8 thg 12, 2018

Những bức thư để đời (Kỳ 3): Quan Tổng đốc Hoàng Diệu xả thân giữ thành Hà Nội

Kỳ 3: Quan Tổng đốc Hoàng Diệu xả thân giữ thành Hà Nội

Năm 1880, trước khi lên đường đi nhậm chức Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội, Ninh Bình), Hoàng Diệu về quê thăm mẹ, có ghé làng Đông Bàn thăm Phạm Phú Thứ. Hai ông đàm đạo về thời thế rất lâu. Trước khi chia tay, hai vị quan đầu triều vái lạy tạ từ nhau. Ngờ đâu, đó lại là lời chào vĩnh biệt…
Lúc bấy giờ, người Pháp đã chiếm được toàn bộ miền Nam và từng đem quân ra đánh miền Bắc. Thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc quân vụ Bắc Kỳ Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết. May nhờ mưu kế của Tôn Thất Thuyết và Hoàng Tá Viêm mà Pháp buộc phải ký hoà ước trả lại thành Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định cho Việt Nam. Tuy nhiên, dã tâm của họ vẫn chưa hề vơi giảm.
Trong bối cảnh ấy, việc trấn giữ thành Hà Nội trở thành nhiệm vụ cấp bách, khó khăn và nguy hiểm. Nhiệm vụ ấy được vua Tự Đức giao phó cho Hoàng Diệu.

Quan Tổng đốc Hoàng Diệu xả thân giữ thành Hà Nội
Hoàng Diệu tên thật là Hoàng Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tỉnh Trai. Ông sinh ngày 10 tháng 2 năm Kỷ Sửu (1829) trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Xuân Đài, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Gia đình ông có bảy anh em thì một người đỗ phó bảng, ba người đỗ cử nhân và hai người đỗ tú tài trong các kỳ thi dưới thời vua Tự Đức.

Hoàng Diệu. (Ảnh: anhxua.com)

Vừa ra đến Hà Nội, Hoàng Diệu đã bắt tay ngay vào đào hào đắp luỹ, tổ chức phòng thủ, huấn luyện binh sĩ sẵn sàng nghênh địch. Nhận thấy lực lượng trấn thành binh mỏng khí thô, Hoàng Diệu nhiều lần dâng sớ xin triều đình chi viện. Nhưng khi ấy, triều đình Huế nhu nhược đương cơn hoảng loạn, nội tình mâu thuẫn rối ren, phe chủ hoà lấn lướt phe chủ chiến. Bởi vậy, sớ dâng của Hoàng Diệu không được hồi âm.
Thấy triều đình nhà Nguyễn đã run sợ, Pháp tìm cách gây sự hòng đưa quân ra Bắc. Năm 1882, Pháp phái 400 quân sĩ dưới sự chỉ huy của đại tá Henri Rivière ra Bắc, đóng tại Đồn Thuỷ cách thành Hà Nội 5km về phía bắc sẵn sàng chờ lệnh.
Trước tình thế đó, một mặt, Hoàng Diệu hạ lệnh giới nghiêm thành Hà Nội, yêu cầu các tỉnh xung quanh sẵn sàng chiến đấu; mặt khác, ông yêu cầu triều đình Huế gửi viện binh.
Tuy nhiên, vua Tự Đức cùng phe chủ bại chỉ lo làm mất lòng người Pháp thì sẽ không bảo toàn được ngai vàng và triều đình. Để xoa dịu người Pháp, không những không gửi thêm viện binh, nhà vua còn hạ chiếu quở trách Hoàng Diệu.
Thấy rõ triều đình Huế đã rệu rã tinh thần chiến đấu, ngày 25 tháng 4 năm 1882, đại tá Henri Rivière nghênh ngang cho tàu chiến áp sát thành Hà Nội, gửi tối hậu thư yêu cầu Tổng đốc Hoàng Diệu tự phá hệ thống phòng thủ trong thành, giải giới binh sĩ vào đúng 8 giờ, các vị quan trên dưới trong thành phải ra trình diện, tạo điều kiện để quân Pháp vào thành “kiểm kê”.
Để tránh thương vong, Hoàng Diệu phái quan Án sát Tôn Thức Bá đi điều đình với quân Pháp. Trước đó, Tôn Thức Bá đã cùng với quan Tổng đốc Hoàng Diệu và các bạn đồng liêu thề quyết tử với thành Hà Nội.
Tuy nhiên, Henri Rivière không hề đếm xỉa tới chuyện điều đình. Đúng 8h15 phút, không thấy các quan thủ thành ra trình diện, Henri Rivière hạ lệnh cho các tàu chiến nã pháo vào thành yểm trợ cho quân binh đổ bộ chiếm thành.

Quân Pháp tấn công thành. (Ảnh minh họa: mrsgeek.com)

Thấy quân Pháp nã pháo vào thành, Tôn Thức Bá hoảng sợ trốn chạy. Ông ta còn đích thân tìm đến nơi quân Pháp đồn trú, xin thông báo tình hình trong thành hòng mong được người Pháp đoái công. Chẳng những thế, Bá còn tự tay thảo sớ tâu vua đổ tội cho Hoàng Diệu, xin Pháp cho được làm Tổng đốc Hà Ninh thay Hoàng Diệu.
Trong tình cảnh bị tâm phúc phản bội, hoả binh Pháp mạnh hơn nhiều lần, quan Tổng đốc Hoàng Diệu vẫn chỉ đạo quân dân quyết chiến bảo vệ thành. Quân Pháp thiệt hại nặng nề, đành lui binh ra ngoài tầm bắn của quân dân Hà thành để bảo toàn lực lượng.
Tuy vậy, một biến cố bất ngờ xảy đến khiến đội quân của Hoàng Diệu rối ren – kho thuốc súng trong thành nổ tung khiến khói bụi mịt mù bao phủ khắp thành. Quân Pháp thừa cơ tấn công mạnh mẽ. Chỉ trong chốc lát, cổng Tây thành Hà Nội bị phá tan tành.
Trong lúc quân ta chưa kịp định thần, quân Pháp đã ùa cả vào thành. Quan binh dưới trướng Tổng đốc Hoàng Diệu cả kinh bỏ thành chạy thoát thân.
Trước thế tấn công như vũ bão của quân Pháp và lực lượng quân triều đình ngày càng mỏng hơn, cuối cùng, Hoàng Diệu đành hạ lệnh cho quân lính giải tán để tránh thương vong.
Còn lại một mình, Hoàng Diệu quay vào hành cung, cắn đầu ngón tay lấy máu thảo di biểu tạ tội với nhà vua. Sau đó, ông ra trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự vẫn để không rơi vào tay giặc.
Nghe tin Hoàng Diệu tuẫn tiết, sĩ dân Hà Nội vô cùng thương tiếc, ngay ngày hôm sau đã đưa thi hài ông về mai táng tại khu vườn dinh Đốc học. Gần nửa tháng sau, bà Hoàng Diệu “đang đi cấy, được tin, đứng mà mất”… [1]

Tượng thờ Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương trên vọng lâu Bắc Môn. (Ảnh: flickr.com)

Lá thư cuối cùng của quan Tổng đốc Hoàng Diệu gửi vua Tự Đức và triều đình
Có câu rằng: Lời nói phút lâm chung là lời chân thật nhất. Đọc bức di thư của Hoàng Diệu, chúng ta như được cùng thổn thức với tấm lòng sắt son của vị trung thần tiết liệt. Đau lòng thay, vị anh hùng dân tộc vào thời khắc cuối cùng ấy dường như rất… cô đơn! Triều đình thì dửng dưng trách phạt, tâm phúc thì làm phản, quan sĩ dưới quyền thì tháo chạy thoát thân… Nhưng chính cái rối ren của thời mạt ấy đã làm nổi bật lên đức sáng của ông: Người quân tử hành xử theo Đạo, chết cũng không hối tiếc. Đúng như câu thơ: “Tật phong tri kình thảo, bản đãng thức thành thần” (Gió lớn mới biết cỏ cứng, hỗn loạn mới biết trung thần – Đường Thái Tông).
Mà không! Hoàng Diệu chẳng hề cô đơn. Có một người chí đồng đạo hợp với ông, đang chờ đợi ông trở về: đó là Nguyễn Tri Phương.
Có lẽ vì thế mà hôm nay, tên của Tổng đốc Hoàng Diệu được đặt cho con đường rợp bóng cây xanh chạy phía Tây thành cổ, song song với phố Nguyễn Tri Phương. Bàn thờ ông cũng được lập bên cạnh bàn thờ quan Tổng đốc Nguyễn Tri Phương trên vọng lâu Bắc Môn, quanh năm mở cửa, để nhân dân lúc nào cũng có thể tới thắp nhang tri ân hai vị anh hùng đã xả thân vì thành Hà Nội.
Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với quý độc giả trích đoạn bức di thư của Tổng đốc Hoàng Diệu (Hoàng Tạo dịch):
“Tôi học lực thô sơ, trách nhiệm quá lớn, được ủy thác giữ cả một phương diện, trong khi ba cõi chưa yên. Một gã thư sinh vốn chưa quen việc chính trị, mười năm hòa ước, tin sao được lòng kẻ thù.
Tôi từ khi vâng mệnh ra đây đã được ba năm, thường huấn luyện quân sĩ, sửa sang thành trì, không những chỉ để củng cố đất ta, mà còn để ngăn chặn loài lang sói nữa.
Dè đâu chim còn đang ràng tổ, thú đã vội thay lòng, ngày tháng hai năm nay bỗng thấy tàu Tây tụ tập, đồn quân thêm nhiều, quân nó từ xa đến, lòng dân ta xôn xao.
Tôi thiết nghĩ Hà Nội là cổ họng của miền Bắc, mà là đất trọng yếu của nước nhà, nếu một khi mà đổ sụp thì các tỉnh khác cũng tan rã theo, vì thế tôi lấy làm lo sợ, một mặt kíp tư cho các hạt lân cận, một mặt báo tin lên triều đình, xin cho thêm quân để kịp đối phó.
Không ngờ mấy lần có chiếu xuống: Hoặc trách tôi là nắm binh quyền mà lòe nạt, hoặc kết tội tôi là xử lý chưa được thích nghi; cúi đọc lời phán truyền, thực nghiêm khắc hơn rìu búa! Kẻ dưới quyền thất vọng, khôn tính bước tiến lui.
Vẫn biết rằng chuyên chế kém tài, đâu dám cậy cái nghĩa bậc đại phu ra giữ bờ cõi, chỉ nơm nớp tự mình nhắc nhở, phải kính theo tấm lòng thờ vua của người xưa.
Hằng ngày bàn bạc với đôi ba người chức việc, có người bàn nên mở cổng cho chúng tự do ra vào; có người bàn nên rút hết quân đi, để chúng khỏi ngờ vực. Những kế đó dù tôi có phải nát thịt tan xương, cũng không bao giờ nỡ làm.
Việc điều động chưa xong thì chúng liền giở mặt. Ngày mồng 7 tháng này, chúng hạ chiến thư, ngày hôm sau là chúng tiến đánh, quân chúng đông như kiến tụ, súng chúng gầm như sấm vang; ngoài phố lửa cháy tràn lan, trong thành ai nấy táng đởm, tôi vẫn gượng bệnh đốc chiến, đi trước quân lính, bắn chết được hơn trăm tên, giữ thành được nửa ngày.
Vì chúng nó sung sức mà quân ta kiệt hơi rồi, lại thêm tuyệt đường cứu viện, thế lâm đường cùng, quan võ thì sợ giặc chạy trốn từng đàn, quan văn nghe gió cũng chạy theo nốt! Lòng tôi đau như cắt, một tay không thể duy trì. Đã không tài làm tướng, than thân sống cũng bằng thừa; thành mất cứu không xong, biết chắc chết không hết tội! Rút lui để tính toán về sau ư? Mưu trí đã thua Tào Mạt, cắt cổ để cho tắc trách, hành vi đành bắt chước Trương Tuần! Dám rằng trung nghĩa gì đâu, chẳng qua sự thế phải thế!
Trung nguyên mà đắm chìm thành đất giặc, sống càng sạn mặt với nhân sĩ kinh kỳ, cô trung quyết sống thác với thành Rồng (Thăng Long thành) thì xin theo bậc tiên thần họ Nguyễn (Nguyễn Tri Phương) dưới chín suối!
Mấy dòng lệ máu, muôn dặm cửa trời, chỉ mong rực rỡ đôi vầng, xét soi thấu tấc son là đủ!”
Thanh Ngọc(daikynguyen.com)
Chú thích:
[1] Theo Trai nước Nam làm gì, Hoàng Đạo Thuý.
Tham khảo:
https://www.dkn.tv/van-hoa/tong-doc-ha-thanh-hoang-dieu-va-cai-chet-khien-nguoi-anh-hung-song-mai.html
http://www.hoangthanhthanglong.vn/blog/quan-tong-doc-hoang-dieu-vi-quan-tran-thanh-ha-noi-kien-trung/211

http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/nha-vat/201710/hoang-dieu-va-thanh-guom-de-lai-763080/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét