13 thg 9, 2019

Vì sao người Nhật tự gọi mình là dân tộc Đại Hòa? (daikynguyen.com )



Người Nhật đến từ đâu? Vì sao gọi là Nhật Bản? Vì sao người Nhật gọi mình là dân tộc Đại Hòa? Vì sao hoàng đế được gọi là Thiên hoàng? Nguồn gốc của Samurai và Bushido là gì?

Bạn có biết rằng để có cái tên “Nhật Bản” ngày hôm nay thì nước Nhật đã phải trải qua những tên gọi gì không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về lịch sử và tên gọi của Nhật Bản qua các thời kỳ.

Nguồn gốc và tên gọi Nhật Bản

Trước tiên cần đề cập tới một vài điều liên quan tới nguồn gốc, giúp chúng ta có khái niệm cơ bản về lịch sử nước Nhật.

Vấn đề đầu tiên: Người Nhật từ đâu đến? Có ý kiến cho rằng nguồn gốc dân tộc Nhật là do một người tên là Từ Phúc mà ra, theo lệnh Tần Thủy Hoàng đưa 3000 bé trai và bé gái vượt biên, lưu lại thế hệ sau. Lại có thuyết nói rằng dân tộc Nhật là con cháu của người Hàn Quốc. Nếu như Nhật Bản có “Thiên triều đại thần” thì Hàn Quốc có “Thiên tôn đại thần”. Lại theo một số tư liệu lịch sử khác, người vùng đông bắc Trung Quốc từ bán đảo Triều Tiên vượt biển qua vùng đất này, nên đây là thế hệ sau của người Mãn và người Mông Cổ.

Vấn đề thứ hai là: Nguồn gốc tên gọi Nhật Bản. Vào năm 569, năm Tùy Dương Đế Dương Quảng còn tại vị, Nhật vẫn là thuộc địa của Trung Hoa, phải chịu phục tùng tiến cống. Người Trung Hoa xưa gọi Nhật Bản là Nụy quốc, còn người Nhật là Nụy nhân. Từ “Nụy” theo tiếng Hán là chỉ quốc gia nhỏ, “Nụy nhân” là chỉ người lùn nhỏ bé. Ban đầu người Nhật không để ý tới điều này, sau đó luôn cảm thấy tên gọi “Nụy quốc”, “Nụy nhân” khiến giá trị bị hạ thấp, lòng tự tôn bị tổn thương, nên họ tự gọi mình là Nhật Bản, nghĩa là đất nước Mặt Trời mọc.

Người Nhật gọi mình là Yamato, nhưng vì chưa có chữ viết riêng nên họ phải dùng hai chữ Hán là “Đại Hòa” để biểu ký âm Yamato, thể hiện lòng tự tôn dân tộc.

Năm 670 dưới triều vua Đường Cao Tông, Nhật Bản gửi một sứ bộ đến chúc mừng triều đình nhân dịp bình định Cao Ly (Triều Tiên), từ đó được đổi tên là Nhật Bản. Nhật Bản vẫn giữ tên gọi đó cho đến ngày nay.

Tên “Nhật Bản” viết theo chữ cái Latinh là Nihon hoặc Nippon, còn theo chữ Hán thì Nhật Bản có nghĩa là ‘gốc của Mặt Trời’, và như thế, được hiểu là ‘xứ Mặt Trời mọc’.

Nhật Bản còn có các mỹ danh là “xứ sở hoa anh đào”, vì cây hoa anh đào (sakura) mọc trên khắp nước Nhật từ bắc xuống nam. Những cánh hoa thoắt nở thoắt tàn được người Nhật yêu thích, phản ánh tinh thần nhạy cảm, yêu cái đẹp, sống và chết đều quyết liệt của dân tộc này.

Nhật Bản còn được gọi là Phù Tang. Theo truyền thuyết cổ phương Đông, xưa có cây dâu rỗng lòng gọi là phù tang, là nơi Thần Mặt Trời nghỉ ngơi trước khi cưỡi xe lửa du hành ngang qua bầu trời từ đông sang tây, do đó “Phù Tang” hàm nghĩa văn chương chỉ nơi Mặt Trời mọc.

Ảnh: Jnto.

Võ sĩ Nhật Bản và võ sĩ đạo

Võ sĩ hay Samurai là gì? Samurai có gốc từ chữ Saburau, nghĩa là người coi sóc, bảo vệ, phục vụ – nhưng mang tính chất quyền quý. Samurai là những chiến binh oai hùng, được đào tạo và có kỹ năng chiến đấu điêu luyện. Họ được coi là biểu tượng của lòng trung thành tuyệt đối. Mỗi Samurai chỉ phục vụ một lãnh chúa. Khi chủ tướng duy nhất của họ qua đời, họ sẵn sàng mổ bụng chết cùng.

Các nhà sử học tin rằng hình ảnh Samurai nguyên bản bắt nguồn từ các kỵ binh, bộ binh và cung binh ở Nhật vào thế kỷ thứ 6. Sau những thất bại quân sự trước liên minh Đại Đường và Tân La, Nhật Bản phải thực thi hàng loạt các cuộc cải cách có tính chất và quy mô rộng rãi. Thiên hoàng Monmu (Văn Vũ) đã ban hành một điều luật mà theo đó, cứ 3-4 đàn ông trưởng thành thì có một người bị sung vào quân đội quốc gia.

Đầu thời Heian (thời đại Bình An) vào cuối thế kỷ thứ 8 và đầu thế kỷ thứ 9, với tham vọng bành trướng lãnh thổ về phía bắc Honshū để củng cố quyền lực, Thiên hoàng Kammu đã cho quân đến đàn áp phiến quân Emishi, tuy nhiên đội quân của ông thất thủ do thiếu kỷ luật và ý chí chiến đấu. Vì vậy, Thiên hoàng Kammu bắt đầu dựa dẫm vào các thế lực địa phương và chiêu dụ họ, phong cho chức Seii taishogun (Chinh di Đại tướng quân) hay gọi tắt là Shogun (tướng quân). Với đội quân tinh thông về cưỡi ngựa và bắn cung, các thế lực này trở thành công cụ đắc lực để đàn áp quân nổi loạn cho Thiên hoàng.

Trong khi Thiên hoàng vẫn còn cai trị, các thị tộc ở Kyoto đã nắm trong tay một số chức vụ quan trọng như bộ trưởng, còn thân nhân của họ thì dùng tiền mua lấy các chức quan trong tòa án. Để vơ vét của cải làm giàu và trả nợ cho mình, các quan tòa này thường xuyên đánh thuế nặng nề, khiến cho nhiều nhà nông mất hết ruộng đất.

Trước sự đe dọa của nạn trộm cướp ngày càng tăng, các thị tộc bắt đầu tuyển mộ những người tha hương trên vùng đồng bằng Kanto, huấn luyện họ kỹ càng về võ thuật và đào tạo họ trở thành đội ngũ lính canh thiện chiến. Một số người có nhiệm vụ hộ tống các quan thu thuế, và chỉ riêng sự hiện diện của họ thôi cũng đủ giữ an toàn cho vị quan thu thuế trước nạn trộm cướp. Họ được gọi là những Samurai, hay những thị vệ có vũ trang, nhưng lực lượng đầy tớ này nhanh chóng trở thành một thế lực vũ trang độc quyền. Thông qua những hợp đồng bảo vệ và các cuộc hôn nhân vì mục đích chính trị, họ dần dần giành được thế lực trong giới cầm quyền, và cuối cùng còn qua mặt cả giai cấp quý tộc truyền thống.

Một số thị tộc ban đầu chỉ là những nông dân. Họ đã cầm vũ khí vùng lên để bảo vệ chính mình và chống lại giới quan lại thu thuế nặng nề. Những thị tộc này đã liên minh để có thể bảo vệ nhau trước các thị tộc khác có thế lực hơn. Giữa thời Heian, họ răm rắp tổ chức và vũ trang giống như quân đội và ban hành luật lệ riêng, gọi là Bushido (võ sĩ đạo).

Ảnh: Banana.

Mạc Phủ Nhật Bản

Mạc phủ (Bakufu) là hành dinh và là chính quyền của tầng lớp võ sĩ Nhật Bản. Thông thường, hành dinh là nơi sống và lãnh đạo của người đứng đầu chính quyền quân sự, tức vị tổng tư lệnh quân đội – tướng quân. Chế độ Mạc phủ kéo dài từ năm 1192 đến 1867 trong khi triều đình Thiên hoàng chỉ làm bù nhìn.

“Mạc” trong từ Mạc phủ nghĩa là bức màn, bức rèm. Còn “Phủ” là nơi để tài liệu, tài sản của quan lại, mở rộng ra nghĩa là cơ quan nhà nước. Thời kỳ Chiến Quốc ở Trung Quốc, tướng quân ra trận thường trú trong các nhà vải gọi là Mạc phủ. Sau đó, thuật ngữ này truyền tới Nhật Bản, tới thời kỳ Kamakura thì bắt đầu mang nghĩa là chính quyền quân sự. Trong lịch sử Nhật Bản, đã từng có ba Mạc phủ, Mạc phủ đầu tiên là Mạc phủ Kamakura do Minamoto no Yoritomo lập ra.

Có hai cách gọi tên các Mạc phủ: Một là dựa vào nơi chính quyền quân sự đặt bản doanh, từ đó có Mạc phủ Kamakura, Mạc phủ Muromachi, Mạc phủ Edo. Hai là dựa vào họ của vị tướng quân, từ đó có Mạc phủ Ashikaga, Mạc phủ Tokugawa.

Nhất Hưu hòa thượng

Nhất Hưu Tông Thuần (1394-1481) là một vị thiền sư thuộc tông Lâm Tế, hệ phái Đại Đức tự. Ông là một trong những thiền sư danh tiếng nhất của phái Thiền tông Nhật Bản.

Thiền sư Nhất Hưu Tông Thuần (ảnh: Wikipedia).

Tương truyền, thiền sư Nhất Hưu là con của một cung phi bị Nhật hoàng hắt hủi khi đang mang thai. Lên 5 tuổi, sư được mẹ gửi vào một ngôi chùa gần nhà. Năm lên 13, sư đến chùa Kiến Nhân nhưng chỉ khoảng bốn năm sau đó, sư rời chùa vì không hài lòng với phong cách sinh hoạt quá phàm tục của những vị tăng tại đây. Sau đó, sư đến tham gia học với Khiêm Ông – một vị tăng độc cư tu tập – và cũng có chút sở đắc nơi đây, nhưng không bao lâu, Khiêm Ông viên tịch và sư lại phải lên đường cầu đạo.

Chỉ một năm sau, hòa thượng Nhất Hưu tìm được vị chân sư của mình là Hoa Tẩu Tông Đàm (1352-1428), vị trụ trì của Đại Đức tự. Hoa Tẩu không ở tại chùa Đại Đức mà ngụ tại một miếu nhỏ gần đó để tránh sự náo nhiệt và phong cách quá nhập thế của thiền viện thời đó. Nhất Hưu thiền sư lưu lại đây 9 năm và kiên nhẫn chịu đựng phương pháp tu tập rốt ráo của Hoa Tẩu. Trong khi tham công án thứ 15 của tập Vô Môn Quan với tên ‘Động Sơn ba hèo’ (Động Sơn tam đốn), sư đã có ngộ nhập.

Không bao lâu sau, trong khi tọa thiền trên một chiếc thuyền, hòa thượng Nhất Hưu nghe tiếng quạ kêu thì bỗng nhiên ngộ Đạo. Sư bèn trình Hoa Tẩu và được sự phụ ấn khả, nhưng sư không nhận ấn chứng này. Có thuyết cho rằng Nhất Hưu đã xé bỏ bản ấn chứng ngay sau khi nhận, bởi ông tin rằng kinh nghiệm giác ngộ của ai chỉ có người ấy biết và không ai có thẩm quyền quyết định được cái thật hoặc giả của kinh nghiệm giác ngộ của mình. Với những hành động này, Nhất Hưu thiền sư đã đảo ngược truyền thống ấn chứng của Thiền tông và chính ông cũng không ấn chứng cho ai trong cả cuộc đời hoằng hoá của mình. Mặc dù vậy, sư vẫn ở lại hầu cho đến lúc sư phụ Hoa Tẩu viên tịch.

Kiên Định Theo Apollo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét