28 thg 9, 2019

Công bố nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở TP.HCM


Hàng loạt các chất gây ô nhiễm như bụi mịn tại TP.HCM trong những ngày qua có thể xâm nhập vào cơ thể gây nhiều bệnh cho người dân.

Nhiều ngày qua, gần như toàn bộ Tp.HCM bị che phủ bởi lớp sương mù dày đặc từ sáng đến chiều (ảnh: Zing).

Báo Tuổi Trẻ thông tin, ngày 25/9, Trung Tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) có kết quả chất lượng không khí tại TP.HCM trong tháng 9, đặc biệt từ ngày 19 đến 23/9 xảy ra hiện tượng “bầu trời mù mịt”.
Kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trong tháng 9 cho thấy chất lượng không khí từ ngày 3 đến 20/9 có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng trong thời gian từ ngày 18 đến 20/9.
Cao nhất là ngày 20/9, bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần. Đặc biệt ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10, PM2.5 gia tăng từ 1,9-2,2 lần. Loại bụi mịn này được khuyến cáo gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Về nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các chất gây ô nhiễm, theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên – môi trường, do hoạt động hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống khiến thành phố luôn nhiều mây, không có nắng. Cùng với nền nhiệt độ thấp có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết, hơi nước bám vào tạo ra lớp mù.
Ngoài ra, do trời không có nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho không khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được, lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan.
Ảnh chụp lúc 15h chiều 22/9, khu vực trung tâm TP.HCM (ảnh: Quỳnh Danh/Zing).
Dựa vào các dữ liệu dự báo trong nước và quốc tế, Trung tâm này bác nguyên nhân ô nhiễm không khí tại TP.HCM do ảnh hưởng của cháy rừng ở Indonesia.
Trung tâm cũng cho biết tình trạng mù gây ô nhiễm không khí những ngày qua cũng thường xảy ra định kỳ hàng năm vào khoảng tháng 9 và tháng 10 tại TP.HCM. Hiện tượng này còn được gọi là mù quang hóa.
Báo Zing dẫn thông tin từ BSCKII Nguyễn Minh Tiến – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, khi nồng độ các chất độc từ vụ cháy tăng cao trong môi trường, sức khỏe của người dân có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt, trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Trong điều kiện không khí ô nhiễm ở mức độ nguy hiểm, trẻ nhỏ hít phải các chất độc này dễ mắc bệnh hô hấp. Hơn thế, khí độc và bụi mịn có thể khiến các cơ quan trong cơ thể trẻ tổn thương như ngộ độc gan, thận, hệ thần kinh. Ở thể nặng, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, quá trình dậy thì ở trẻ.
BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cũng thông tin những ngày gần đây, số ca khám vì bệnh lý hô hấp cũng tăng đáng kể. Nhiều bệnh nhi đến khám trong tình trạng nặng, các bác sĩ phải xử trí cơn hen suyễn cấp, thậm chí cấp cứu, chỉ định nhập viện điều trị.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo cha mẹ nên hạn chế đưa trẻ ra ngoài, nhất là vào buổi trưa, chiều. Vào thời gian này, sự hoạt động dày đặc của các phương tiện giao thông cộng cùng với nhiệt độ cao có thể khuấy động bụi, chất độc trong không khí. Điều đó khiến trẻ rất dễ hít phải khói bụi độc hại và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Để hạn chế ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm, người dân, đặc biệt trẻ em và phụ nữ có thai, người lớn tuổi, hạn chế ra ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang, mang kính che toàn bộ mắt, che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với môi trường ô nhiễm.
Đồng thời, người dân nhớ nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, hạn chế phơi thực phẩm, áo quần, hạn chế sử dụng nước mưa. Các gia đình nên tăng cường rau củ và trái cây để tăng cường sức đề kháng.
(daikynguyen.com )
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét