25 thg 12, 2018

Nói về chuyện hiếm có, hi hữu vì sao người xưa dùng câu: ‘Không tiền tuyệt hậu’?

Khi miêu tả về những sự việc hiện tượng hiếm có, độc nhất vô nhị, trước đây chưa từng có và sau này cũng sẽ không có… người ta thường hay nhắc đến câu thành ngữ ‘Không tiền tuyệt hậu’. Vậy thành ngữ này có nguồn gốc từ đâu?
Thành ngữ này có xuất xứ từ “Tuyên hòa họa phổ”, liên quan đến câu chuyện kể về ba danh họa thời cổ ở vùng đất Trung Nguyên là: Cố Khải Chi triều nhà Tấn; Trương Tăng Dao thời Nam Bắc Triều và Ngô Đạo Tử triều nhà Đường.


Cố Khải Chi triều nhà Tấn là một người tài ba xuất chúng, nhất là về mặt hội họa. Nhân vật và hình tượng trong tranh của ông đều rất sống động và đạt mức truyền thần. Nhưng điều khác biệt là mỗi khi ông vẽ nhân vật thì không bao giờ vẽ mắt trước. Có người hỏi ông tại sao thì ông trả lời rằng:
– Nơi truyền thần nhất của nhân vật chính là ở chỗ này.
Một lời nói vậy thôi đã bao hàm được tất cả và rất sáng tỏ, nên khiến mọi người đều khâm phục. Thời bấy giờ người ta vẫn gọi ông là “Tam Tuyệt”. Tức: Tài tuyệt, Họa tuyệt và Si tuyệt.

Tác phẩm Lạc phú thần đồ của Cố Khải Chi. (Ảnh: Chinawhisper.com)

Trương Tăng Dao thời Nam bắc triều là người có sở trường vẽ tranh sơn thủy và tượng phật. Ông là người triều nhà Lương thời Nam Bắc Triều.
Hoàng đế đương triều lúc bấy giờ là Lương Võ Đế cho xây dựng khá nhiều chùa chiền tháp phật, mà những tranh vẽ trong các chùa chiền này đều là tác phẩm của Trương Tăng Dao. Nghe nói, ông đã từng vẽ bốn con rồng trên tường chùa nhưng đều không có mắt. Có người hỏi tại sao thì ông trả lời rằng:
– Vẽ thêm mắt thì tôi chỉ lo những con rồng này sẽ phá tường bay lên.
Mọi người nghe vậy đều không tin, Trương Tăng Dao thấy vậy liền điểm mắt cho hai con rồng, thì quả nhiên chúng phá tường bay vút lên. Qua đó, có thể thấy tài vẽ của ông cao siêu tới mức nào.
Còn Ngô Đạo Tử triều nhà Đường lại là nhà danh họa kiêm thư pháp. Tranh sơn thủy và các bức họa về chủ đề Phật giáo của ông lừng danh thiên hạ. Nghe nói, bức tranh “Địa ngục biến tướng” của ông trên chùa Cảnh Huyền, tuy không vẽ hình ma quỷ nhưng lại khiến người ta cảm thấy rất khủng khiếp. Có khá nhiều phạm nhân sau khi xem tranh ông vẽ đã phải ăn năn hối lỗi, rồi bỏ ác làm việc thiện.

Tranh Khổng Tử do Ngô Đạo Tử vẽ. (Ảnh: wikipedia.org)

Người đời sau khi bình luận về ba danh họa này cho rằng, tài năng của Cố Khải Chi đã vượt xa người đời trước. Tranh của Trương Tăng Dao thì người đời sau không ai bì kịp. Còn tranh của Ngô Đạo Tử thì kiêm cả sở trường của hai người kia, cũng tức là nói: “Không tiền tuyệt hậu”.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ: “Không tiền tuyệt hậu” để ví với sự vật hiện tượng hiếm có, độc nhất vô nhị, trước sau đều không có ai sánh kịp.

Đường Trung Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét