(TBKTSG Online) – Lượng tiêu thụ tăng mạnh mỗi năm và đứng vào hàng cao nhất thế giới, tỷ lệ tái chế thấp, chính sách chưa hoàn thiện... Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn mang tên rác thải nhựa.
Để giảm thiểu rác thải nhựa, cần vận động người tiêu dùng sử dụng nhựa ở mức vừa đủ, sử dụng một sản phẩm nhựa nhiều lần nhất có thể... Ảnh: Minh Tâm |
Báo cáo vừa được công bố hôm nay, 4-9 của Ipsos Việt Nam, công ty nghiên cứu thị trường dẫn hàng loạt con số đáng chú ý về tình hình rác thải nhựa ở Việt Nam.
Theo đó, lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam đã tăng mạnh từ 3,8kg/người/năm lên mức 41,3kg/người/năm trong giai đoạn từ 1990 đến 2018, nghĩa là tăng bình quân 10%/năm. Việt Nam không những nằm trong 5 nước tiêu thụ nhựa nhiều nhất trong khu vực ASEAN (sau Thái Lan với 66,4kg/người/năm; Malaysia mức 75,4kg/người/năm) mà còn vào hàng cao nhất thế giới.
Tính chung, lượng nhựa thải ra ở Việt Nam lên tới 1,8 triệu tấn/năm. Trong số này, chỉ 27% túi nhựa được tái chế và có đến 0,73 triệu tấn nhựa đổ vào đại dương từ Việt Nam mỗi năm. Đến năm 2050, dự báo, biển Việt Nam có nguy cơ chứa nhiều rác thải nhựa hơn cá nếu không có hàng động ngăn chặn tình trạng xả thải nhựa.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới. Theo phân tích của Ipsos thì nguyên nhân là do quy định hiện hành, thông tư số 41/2015 của Bộ Tài nguyên va Môi trường cho phép nhập khẩu những loại phế liệu nhựa thuần chất. Tuy nhiên, thực tế thì rất khó để phân loại phế liệu nhựa thành những chất riêng biệt. Tất cả chúng còn bị nhiễm bẩn trong quá trình sử dụng.
Nhiều nước đã lợi dụng lỗ hổng này để đưa một lượng lớn phế liệu nhựa kém chất lượng vào Việt Nam. Sau khi Trung Quốc cấm nhập 24 loại phế thải, lượng phế thải nhựa vào Việt Nam càng tăng. Thống kê của cơ quan hải quan cho thấy đang có hàng ngàn container phế liệu nhựa tồn đọng tại các cảng Hải Phòng, TPHCM…
Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách để giảm thiểu rác thải nhựa như quy định về xử phạt hành vi không phân loại rác, áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với túi nilon.
Tuy nhiên, báo cáo nhận định, việc thi hành chính sách chưa mang lại hiệu quả cao. Thứ nhất vì mức thuế không đủ tính răn đe (giá của túi nhựa sau thuế chỉ từ 200 đến 250 đồng) nên lượng tiêu thụ vẫn tăng. Người dân không được hướng dẫn, thông báo rõ ràng…
Khảo sát trực tuyến với hơn 17.000 trên toàn thế giới và 3.900 người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ipsos ghi nhận người tiêu dùng ngày càng lo ngại về việc sử dụng quá nhiều sản phẩm nhựa. 55% số người được hỏi cho rằng rác thải nhựa là vấn đề nghiêm trọng. Và người tiêu dùng đang yêu cầu chính phủ, các nhãn hàng, ngành hàng… chia sẻ trách nhiệm về xử lý rác thải nhựa và đưa ra đường hướng phát triển một cách bền vững trong việc đóng gói sản phẩm.
Trao đổi riêng với TBKTSG Online bên lề buổi giới thiệu báo cáo, ông Quách Thế Phong, Giám đốc quốc gia của Ipsos Việt Nam cho biết, rác thải nhựa là vấn đề lớn với Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, không thể giải quyết bằng cách cấm sử dụng nhựa ngay lập tức vì điều đó là không khả thi. Câu chuyện là làm thế nào để người tiêu dùng nhận thức được vấn đề và dần thay đổi hành vi: sử dụng nhựa ở mức vừa đủ, sử dụng một sản phẩm nhựa nhiều nhất có thể...
Trong khi đó, các doanh nghiệp có thể sử dụng cách mà nhiều nước đang làm là cắt giảm dần dần bao bì nhựa bao gói, chứa đựng sản phẩm trên cơ sở hỏi ý kiến khách hàng, thông báo về việc có thể sẽ tính phí nếu sử dụng nhiều túi, hộp nhựa…
https://www.thesaigontimes.vn/293645/rac-thai-nhua-o-viet-nam-vao-hang-cao-nhat-the-gioi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét