Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Trong ba thập niên kể từ giữa những năm 1970, thế giới chứng kiến một làn sóng mở rộng dân chủ đầy ấn tượng – thường được gọi là “làn sóng thứ ba” – với việc nhiều chế độ chuyên chế bị sụp đổ hay phải cải tổ lại. Đến năm 1993, phần lớn các nước với dân số trên 1 triệu người đã trở thành các quôc gia dân chủ. Mức độ tự do, theo Freedom House, cũng dần tăng. Trong phần lớn các năm từ 1991 đến 2005, có nhiều quốc gia giành được tự do hơn là mất tự do.
Song vào khoảng năm 2006, đà tiến lên của dân chủ bị chững lại. Mỗi năm kể từ 2007, trái ngược với xu thế hậu Chiến tranh Lạnh trước đó, nhiều quốc gia chứng kiến tự do của họ suy giảm hơn là tăng. Pháp quyền bị giáng một đòn nặng, đặc biệt là ở châu Phi và các nước hậu cộng sản; tự do dân sự và các quyền bầu cử cũng đồng thời suy thoái.
Vấn đề không chỉ có thế, dân chủ đang “hết thời” ở các nước lớn và có tầm quan trọng chiến lược. Đơn cử, Tổng thống Nga Putin từ lâu đã dùng các quyền mà các cuộc bầu cử trao cho ông để phá hủy nền dân chủ Nga. Gần đây hơn, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đi theo con đường tương tự. Tại một số nước, các quan chức dân cử trở thành những kẻ đảm nhiệm chính công việc phá hoại dân chủ; trong khi ở các nước khác thì quân đội đóng vai trò này. Các tướng lĩnh đã bắt đầu nắm quyền lãnh đạo chính phủ ở Ai Cập vào năm 2013 và ở Thái Lan vào năm 2014, trong khi tiếp tục củng cố quyền lực thực tế ở Myanmar và Pakistan. Còn ở châu Phi, xu thế chung là các nhà độc tài dân cử, như Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta hay Tổng thống Tanzania John Magufuli, thao túng các cuộc bầu cử, làm suy yếu các tổ chức độc lập, quấy rối các nhà bất đồng chính kiến và các đối thủ chính trị nhằm củng cố quyền lực.
Đáng lo ngại hơn là làn sóng chủ nghĩa dân túy phi tự do đang quét qua nhiều quốc gia phát triển cũng như đang phát triển, thường là nhằm phản ứng lại trước những lo ngại về nhập cư và sự đa dạng văn hóa đang lên. Tiếng chuông báo hiệu cho xu thế này chính là Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người chịu trách nhiệm cho cái chết đầu tiên của một nền dân chủ thuộc EU. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Brazil, Philippines, và Ba Lan. Các đảng mang tư tưởng phi tự do và bài ngoại đang thu được nhiều thắng lợi chính trị ở các nền dân chủ châu Âu đáng kính như Đan Mạch, Đức, Hà Lan và Thụy Điển; một đảng như vậy thậm chí còn đưa được người của mình trở thành ứng cử viên chính cho ghế Tổng thống Pháp (bà Le Pen); và một đảng khác nữa thì đang chia sẻ quyền lực ở Italy. Còn ở Mỹ, một lãnh đạo dân túy phi tự do đang ngự trong Nhà Trắng.
Vẫn còn đó những tia hi vọng ở Ethiopia, Malaysia, và Nigeria, và dù gặp nhiều khó khăn, dân chủ cũng đang đến với Tunisia và Ukraine. Song nhìn tổng thể, xu thế chung là rất đáng lo ngại. Đã 12 năm kể từ khi cuộc suy thoái dân chủ bắt đầu, song không những không có dấu hiệu kết thúc, đà suy thoái này còn đang diễn ra nhanh hơn.
25 năm trước, sự lan rộng của dân chủ dường như rất được đảm bảo, và một mục tiêu quan trọng của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ chính là đẩy nhanh tiến trình này – dưới cái tên “mở rộng dân chủ” (democratic enlargement) trong những năm 1990 và “thúc đẩy dân chủ” (democratic promotion) vào thập niên đầu của thế kỷ này. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Nói ngắn gọn thì dân chủ đã mất đi ngọn cờ tiên phong. Các cuộc can thiệp thảm họa của Hoa Kỳ ở Trung Đông khiến cho người Mỹ mất lòng tin vào “thúc đẩy dân chủ”, trong khi đó những lo ngại về suy giảm dân chủ và các vấn đề kinh tế trong nước buộc người Mỹ phải hướng nội hơn. Ngày nay, Hoa Kỳ nhìn chung đang dần rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu, vô hình trung để lại chỗ trống cho các cường quốc chuyên chế như Trung Quốc, kẻ đang hướng đến vị thế siêu cường, và Nga, quốc gia đang khôi phục sức mạnh quân sự và tham vọng địa chính trị của mình.
Sau cùng, đà suy thoái dân chủ chỉ có thể bị đảo ngược nếu nước Mỹ, một lần nữa, đảm trách nhiệm vụ “thúc đẩy dân chủ”. Để làm vậy, họ sẽ phải cạnh tranh quyết liệt hơn hẳn với Nga, Trung nhằm phổ biến các tư tưởng và giá trị dân chủ phi chuyên chế. Nhưng trước khi điều đó có thể xảy ra, họ phải sửa chữa nền dân chủ đang đổ vỡ của chính mình.
Người Mỹ hướng nội
Một bước thụt lùi nhỏ trong công cuộc dân chủ hóa toàn cầu đầy ấn tượng là khó tránh khỏi. Trong nửa sau của “làn sóng thứ ba”, dân chủ lan rộng đến nhiều nước ở châu Phi, châu Á, và Đông Âu vốn không có những điều kiện thuận lợi điển hình cho tự do: một nền kinh tế phát triển, giáo dục bậc cao, tầng lớp trung lưu lớn, các doanh nghiệp tư nhân, khu vực láng giềng ổn định, và có trải nghiệm trước đó về dân chủ. Nhưng sự suy thoái của dân chủ ngày một nghiêm trọng và kéo dài không chỉ là một dao động nhẹ trên biểu đồ. Có gì đó khác biệt một cách cơ bản về thế giới hôm nay.Chiến tranh Iraq (2003) là một bước ngoặt mở đầu. Một khi người ta phát hiện ra rằng Sadam Hussein không hề sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, “chương trình nghị sự tự do” (freedom agenda) của chính quyền Bush trở thành lựa chọn duy nhất để tạo cơ sở pháp lý cho cuộc chiến. Mọi ủng hộ trước đó của công luận Mỹ đối với cuộc can thiệp tan biến khi Iraq rơi vào bạo lực và hỗn loạn. Nếu đây là “thúc đẩy dân chủ”, phần đông người Mỹ sẽ chẳng muốn nó.
Một chuỗi các cú sốc lớn khác càng làm tăng thêm thái độ thận trọng của công luận Mỹ. Ở khắp Trung Đông, lời cam kết hậu thuẫn cho những ai đứng lên vì tự do của Tổng thống Bush (con) trở nên rỗng tuếch. Chẳng hạn như ở Ai Cập, chính quyền Bush chẳng làm gì khi đồng minh của họ, Tổng thống Hosni Mubarak, tăng cường đàn áp chính trị trong và sau cuộc bầu cử 2005. Vào tháng 1 năm 2006, Chính quyền Palestine tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ, một phần là vì các áp lực từ phía Mỹ, dẫn đến chiến thắng bất ngờ của phiến quân Hamas. Tiếp theo, trong nhiệm kì tổng thống của Obama, “Mùa Xuân Arab” đến và đi, để lại chỉ duy nhất một nền dân chủ Tunisia, và cùng với đó là một chuỗi những đảo lộn, đàn áp và sự sụp đổ nhà nước từ bên trong ở phần còn lại của Trung Đông.
Do những sai lầm và thất bại này, người Mỹ không còn nhiệt huyết với “thúc đẩy dân chủ” nữa. Vào tháng 9 năm 2001, 29% người Mỹ được phỏng vấn cho rằng “thúc đẩy dân chủ” nên là chính sách ngoại giao hàng đầu, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew. Con số đó giảm xuống chỉ còn 18% vào năm 2013 và 17% năm 2017. Theo một khảo sát vào năm 2018 của Freedom House, Viện George W.Bush, và Trung tâm Penn Biden, 7 trên 10 người Mỹ vẫn ủng hộ các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, song phần lớn dân Mỹ cũng bộc lộ hoài nghi đối với các cuộc can thiệp ở nước ngoài mà có thể sẽ rút cạn tài lực Mỹ, như Việt Nam và Iraq.
Quan trọng hơn, người Mỹ đã thể hiện sự quan tâm đối với tình hình không mấy khả quan của chính nền dân chủ của họ, với 2 phần 3 cho rằng đang “suy thoái”. Những người được khảo sát thể hiện sự lo lắng về những vấn đề của bản thân xã hội Mỹ – với các tài phiệt tham gia chính trị, phân biệt chủng tộc, và bế tắc chính trị đứng đầu danh sách. Trên thực tế, một nửa số người được khảo sát tin rằng Mỹ đã có “nguy cơ trở thành một quốc gia phi dân chủ và chuyên chế”.
Những bi quan về tình trạng nền dân chủ Mỹ càng được củng cố bởi tình hình kinh tế ảm đạm. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008, gần như đưa cả thế giới vào một cuộc suy thoái, đã khiến cho người Mỹ bị sốc. Bất bình đẳng kinh tế ở Mỹ, vốn đã tệ hơn nhiều so với các nền dân chủ tiến bộ khác, cũng đang tăng lên. Và “giấc mơ Mỹ” cũng bị ảnh hưởng mạnh: chỉ một nửa số người sinh trong thập niên 1980 đang kiếm nhiều tiền hơn bố mẹ họ lúc bằng tuổi họ; trong khi 92% những người sinh trong thập niên 1940 lúc khoảng 30 tuổi đã kiếm được nhiều tiền hơn bố mẹ lúc bằng tuổi họ. Người Mỹ đang mất niềm tin vào tương lai của chính mình, của đất nước, và vào khả năng thay đổi tình hình của các nhà lãnh đạo.
Cảm thức về một nước Mỹ suy thoái đang lan rộng – và dĩ nhiên không chỉ trong nội bộ người Mỹ. Vị thế quốc tế của Hoa Kỳ đã sụt giảm nghiêm trọng kể từ sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump. Trong số 37 quốc gia được khảo sát vào năm 2017, tỉ lệ trung bình những người có cái nhìn thiện cảm với Mỹ giảm chỉ còn 49%, từ 64% vào cuối nhiệm kỳ của Obama. Sẽ rất khó khăn cho Mỹ để thúc đẩy dân chủ ở hải ngoại khi mà các nước khác – và cả người dân Mỹ – đang mất niềm tin vào mô hình Mỹ. Sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi vị thế lãnh đạo toàn cầu đang thúc đẩy những hoài nghi này theo một đường xoắn ốc xuống đáy vô tận.
Từ bỏ quyền lãnh đạo
Thúc đẩy dân chủ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Các đời tổng thống Mỹ suốt từ Kenedy đến Reagan rồi Obama đã phải vật lộn để tìm ra sự cân bằng tối ưu giữa một bên là những mục tiêu cao đẹp của việc thúc đẩy dân chủ và quyền con người với một bên là những thúc mục tiêu chiến lược “cứng” trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Trong một số trường hợp, họ đều lựa chọn duy trì mối quan hệ không chỉ thực dụng mà còn nồng ấm với các nhà độc tài nhằm bảo vệ thị trường, bảo vệ đồng minh, chống khủng bố, và kiểm soát phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đã nhiều lần các tổng thống ủng hộ các lực lượng dân chủ một cách đầy cơ hội. Obama không hề có ý định lật đổ Mubarak, nhưng khi người Ai Cập nổi dậy, ông đã hậu thuẫn họ. Reagan chưa từng thấy trước rằng người Mỹ phải rời bỏ các chính trị gia đồng minh ở Philippines và Hàn Quốc, nhưng rồi các sự kiện thực tế buộc ông không còn lựa chọn nào khác. George H.W. Bush dĩ nhiên không hề nghĩ rằng lời tiên tri của Reagan về sự sụp đổ của Liên Xô sẽ đến nhanh như vậy; song khi nó đến, ông đã mở rộng các chương trình hỗ trợ về dân chủ và quản trị nhằm thúc đẩy và củng cố những thay đổi lớn.Khi sự nhấn mạnh mang tính biểu tượng và luận điệu về tự do và dân chủ của Nhà Trắng lúc lên lúc xuống trong suốt bốn thập kỷ qua, các cơ quan chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận đã tiếp nhận nhiệm vụ hỗ trợ dân chủ, bao gồm Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ; Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ; hay Cục Dân chủ, Nhân Quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao. Nước Mỹ dành khoảng 2 tỷ đô mỗi năm trong suốt thập niên qua cho các chương trình thúc đẩy dân chủ ở nước ngoài – một khoản tiền lớn, song vẫn chưa bằng 0,1% ngân sách liên bang.
Dù đúng là chính phủ Mỹ nên chi nhiều hơn cho các nỗ lực này, song vấn đề về cơ bản không phải là nguồn lực. Thay vào đó, sự mâu thuẫn giữa những nỗ lực hỗ trợ dân chủ đáng ngưỡng mộ với các tuyên bố ngoại giao, các chuyến thăm cấp nhà nước, và các khoản viện trợ đã thường phát đi những thông điệp trái ngược. Chỉ một năm sau khi Tổng thống Bush (con) tuyên bố trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của ông rằng ông sẽ “kết thúc bạo quyền”, không ai khác ngoài chính ông đã chào đón ở Nhà Trắng vị tổng thống tham nhũng, độc tài của Azerbaijan Ilham Aliyev, trong khi không hề nói một lời nào về nỗi bất mãn của công luận đối với bản chất của chính quyền Aliyev. Còn Obama, trong chuyến thăm đến Ethiopia vào năm 2005, đã hai lần gọi chính phủ nước này là “được bầu một cách dân chủ”, mặc dù chỉ vài tháng trước đó liên minh cầm quyền chỉ tổ chức các cuộc bầu cử mang tính hình thức.
Cái bẫy của việc làm thân với các nhà độc tài thân thiện trong khi phớt lờ sự chuyên quyền của họ là rất khó tránh, và tất cả các tổng thống tiền nhiệm đều thỉnh thoảng rơi vào bẫy này. Tuy nhiên phần lớn trong số họ ít nhất đều tìm cách để cân bằng, gây áp lực khi có thể và làm rõ một nguyên tắc bao quát là hỗ trợ tự do. Song điều này đã thay đổi từ sau khi Trump lên nắm quyền, người thậm chí còn chẳng thèm giả vờ hỗ trợ tự do. Trái lại, ông kết thân với các nhà độc tài như Putin, Kim Jong Un, Thái tử Mohammed bin Salman, trong khi chế nhạo và xem thường Châu Âu cũng như các nền dân chủ đồng minh khác.
Thái độ không quan tâm của Trump đối với các nguyên tắc dân chủ đang đóng góp vào sự “hợp pháp hóa” đầy nguy hiểm các nhà độc tài trên thế giới. Đơn cử như trường hợp Tổng thống Uganda Yoweri Museveni. Hồi đầu tháng 10 năm 2017, tôi nhận được một bức thư tuyệt vọng từ Nicholas Opiyo, một trong những luật sư nhân quyền hàng đầu nước này. Theo đó, vào cuối tháng 9 năm ấy, binh lính đã đột kích vào toà nhà Quốc hội và hành hung những nghị viên nào phản đối một tu chính án hiến pháp không được lòng dân mà nếu được thông qua sẽ cho phép Museveni, người vào lúc ấy đã nắm quyền được 30 năm, trở thành tổng thống suốt đời. Ông viết “Tôi cảm thấy như cả khu vực đang bước vào một cuộc suy thoái dân chủ nghiêm trọng một phần nhờ vào sự im lặng rõ ràng từ các đồng minh phương Tây”. Opiyo còn viết thêm: “Trong quá khứ, chính quyền còn có chút miễn cưỡng khi hành xử một cách [tàn bạo] và bạo lực như thế, và cũng còn có chút xấu hổ. Bây giờ thì chẳng như vậy nữa.”
Các nhà độc tài trên thế giới đang nghe cùng một thông điệp với Museveni: sự giám sát của Hoa Kỳ đã chấm dứt, và họ có thể làm bất kì điều gì mình thích, miễn sao đừng phật lòng người Mỹ. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nghiễm nhiên rất thuộc thông điệp này. Ông đã bãi nhiệm Chánh án tối cao, bắt giữ các nghị sĩ bất đồng, đe dọa các phóng viên và những người phản đối chiến dịch “chống ma túy” của ông, một chiến dịch tàn nhẫn nhắm cả vào các đối thủ chính trị và dân thường vô tội. Trong khi đó, được giải phóng khỏi áp lực từ Mỹ, Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi phát động một chiến dịch đàn áp tỉ mỉ, tàn bạo nhằm vào mọi hình thức chống đối và bất đồng chính kiến ở Ai Cập, đưa nước này vào bầu không khí chính trị tù túng hơn cả 29 năm cầm quyền của Mubarak. Còn Thái tử Salman thì thậm chí còn thoát cả tội danh giết người: ông ta không hề phải chịu bất kì hậu quả nào dù các bằng chứng chỉ ra rằng chính ông đã ra lệnh giết và phân thây nhà báo Jamal Khashoggi trong tòa Sứ quán Arab Saudi ở Istanbul hồi tháng 10/2018.
Thái độ ngày càng quyết liệt của hai quốc gia chuyên chế lớn nhất cũng đồng thời kéo lùi dân chủ. Trong thập niên vừa qua, Nga đã cứu trợ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, sát nhập Crimea, và gây bất ổn ở Đông Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc đã đầu tư những khoản tiền và nỗ lực ngoại giao khổng lồ nhằm gia tăng quyền lực cũng như ảnh hưởng của họ trên toàn cầu, cả trên đất liền và dưới biển. Một thời đại cạnh tranh toàn cầu mới đã bắt đầu – không chỉ giữa các cường quốc đối địch mà còn giữa các triết lý đối nghịch nhau về quyền lực.
Mối đe dọa còn trở nên nghiêm trọng hơn khi cuộc cạnh tranh giữa các chính phủ dân chủ và chuyên chế là không hề đối xứng. Nga và Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập vào các thể chế tại các quốc gia dễ bị tổn thương và làm suy yếu chúng , không phải bằng sự vận dụng hợp pháp “quyền lực mềm” (các biện pháp công khai như thuyết phục, lôi cuốn, và truyền cảm hứng) mà bằng “quyền lực bén”, khái niệm được đưa ra bởi Christopher Walker và Jessica Ludwig của Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ. Quyền lực bén bao gồm sử dụng chiến tranh thông tin và xâm nhập chính trị nhằm hạn chế tự do ngôn luận, làm biến đổi môi trường chính trị, xói mòn sự trong sạch của các cơ quan dân sự và chính trị. Theo lời của cựu Tổng thống Australia Malcolm Turnbull thì chiến lược này “lén lút, cưỡng ép, và tham nhũng”. Ở Australia và New Zealand, những nền dân chủ Tây phương bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các chiến thuật này, gần như không hề có nguồn tin truyền thông bằng tiếng Hoa nào mà độc lập với Bắc Kinh; và nhiều cựu quan chức thì đang kiếm được các khoản tiền lớn nhờ giúp thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc.
Australia đã đạt được một số thành công trong việc đẩy lùi xu hướng này nhờ vào các biện pháp lập pháp. Tuy nhiên, các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thâm nhập vào truyền thông, các tổ chức dân sự, và nền chính trị gặp ít phản kháng hơn ở các nền kinh tế đang lên như Argentina, Ghana, Peru, hay Nam Phi. Nỗ lực gây ảnh hưởng của Trung Quốc thậm chí còn mở rộng đến tận Mỹ và Canada, đe dọa không chỉ tính độc lập và đa nguyên của các tổ chức cộng đồng, truyền thông Hoa Ngữ, mà còn cả quyền tự do ngôn luận và tự do học thuật trong các viện nghiên cứu cũng như các trường đại học tại đây.
(Còn tiếp Phần 2)
Larry Diamond là Giáo sư Khoa học Chính trị và Xã hội học tại Đại học Stanford, đồng thời là Nghiên cứu viên cao cấp tại viện Hoover và viện Freeman Spogli
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét