Kỳ 5: Lê Thái Tổ Lê Lợi “thà người phụ ta, ta chớ phụ người!”
Năm Nhâm Dần (1422) ngày 24
tháng Chạp, giặc Minh lại cùng Ai Lao hẹn nhau, bên trước mặt,
bên sau lưng, chẹt đánh nghĩa quân Lam Sơn ở trại Da Quan. Lê Lợi
bảo các tướng sĩ rằng: “Giặc tới vây ta bốn mặt, muốn chạy
thì chạy đi đâu! Đây tức là nơi mà binh pháp gọi là ‘đất
chết’. Đánh mau thì còn! Không đánh mau thì mất!” Nói rồi sa
nước mắt.
Năm 1406, nhà Minh lấy danh nghĩa “phù
Trần diệt Hồ” đem quân tràn vào nước ta. Chính lệnh ngặt nghèo, hình
phạt tàn ác của giặc Minh khiến người Việt vô cùng căm giận:
“Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,
Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc.
Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng,
Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán;
Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa.
Nặng nề những núi phu phen,
Tan tác cả nghề canh cửi.
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”.
(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)
Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc
Minh khi thế giặc còn đương mạnh. Nhà vua dấy binh từ núi rừng Lam Sơn,
trải qua hơn 10 năm trời “đau lòng nhức óc”, “nếm mật nằm gai” [1] với
bao lần rơi vào hung hiểm. Khi thì bị giặc đánh úp, bắt mất vợ con cùng
quyến thuộc; lúc thì tuyệt đường lương thực, phải đẵn măng tre, hái rau
rừng mà ăn… Có phen Lê Lợi bị giặc vây khốn, Lê Lai liều mình cứu chúa,
xông vào trại giặc xưng “Ta đây là chúa Lam Sơn!” để rồi bị giặc tra
tấn, giết hại dã man.
Lê Lợi vốn thuộc dòng dõi nhiều đời làm
quân trưởng Thanh Hoá: cụ nội là Lê Hối, “tính trời chất phác, ngay
thẳng, giữ mình như kẻ ngu”, tự mình khai khẩn đất Lam Sơn, siêng năng
cày cấy, gây nên sản nghiệp; ông nội là Lê Đinh, “hiền hoà để trị dân,
khoan nhân mà thương người”; cha là Lê Khoáng, tính tình “hoà nhã,
hiền lành, vui vẻ, thích làm việc thiện”, “mọi người không ai
là không cảm Ngài về ơn đức mà phục Ngài về nghĩa khí”.
“Nhà vua kế nghiệp cha, anh, không dám để sa sút; suy nghĩ sâu
sắc, sao cho nối chí, noi việc, trọn được đạo thường”. Tướng
nhà Minh biết tiếng Lê Lợi, trao cho chức quan để dụ theo, nhưng ông
không chịu khuất phục.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
quả thực là một kỳ tích. Luận bàn về nguyên nhân thắng lợi, có người cho
rằng vì Lê Lợi “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy trí nhân mà thay
cường bạo” nên được lòng dân; lại cũng có ý kiến ngợi khen “Thế trận
xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh/ Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều” [2].
Hẳn đều có lý.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả.
Đại Kỷ Nguyên xin kính gửi tới quý độc
giả những lời gan ruột của đức Thái Tổ nhà Lê đúc kết nguyên nhân sâu xa
của chiến thắng, trích từ cuốn Lam Sơn thực lục. Tuy rằng nó không hẳn là một bức thư, nhưng nó đã được ghi lại như một bức thư gửi cho nghìn năm hậu thế.
Lời tổng kết nguyên nhân thắng lợi của vua Lê Thái Tổ
Trong khi muôn việc có rỗi, nhà vua
thường cùng các quan bàn luận về duyên cớ thịnh suy, được, mất từ xưa
đến nay. Cùng là giặc Ngô sở dĩ thua, nhà vua sở dĩ thắng là vì cớ làm
sao?
Các quan đều nói rằng:
– Người Ngô hình phạt tàn ác, chính lệnh
ngỗ ngược, mất hết cả lòng dân. Nhà vua làm trái lại đạo của chúng, lấy
nhân mà thay bạo, lấy trị mà thay loạn, vì thế cho nên thành công được
mau chóng là thế!
Nhà vua phán rằng:
– Lời các thầy nói, tuy là đúng lẽ,
nhưng cũng còn có điều chưa biết. Trẫm trước gặp lúc loạn ly, nương mình
ở Lam Sơn, vốn cũng mong giữ toàn được tính mệnh mà thôi! Ban đầu cũng
không có lòng muốn lấy thiên hạ. Đến khi quân giặc càng ngày càng tàn
ác, dân không sao sống nổi! Bao nhiêu người trí thức, đều bị chúng hãm
hại. Trẫm đã chịu khánh kiệt cả gia tài để thờ phụng chúng! Vậy mà chúng
vẫn đem lòng muốn hại Trẫm, không chịu buông tha! Việc khởi nghĩa, thực
cũng là bất đắc dĩ mà Trẫm phải làm!
Trong lúc ấy, Trẫm thân trọ quê người,
vợ, con, thân thích, đều tán lạc hết! Cơm không đủ hai bữa! Áo không
phân đông, hè! Lần gặp nạn ở núi Chí Linh, quân thua, lương hết! Trời
kia bắt lòng ta phải khổ, trí ta phải mệt, đến thế là cùng!… Trẫm thường
dụ bảo các tướng sĩ rằng: “Hoạn-nạn mới gây nổi nước! Lo phiền mới đúc
nên tài! Cái khốn khổ ngày nay là trời thử ta đó mà thôi! Các thầy nên
giữ vững lòng xưa, cẩn thận, chớ vì thế mà chán nản”. Vậy mà tướng sĩ
cũng dần dần lẩn trốn! Theo Trẫm trong cơn hoạn nạn, mười người không
được lấy một, hai! Còn bỏ Trẫm mà đi, thì đại loại là phường ấy cả!
Kể như lúc ấy, nào ngờ lại có ngày nay!
May mà Trời chán đứa giặc! Phàm lúc giặc làm cho Trẫm cùng, trí Trẫm lại
càng thêm rộng! Phàm cách giặc làm cho Trẫm khổ, lòng Trẫm lại càng
thêm bền. Trước kia quân lính đói thiếu, giờ lại nhờ lương của giặc mà
số trừ súc của ta càng sẵn! Trước kia quân lính lẩn trốn, giờ lại mượn
binh của giặc, mà trở giáo để chúng đánh nhau! Giặc có bao nhiêu mác,
mộc, cung, tên, ấy là giúp cho ta dùng làm chiến cụ! Giặc có bao nhiêu
bạc, vàng, của báu, ấy là cung cho ta lấy làm quân lương! Cái mà chúng
muốn dùng để hại ta, lại trở lại làm hại chúng! Cái mà chúng muốn dùng
để đánh ta, lại trở lại để đánh chúng!
Chẳng những thế mà thôi: Kìa như nước Ai
Lao, với Trẫm là nước láng giềng, trước vẫn cùng nhau giao hảo. Khi
Trẫm bị giặc vây khốn, đem quân sang nương nhờ. Nghĩ rằng môi hở, răng
lạnh, thế nào chúng cũng chứa ta! Nào ngờ quân dạ thú, lòng lang, thấy
ta bị tai vạ, thì lấy làm vui sướng! Rồi thông tin với giặc, ngầm chứa
mưu gian, muốn để bắt vợ con của quân ta! Vậy mà ta tìm cách để đối phó
với chúng, thật là thong thả có thừa! Nó vốn trông vào quân giặc để đánh
úp ta! Ta cũng nhân vào thế nó, để đánh lui giặc! Nó vốn lấy khách đãi
ta! Ta cũng lấy khách mà xử nó! Phàm ý nó muốn làm gì, ta tất biết
trước! Vẻ nó muốn động đâu, ta tất chẹn trước! Cho nên có thể lấy đất
đai của nó, làm nơi chứa quân cho ta; lấy hiểm trở của nó, làm nơi lừa
giặc của ta! Binh pháp dạy: “Lấy khách làm chủ, lấy chủ làm khách”, có
lẽ là như thế chăng?
Thế nhưng Trẫm đối đãi với ai cũng hết
lòng thành thực. Thà người phụ ta, ta chớ phụ người! Phàm kẻ bất bình vì
một việc nhỏ, mà đem lòng kia khác, Trẫm thường tha thứ, dong cho có
lối đổi lỗi. Tuy nhiều khi chúng trở mặt làm thù ngay, nhưng Trẫm thường
tin dùng như gan dạ! Biết đổi lỗi thì thôi, không bới lông tìm vết làm
gì! Ấy cũng là bởi Trẫm trải nhiều lo nghĩ, nếm đủ gian nan, cho nên
biết nén lòng nhịn tức, không lấy việc nhỏ mà hại nghĩa lớn, không lấy ý
gần mà nhãng mưu xa. Trong khoảng vua, tôi, lấy nghĩa cả mà xử với
nhau, thân như ruột thịt, có gì mà phải ngờ vực. Thế cho nên có thể được
lòng người, mà ai ai cũng vui lòng tin theo.
Tuy vậy, trong khi hoạn nạn, mười chết,
một sống, kẻ lâm vào nguy hiểm là thường! Ngày nay may được thành công,
là do Hoàng Thiên giúp đỡ, mà Tổ Tiên Trẫm chứa nhân tích đức đã lâu,
cũng ngấm ngầm phù hộ, cho nên mới được thế.
Đời sau kẻ làm con cháu Trẫm, hưởng cái
giàu sang ấy, thì phải nghĩ đến Tổ, Tông Trẫm tích lũy nhân đức đã bao
nhiêu là ngày, tháng; cùng công phu Trẫm khai sáng cơ nghiệp bao nhiêu
là khó khăn! Mặc những gấm vóc rực rỡ, thì phải nghĩ đến Trẫm ngày xưa
áo, quần lam lũ, không kể đông, hè! Hưởng những cỗ bàn ngon lành, thì
phải nghĩ đến Trẫm ngày xưa hàng tháng thiếu lương, chịu đói nhịn khát!
Thấy đền đài lộng lẫy, thì phải nghĩ đến Trẫm ngày xưa ăn mưa, nằm cát,
trốn lủi núi rừng! Thấy cung tần đông, đẹp, thì phải nghĩ đến Trẫm ngày
xưa thất thểu quê người, vợ con tan tác!
Nên nhớ rằng Mệnh Trời nào chắc được
không thường, tất phải suy tính nỗi khó khi mưu toan việc dễ. Nghiệp lớn
khó gây mà dễ hỏng, tất phải cẩn thận lúc đầu mà lo tính về sau. Phải
đề phòng đầu mối họa loạn, có khi vì yên ổn mà gây nên. Phải đón ngăn ý
nghĩ kiêu sa, có khi vì sung sướng mà sinh sự! Có như thế thì họa là mới
giữ gìn được. Nên Trẫm nghĩ làm ra bộ sách này, thực là rất trông mong
cho con cháu đời sau!
—
Thanh Ngọc (CM.Văn Hóa )
Chú thích:
Các nội dung lịch sử trong bài lấy từ sách Lam Sơn thực lục do Nguyễn Trãi biên soạn, Bảo Thần dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét