Lê Quý Đôn, nguyên là Lê Danh Phương, sinh năm 1726 trong một gia đình
khoa bảng tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay thuộc xã
Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là con cả của tiến sĩ Lê Phú
Thứ (sau đổi thành Lê Trọng Thứ) - người từng làm đến chức Hình bộ
Thượng thư. Mẹ ông là con gái một tiến sĩ từng trải qua nhiều chức quan.
Từ nhỏ, Lê Quý Đôn nổi tiếng là thần đồng ham học, thông minh, có trí
nhớ siêu đẳng. Người đương thời khuyên nhau "Thiên hạ vô tri vấn Bảng
Đôn", tức là thiên hạ có điều gì không biết thì cứ đến hỏi Lê Quý Đôn.
Họ thường gọi ông là "túi khôn của thời đại", nhà bác học lớn của Việt
Nam trong thời phong kiến.
Đỗ đầu ba kỳ thi
Năm 1739, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Đến năm 17
tuổi, dưới thời vua Lê Hiển Tông, ông dự thi Hương và đỗ đầu (Giải
nguyên). Sách Những người thầy trong sử Việt viết quyển thi của
Lê Quý Đôn qua bốn kỳ đều được phê "ưu", các quan chấm thi hết lời khen
ngợi. Hôm xướng danh, câu đầu tiên của người lính phát ra từ chiếc loa
dài nghêu, vang lên thật rành rọt "Cử nhân - giải nguyên - Sơn Nam - Lê
Quý Đôn - Thập bát tuế".
Tuy đỗ đầu thi Hương nhưng Lê Quý Đôn thi Hội mấy lần đều không đỗ. Ông ở
nhà dạy học và viết sách. Mãi đến năm 1752, khi bước vào tuổi 27, Lê
Quý Đôn mới lại dự thi Hội và lần này đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình, ông
đỗ luôn Bảng Nhãn. Đây là danh hiệu dành cho người đứng thứ hai trong
tam khôi, dưới Trạng nguyên, trên Thám hoa. Tuy nhiên, kỳ thi này không
lấy đỗ Trạng nguyên nên ông lần thứ ba là người đỗ đầu.
Tranh vẽ Lê Quý Đôn. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
|
Ngay sau khi đỗ đạt, Lê Quý Đôn được bổ nhiệm làm quan và giữ nhiều chức
vụ quan trọng trong triều Lê Trịnh như Thị thư, Thị giảng ở Viện Hàn
lâm, Toản tu quốc sử, Thừa chỉ Viện Hàn lâm, Học sĩ ở Bí thư các, Tư
nghiệp Quốc Tử Giám hay Bồi tụng. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, đến năm 1783, ông được giữ đến chức Thượng thư bộ Công.
Là mệnh quan triều đình, Lê Quý Đôn được đi nhiều, thấy nhiều, nghe
nhiều, nhờ vậy mà chuyện gì ông cũng nắm rõ ngọn ngành. Ông từng được cử
đi sang nhà Thanh rồi đi gặp sứ thần Triều Tiên và khiến họ phải tôn
trọng, khen ngợi.
"Túi khôn của thời đại"
Lê Quý Đôn nổi tiếng là tác giả của nhiều tác phẩm khảo cứu về lịch sử,
địa chí, văn hóa Việt Nam. Về lịch sử - địa lý, ông có tác phẩm Đại Việt thông sử (tên gọi khác là Lê triều thông sử) với 30 quyển ghi chép về hơn 100 năm của triều nhà Lê, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng.
Một số tập sách nổi tiếng khác của Lê Quý Đôn có thể kể đến như Phủ biên tạp lục
(6 quyển) ghi chép về tình hình xã hội Đàng Trong từ thế kỷ 18 trở về
trước; Vân đài loại ngữ (9 quyển) - "bách khoa thư" đồ sộ nhất thời
phong kiến với nhiều tri thức về triết học, khoa học, văn học sắp xếp
theo thứ tự: vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ,
văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội...
Ngoài ra, ông còn nhiều sách bàn giảng về kinh, truyện, sách khảo cứu về cổ thư, sách thơ văn. Trong lời tựa sách Kiến văn tiểu lục
(Chép vặt những điều nghe thấy), Lê Quý Đôn tự nhận trong thời gian
phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi, ông "đi tới đâu cũng để ý
tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ
thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng đựng vào túi sách".
"Việc dùng bút ghi chép, thêm lời bình luận sơ qua mà
ông kể đó chỉ là cách nói khiêm tốn của nhà nho chứ tiểu đồng nào, túi
sách nào đựng được những gì ông viết ra. Bởi đó là một kho sách đồ sộ,
có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, trùm lên các lĩnh vực triết học,
luật học, sử học, địa lý học, nông học, xã hội học, dân tộc học, thiên
văn học, từ điển học...", tác giả cuốn Những người thầy trong sử Việt viết.
Người thầy lỗi lạc phê phán lối học phục vụ thi cử
Không chỉ là nhà bác học, Lê Quý Đôn còn là người thầy xuất sắc trong các thầy giáo ở nước ta hồi thế kỷ 18. Theo Những người thầy trong sử Việt,
ông từng mở trường dạy học, có nhiều học trò đỗ đạt. Thời gian làm các
công việc liên quan tới giáo dục trong triều, ông luôn là người thầy uy
tín, tham gia giảng dạy, bình văn cho các giám sinh. Ông tổ chức các kỳ
thi Hội, thi Đình, lo việc đào tạo và tuyển dụng nhân tài cho đất nước.
Khác với nhiều bậc thầy đương thời, Lê Quý Đôn còn là người biên soạn
sách giáo khoa và nhà lý luận về giáo dục. Ông thấy được cái hạn chế của
cách giáo dục tầm chương trích cú, phục vụ thi cử với mục đích để ra
làm quan, đào tạo ra những người thiếu bản lĩnh.
Trong Kiến văn tiểu lục, ông viết "Cái học ấy làm cho lời bàn
luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày một thịnh. Người có chức
vị ít giữ được phong độ thanh liêm, nhún nhường, trong triều đình không
nghe thấy lời can gián. Gặp có việc thì rụt rè, cẩu thả, thấy lúc nguy
thì bán nước để toàn thân, dẫu người gọi là bậc danh nho, cũng đều yên
tâm nhận sủng vinh phi nghĩa".
Cũng trong tác phẩm này, ông chia sẻ đã nhận thấy cái vô bổ, phù phiếm
của việc bỏ công ra trau chuốt, gọt giũa từng câu, từng chữ những bài
thơ, phú để ca tụng lẫn nhau. Ở tác phẩm Vân đài loại ngữ, ông
phê phán các nho sĩ đương thời, chỉ biết nhồi nhét những kinh điển viển
vông mà coi thường, thậm chí không biết gì đến các môn học khác; đồng
thời tha thiết đề xuất phải thay đổi "Giáo khoa phải dạy cả lục nghệ,
trong đó cả văn tự và vũ bị".
Về phương châm học tập, Lê Quý Đôn chủ trương khi học phải biết nắm lấy
cái chính, có óc suy luận, không nệ vào sách vở và học là để hành. Trong
Dịch kinh phu thuyết, ông viết "Sách không hết lời, lời không
hết ý... Phải hiểu ngầm ý của thánh nhân ở ngoài lời sách mới được",
"đọc sách một thước không bằng hành được một tấc".
Với các bậc cha mẹ, Lê Quý Đôn khuyên "Dạy con phải dạy cho có nghề
nghiệp" (không nhất thiết lấy thi cử làm con đường duy nhất để lập
thân), "muốn con nên người phải dạy cho chúng biết sợ hãi, biết hổ thẹn,
biết khó nhọc".
Trong bối cảnh triều chính, đất nước rối ren, Lê Quý Đôn lâm bệnh nặng.
Sau đó, ông xin về quê mẹ ở huyện Duy Tiên, Hà Nam để chữa trị nhưng
không qua khỏi. Ông mất vào giữa năm 1784, thọ 58 tuổi.
Tác giả Văn Tân viết trong cuốn Trí thức Việt Nam xưa và nay: "Lê
Quý Đôn là nhà bác học lớn nhất của nước Việt Nam thời phong kiến. Suốt
đời ông đọc sách không biết mệt mỏi và viết sách không mệt mỏi". Ngày
nay, tên của Lê Quý Đôn được đặt cho nhiều đường phố, trường học từ đại
học đến mầm non ở khắp tỉnh, thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét