học Sigmund Freud.
Sigmund Freud (1856-1939)[11]
được xem là cha đẻ của tâm phân học và cũng là một nhà tư tưởng có ảnh
hưởng quan trọng ở đầu thế kỷ 20. Từ những khái niệm về vô thức, về tính
dục ở trẻ em và sự đàn áp tính dục, Freud đã xây dựng một lý thuyết coi
tâm trí là một hệ thống-năng lượng phức hợp. Dalí đã sử dụng những cách
lý giải của Freud, ông thường gọi đó là “cỗ máy Freud”. Dalí dùng cỗ
máy Freud để lý giải cái vô thức và cái ham muốn tình dục (the erotic),
để định vị nguồn gốc “libido” và vô thức của bất cứ cái gì ông chọn để
vẽ[12].
Là người nghiên cứu nhiều về Freud, Dalí đã đạt tới cái đích đến của
tâm phân học, ông thường xuyên tìm kiếm những giấc mơ: “cách chính xác
và hiệu quả nhất để bắn những viên đạn đầy ắp mực để có thể sắp đặt
những lỗ thủng (hole) theo một trật tự như toán học.[13]”
PHÂN TÍCH BỨC TRANH Dream caused by the Flight of a
Bee around a Pomegranate a Second before Wakening up, Salvador Dalí,
1944, oil on canva
Một quả lựu vỡ toác ra, giải phóng một con cá
khổng lồ màu đỏ, hai con hổ chồm tới một người đàn bà nằm ở chính giữa
phía dưới bức tranh, thành một chuỗi những hình ảnh. Người đàn bà khỏa
thân đang ở trong tư thế nằm mơ người bồng bềnh trên không, vẫn không
biết có hai con hổ đang chồm tới và một khẩu súng đã tuốt lưỡi lê sắp
đâm vào cánh tay phải của mình. Một con voi ở gần đường chân trời, trong
tư thế những cái chân lều khều bước đi kiểu cà kheo hướng về phía đông,
trên lưng nó là một cái tháp bia kiểu Ai Cập cổ đại (giống rất nhiều
tháp bia ở Paris, trong đó nổi tiếng là tháp nằm tại Quảng trường
Concorde). Con voi giống với bức tượng nổi tiếng ở Rome của danh họa
Bernini thời Phục hưng.[14]
Tác phẩm này là Dalí vẽ người vợ mình, Gala, lúc đang khỏa thân nằm tắm
nắng bên bờ biển, trong một ngày yên tĩnh, rất có thể đó là bờ biển
nhiều vách đá tại Port Lligat (ở Tây Ban Nha).[15]
Khung bố cục thu hút mạnh mắt người xem vào những
hiện tượng phi-lý tính của thế giới của mộng. Cơ thể người đàn bà, quả
lựu, con cá, hổ và cái tháp trên lưng con voi, và những cái chân khuềnh
khoàng, tạo ra một pyramid ba cạnh.
Ảnh hưởng chính của phương pháp hoang tưởng-phê
phán tới bức tranh này được thấy ở chủ đề và sự tập trung vào cơ thể
người đàn bà bồng bềnh bên trên những tảng đá, một lưỡi lê sắp thọc vào
cơ thể người đàn bà, và chuỗi hình ảnh quả lựu, con cá và các con hổ.
Theo chỉ dẫn của tên gọi của bức tranh, thì hổ, cá và lưỡi lê là biểu
tượng cho một con ong sắp đốt người đàn bà mà nếu không có con ong thì
bà ta vẫn tiếp tục ngủ say. Con hổ tượng trưng cho màu sắc và hình thù
cơ thể của con ong. Cái lưỡi lê lúc này là cái nọc của con ong sắp
“châm” vào cơ thể người đàn bà. Con cá có thể là biểu tượng cho đôi mắt
của con ong, vì những cái vẩy của con cá làm liên tưởng tới ấn tượng đa
sắc của đôi mắt con ong. Bức tranh này là ví dụ rõ rệt cho ảnh hưởng của
các công trình nghiên cứu của Freud về mộng và vô thức, tới nghệ thuật
siêu thực và việc Dalí thăm dò thế giới của những giấc mơ để biến chúng
thành một quang cảnh đầy mộng mị.[16]
Người xem dễ lẫn lộn hình thức Dalí thể hiện bề
mặt và không gian của bức tranh, nhất là họ không thấy đâu là “mặt đất”
cả. Bề mặt và không gian của bức tranh giống với cảnh vật ở bên ngoài
thế giới hiện thực của chúng ta, như thể Dalí đang cho thấy những giấc
mơ của ông khi ông đặt chính mình dưới sự hoạt động của phương pháp
hoang tưởng-phê phán. Có những mảng tối hắt ra từ những đồ vật ở phía
trên, song những chỗ màu lam được làm cho tối đi khác nhau không đóng
vai trò cụ thể gì, cũng không có vai trò hiện thực chủ nghĩa. Không gian
âm (hay “khoảng nền”: negative space), chiếm một phần đáng kể trên tấm
toan, tất cả trong đó đều được vẽ bằng những màu lạnh, bằng hai màu lam
và xám được làm cho hơi tối đi. Màu lạnh tương phản với các màu ấm, ở
đây là màu cam đỏ tươi tươi và vàng tương phản với màu da người đàn bà, ở
tất cả những chỗ có vật cần được tập trung như quả lựu, con cá, con hổ
và người đàn bà. Màu lam sáng được dùng ở rất chỗ vắng ánh sáng. Độ rực
của màu tạo ấn tượng mạnh mẽ cho bức tranh. Các màu ấm cũng được dùng
cho những vật chính, và hơi giống màu cam hoặc khi trộn lẫn nhau có thể
gọi đó là màu cam. Điều này chứng tỏ có sự thực hành hai màu bổ sung cho
nhau là màu cam và màu lam trong bức tranh.
Năm 1962 Dalí đã giải thích ý định ông dùng hội
họa để “lần đầu tiên biểu đạt bằng hình ảnh khám phá của Freud về giấc
mơ điển hình có đầu có cuối và người nằm mơ chợt tỉnh giấc vì một sự
kiện ngẫu nhiên bất ngờ nào đó. Như vậy, giống như người nằm mơ chợt
tỉnh giấc khi trong giấc mơ có thể bắt gặp một thanh sắt, lưỡi máy chém
rơi xuống cổ, thì tiếng động của con ong ở trong bức tranh này gợi ra
cảm giác bị ong đốt và làm Gala tỉnh giấc.”[17]
Các nét cọ và đường nét tinh tế tạo cho bức tranh
một phong cách hiện thực chủ nghĩa, điều này chứng minh cho ý tưởng của
ông về một “bức ảnh giấc mơ được vẽ lại bằng tay”[18].
Các nét cọ chắc nịch của Dalí’ cho người xem thấy rõ phong cảnh núi,
những chi tiết về quả lựu, con cá, con hổ vân vân. Có thể thấy kỹ năng
sử dụng cây cọ là rất cao, nhất là ở những giọt nước li ti cực kỳ hiện
thực chủ nghĩa ở trên háng người đàn bà. Điều đáng chú ý là những hình
ảnh phi lý ở trong bức tranh. Hai con hổ, cái lưỡi lê, con cá, người đàn
bà bồng bềnh, quả lựu bồng bềnh, và những giọt nước li ti được vẽ một
cách hiện thực chủ nghĩa. Trong khi đó thì phong cảnh, đúng như trong
hiện thực chứ không phải là một phần của thế giới giấc mơ, lại được vẽ
một cách bớt hiện thực chủ nghĩa đi. Các đường viền màu tối thể hiện
vách đá ở bên phải bức tranh và núi ở gần chân trời đều được vẽ bằng màu
tối, qua đó làm nổi bật bức tranh khiến nó nom có phần giống như hình
ảnh trong phim hoạt hình. Nước và mặt trăng có vẻ như quá giản dị để có
thể nói không có chất hiện thực, trái ngược với sự mô tả giấc mơ và hiện
thực ở trong quang cảnh giấc mơ được vẽ lại.
Đây là cái cách Dalí chơi đùa với phương pháp
hoang tưởng-phê phán. Khi vẽ một quang cảnh được liên tưởng từ quang
cảnh ở Port Lligat, ông đã làm xuất hiện một mối tương quan méo mó giữa
hai hiện thực, một hiện thực như chúng ta nhìn thấy bằng mắt và một hiện
thực do cái nhìn trong trạng thái hoang tưởng gây ra sự đánh lừa gây
sốc. Phương pháp này khiến người xem bối rối, bằng cách ấy hoàn toàn
giải thể uy tín của thế giới của hiện thực, đó là mục đích của người
nghệ sĩ. Dalí trong phương pháp này ở mỗi bức tranh của mình bao giờ
cũng đưa vào những cội rễ vô thức và libido. Chỉ dấu rõ rệt nhất là
người đàn bà trong tư thế khỏa thân gợi dục. Các chỉ dấu khác là sự gây
hấn hòng áp đảo tình dục của con cá và hai con hổ, được vẽ bằng màu sắc
hơi sáng một chút khiến người xem có cảm tưởng da của chúng mềm mại và
mời gọi. Quả lựu nằm ở bên trái bức tranh được vẽ chín đậm, nó vỡ toác
ra vì con cá. Hình thù con cá được vẽ khiến người xem liên tưởng tới bộ
phận sinh dục của phụ nữ.
Ở nhiều nền văn hóa, từ các nền văn hóa Do
Thái-Kitô giáo đến văn hóa Trung Hoa, quả lựu được dùng phổ biến như là
một biểu tượng. Nhìn từ truyền thống Kitô giáo, quả lựu là hình ảnh làm
liên tưởng tới khả năng sinh sản và sự tái sinh. Có người đã diễn giải
quả lựu nằm bên dưới người đàn bà là hình ảnh tượng trưng cho nữ thần
Venus. Cái bóng hắt ra từ quả lựu có hình trái tim, trong khi những giọt
nước li ti trong vắt nom giống như những hạt chân trâu, những vật quen
thuộc luôn đi kèm nữ thần Venus trong nghệ thuật cổ điển.[19].
Bức Dream caused by the Flight of a Bee around a Pomegranate a Second before Wakening up kết
hợp chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa biểu trưng, thiên tài sáng tác và sự
sử dụng ẩn dụ lịch sử trong nghệ thuật, tất cả kết hợp tạo ra một tác
phẩm nghệ thuật siêu thực.
The Persistence of Memory, Salvador Dalí, 1931, oil on canvas
Bức The Persistence of Memory có bốn chiếc
đồng hồ ở trong một quang cảnh xa mạc. Bốn chiếc đồng hồ được uốn cong
đi khiến chúng nom như không có thực và như đang trong quá trình tan
chảy. Ở phía dưới, bên trái bức tranh là chiếc đồng hồ màu đỏ nhung nhúc
những con kiến. Người xem không tập trung sự chú ý vào cái đồng hồ mà
vào cái hình thù bất thường có những chiếc lông mi khiến chiếc đồng hồ
nom như một con côn trùng, cái hình thù màu vàng ở ngay bên dưới có thể
là một cái lưỡi đang “rỉ ra” từ cái mũi [20]. Quang cảnh trong bức tranh biểu hiện một quang cảnh ở gần Port Lligat[21]
Bức tranh chủ yếu gồm những đường nét mềm mại,
song cũng có những đường nét sắc cạnh trên chiếc thùng trên đó một chiếc
đồng hồ màu cam-nâu đang tan chảy trên đó có những con kiến. Sau cái
cây khô cũng có những đường nét sắc cạnh. Ở những chỗ không gian âm rộng
ta thấy có rất ít các vật. Các vật trong tranh nom rất kỳ cục, bất
thường, chúng tạo ra sự bí ẩn. Những chỗ bóng râm mờ trong bức tranh
được nhấn mạnh để làm nổi bật những chi tiết của bức tranh có ba chiều.
Có sự phân phối các màu ấm và màu lạnh. Các màu
ấm là các vách núi ở phía xa, chiếc đồng hồ màu cam-nâu có kiến. Mặt
khác, ba chiếc đồng hồ kia, vật nom kỳ cục, và nước có màu lam ngả về
sắc lạnh. Màu lam và màu cam bổ sung cho nhau, làm cho bức tranh hấp dẫn
người xem.
Chiếc đồng hồ màu cam-nâu thổ tương phản với các
màu có sắc lam của các vật trong giấc mơ. Màu đất nguyên thủy cũng gợi ý
tưởng sau khi ta đã đào xuyên qua ý thức thì ta nhận ra rằng mình đến
từ thế giới hiện thực và chỉ duy nhất những hình ảnh ở trong bức tranh
là sự thật. Các màu hữu cơ làm tăng thêm tính chân thật trong bức tranh;
làm mất uy tín những quan niệm hạn chế cho rằng những gì ta có thể nhìn
thấy ở trong thế giới của hiện thực thì mới là thực. Bằng việc thực
hành phương pháp hoang tưởng-phê phán, Dalí đã thành công trong việc đặt
câu hỏi về chủ nghĩa duy lý tính ở trong cái phi lý tính và cái phi-lý
tính có giá trị nhiều thế nào đối với cái duy lý tính.
Trong thời gian ông vẽ bức này, có một sự kiện
chấn động đó là Albert Einstein công bố Thuyết Tương đối – một khái niệm
cho rằng thời gian là tương đối và phức tạp hơn chứ không chỉ như là
cái có thể dễ dàng theo dõi được bằng một vật được sáng chế như chiếc
đồng hồ chẳng hạn, qua đó làm thay đổi địa vị của thời gian như xưa nay
chúng ta vẫn coi thời gian là cái gì có tính “tuyệt đối”. Thuyết tương
đối củng cố phương pháp hoang tưởng-phê phán, bởi lẽ phương pháp hoang
tưởng-phê phán vô hiệu hóa tính đơn giản của các quy luật của hiện thực,
nó cho thấy ta có thể kiểm soát “thời gian” bằng quyền năng của trí
tưởng tượng và tiềm thức, kiểm soát một thứ được coi là vô cùng quý giá
mà lại rất quen thuộc. Trong bức trên, bốn chiếc đồng hồ đang tan chảy,
mất đi quyền năng và tính ổn định đối với những gì ở quanh chúng .[22] Dawn Ades giải thích, “Những chiếc đồng hồ bị mềm oặt đi là biểu tượng vô thức của tính tương đối của không gian và thời gian.”[23]
Bức tranh này là một ví dụ minh họa cho lý thuyết
về “cứng” và “mềm” của Dalí, một ý tưởng có tính trung tâm của ông vào
giai đoạn đó. Trong bức này, cách truyền đạt của ông là dùng ánh sáng để
hai tảng đá tròn được vẽ thành bé tí hầu như không thể nhận ra ở hậu
cảnh của bức tranh. Tảng đá ở bên phải được đặt dưới nắng mặt trời,
trong khi tảng bên trái được đặt trong bóng râm cùng với chiếc đồng hồ
tan chảy nom như cái dạ con và những con kiến, tất cả đều phi hiện thực
nếu nhìn bằng con mắt quen thuộc về thế giới bên ngoài. Núi và nước, mặt
khác, có màu sáng nhờ nắng mặt trời, lại hiện thực đối với thế giới bên
ngoài. Điều này làm tách bạch sự khác nhau giữa các vật “mềm” (ở bức vẽ
này là cái gì phi hiện thực) và các vật “cứng” (hiện thực). Để thấy rõ
hơn, có thể vạch một đường chéo từ góc trái phía trên xuống góc phải ở
phía dưới của bức tranh, tách vùng tối và vùng sáng. Những hình ảnh
“mềm” tượng trưng cho những hình ảnh tiềm thức, trong khi những hình ảnh
“cứng”, chẳng hạn núi sáng nắng mặt trời, và nước tượng trưng cho ý
thức, một cái gì đó đúng với hiện thực[24].
PHÂN TÍCH BỨC TRANH 3
Swans Reflecting Elephants, Salvador Dalí, 1937, oil on canvas
Như đầu đề bức tranh này cho thấy, có ba con
thiên nga duyên dáng đang bơi trên mặt hồ màu lam. Ở đằng sau những con
thiên nga có những cái cây bị tróc hết vỏ, bóng các con thiên nga trên
mặt nước hồ biến thành ba con voi. Ba con thiên nga mảnh dẻ tương phản
với ba con voi nặng hàng tấn; hình ảnh con vật to xác nhất thế giới này
gợi ý sự kết luận về tính hai mặt và nghịch lý của việc không thể xếp
mọi thứ thành các cặp[25]. Hậu cảnh được vẽ theo phong cách truyền thống của hội họa phong cảnh xứ Catalonia, được thấy phổ biến trong tranh của Dalí’[26].
Bên trái có một người đàn ông mặc áo sơ mi trắng và quần màu nâu, mặt
nhìn theo hướng trái. Nhân thân của người đàn ông này từng là chủ đề của
nhiều cách giải thích và tranh luận. Song, một bức thư của nhà sưu tập
và bảo trợ của Dalí, Edward F.W James, viết rằng người đàn ông này “được
cố ý vẽ giống với một nhà hóa học ở ngôi làng bên cạnh có tên là
Ampurdan ở phía bắc Barcelona”[27].
Bức tranh được chia thành ba phần. Hình hai đám
mây ở phía trên, đang trôi bồng bềnh trên bầu trời màu lam nom phi hiện
thực. Ở phía bên trái là mặt trăng được đặt ở ngay phía trên vách núi,
hầu như không thể nhận ra. Phần thứ hai bắt đầu từ các vách núi và kết
thúc ở các con thiên nga. Hầu hết các chi tiết và sự kiện xảy ra là nằm ở
phần này. Phía sau các con thiên nga và những cành cây bị xoắn lại có
một mặt trời lặn. Đây cũng là chỗ người đàn ông đứng, ở phía bên trái
bức tranh. Phần cuối cùng là phần ở phía dưới bức tranh, bắt đầu từ ngay
bên dưới các con thiên nga và kết thúc ở cuối bức tranh. Có sự phân
biệt rõ rệt giữa phần hai và phần ba, bởi lẽ có sự đột ngột thay đổi về
sắc độ màu. Phần thứ ba là những hình ảnh phản chiếu của phần thứ hai.
Màu sắc ở phần ba râm tối hơn, chẳng hạn cũng vẫn là màu lam song làm
cho tối hơn, hình ảnh phản chiếu tối hơn của những con thiên nga, và
nhiều hiệu ứng râm che hơn. Điều này làm nổi bật sự đặt cạnh nhau bóng
các con voi và các con thiên nga.
Kỹ thuật được dùng để tạo hiệu quả cho bức tranh
là kỹ thuật của phương pháp hoang tưởng-phê phán. Việc đặt bên cạnh nhau
thiên nga và voi đã thực sự chinh phục được cái phi-lý tính (xem tiêu
ngữ của Dalí). Sự khác biệt rõ rệt giữa một con thiên nga và một con voi
kích thích trí óc đi tìm khả năng giải thích bằng lý trí cách nào mà
một con voi nặng nề lại có thể là hình ảnh phản chiếu một con thiên nga
dịu dàng. Đây là một ví dụ đích thực của việc đạt được mục đích của tâm
phân học là cho phép liên kết và ghép với nhau các vật và ý tưởng, điều
mà trong thực tế và trong suy nghĩ hữu thức của chúng ta đều thấy là
không thể xảy ra.
Có nhiều đường nét, hầu hết là nét mảnh, làm cho
bức tranh đạt được chất hiện thực. Hầu hết các đường nét đều kết thúc
nhắm tới một trong ba con thiên nga và cái bóng của chúng. Khác với tên
gọi bức tranh (bóng các con thiên nga là những con voi), ba con thiên
nga được đặt ở giữa bức tranh, quy tầm quan trọng vào các con thiên nga,
đúng như mục đích và chức năng của bức tranh.
Không gian “âm” bị giới hạn, do có nhiều vật quá.
Điểm tụ tưởng tượng (vanishing point: điểm tụ tưởng tượng, theo luật
viễn cận, của các đường chạy song song) biến mất vào trong bầu trời, nó
hầu như nhìn không rõ ở chỗ chân trời. Tuy nhiên, sự thay đổi sắc độ màu
ở đường phân chia các con thiên nga với những cái bóng, tạo ra một hình
ảnh phản chiếu sai lạc khác. Một ảo giác khác nữa là người đàn ông ở
bên trái các con thiên nga. Bề sâu và không gian dường như chưa đủ chất
hiện thực để cho phép các con thiên nga nom lẽ ra phải to hơn nhiều so
với người đàn ông đứng ở khoảng cách xa hơn. Cũng không rõ chân của
người đàn ông này ở chỗ nào, vì quần của ông ta lẫn vào phần còn lại của
vách núi, người xem sẽ tự hỏi tại sao người đàn ông lại đứng đó và mục
đích của ông ta và cấp độ hiện hữu của ông ta ở trong hiện thực bên
ngoài bức tranh.
Màu sắc được dùng gồm các màu nhẹ nhàng như màu
vàng và màu lam, nhất ở xung quanh đường chân trời. Cũng có màu cam ở
một số vùng nhất định trên vách núi và màu lam nhạt của mặt nước hồ. Các
màu tối như cam-nâu được dùng cho hầu hết các vách núi, còn bóng râm
che đậm và các vùng tối được dùng ở trên các cây, trên con thiên nga và
hình phản chiếu của chúng. Sắc độ sáng tối được dùng tương đương nhau,
tạo ra cảm giác rõ rệt về ánh sáng tự nhiên. Điều này cũng tạo ra cảm
giác về bề sâu và bố cục màu sắc trong bức tranh, nhất là ở các vách
núi. Mặc dù các màu sáng tối đều có vai trò hầu như ngang nhau, song độ
rực của màu là không rõ rệt. Những chỗ râm che ở các con thiên nga và
cây cối bị tróc hết vỏ làm cho bức tranh nom có vẻ xám xịt. Song việc
dùng c màu lam và màu cam, hai màu có tính bổ sung cho nhau, khiến vẫn
hấp dẫn người xem. Hai màu có tính bổ sung cho nhau này được kết hợp để
tạo ra màu nâu trung tính, điều được dùng nhiều trong bức tranh này.
Việc đặt thiên nga bên cạnh voi còn đem lại yếu tố nhuốm màu libido cho bức tranh, giống như bức Metamorphosis of Narcissus Dalí vẽ năm 1937[28],
tức vẽ cùng năm. Bóng của thiên nga biến thành voi là hình ảnh trong
Thần thoại Hy Lạp về Narcissus phải lòng cái bóng của mình. Thiên nga
cũng bắt chước thái độ tự yêu chính mình, thái độ vị kỷ, nó giúp cho
người ta cảm thấy mình cao hơn so với thực tế mình đang là. Hiệu ứng
này, như được thấy khi sử dụng tâm phân học, cho thấy trí tưởng tượng và
ảo tưởng kéo người ta xa ra sao ra khỏi hiện thực bên ngoài, và có thể
làm xuất hiện một căn cước mới mẻ không có giới hạn, mà ở trong thế giới
hữu thức của hiện thực nó bị kiềm chế, bị khinh miệt.
Chất lobido được mô tả trong hầu hết những chỗ
nổi bật của bức tranh. Mặt trời lặn mà trời lại sáng gợi liên tưởng tới
thời điểm của sự ham muốn nhục dục trong ngày, khi mọi thứ đều trở nên
hấp dẫn hơn nhờ ánh sáng lờ mờ và những chỗ tối. Các vách núi được vẽ
bằng những nét cọ tạo ra bố cục màu sắc khác nhau ở những vùng tách rời
nhau. Song song với tư thế không kiểm soát được của những cái cây chết,
các vách núi tạo ra sự vận động từ cái vô hồn, qua đó tạo ra năng lượng
cho người xem, phần nào làm gia tăng nhịp đập của tim, giống như khi ta
đột nhiên có những xúc cảm nhục dục.
Swans Reflecting Elephants được vẽ hai năm
sau khi Salvador Dalí viết một tiểu luận giải thích phương pháp hoang
tưởng-phê phán, tiểu luận có đầu đề “The Conquest of Irrational” (Chinh
phục cái phi-lý tính)[29]. Swans Reflecting Elephants
thực sự phản ánh trí tuệ bậc thầy ở Dalí. Dalí thành công khi tạo ra
sức hấp dẫn ma thuật cho các kiệt tác của mình, trong đó có tài nghệ vẽ,
sơ đồ màu, bố cục và sử dụng biểu tượng song đôi.
Kết luận
Trên cơ sở phân tích ba bức tranh trên chúng ta
thấy Phương pháp Hoang tưởng-Phê phán ảnh hưởng tới các tác phẩm của
Salvador Dalí ở mức độ rất lớn, nó đem lại cho các tác phẩm của ông một ý
nghĩa và khái niệm cao hơn. Tiểu luận nghiên cứu này cũng chứng minh
tại sao và bằng cách nào ý định sử dụng các yếu tố hình thức của hội họa
và các vật định vẽ lại cho thấy có chức năng và mục đích của hoạt động
hoang tưởng-phê phán. Cả ba bức tranh đều giúp hiểu được quan niệm của
Dalí về giải phóng mọi bản thể vật chất (dematerializing) để rốt cuộc
siêu linh hóa mọi thứ (spiritualize, tương tự như khái niệm “thăng hoa”,
sublimation, của tâm phân học) để tạo ra những hình thức năng lượng mới
mẻ theo cách khác đi.
Dalí mặc dù không phải là một người thực sự mắc
chứng hoang tưởng, song ông có thể đạt tới trạng thái hoang tưởng đồng
thời biết quay trở lại “trạng thái bình thường” để đưa những ảo giác của
mình lên tấm toan[30].
Salvador Dalí đã khiến người xem nhìn thế giới dưới một ánh sáng khác
đi, đó là nơi các tác phẩm do ông sáng tác. Bằng cách đặt bên cạnh nhau
những hình ảnh và dùng biểu tượng song đôi (double imagery), ta có thể
làm thay đổi cách nhìn quen thuộc, hạ thấp giá trị những quan niệm định
kiến về cuộc sống thực tiễn duy lý, như ta thấy trong tác phẩm Swans Reflecting Elephants
cái cách người nghệ sĩ đặt cạnh nhau hai vật khác nhau và làm cho chúng
giống nhau. Còn cả cách khác nữa để giải thể giá trị những quan niệm
định kiến về cuộc sống thực tiễn ấy là khi Dalí biến đổi một con ong
thành một hình thức hay biểu tượng mới mẻ. Phương pháp Hoang tưởng-Phê
phán cũng ảnh hưởng tới các tác phẩm của Dalí ở chỗ ông đã đưa vào tác
phẩm của mình cái libido, ngay cả khi cái libido được mã hóa ở cấp độ
tiềm thức.
Nghiên cứu Phương pháp Hoang tưởng-Phê phán ảnh
hưởng tới các tác phẩm của Dalí, nghiên cứu việc ông đưa những giấc mơ,
những huyễn tưởng và những ảo giác của mình vào tác phẩm, giúp làm rộng
ra thế giới của những cái nhìn duy lý chủ nghĩa.
Ảnh: Tác giả luận văn trong buổi dạ vũ sau lễ Tốt nghiệp Trung học phổ thông
PHẠM ANH TUẤN dịch
[1] “Paranoid Critical Method: Salvador.” Paranoid Critical Method: Salvador. N.p., n.d. Web. 16 Dec. 2015. <http://www.tufts.edu/programs/mma/fah188/clifford/Subsections/Paranoid%20Critical/paranoidcriticalmethod.html>.
[2] “Salvador Dali – The Paranoid Critical Transformation Method.” Salvador Dali. N.p., n.d. Web. 16 Dec. 2015. <https://library.humboldt.edu/about/art/artists/daliPCTM.html>.
[3] “Paranoid Critical Method: Salvador.” Paranoid Critical Method: Salvador. N.p., n.d. Web. 16 Dec. 2015. <http://www.tufts.edu/programs/mma/fah188/clifford/Subsections/Paranoid%20Critical/paranoidcriticalmethod.html>.
[4] Dalí, Salvador. Nhật ký của một thiên tài bẩm sinh (Dairy of a Genius. N.p.: Solar, 2006. Print. P.17
[5] Descharnes, Robert, and Gilles Néret. Dalí II 1946-1989. Ed. Gilles Néret. Cologne: Taschen, 2007. Print. P.139
[6] Descharnes, Robert, and Gilles Néret. Dalí I 1904-1946. Ed. Gilles Néret. Cologne: Taschen, 2007. Print. P.11
[7] “Salvador Dali – The Paranoid Critical Transformation Method (Phương pháp biến đổi hình thể hoang tưởng có phê phán).” Salvador Dali. N.p., n.d. Web. 16 Dec. 2015. <https://library.humboldt.edu/about/art/artists/daliPCTM.html>.
[7] “Paranoid Critical Method: Salvador.” Paranoid Critical Method: Salvador. N.p., n.d. Web. 16 Dec. 2015.
[8] Descharnes, Robert, and Gilles Néret. Dalí I 1946-1989. Ed. Gilles Néret. Cologne: Taschen, 2007. Print. P.255
[9] “MoMA Learning.” MoMA. N.p., n.d. Web. 19 Oct. 2015. <https://www.moma.org/learn/moma_learning/1168-2>.
[10] “Surrealism Movement, Artists and Major Works.” The Art Story. N.p., n.d. Web. 16 Dec. 2015. <http://www.theartstory.org/movement-surrealism.htm>.
[11] Thornton, Stephen P. “Internet Encyclopedia of Philosophy.” Internet Encyclopedia of Philosophy. N.p., n.d. Web. 16 Dec. 2015. <http://www.iep.utm.edu/freud/>.
[12] Descharnes, Robert, and Gilles Néret. Dalí II 1946-1989. Ed. Gilles Néret. Cologne: Taschen, 2007. Print. P.503
[13] Descharnes, Robert, and Gilles Néret. Dalí II 1946-1989. Ed. Gilles Néret. Cologne: Taschen, 2007. Print. P.531
[14] Heckscher, William S. BERNINI’S ELEPHANT AND OBELISK (n.d.): 159. College Art. Web. 16 Dec. 2015. <http://www.collegeart.org/pdf/BerniniPDF3r.pdf>.
[15] Edwell, Bernard. “Freud’s Influence on Dali’s Surreal Dream Art – Park West Gallery.” Park West Gallery. N.p., 09 Feb. 2010. Web. 19 Oct. 2015. <http://www.parkwestgallery.com/freuds-influence-on-dalis-surreal-dream-painting/8948>.
[16] http://artdaily.com/news/36133/Painting-by-Salvador-Dal—Made-in-the-U-S—on-Temporary-Loan-to-the-Dal–Foundation#.VnCHUzYwyF1
[17] Edwell, Bernard. “Freud’s Influence on Dalí’s Surreal Dream Art – Park West Gallery.” Park West Gallery. N.p., 09 Feb. 2010. Web. 19 Oct. 2015. <http://www.parkwestgallery.com/freuds-influence-on-dalis-surreal-dream-painting/8948>.
[18] “MoMA.” Salvador Dalí. The Persistence of Memory. 1931. The Museum of Modern Art, 2004. Web. 19 Oct. 2015. <http://www.moma.org/collection/works/79018>.
[19] Edwell, Bernard. “Freud’s Influence on Dali’s Surreal Dream Art – Park West Gallery.” Park West Gallery. N.p., 09 Feb. 2010. Web. 19 Oct. 2015.
[20] “MoMA.” Salvador Dalí. The Persistence of Memory. 1931. The Museum of Modern Art, 2004. Web. 19 Oct. 2015. <http://www.moma.org/collection/works/79018>.
[21] Descharnes, Robert, and Gilles Néret. Dalí I 1904-1946. Ed. Gilles Néret. Cologne: Taschen, 2007. Print. P.173
[22] Niklov, Greg Sidel. “Meaning of The Persistence of Memory (c. 1931) by Salvador Dalí Analysis and Meaning of a Painting by Spanish Surrealist Painter.” Authentic Society. WordPress, 14 Feb. 2015. Web. 19 Oct. 2015. <http://www.authenticsociety.com/about/thepersistenceofmemory_dali>.
[23] Clocking in with Salvador Dalí: Salvador Dalí’s Melting Watches (n.d.): 1. The Dalí. Web. 16 Dec. 2015. <http://thedali.org/wp-content/uploads/2014/03/LessonPlan-Clocking.pdf>.
[24] Niklov, Greg Sidel. “Meaning of The Persistence of Memory (c. 1931) by Salvador Dali Analysis and Meaning of a Painting by Spanish Surrealist Painter.” Authentic Society. WordPress, 14 Feb. 2015. Web. 19 Oct. 2015. <http://www.authenticsociety.com/about/thepersistenceofmemory_dali>.
[25] Chimera, Paul. “‘Swans Reflecting Elephants’ Is One of Those Dali Paintings Everybody Loves!” Dali Prints Swans Reflecting Elephants Is One of Those Dali Paintings Everybody Loves Comments. N.p., 27 Feb. 2011. Web. 16 Dec. 2015. <http://www.dali.com/blog/swans-reflecting-elephants-is-one-of-those-dali-paintings-everybody-loves/>.
[26] “MoMA Learning.” MoMA. N.p., n.d. Web. 19 Oct. 2015. <https://www.moma.org/learn/moma_learning/1168-2>.
[27] Chimera, Paul. “‘Swans Reflecting Elephants’ Is One of Those Dali Paintings Everybody Loves!” Dali Prints Swans Reflecting Elephants Is One of Those Dali Paintings Everybody Loves Comments. N.p., 27 Feb. 2011. Web. 16 Dec. 2015. <http://www.dali.com/blog/swans-reflecting-elephants-is-one-of-those-dali-paintings-everybody-loves/>.
[28] “Swans Reflecting Elephants, 1937 by Salvador Dali.” Dali Paintings. N.p., 2011. Web. 16 Dec. 2015. <http://www.dalipaintings.net/swans-reflecting-elephants.jsp>.
[29] Dalí, Salvador. Diary of a Genius. N.p.: Solar, 2006. Print. P.19
[30] “Salvador Dali – The Paranoid Critical Transformation Method.” Salvador Dali. N.p., n.d. Web. 16 Dec. 2015. <https://library.humboldt.edu/about/art/artists/daliPCTM.html>.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét