20 thg 9, 2019

Vẫn chuyện trên tàu - Chuyện Ngắn của Nguyễn Lê Hồng Hưng ( TC.Da Màu )


Mấy năm qua tôi đi đi lại lại trên vùng Baltic và biển Bắc châu Âu, đã quen khí hậu nơi đó: mùa xuân gió mát, nắng ấm vào mùa hè và những ngày đầu thu. Rồi tới cuối thu sang đông thì gió, mưa, tiếp theo là băng, tuyết lạnh buốt da. Tôi rất thích cảnh rừng thông ngút ngàn và quí trọng đất nước con người trên bán đảo Scandinavia. Tuy nhiên dù cho những người dân nơi đó hiền hoà, thân thiện và cảnh nơi đó có đẹp như tranh vẽ mà cứ lẩn quẩn hoài trong một vùng thì cũng thấy bình thường và nhàm chán. Cho nên khi nghe được đổi qua tàu khác, đi tuyến đường mới thì trong lòng tôi phấn khởi và vui tươi, cộng thêm háo hức. Dù sao đến một địa danh lạ, quang cảnh mới, con người khác vẫn thích thú hơn.
Từ hải cảng Rotterdam – Hoà Lan qua hải cảng Villagarcia – Tây Ban Nha mất hơn hai ngày hải hành. Suốt chuyến qua Tây Ban Nha tôi không tắt điện thoại, hễ nghe tín hiệu, dù đương ngủ tôi cũng thức dậy xem để biết tàu chạy ngang một hải phận hay một địa danh nào. Khi tàu vô eo biển Manche, tôi thích thú ra boong đứng nhìn. Ban ngày thì lúc thấy bên này bờ là nước Anh, khi thấy bên kia bờ là nước Pháp. Ban đêm rất nhiều đèn của tàu buôn xuôi ngược và hợp cùng ánh sáng của những thành phố trên đất liền hiện ra từng chòm. Những chòm đèn gần thì ánh sáng toả nhiều màu sắc, xa thì nhấp nhá như đom đóm, xa hơn nữa thì ánh sáng hừng toả phía chơn trời. Tàu hải hành ra khơi, bốn phương là biển, nhưng ngồi trong phòng, không cần xem nhiệt kế, cũng cảm nhận được thời tiết thay đổi qua mỗi vĩ tuyến và nghe lòng háo hức lạ thường khi trông thấy một bán đảo hay một con voi xa mờ lấp thấp trên mặt nước. Nhứt là lúc chiều lên, khi mặt trời sắp lặn, nhìn được mặt trời tròn như cái mâm nung đỏ sắp chìm xuống viền nước phía trời Tây, lúc này mới thấy được thời gian trôi qua chầm chậm, tuy thấy chậm nhưng lơ là day qua, day lại thì nguyên cái mâm đỏ biến mất tiêu. Giữa đại dương minh mông, bốn phương trời nước, sắc màu của không gian cũng dần thay đổi từ màu hồng sang màu xám, chẳng bao lâu bóng đêm tràn ngập và vài vì sao trên bầu trời hiện lên nhấp nhá.
Ông thuyền trưởng lái tàu từ hải cảng Rotterdam qua hải cảng Villagarcia xong ông trở về Hoà Lan. Hôm qua bà thuyền trưởng vừa đổi xuống thì cũng vừa lúc tàu khởi hành. Tới giờ ăn chiều bà xuống bắt tay tôi và khoe vừa đi tour Việt Nam mới về. Tôi hỏi bà đi từ đâu tới đâu. Bà nói, bà xuống phi trường Hà Nội nhưng trước tiên bà tham quan vịnh Hạ Long, Mai Châu rồi lần vô Hội An, Huế, Mũi Né, Hồ Chí Minh City, Cần Thơ xong ra Phú Quốc. Bà khen nước Việt Nam đẹp, người Việt Nam dễ thương, nhứt là xuống bến Ninh Kiều đi đò trên sông Cần Thơ và xem chợ nổi Cái Răng, bà rất thích sông nước và con người ở đây, ai gặp bà cũng vui vẻ cười chào. Những địa danh nổi tiếng tôi nghe đã quen, chỉ có Mai Châu thì tôi chưa nghe tới, tôi sợ bà nói lộn nên hỏi lại:
– Lai Châu hay Mai Châu?
Bà lấy giấy viết ra viết hai chữ Mai Châu có dấu rõ ràng rồi chìa qua tôi xem. Bà cười cười, gật gật cái đầu ra vẻ hiểu biết và nói:
– Mai Châu là một làng nhỏ ở dưới thung lũng miền cao, phần đông người dân tộc thiểu số, sống bằng nghề dệt vải.
– Oh, đất nước, con người và văn hoá của nước tui mà tui không biết, vậy là bà biết nhiều hơn tui rồi.
Ngày đầu bà kể tôi nghe được bao nhiêu, nhưng rồi mạnh ai nấy làm việc đó. Những năm gần đây bạn đồng nghiệp của tôi đi tour, hay hải hành ghé Việt Nam, không gặp được thì thường gởi tin nhắn, khoe là được ghé Việt Nam. Hễ gặp mặt là phấn khởi khoe, lúc nào tôi cũng nghe khen Việt Nam vui, ăn thức ăn ngon, cảnh đẹp lắm… Nhìn gương mặt hớn hở và nghe họ hả hê khoe khoang thành tích những chuyến du lịch, trong đầu tôi miên man suy nghĩ và thường hiện ra câu hỏi. Nếu những người này họ sống trong xã hội Việt Nam, cũng như những người dân bình thường nơi đó, thì họ có thời gian, tiền bạc để đi du lịch và thưởng thức những món ngon, những vẻ đẹp như họ đã được hưởng trọn vẹn trong chuyến đi hay không? Hay là tới lúc đó họ mới thấm thía câu ‘có tiền mua tiên cũng được’?
Chiếc Alinda chạy tuyến Villagarcia ra Santa Cruz, một hải cảng của đảo Tenerife, cùng với Las Palmas là quần đảo nằm về châu Phi nhưng thuộc vương quốc Tây Ban Nha. Xuống hàng tại cảng Villagarcia, chiều hoặc tối thứ sáu khởi hành, trưa thứ Hai ra tới Santa Cruz de Tenerife, thứ Ba qua Las Palmas lên hàng, xuống hàng xong rồi trở về tới Villagarcia vào sáng thứ Sáu, như vậy chuyến ra, chuyến vô đúng một tuần lễ.
Đúng một tuần tàu trở vô đất liền lúc khuya và neo trong vàm Villagarcia. Sáng lại tôi lên phòng lái mượn ống dòm. Bà thuyền trưởng thấy tôi phóng ống dòm nhìn những bè nuôi tôm, cá dọc theo bờ biển. Bà nói:
– Ở Phú Quốc cũng có nhiều bè nuôi tôm, cá.
– Ờ, đúng rồi, nhưng bà thấy bè ở đây có khác hơn ở Phú Quốc không?
– Bè nuôi tôm, cá là bè nuôi tôm, cá tui thấy khác gì đâu?
– Khác chớ, những bè nuôi tôm, cá ở Phú Quốc, nói chung là ở Việt Nam đều có cất chòi cho người ở canh chừng ăn trộm, bọn ăn trộm ban đêm chúng hay bơi xuồng ra bè trộm cá hoặc phá phách. Có những bè cất chòi đủ cho cả một gia đình sống luôn trên đó. Cho nên từ bờ sông hay bờ biển nhìn ra những dãy bè trông giống như những căn nhà nhỏ nổi bình bồng trên mặt nước. Những bè nuôi cá, tôm bên này không có những căn chòi và cũng không có người canh nên thấy nằm lè phè gần như ngang bằng mặt nước.
– Ờ ờ…
Tôi hỏi bà:
– Bà đi từ Bắc Việt vô Nam Việt bà có ấn tượng nào không?
– Oh, nhiều lắm như Vịnh Hạ Long cảnh đẹp, Mai Châu tui có mua được chiếc khăn choàng cổ vải rất mềm, rồi phố cổ Hội An, Huế, Mũi Né nơi nào thức ăn cũng ngon, nơi nào cũng hấp dẫn, chỗ nào tui cũng thích.
– Nhưng bà thấy chỗ nào ấn tượng nhứt?
Bà chu cái mỏ, đưa tay lắc lắc ra chiều suy nghĩ, một chút sau bà nói:
– Phú Quốc, chỗ người ta phơi cá cơm và hãng nước mắm thúi kinh khủng…
Đoạn bà kể tôi nghe chuyện bà tham quan hãng nước mắm và cách người ta phơi cá cơm. Bà có mua mấy bọc cá cơm khô và hai chai nước mắm, bà nói nặng quá bà không mua được nhiều, bà khen:
– Đảo Phú Quốc rất đẹp…
Nói tới đây chợt có tiếng gọi của văn phòng bến cảng, bà bắt ống nghe. Thấy bà bận nói chuyện, tôi bỏ đi xuống từng dưới và ra boong đứng hóng gió.
Mùa xuân Âu Châu nơi nào cũng mát mẻ và bình minh chuyển màu cũng rất nhanh. Khi mặt trời thong thả nhô lên và soi hừng đồi núi nằm lừng lững trong một vịnh nhỏ thông ra Đại Tây Dương. Mực nước biển sâu, trong xanh và gió xuân nhẹ nhàng thổi tạt sóng nước gờn gợn đủ để nhấp nhô những chiếc bè nuôi cá của dân ngư thả neo bềnh bồng dọc ngang trên mặt nước. Trong khi tôi đứng nhìn những bè cá và cảnh mặt trời lên, thì nghe tiếng máy tàu nổ. Viên thuyền phó người Lithuania từ trên đi xuống, thấy tôi đứng hắn dừng lại, đi tới bên tôi, chào và nói:
– Tàu sắp nhổ neo.
– Oh! Có chuyện gì không?
Tiếp theo hắn hỏi:
– Nhổ neo xong tui vô ăn sáng, ông chiên cho tui hai cái trứng được hông?
– Dĩ nhiên.
Qui chế ăn uống mỗi ngày trên tàu Hoà Lan, ontbijt tiếng hoà Lan là ăn sáng, bữa ăn sáng trên tàu có bánh mì, bơ, thịt nguội, phó mát, trứng gà, sữa, nước trái cây, trà và cà phê. Nếu hôm qua còn dư cơm nguội, tôi đem chiên với trứng hoặc xào mì gói cho người In Đô hoặc người nào không ăn được bánh mì. Maaltijd là ăn trưa, bữa trưa là bữa ăn chính có súp, rau, thịt, khoai tây, cơm và đồ tráng miệng có trái cây tươi, trái cây đóng hộp, yoghurt, pudding hoặc kem. Diner là ăn chiều, bữa ăn chiều dọn bàn cũng giống như bữa điểm tâm và ăn đồ ăn dư của bữa trưa còn lại hoặc thêm xúc xích, hamburger, pizza… Hôm nào siêng tôi làm món chả giò, gần bốn mươi năm nấu cho nhiều giống dân và nhiều hạng người ăn, tôi chưa từng nghe dân nước nào, hạng người nào chê món chả giò Việt Nam (Vietnamese loempia) là dở hết.
Hồi tôi còn phụ bếp, nhiều đầu bếp nấu nhiều món không hạp khẩu vị dân tứ xứ làm thủy thủ đoàn ăn không được, thức ăn dư rất nhiều, đầu bếp kêu tôi bưng những thức ăn dư đổ bỏ. Mỗi lần bưng thức ăn đem đổ, tôi không cầm được nước mắt. Tôi nhớ lại quê hương tôi trong những ngày chiến tranh, chạy giặc phải ăn cháo loãng và những ngày vượt biển tị nạn Cộng Sản sau này. Trên bước đường gian khổ, không có đồ ăn, nhiều người chết đói, thậm chí đói quá người còn sống ăn thịt người đã chết. Cho nên khi làm đầu bếp, tôi tìm tòi học hỏi, lựa chọn chế biến những món ăn nào nhiều người có thể ăn được. Dĩ nhiên nấu cho tập thể ăn, không tránh được thức ăn thừa, nhưng tôi cố gắng làm sao cho thức ăn dư càng ít càng tốt. Cho tới nay, hơn bốn mươi năm làm bếp tàu buôn, tôi rất hài lòng công việc của mình và lương tâm tôi cũng không bị ray rứt vì tôi biết độ số lượng nấu cho bao nhiêu người ăn và ra menu hợp khẩu vị nhiều người, cho nên mỗi ngày thức ăn thừa rất ít, thường là ngày nào hết ngày nấy, có khi ngon miệng bà con hỏi thêm, ít khi thức ăn bị đổ bỏ. Không phải chỉ pha chế nấu nướng cho ngon, đầu bếp cũng cần để ý văn hoá ăn uống của mỗi người và mỗi vùng nữa. Nếu đầu bếp được thủy thủ đoàn quý mến thì chuyện đố kỵ về văn hoá, chủng tộc cũng giảm đi, ít ra chỉ là bề mặt.
Có lẽ nhờ để ý học hỏi, dần dà tôi khám phá ra, không khí trên tàu vui hay buồn một phần cũng do đầu bếp, ngoài cách ăn uống khác nhau, tánh tình, ý tưởng của mỗi dân tộc cũng khác nhau và con người khó hoà hợp với nhau lắm. Nhứt là những người lớn tuổi, như viên thuyền phó trong chuyến đi này, hắn nhỏ hơn tôi vài ba tuổi, muốn ăn giờ nào thì ăn, uống giờ nào thì uống, không giờ giấc gì ráo và không khi nào ngồi bàn ăn chung với ai hết. Thuyền trưởng người Hoà Lan cũng chịu thua hắn luôn. Trước kia gặp thành phần như viên thuyền phó tôi khó chịu lắm, nhưng không lẽ mỗi lần đụng chuyện mỗi lần nổi nóng la ó om sòm, hơn nữa chỉ vì miếng ăn mà chửi bới nhau hoài, chẳng ra thể thống gì hết. Tôi mới nghĩ ra cách, sau giờ ăn tôi để phần ăn của những người chưa ăn ra ngoài và nói với họ muốn ăn giờ nào thì tự lấy ăn nhưng phải rửa dĩa sạch sẽ và dọn dẹp cho gọn gàng, tưởng làm cách đó là ổn, nhưng phiền cái là thằng tới trước lấy nhiều quá, có khi lấy sạch luôn, thằng tới sau không có ăn rồi cũng tìm tôi mắng vốn. Thấy vậy tôi mới chia phần ăn ra mỗi người một dĩa, bao giấy kiếng lại rồi để ra bàn, cách này coi vậy mà hữu hiệu và cũng từ đó cho tới nay tôi mới được yên thân. Hôm rồi ngồi nói chuyện chơi với viên thuyền phó, thấy không khí vui vẻ, tôi mới hỏi hắn:
– Bên nước ông giờ giấc ăn uống thế nào?
Hắn lắc đầu nói:
– Muốn ăn giờ nào cũng được, đói giờ nào ăn giờ đó.
– Ai cũng vậy sao?
– Ờ, tất cả mọi người.
Tôi cười thành tiếng:
– Oh! Thiệt hông cha nội?
– Thiệt mà.
– Nếu đi tuyến đường sang Mỹ, mỗi khi qua một múi giờ, giờ giấc thay đổi ông làm sao?
Hắn nhún vai:
– Thì cũng vậy, khi nào đói thì ăn.
Hắn rất thích thịt gà, hôm nào làm gà chiên, gà luộc, gà kho, nói chung món nào cũng được miễn là gà, người khác ăn dư ra bao nhiên hắn đớp hết bấy nhiêu.
Thấy vậy tôi hỏi:
– Bộ ở nước ông không có thịt nào khác hơn gà sao?
Ông trả lời:
– Có chớ, nhưng gà ở bên nước tui rẻ tiền hơn những thứ thịt khác.
Thiệt tình mà nói, nói chuyện với những người này khó tin và khó hiểu họ lắm. Ăn, uống tùy tiện, nói sao họ cũng nói được hết.
Trước đây thì đầu bếp ghi đơn đặt thực phẩm đưa thuyền trưởng đặt mua, có khi thuyền trưởng và đầu bếp cùng đi siêu thị mua thêm rau cải và trái cây tươi. Mỗi tháng đặt hàng một lần, đầu bếp tự phân chia làm sao đủ trong một tháng cho tuyến đường gần, ba tháng cho chuyến đi xa. Ngoại trừ những tuyến đường xa, không mua được rau tươi thì ăn đồ đông đá, nếu đầu bếp kinh nghiệm, khéo tay thì chế biến đồ đông đá ra những món ăn cũng ngon lành.
Tôi còn nhớ hồi bốn mươi năm trước, lúc đó thủy thủ đoàn người In đô, Tây Ban Nha, còn officers là người Hoà Lan, đầu bếp người Hoà Lan và người Cape Verde. Không hiểu sao hồi đó người cung cấp thực phẩm chất lượng rất tốt và một hai tuần thuyền trưởng đưa tiền cho đầu bếp mua thêm rau và trái cây tươi. Còn rượu nho, rượu mạnh, bia, nước lọc, nước ngọt, thuốc lá những thứ này thì thủy thủ tự trả tiền với giá miễn thuế, lúc nào trên tàu cũng đầy đủ. Từ ngày những người Nga và những người Đông Âu sang làm việc, nhứt là người Nga, họ uống rượu say rồi phá phách nhiều quá, có người say xỉn gây lộn sao đó rồi đổ dầu, châm lửa đốt tàu, vì vậy công ty cấm không cho dự trữ rượu mạnh trên tàu. Và cũng từ đó cho tới bây giờ, thức ăn tuy không thiếu nhưng những món thịt mắc tiền và loại thịt bò bít tết công ty cũng không cho đặt nữa. Bị công ty giảm phần ăn và đầu bếp cũng không còn được đi chợ mua thêm rau, trái cây tươi nữa. Thực phẩm mỗi tháng lấy một lần, dĩ nhiên đầu bếp ghi đơn đặt hàng, đưa thuyền trưởng gởi về công ty đặt, chớ thuyền trưởng không trực tiếp đặt như trước kia. Theo tôi thì khắp thế giới này bọn phân phối thực phẩm cho tàu buôn không có người nào lương thiện hết, ngoài rau và trái cây tươi họ làm mặt để giữ mối ra, còn lại những thứ khác như thịt bò đông đá thì gân, mỡ nhiều hơn thịt và dai như vỏ bánh xe, heo tuy không dai nhưng thịt ít mỡ nhiều, đồ đóng hộp và đông đá thường là những thứ gần hết hạn. Hôm rồi ông thợ máy người Ukraine cầm miếng thịt heo ba chỉ muối rất mặn đem xuống đưa cho tôi và nói:
– Vợ tui làm cho tui đem theo, nhưng ông nấu lúc nào tui cũng ăn no nên tui không cần nữa, ông lấy làm gì thì làm.
Tôi hỏi:
– Bộ vợ ông sợ trên tàu thiếu thịt hả?
Ông nhún vai:
– Có nhiều tàu không có thịt heo.
– Cái này làm gì ăn?
– Không làm gì hết, để vậy ăn.
– Oh!
Theo tôi biết người Ukraine và người Nga có món cá thu muối trộn gia vị ăn sống, bây giờ tôi mới biết thêm món thịt ba rọi muối, gia vị rất nặng mùi, họ cũng ăn sống luôn. Tôi cũng có nghe nhiều thủy thủ tàu khác, nước khác, công ty khác than phiền trên tàu có khi bị thiếu đồ ăn. Cả đời làm bếp cho tàu Hoà Lan, thức ăn trên tàu dạo sau này tuy chất lượng có hơi kém, nhưng tàu nào dự trữ thức ăn cũng dư, không bao giờ thiếu. Vậy mà những bữa ăn dọn ra đầy bàn, người Hoà Lan thì vào ngồi ăn, ít có người vào bếp hỏi món này món kia và cũng không dám chê khen, trứng gà thì người Hoà Lan ăn rất ít, có người không ăn. Những người Nga và Đông Âu thì thường xông vào bếp, đòi này, đòi nọ và kèo nài thêm một hai cái trứng chiên, trứng luộc. Họ cũng biết menu của một ngày giống nhau vậy mà thỉnh thoảng có người vô bếp hỏi:
– Bếp, ông có món nào khác không?
Khi tôi hỏi lại:
– Món gì?
Thì họ đừ cái bản mặt ra lắc đầu nói không biết. Nhứt là những người cỡ tuổi tôi, còn ảnh hưởng cái văn hoá nước Nga thời Cộng Sản. Cái văn hoá tham ăn, keo kiệt, nhỏ nhen và ích kỷ. Mặt mày lúc nào cũng nặng chịt nhăn nhó khó chịu, hễ mở miệng ra thì dùng ngôn ngữ tuyên truyền, phóng đại, nói sai sự thật mà không biết ngượng. Dân chúng nghèo thiếu thốn, vây mà nói ra cái gì bên nước họ cũng có hết. Người thất nghiệp thì đi khắp thế giới tìm việc làm, ai hỏi tới thì nói ở nước họ việc làm thiếu gì. Thật ra thì tôi cũng có một số bạn trẻ người Nga, họ sống rất văn minh, những người này còn trẻ, hội nhập với thế giới tự do rất nhanh nên tánh tình cởi mở, thân thiện và dễ gần gũi hơn. Có lần tôi nói với viên thuyền phó người Nga:
– Người Nga mày phần đông gương mặt lúc nào cũng buồn bã, ít khi cười tươi.
Nó tươi cười và nói:
– Hồi đó dân nước tui, nếu ai mà thoải mái vui vẻ cười tươi thì bị nghi ngờ, hoặc nói thật lòng đôi khi bị đi tù, nên họ lầm lì chịu đựng riết rồi thành thói quen.
“…lầm lì chịu đựng riết rồi thành thói quen.” Câu nói của viên thuyền phó làm tôi chạnh lòng và cảm thấy buồn buồn. Sao mà giống y chang ở nước tôi! Quả thật xã hội nào, con người đó. Cũng từ đó trở đi tôi thay đổi cách nhìn và mắc cở không dám trêu chọc và phê bình, chê bai đất nước con người bất cứ ở nơi đâu.
Những năm sau này thủy thủ tạp nhạp nhiều hơn. Mặc dù tôi không còn trẻ trung nữa, nhưng tôi thích tiếp cận với mấy đứa nhỏ, cũng nhờ thân thiện với chúng nên tôi mới thấy được sự tiến bộ và sự đổi thay trên thế giới này. Dần dà tôi cũng quen với mọi đổi thay trong cuộc sống, cho nên đi tới một đất nước lạ, gặp con người mới hoặc hoàn cảnh khác hay thời tiết biến chuyển, tôi thích nghi rất dễ dàng. Có lẽ đây là nguyên nhân do cuộc sống luôn xê dịch của tôi và cũng có lẽ là do càng lớn tuổi trải nghiệm càng nhiều nên tôi nhìn cuộc đời thông thoáng hơn.
Nguyễn Lê Hồng Hưng
Santa Cruz De Tenerife 10-6-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét