17 thg 9, 2019

Thêm 4 người nhiễm ‘vi khuẩn ăn thịt người’ gây bệnh Whitmore

Những ngày qua tại các bệnh viện trên cả nước (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Nguyên…) đã ghi nhận thêm 4 trường hợp mắc bệnh Whitmore do ’vi khuẩn ăn thịt người’ gây nên, khiến người dân vô cùng lo lắng.


Thêm 4 người nhiễm ‘vi khuẩn ăn thịt người’ gây bệnh Whitmore. (Ảnh qua dkn)
Thêm 4 người nhiễm ‘vi khuẩn ăn thịt người’ gây bệnh Whitmore. (Ảnh qua dkn)

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân, khoa Tai Mũi họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, 2 tháng nay (từ tháng 7 – 9), bệnh viện đã phát hiện và điều trị cho 3 trường hợp mắc Melioidosis còn gọi là Whitmore.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi Nghiêm Thanh Tuấn (14 tuổi, trú tại Đức Thọ, Hà Tĩnh) điều trị 50 ngày. Hiện tại, sức khỏe ổn định và đã xuất viện.
2 trường hợp còn lại là các bệnh nhi Hoàng Văn Cao (10 tuổi, trú tại Thanh ngọc, Thanh Chương, Nghệ An) và Nguyễn Công Hào (11 tuổi, trú tại Công Thành, Yên Thành) bị áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai, kết quả cấy máu dương tính Whitmore.
Hai bé hiện đang được theo dõi và điều trị tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Cả ba trường hợp trên đều đến viện với bệnh tình đã nặng vì nhầm với bệnh quai bị và điều trị tại nhà.

Hai trong số 3 trẻ được phát hiện mắc bệnh Whitmore tại Nghệ An. (Ảnh qua vtv)
Hai trong số 3 trẻ được phát hiện mắc bệnh Whitmore tại Nghệ An. (Ảnh qua vtv)

Tại Thái Nguyên, một người đàn ông cũng vừa được phát hiện mắc bệnh Whitmore sau khi bị bừa đâm vào đùi. Người đàn ông này là anh M.V.D (45 tuổi, trú tại La Hiên, Võ Nhai, Thái Nguyên) bị bừa đâm vào mặt ngoài gối phải, đã vệ sinh và khâu vết thương nhưng 10 ngày sau lại phải vào Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên vì vết thương sưng nề, chảy mủ, hình thành ổ áp xe.
Bệnh nhân được phẫu thuật nạo tổ chức viêm lấy xương chết, nuôi cấy mủ tổ chức viêm tìm thấy vi khuẩn B. Pseudomallei (sau gần 1 tháng khởi bệnh). Bệnh nhân được hội chẩn Khoa Bệnh Nhiệt đới và điều trị kháng sinh theo phác đồ điều trị bệnh Whitmore. Hiện sau 3 tuần, vết thương vùng gối phải khô, liền sẹo tốt, bệnh nhân ra viện tiếp tục điều trị kháng sinh duy trì theo phác đồ.

Ngón chân bị loét của một bệnh nhân là vị trí để vi khuẩn Whitmore xâm nhập vào cơ thể. (Ảnh qua vnexpress)
Ngón chân bị loét của một bệnh nhân là vị trí để vi khuẩn Whitmore xâm nhập vào cơ thể. (Ảnh qua vnexpress)

Bệnh Whitmore là căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm thường gặp ở các vùng có khí hậu nhiệt đới nhưng dần bị lãng quên tại Việt Nam và đang có nguy cơ bùng phát tại nước ta sau nhiều năm vắng bóng.
Whitmore còn gọi là bệnh melioidosis, bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên, được đặt theo tên người đầu tiên mô tả là Alfred Whitmore vào năm 1912 tại Myanmar.
Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất, do đó bệnh lây truyền thông qua tiếp xúc với đất và nước ô nhiễm. Người và động vật nhiễm bệnh do hít phải bụi hoặc những giọt nước nhỏ, uống nước ô nhiễm, và tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua đường da. Một điểm may mắn là bệnh hiếm khi lây truyền từ người qua người. Bệnh thường xảy ra trong mùa mưa, chủ yếu từ tháng 7 đến tháng 11.

Người đàn ông mắc bệnh Whitmore sau khi bị bừa đâm vào đùi. (Ảnh qua vtv)
Người đàn ông mắc bệnh Whitmore sau khi bị bừa đâm vào đùi. (Ảnh qua vtv)

Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện. Việc chẩn đoán Melioidosis được thực hiện dựa trên các xét nghiệm vi sinh học trong máu, mủ, nước tiểu, đờm, hoặc tại phần da bị tổn thương.
Điều trị bệnh Whitmore hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao tĩnh mạch kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2-4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.

Chẩn đoán bệnh Whitmore chính xác phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm máu, mủ, nước tiểu… (Ảnh qua vnexpress)
Chẩn đoán bệnh Whitmore chính xác phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm máu, mủ, nước tiểu… (Ảnh qua vnexpress)

Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng. Tỷ lệ tử vong trên 40%.
Bệnh Whitmore không có biện pháp dự phòng đặc hiệu. Những đối tượng thuộc nguy cơ cao kể trên nên tránh tiếp xúc với đất và nước tù. Người làm nghề nông nên đi ủng để tránh lây nhiễm qua chân. Đối với nhân viên y tế cần sử dụng các biện pháp bảo hộ tiêu chuẩn (áo, mũ, găng tay) để phòng tránh lây nhiễm.

Vũ Tuân T/H (Tinhhoa.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét