Anh Đông đi làm đồng về, gần tới nhà, thấy nhà mụ Thòi bên cạnh đông người, hỏi ra mới biết mụ Thòi vừa qua đời.
Anh vô nhà, chưa vội rửa chân tay vấy đầy bùn ruộng, anh xao xác tìm mẹ anh là mụ Thiệt.
Mụ Thiệt đang rút rơm ở góc vườn, nhen lửa nấu bữa ăn trưa. Anh đến bên mẹ, nói nhỏ kẻo sợ người khác nghe:
- Mụ Thòi mất, nhà mình có đi đám không mạ hè?
Ngẩng cái đầu đang chúi khuất ra khỏi lỗ hẵm nơi cây rơm, mái tóc bạc trắng phủ đầy rác rơm, mụ Thiệt khoan thai trả lời:
- Đi … chớ răng … không, con hè?
*
* *
Trước năm 1972, mụ Thòi là một goá phụ còn trẻ lắm, chồng mụ là lính cộng hoà chết trận, để lại cho mụ hai con nhỏ dại – đứa trai 3 tuổi, đứa gái mới mấy tháng.
Lãnh được tiền tử tuất, từ một làng quê sát biển, mụ đem con lên vùng ven đô tìm kế sinh sống.
Còn vợ chồng mụ Thiệt sinh ra và lớn lên tại một làng quê cách chợ chưa đầy cây số, được cha mẹ cho ra riêng, có mảnh vườn rộng. Nhà ở của vợ chồng chỉ chiếm một góc vườn. Thấy hoàn cảnh mụ Thòi tội nghiệp, vợ chồng cho mụ dựng cái lều nhỏ để tạm cư ở góc xa trong vườn.
Là goá phụ tử sĩ, mụ Thòi xin được viêc làm trong doanh trại quân đội Mỹ; cuộc sống mẹ con tương đối ổn định.
Mụ Thòi tỏ ra biết ơn vợ chồng mụ Thiệt; tối tối, mụ qua ngồi chuyện trò tâm tình với mụ Thiệt; hai mụ đối xử với nhau như người thân cật ruột; trong lời nói, họ xưng hô chị chị em em ngọt xớt.
Thế rồi …
Mùa hè 1972, chiến tranh ập đến; vợ chồng mụ Thiệt di tản vô Nam; mụ Thòi có bà con đi theo cách mạng, chần chờ ở lại. Quân giải phóng đánh chiếm cả tỉnh; thừa lúc “tranh tối tranh sáng”, chính quyền mới chưa có đủ thời gian ổn định tình hình. Các gia đình ở đô thị, khi hối hả di tản, “bỏ của chạy lấy người”, mụ Thòi ngày ngày đi “hôi của”; mụ vác tôn của nhà khác về, không những tráp và lợp lại căn lều của mụ cho kín đáo mà còn làm thêm ngôi nhà khá lớn; mụ lấy xe kéo vô chủ chở nào bàn, nào tủ, nào giường, nào nệm… về trang bị chỗ ở của mụ như nhà của một người giàu có.
Còn vợ chồng mụ Thiệt trên đường di tản gặp rủi ro; ông chồng trúng pháo kích, tử thương, vất xác. Mụ Thiệt cùng 2 đứa con dại - thằng Đông sáu tuổi và đứa con gái hai tuổi - sống nhờ trợ cấp trong các trại tỵ nạn. Đêm đêm mụ khóc sụt sùi tiếc thương người chồng xấu số, đoản mạng.
Và …
Việc gì có khởi đầu ắt có kết thúc. Chiến tranh cũng không ngoại lệ. Tháng Năm năm 1975, chiến tranh chấm dứt, mụ Thiệt đem con về quê cũ. Ngôi nhà của mụ còn cột, kèo, xuyên, trếnh nhưng mái ngói đã đổ, tường lỗ chỗ vết đạn; mụ nhìn sang bên nhà mụ Thòi, thấy hàng cửa nhà mình đã bị mụ Thòi tháo về lắp nhà mụ. Tuy nhiên, sợ - cái sợ tự nhiên mà người trốn chạy cảm thấy đối với người ở lại, mụ không dám hó hé nửa lời xin lại. Mụ đành mua bạt nylon nhờ bà con che chắn để ở. Trời đã sang Thu, mưa sa nước sỉa, gió tạt mưa bay mà nhà trống tứ phía.
Mụ Thòi lúc đó làm chủ tịch phụ nữ khu vực, mụ đội mũ tai bèo, mang quần áo bà ba đen, trông mụ cứ tưởng là cán bộ hoạt động lâu năm trong bưng mới về thành. Với tư cách cán bộ, mụ qua nhà mụ Thiệt giải thích đường lối, chính sách của cách mạng cho mụ Thiệt với cái giọng lạnh lùng. Mụ cố ý nhấn mạnh về chính sách đất đai, ý là để mụ Thiệt đừng đòi lại đất đã cho mụ ở:
- Đất chỗ mô chừ cũng là đất của cách mạng; mọi người được cách mạng sắp xếp chỗ ở bình đẳng. Ngày trước chị cho tôi ở vì đó là vườn của chị; chừ không còn vườn chị nữa mô, nơi tôi đang ở là đất cách mạng giao cho tôi. Chị nghe rõ chưa?
Mụ Thiệt không trả lời, chỉ nghe; bụng mụ nghĩ răng chỉ Trời mới hoạ may biết được!
Hai mụ không còn thân mật như hồi xưa; nhà ai nấy ở, không qua về chuyện trò.
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, mụ Thòi ra vẻ “ta đây”, còn mụ Thiệt thì lủi thủi sống.
*
* *
Giữa hai nhà, còn một khoảnh đất ngập nước, mụ Thòi có nuôi sáu con vịt hình như để giết thịt đãi đằng khách khứa. Về phần mụ Thiệt, đã gần đến giỗ của chồng, mụ mua hai con vịt để chuẩn bị làm mâm cỗ.
Mụ không nhốt, mụ thả ra cho bơi chung với vịt mụ Thòi.
Vịt mụ Thiệt ít con hơn và mới mua chưa quen nhà, tối lại, không tách bầy về mà theo vịt mụ Thòi.
Mụ Thiệt bảo thằng Đông - con mụ - qua xin bắt vịt về. Nào ngờ thằng Đông bị mụ Thòi mắng:
- Vịt mi mô đây mà qua bắt, bầy vịt này tau nuôi từ lúc còn vịt con. Mi coi cả bầy đang hì hục tranh nhau ăn, có con mô tỏ dáng lạ lẫm mô nờ!
Ngán ngẩm, thằng Đông bỏ về, trình bày câu chuyện với mẹ. Mụ Thiệt nhìn qua, thấy mụ Thòi, sợ…, không dám lên tiếng. Bí quá, mụ Thiệt liều, thử kêu vịt, xem sao... Mụ rán hết hơi, hết sức:
- Ru … ru … ru … ru … ru …
Hai con vịt của mụ đang ăn cùng bầy giữa sân mụ Thòi, cất tiếng kêu cạp cạp, sè cánh bay ra giữa vũng nước rồi chạy nhanh lên sân nhà mụ. Hình như có Trời, Phật phù hộ, mụ chấp tay, miệng lẩm bẩm tạ ơn: “Lạy Chúa… Mô Phật...” Mụ mừng quýnh, im lặng, bắt hai con vịt vô nhốt. Bên kia, mụ Thòi không phản ứng gì!
*
* *
Mụ Thòi đã trên 80 tuổi; mụ bị tai biến mạch máu não đã mấy năm nay; hôm nay mụ chết.
Anh Đông đã lớn người nhưng tâm còn cạn, nên mới hỏi mẹ có đi đám không; mụ Thiệt trả lời với con phải đi, thế là đúng!
Khi còn sống, lúc khó khăn, mụ Thòi đã được mụ Thiệt cưu mang, ấy là tình người; thời thế thay đổi, mụ Thòi ăn ở không tốt với mụ Thiệt; mụ Thòi là người “phi nghĩa”; sách xưa đã dạy: “Nhân phi nghĩa bất giao”, mụ Thiệt, dù có được phép, không lui tới với mụ Thòi cũng phải thôi!
Còn bây giờ, mụ Thòi đã chết: Chết là hết, hết cậy quyền, hết cậy thế, hết tham lam, hết đối xử tai ngược. Vậy thì mụ Thiệt còn “bất giao” với mụ Thòi mà được chi!
Hoàng Đằng
17/12/2018 (11/11/Mậu Tuất)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét