Phạm Duyên
24-12-2018
Năm 1984 Kevin Garratt và vợ Julia Garratt vừa làm đám cưới. Họ sống
bình ổn tại thành phố Vancouver, tỉnh British Colombia, miền tây Canada.
Đang tuổi đôi mươi, tràn đầy sức sống, giàu nghị lực, thương người, mến yêu Đức Chúa Trời, họ dấn thân vào công việc tông đồ.
(ảnh Kienthuc-quán ca phe Peter's)
Có
một ngày, một người Trung Quốc mời họ dậy tiếng Anh cho Đại học Kỹ
thuật Quân sự Quốc gia Trung Quốc. Vợ chồng Garratts nhận lời.
Ông Garratt sau này hồi tưởng lại câu chuyện đùa “gián điệp” ngày vợ chồng ông tới nhận nhiệm sở. Viên sỹ quan bỗ bã: “Từ
ngày Cách mạng Vô sản thành công, chưa có một người ngoại bang nào được
đặt chân vào ngôi trường đào tạo sỹ quan này. Nay, tụi bay còn trẻ,
không có gan làm ‘gián điệp’. Nên tụi tao tin”.
Từ đó, vợ chồng Garratts chăm chỉ dạy tiếng Anh, mở quán café, giúp
trẻ mồ côi, người tàng tật, vô gia cư ngoài phố. Họ tự nhận là những Cơ
Đốc nhân, chỉ làm công việc thiện, bất vụ lợi, không thuộc tổ chức
truyền giáo nào.
Bữa ăn cạm bẫy
Giữa 2007, vợ chồng Garratts dọn tới là thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu
Ninh. Họ mưu sinh bằng cách mở một quán café. Lấy tên con trai đầu lòng
đặt tên quán “Peter’s Coffee House”. Thời gian còn lại, họ nuôi con,
làm việc bác ái, dạy tiếng Anh, giảng Thánh Kinh cho dân địa phương.
Peter’s Coffee House nằm bên bờ sông Áp Lục, dưới chân cầu Hữu Nghị,
ngó qua bờ kia là Bắc Hàn. Cây cầu đã trở thành tâm điểm cho khách thập
phương.
Café ngon, giá bình dân, ân cần, chu đáo, chẳng mấy chốc, Peter’s
Coffee House trở nên nổi tiếng. Dân địa phương và cả du khách đến thăm
sông Áp Lục đều ghé. Thỉnh thoảng có cả những công chức ngoại giao cao
cấp của Mỹ, Canada, Úc, Âu châu ghé uống café, ngắm dòng Áp Lục, nhìn
qua bờ bắc, chụp hình, tán dóc.
Một hôm, vợ chồng Garratts được một cặp vợ chồng người địa phương mời
đi ăn tối. Họ muốn Garratts tư vấn, giúp đỡ cho con gái họ vào Đại học
Toronto. Đúng hẹn, Vợ chồng Garratts tới, thấy họ đang chờ, nhưng không
thấy cô “con gái”.
Bữa ăn tối sượng sùng qua mau. Chia tay về, vợ chồng Garratts định đi
xuống bằng cầu thang. Cặp vợ chồng kia níu kéo và đẩy họ vào thang máy
“cho đỡ mệt chân”.
Thang máy chạm đất. Cửa mở. Hai xe an ninh chờ sẵn. Vợ chồng Garratts
bị tách ra, bị sốc nách. Mỗi người bị tống lên một xe. Mỗi xe một hướng
khác nhau, lao vào màn đêm mù mịt.
Hôm đó là ngày 14/8/2014 tròn 30 năm trên Hoa lục, 30 năm làm việc bác ái, 30 lăn lộn nuôi bốn đứa con, 30 sống thánh thiện.
Chuyện của Su Bin tại Vancouver
Sáu tuần trước ngày vợ chồng Garratts bị bắt, tại thành phố quê hương
Vancouver, có một công dân Trung Quốc tên là Su Bin bị tư pháp Canada
bắt theo lệnh truy nã của FBI.
Su Bin sinh 1965, sở hữu 13 triệu Mỹ kim, chủ công ty Lode-Tech
chuyên về kỹ thuật hàng không dân dụng. Lode-tech có văn phòng đại diện
tại Vancouver.
Năm 2012, Su Bin mua căn nhà 2 triệu Gia kim tại Vancouver và đưa gia đình đến Canada sống theo quy chế thường trú.
Su bị bắt vào tháng 7/2014, đang hưởng quyền tại ngoại, chờ đối mặt với phiên tòa dẫn độ qua Mỹ.
Trong lúc chờ đợi, Trung Quốc giăng bẫy, gài độ bắt vợ chồng Garretts. Dùng họ làm con tin, gây sức ép, mặc cả, chạy tội cho Su.
“Góc chụp” là nhậy cảm
Giữa đêm khuya, họ lệnh cho bà ký vào một tờ giấy đã viết sẵn. Bà
Garratt hỏi ký cái gì? “Ký đồng ý bị “thẩm vấn,” họ trả lời. Bà hỏi
tiếp: “Tại sao thẩm vấn?” “Tội gián điệp”, bà nghe qua giọng người phiên
dịch.
Bà tái tê, run sợ, hoảng hốt, rồi ký. Bà cho rằng họ nhầm. Rồi vợ chồng bà sẽ được thả, sẽ nhận được lời xin lỗi.
Còn ông Garratt kể: Mỗi nhóm gồm hai cai ngục, hai giờ một lần, họ
thay nhau ngồi ngoài xà lim, nhìn chằm chằm vào ông qua song sắt, viết
liên tục, tường thuật cả những động tác đơn giản giơ tay gãi ngứa. Đèn
cao áp chói lòa, dọi thẳng vào đồng tử, suốt 24 giờ, bừng bừng thiêu
đốt.
Bà Garratt chỉ còn biết cầu nguyện, vẽ, đọc sách do Lãnh sự Canada mang vào, đừng có viết gì nếu không muốn bị tịch thu.
Vợ chồng Garratts phải chịu đựng sáu tiếng thẩm vấn mỗi ngày, vào bất
kể lúc nào. Mỗi nhóm thẩm vấn gồm ba người đàn ông. Họ đưa ra những
e-mails, tin nhắn, băng thu lén những cuộc gọi điện của vợ chồng
Garratts.
Nhóm thẩm vấn muốn chứng minh rằng vợ chồng bà là gián điệp nằm vùng,
vâng lệnh tình báo Canada, đánh cắp những thông tin “vô cùng nhạy cảm”
của Trung Quốc, rồi chuyển cho các điệp viên phương tây dưới vai nhà
ngoại giao tại Peter’s Coffee House.
Ông Garratt cãi: “Bằng chứng đâu?”
Viên sỹ quan hỏi cung rút từ trong tủ ra một tấm hình Garratt chụp
trên đường phố Đan Đông, phía sau là dòng Áp Lục, cây cầu Hữu Nghị vắt
ngang, xa xa là đất Bắc Triều Tiên.
Garratt cãi tiếp: Mọi du khách đều chụp cây cầu này, có gì là “nhạy cảm?”
Viên sỹ quan lạnh lùng: “Nhạy cảm ở góc độ chụp”.
Vợ chồng Garratts luôn bị dọa: Hoặc bị tử hình hoặc bị đầy vào trại lao cải chung thân khổ sai bên Bắc Triều Tiên.
Cả hai vợ chồng thường xuyên bị ép cung, phải viết lời thú tội, nếu
không họ sẽ bắt Peter con trai đầu lòng đang học tại đại học Trung Quốc
vào thời điểm đó.
Rồi bỗng nhiên, tháng 2/2015, bà Garratt được tại ngoại, còn chồng vẫn bị biệt giam. Thì ra, tại Vancouver, Su Bin đổi ý.
Bắc Kinh cứng họng bẽ bàng
Nếu xét thấy có tội, Su Bin phải đối mặt với bản án 50 năm tù giam. Lúc bị bắt, Su đã 50 tuổi.
Đột nhiên, Su không kháng án, mà mướn tới năm luật sư tài ba nhất Bắc
Mỹ để đệ đơn thú tội, thương lượng với tòa giảm án xuống 5 năm, và giữ
quy chế “thường trú nhân”.
Su Bin công nhận đã cộng tác với tình báo quân đội Trung Quốc từ 2008
cho tới khi bị bắt 2014. Su đã đánh cắp thông tin về động cơ của các
dòng máy bay chiến đấu F-22, F-35, và Boeing’s C -17 vận tải quân sự rồi
chuyển cho quân đội Trung Quốc. Tòa có trong tay, hình Su Bin chụp
chung với sỹ quan tình báo quân đội Trung Quốc có số quân nhân, có quân
hàm, quân hiệu.
Ngoài thời gian thụ án, Su phải bồi thường thiệt hại lên tới nhiều
triệu Mỹ kim. Sau thời gian thụ án, Su phải đối mặt với lệnh trục xuất
khỏi lãnh thổ Canada.
Mười ba triệu Mỹ kim và căn nhà hai triệu (bây giờ chắc lên tới bốn
triệu) tại Vancouver cũng đi toi vào khoản đền bù và tiền luật sư.
Trung Quốc vừa cứng họng vừa mất mặt. Những thủ đoạn gán ghép, thêu
dệt tội “gián điệp” cho vợ chồng Garratts thật bẽ bàng, nhục nhã cho thể
diện của một “cường quốc”.
Đức Chúa Trời cũng thành gián điệp
Tháng 2/2015, Su chủ động thú tội. Cùng tháng bà Garratt được tại ngoại. Chồng bà vẫn bị giam.
Tháng 8/2015 Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới dự Thượng đỉnh G-20,
bà Garratt được phép rời Trung Quốc. Hai tháng sau, ông Garratt tới hầu
tòa, được nghe một bản cáo trạng dài tám trang bằng tiếng Quan Thoại.
Ông chẳng hiểu mẹ gì.
Sáng sau, ông được hướng dẫn phải nộp phạt 14,000 Mỹ kim, phải cam
kết không được tiết lộ bất cứ điều gì cho truyền thông, rồi bị tống lên
một chuyến bay trực chỉ Tokyo.
Sau 775 ngày cay đắng nhọc nhằn, vợ chồng, gia đình Garratts gặp lại
nhau tại Vancouver. Họ ôm nhau trong nước mắt. “Nỗi buồn khôn tả cứ trùm
lên gia đình tôi”, ông Garratt tâm sự.
Còn bà, trong cuốn sách “Two Tears on the Window” (Hai Giọt Nước Mắt
Trên Cửa Sổ) vừa xuất bản với muôn vàn chi tiết sống động về những gì mà
vợ chồng bà đã trải qua hơn hai năm trong nhà tù Trung Quốc.
Đến bây giờ, bà không dám đụng vào phone vì sợ bị nghe lén, không dám
cầm máy chụp hình vì sợ buộc tội “chụp hình nhạy cảm”, thấy xe lạ trước
nhà bà tưởng xe mật vụ. Ai ai cũng thấy hao hao như gián điệp.
Bà kể lại. Bà cố trình bày cho người thẩm vấn hiểu rằng vợ chồng bà
chỉ làm một phần rất nhỏ công việc của Đức Chúa Trời giúp đỡ tha nhân.
Viên sỹ quan Trung Quốc đáp: Đức Chúa Trời cũng có thể thành gián điệp.
Queen East St. Toronto, Ontario, Canada
Mùa Vọng – Giáng Sinh 2018
(Nhân sự kiện tư pháp Canada vừa bắt “công chúa Hoa Vi”. Trung
Quốc bắt ba công dân Canada để trả đũa. Tôi viết lại chuyện của năm
2014. Cảm ơn các bạn quan tâm). Phạm Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét