Cách đây hai năm, tôi bỗng đọc được tin Hà Nội đang chật vật với việc nói ngọng của giáo viên. Dù đã triển khai cả chương trình đào tạo, nhưng kết quả không như mong đợi.
Lúc đó, tôi đang triển khai chương trình đào tạo chuyển hóa cho doanh
nghiệp, và chợt nghĩ, tại sao không thử áp dụng phương pháp đào tạo này
vào việc sửa ngọng cho giáo viên? Người làm công việc khác, nói ngọng
thì cũng không ảnh hưởng nhiều lắm, nhưng giáo viên, đặc biệt là giáo
viên mầm non và tiểu học, thì nói ngọng sẽ phản cảm và gây ảnh hưởng đến
thế hệ kế tiếp.
Về mặt lý thuyết và với kinh nghiệm đào tạo của mình, tôi tin việc này
sẽ có kết quả. Là vì tôi biết, việc nói ngọng không chỉ đơn thuần là lỗi
phát âm. Ngọng thực chất là từ trong suy nghĩ ngọng ra. Đây chính là lý
do vì sao người nói ngọng, hay phát âm không chuẩn, thường không nhận
ra; hoặc nhận ra thì cũng rất khó sửa nếu không có hỗ trợ đúng để người
học thay đổi tâm thức của mình trước, rồi sau đó mới thay đổi cách phát
âm và khẩu hình.
Vậy là khóa học "Sửa tật nói ngọng" dành cho giáo viên ra đời. Kết quả
phải nói là khá tốt. Sau 2-3 buổi học, khoảng 90% học viên sửa được,
tương ứng việc phát âm không chuẩn giảm trên 80%. Việc đánh giá do cả
lớp biểu quyết xác nhận, cùng với đánh giá của giảng viên. Khoảng 10% số
học viên còn lại, vì những lý do đặc biệt nào đó, như cấu tạo sinh học
của cơ quan phát âm khác thường, hoặc học viên không quyết tâm để sửa,
đã không thành công như bạn đồng học khác.
Tôi hoàn toàn có thể triển khai chương trình rộng hơn. Tuy nhiên, tôi đã
dừng việc này sau ba khóa đào tạo. Vì việc thử nghiệm về phương pháp đã
xong và tôi muốn dành thời gian cho các dự án đào tạo khác.
Cho đến nay, việc bị coi là ngọng, và cần phải sửa nhiều nhất vẫn nằm ở
sự nhầm lẫn giữa n và l. Lý do là cách nói này gây phản cảm, và việc
nhầm lẫn khi nói rất dễ gây sang nhầm lẫn khi viết, làm sai ngữ nghĩa và
chính tả. Câu chuyện sửa tật nói ngọng của giáo viên Hà Nội trong 10
năm qua chủ yếu cũng tập trung ở việc sửa hai âm l, n này.
Nói ngọng, nếu không phải là do bẩm sinh, thì có nguồn gốc chủ yếu là do
phương ngữ địa phương chứ không phải lỗi của người nói ngọng. Như một
câu đùa dân gian, "cả làng nói ngọng chứ mình gì tôi". Chưa kể, thế nào
là ngọng, thế nào là phương ngữ vùng miền, và có thực sự cần thiết phải
sửa hay không, cũng là quan điểm đang gây nhiều tranh cãi.
Ở miền bắc, nhiều tỉnh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Hải
Phòng... đều có hiện tượng nhầm lẫn l và n khi phát âm chứ không riêng
Hà Tây. Vì thế, nếu không sáp nhập Hà Tây với Hà Nội, hay người "nói
ngọng" đến sinh sống, làm việc ở nơi khác ngoài địa phương mình thì có
lẽ không ai nghĩ đến chuyện sửa lỗi phát âm.
Nay, chuyện nói ngọng lại thành chủ đề của giáo dục khi Hà Nội tổng kết
chương trình sửa nói ngọng cho giáo viên 10 năm mà vẫn chưa có kết quả
như mong đợi. Câu hỏi đặt ra, là tiếp tục chương trình này hay không, và
nếu tiếp tục, thì nên làm như thế nào?
Với kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng việc sửa lỗi phát âm cho giáo viên
là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc sửa lỗi phát âm nói chung và hai âm
l, n nói riêng, nếu chỉ tập trung vào phát âm và khẩu hình là rất khó.
Lỗi phát âm là từ trong tâm thức lỗi ra. Mà tâm thức này chính là chúng
ta, hình thành và bồi đắp dần từ lúc ta mới sinh ra, nay trở thành một
phần tự nhiên của chính chúng ta. Sửa tâm thức và rộng hơn là thay đổi
tâm thức của một người, dù chỉ một vài chi tiết nhỏ, quả thực không dễ
chút nào. Phải có phương pháp đặc biệt thì mới có thể xử lý được.
Hiện chưa biết Hà Nội sẽ xử lý vấn đề này thế nào, cũng chưa có nhà sư
phạm nào xử lý vấn đề rốt ráo. Trường sư phạm cũng chưa giúp được gì
nhiều, nên câu chuyện vẫn dở dang ở đó. Nếu không có sự đột phá về
phương pháp thì tổng kết 10 năm nữa, câu chuyện sửa lỗi phát âm dự đoán
sẽ vẫn có kết quả như hiện giờ, bởi thực tế, có rất nhiều người sửa ba
chục năm mà vẫn không có kết quả.
Nhưng tôi muốn nói thêm một câu chuyện khác mà tôi nghĩ là khẩn thiết
hơn. Đó là chuyện "nghĩ ngọng". Nghĩ ngọng là một cách nói ví von về sự
lệch lạc trong cách nghĩ, cách xử lý các vấn đề, không chỉ của giáo dục
mà còn của tất cả bộ ngành, thể hiện trong các văn bản pháp quy và chính
sách được ban hành. Và nó cũng hình thành từ tâm thức cộng đồng.
Sự lệch lạc này thể hiện hiện hàng ngày trên các giấy phép con, thông
tư, nghị định, dự thảo văn bản luật... mà dân chúng vẫn kêu giời "hành
là chính"; hoặc mỗi lần lấy ý kiến thì nhân dân lại tá hỏa vì sao lại
thế, để rồi cơ quan soạn thảo lại giải thích rằng đó là do quy trình,
hoặc "lỗi đánh máy".
Sở dĩ những người "nghĩ ngọng" không nhận ra mình đang "nghĩ ngọng" để
sửa là vì xung quanh ai cũng nghĩ như vậy cả. Dùng khái niệm "ngọng" để
ví von là bởi hiện tượng ở đây rất giống với những gì đang diễn ra trong
cộng đồng phương ngữ. Nghĩ ngọng là cả cơ quan cùng ngọng, cả nước cùng
nghĩ ngọng chứ riêng gì mình, nên không nhận ra. Nhưng dù không nhận ra
thì "nghĩ ngọng" vẫn là một hiện tượng có thật và phổ biến.
Vài năm nay, hàng nghìn giấy phép con được cắt giảm
ở khắp các bộ ngành. Câu hỏi đặt ra: ai chịu trách nhiệm cho việc chúng
ra đời từ đầu, và sự tồn tại của chúng đã gây ra những hệ lụy gì rồi?
Tôi lo ngại chuyện nghĩ ngọng hơn nói ngọng, là vì nói ngọng suy cho
cùng chỉ là câu chuyện cá nhân. Một người nói ngọng vẫn có thể có cuộc
sống hạnh phúc như thường. Nhưng nếu nghĩ ngọng, đặc biệt là ở những
người chịu trách nhiệm soạn thảo pháp luật và ban hành chính sách, thì
câu chuyện không còn là của cá nhân, mà là thảm họa chung, là lực cản
phát triển của xã hội.
Vậy nên, song song với việc sửa lỗi phát âm, nôm na gọi là sửa tật nói
ngọng cho giáo viên, còn phải nghĩ đến việc sửa tật "nghĩ ngọng" không
chỉ trong lĩnh vực giáo dục mà trong mọi lĩnh vực khác, đặc biệt trong
việc ban hành chính sách và pháp luật.
Giáp Văn Dương
(Góc Nhìn VNE)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét