Thế giới chứng kiến một loạt cuộc gặp thượng đỉnh hạ nhiệt bán đảo Triều Tiên, nhưng cũng đối mặt với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các vụ đụng độ và nhiều thiên tai, thảm họa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore hôm 12/6. Ảnh: AFP.
|
Sau hội nghị, Mỹ chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, trong
khi Triều Tiên đồng ý trao trả hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh và
phá dỡ một số cơ sở thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tên lửa. Tuy nhiên, nỗ
lực phi hạt nhân hóa bán đảo không tiến triển như kỳ vọng, khi Triều
Tiên được cho là vẫn tiếp tục mở rộng các cơ sở tên lửa, hạt nhân, còn
Mỹ vẫn duy trì chiến dịch gây sức ép tối đa. Bộ Ngoại giao Triều Tiên
ngày 16/12 cảnh báo rằng hành động này của Mỹ sẽ "chặn đứng nỗ lực giải
giáp vũ khí hạt nhân mãi mãi".
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được dự đoán sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Ảnh: CNN.
|
Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai siêu cường Mỹ - Trung trở nên quyết
liệt từ tháng 7, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định áp
thuế với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, châm ngòi cho
chiến tranh thương mại giữa hai nước. Bắc Kinh đáp trả theo chiến thuật
"ăn miếng trả miếng", khiến Trump tung đòn áp thuế tiếp theo, nâng giá
trị hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc áp thuế lẫn nhau lần lượt là 250 tỷ USD
và 110 tỷ USD.
Chiến tranh thương mại được cho là một khía cạnh trong chiến lược của Mỹ
nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền
Trump ngày càng lo ngại với các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên
Biển Đông, sáng kiến Vành đai và Con đường hay các hành vi thương mại
bất bình đẳng cũng như tình trạng ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ và gián
điệp mạng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN.
|
Cuộc ganh đua này khiến nhiều người lo ngại về "Chiến tranh Lạnh mới"
giữa Mỹ và Trung Quốc. Dù lãnh đạo hai nước mới đây nhất trí ngừng áp
thêm thuế với hàng hóa của nhau, đây mới chỉ được coi là "giải pháp đình
chiến" khó có thể giải quyết được mâu thuẫn gay gắt giữa hai nước. Khi
thời gian đình chiến này hết hiệu lực vào tháng 3, chiến tranh thương
mại rất có thể sẽ tiếp diễn quyết liệt hơn và có nguy cơ đẩy kinh tế
toàn cầu vào tình trạng suy thoái.
Kim - Moon ba lần gặp thượng đỉnh
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon
Jae-in tại đường ranh giới quân sự giữa hai nước trong cuộc họp thượng
đỉnh đầu tiên hôm 27/4./18 Ảnh: AFP.
|
Quan hệ hai miền Triều Tiên chứng kiến bước ngoặt lịch sử vào ngày 27/4, khi Tổng
thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu
tiên gặp nhau tại Khu Phi quân sự (DMZ) nhằm thảo luận về phi hạt nhân
hóa, xây dựng hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo và phát triển quan hệ liên
Triều.
Cuộc gặp mở đầu cho thời kỳ nồng ấm mới trên bán đảo cũng như tạo tiền
đề cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald
Trump dọa hủy hội nghị với Triều Tiên, Kim - Moon bất ngờ có cuộc gặp
lần hai vào ngày 26/5 tại DMZ nhằm tái nhất trí lập trường hướng tới hòa
bình và cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa, tạo điều kiện cho thượng
đỉnh Mỹ - Triều diễn ra như kế hoạch.
Tổng thống Hàn Quốc hôm 18/9 bay tới Bình Nhưỡng và có hội nghị thượng
đỉnh lần ba với lãnh đạo Triều Tiên nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt
nhân hóa đang bế tắc. Các cuộc gặp này được đánh giá là có vai trò lớn
trong "phá băng" quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ với Triều Tiên, nhưng vẫn
chưa thể đóng vai trò quyết định trong nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn
bán đảo Triều Tiên giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Mỹ, Anh, Pháp không kích Syria
Hệ thống phòng không Syria khai hỏa đánh chặn tên lửa Mỹ ngày 14/4.. Ảnh: AP.
|
Liên quân Mỹ, Anh và Pháp ngày 14/4 phóng 105 tên lửa hành trình tấn
công ba cơ sở bị nghi sản xuất, tàng trữ vũ khí hóa học của Syria, sau
khi cáo buộc quân đội nước này dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường ở
thành phố Douma, Đông Ghouta làm khoảng 70 người chết.
Mỹ muốn vạch "lằn ranh đỏ" về việc sử dụng vũ khí hóa học với Syria bằng
đòn không kích này, dù cáo buộc của họ bị Damascus và Moskva bác bỏ và
cuộc tấn công cũng vấp phải sự đáp trả quyết liệt từ phòng không Syria.
Quân đội Syria không bị thiệt hại đáng kể sau trận không kích.
Cuộc tấn công không làm thay đổi cục diện chiến trường, nhưng cho thấy
Mỹ không thực sự có chiến lược dài hạn đối với vấn đề Syria, khi Tổng
thống Donald Trump trước đó không lâu tuyên bố muốn rút quân khỏi Syria.
Sau cuộc không kích, Trump thay đổi quan điểm và khẳng định sẽ tiếp tục
sự hiện diện quân sự lâu dài tại Syria, nhưng ngày 19/12 lại tuyên bố
đã "đánh bại IS". Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nước này đang cân
nhắc rút quân "toàn bộ và nhanh chóng" khỏi quốc gia Trung Đông này.
Nga bắt tàu chiến Ukraine
Ba tàu chiến Ukraine bị bắt và áp giải tới cảng Kerch trên bán đảo Crimea. Ảnh: TASS.
|
Căng thẳng âm ỉ nhiều năm qua giữa Nga và Ukraine bất ngờ bùng phát vào
ngày 25/11, khi cảnh sát biển Nga nổ súng bắt ba tàu chiến Ukraine đang
tìm cách băng qua eo biển Kerch để tiến vào Biển Azov. Moskva cáo buộc
các thủy thủ trên tàu chiến Ukraine xâm phạm lãnh hải và phớt lờ mệnh
lệnh, trong khi Kiev khẳng định hải quân của họ chỉ đang thực hiện quyền
tự do hàng hải.
Nga tuyên bố sẽ xét xử các thủy thủ Ukraine bị bắt. Tổng thống Ukraine
Petro Poroshenko phản ứng bằng cách thiết quân luật trong vòng 30 ngày
tại các khu vực giáp biên giới Nga, đồng thời kêu gọi phương Tây có các
biện pháp can thiệp. Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hủy cuộc gặp
theo kế hoạch với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G20 ở
Argentina để phản đối hành động này của Moskva.
Điện Kremlin cho rằng Tổng thống Ukraine đang có các hành động "khiêu
khích nguy hiểm" nhằm tăng tỷ lệ ủng hộ trong cuộc bầu cử sắp
tới. Moskva cũng đưa thêm nhiều vũ khí hiện đại tới bán đảo Crimea để
tăng cường khả năng phòng thủ.
Tuy các nước phương Tây không tiến hành các biện pháp quân sự đáp trả
Moskva theo lời kêu gọi của Kiev, vụ bắt tàu chiến sẽ ảnh hưởng rất lớn
đến nỗ lực hòa giải của Tổng thống Vladimir Putin với châu Âu và một lần
nữa cho thấy quan hệ giữa Nga với NATO vẫn rất căng thẳng, có thể làm
bùng phát xung đột từ những sự cố bất ngờ.
Nhà báo Khashoggi bị sát hại
Nhà báo Arab Saudi Jamal Khashoggi. Ảnh: AP.
|
Nhà báo 60 tuổi Jamal Khashoggi biến mất hôm 2/10 khi tới lãnh sự quán
Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ làm thủ tục kết hôn. Thổ Nhĩ Kỳ mở
cuộc điều tra, cáo buộc các đặc vụ Arab Saudi sát hại ông này. Sau nhiều
lần bác bỏ, Riyadh cuối cùng thừa nhận Khashoggi đã bị giết, tuyên bố
truy tố 11 người, trong đó 5 nghi phạm có thể lĩnh án tử hình.
Vụ sát hại Khashoggi làm dấy lên làn sóng phẫn nộ toàn cầu do nhóm sát
thủ bị cáo buộc có những hành động "man rợ" như cưa xác và dùng axit
tiêu hủy thi thể nạn nhân, đồng thời châm ngòi cho cuộc khủng hoảng
ngoại giao tại Arab Saudi. Các nước Mỹ, Pháp, Đức đã áp lệnh trừng phạt
với những quan chức bị nghi ngờ liên quan đến sự việc. Thái tử Arab
Saudi Mohammed bin Salman hứng chịu nhiều áp lực từ dư luận khi bị nghi
ngờ là người đứng sau vụ sát hại Khashoggi.
Thượng viện Mỹ mới đây thông qua nghị quyết cáo buộc Thái tử Mohammed ra
lệnh giết Khashoggi nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiều lần
khẳng định không có bằng chứng trực tiếp cho thấy Thái tử liên quan đến
vụ giết nhà báo và liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ
đồng minh giữa Washington và Riyadh.
Sau nghị quyết của thượng viện Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ theo đuổi đến
cùng cuộc điều tra. Giới quan sát cho rằng Ankara muốn nhân vụ này tăng
cường sức ép địa chính trị với đối thủ Riyadh, lôi kéo Mỹ "xoay trục"
quan hệ đồng minh từ Arab Saudi sang phía mình.
Cuộc giải cứu đội bóng trong hang Thái Lan
Một thành viên trong đội bóng Lợn Hoang trong hang Tham Luang trước khi được giải cứu. Ảnh: SEAL.
|
Chuyến thám hiểm hang Tham Luang ở phía bắc Thái Lan của huấn luyện viên
và 12 cầu thủ nhí đội bóng Lợn Hoang hôm 23/6 đã vô tình dẫn tới cuộc
giải cứu kịch tính nhất năm với sự tham gia của khoảng 1.000 chuyên gia,
thợ lặn, đặc nhiệm và binh sĩ tinh nhuệ nhất từ 8 quốc gia.
Mưa lớn khiến đội bóng kẹt sâu trong hang tối suốt 9 ngày trước khi được
các thợ lặn tìm thấy, nhưng đây mới chỉ là khởi đầu của cuộc chạy đua
với thời gian để đưa các nạn nhân ra ngoài. Điều kiện khắc nghiệt trong
hang khiến một thợ lặn thiệt mạng khi tham gia chiến dịch giải cứu,
nhưng không làm chùn bước những người còn lại.
Sau nhiều ngày lập kế hoạch, thảo luận các phương án, chiến dịch giải
cứu được tiến hành theo ba đợt trong sự dõi theo và cầu nguyện của cả
thế giới. Các thiếu niên lần lượt được đưa ra ngoài qua những ngách hang
hẹp ngập nước. Người cuối cùng được giải cứu vào ngày 10/7, kết
thúc một trong những chiến dịch tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn nhất trên
thế giới.
Những hiểm nguy rình rập trong quá trình giải cứu, lòng quả cảm của các
thợ lặn và nghị lực của chính những cậu bé mắc kẹt đã chạm tới trái tim
của hàng triệu người trên thế giới, khiến chiến dịch được ví như "điều
tuyệt vời mà nhân loại chúng ta có thể thể hiện".
Thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia
Thánh đường Hồi giáo ở thành phố Palu sập mái, ngập nước sau động đất hôm 28/9. Ảnh: Reuters.
|
Thành phố Palu, tỉnh Sulaweisi, Indonesia hôm 28/9 hứng chịu thảm họa
kép tồi tệ khi trận động đất mạnh 7,5 độ kích hoạt sóng thần ập vào bờ
biển khiến hơn 2.200 người chết, 1.000 người mất tích, hàng chục nghìn
nhà cửa, công trình bị phá hủy với thiệt hại kinh tế khoảng 1,22 tỷ USD.
Thành phố Palu với 335.000 dân và thị trấn Donggala cạnh đó gần như bị
phá hủy hoàn toàn sau thảm họa. Các chuyên gia cho rằng vị trí địa lý
nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương" cùng địa hình vịnh dài và hẹp
khiến Palu hứng chịu thiệt hại lớn. Nền đất yếu bị "hóa lỏng" trong động
đất, cộng với hệ thống cảnh báo sóng thần không hoạt động và sự chủ
quan của người dân khiến hậu quả nặng nề hơn.
Giới chức Indonesia ước tính cần ít nhất 657 triệu USD cho chương trình
tái thiết và tái định cư ở Palu, với sự hỗ trợ của nhiều quốc gia trên
thế giới.
Ban Thế giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét