19 thg 11, 2018

Thực tế xã hội và những điều trần của Nguyễn Trường Tộ (Từ Nghiên Cứu Lịch Sử )

28tiepdn_thuyentruongsimonb
Các quan ta tiếp đãi Simon, thuyền trưởng chiến hạm Le Forbin, đến Đà-Nẵng yêu cầu triều đình gửi Toàn quyền đại thần vào Gia-định thương thuyết. Thông ngôn: Trương Vĩnh Ký và Cố Trường (Le Grand de la Liraye)
Tôn Thất Thọ
      Nguyễn Trường Tộ (NTT) (1830 ? – 1871) là một trong những nhân vật của lịch sử cận đại. Kể từ sau tháng 11-1925 là năm đầu tiên Tạp chí Nam Phong công bố bản điều trần (hay di thảo số 1) của ông bằng Hán Văn, thì sau đó đã có một làn sóng ca ngợi ông như một nhân vật kiệt xuất. Năm 1941, ông Nguyễn Lân (bút danh là Từ Ngọc) đã viết và xuất bản cuốn Nguyễn Trường Tộ, trong sách này tác giả đã coi Nguyễn Trường Tộ (NTT) là một “bậc vĩ nhân đệ nhất của nước Nam, đáng cả quốc dân tôn sùng, dựng tượng đồng bia đá”, Nguyễn Trường Tộ là một nhà “đại học vấn, đại kiến thức, đại tư tửng, đại nghị luận”!.
       Trong sách Lịch sử Việt Nam, ông Đào Duy Anh đã để một chương để nói về các đề nghị cải cách của Nguyễn Trừong Tộ. Ông cho Nguyễn Trường Tộ là một trong “những nhà chí sĩ thức thời, hiểu rõ sự cần thiết đổi mới, là một nhà nho học, nhờ một người giáo sĩ đạo Thiên chúa dạy cho chữ Pháp và đem du lịch ở Âu châu trong ít năm, nên lại có thêm được cái học thiết thực của một nhà tân học. Từ năm 1861 đến năm 1871, thấy việc nước một ngày một khó, thế nước một ngày một suy, nghỉ trù nghĩ những phương sách làm cho dân giàu nước mạnh, và dùng hết lời lẽ thống thiết để đưa lên triều đình mấy chục xấp điều trần.”
        Nhìn chung, hàng chục năm gần đây, khi bàn về Nguyễn Trường Tộ chúng ta cũng vẫn có khuynh hướng đề cao ông, cũng như các đề nghị cải cách của ông mà ta vẫn gọi là bản điều trần.
         Vai trò Nguyễn Trường Tộ trong lịch sử thực sự ra sao ? Các đề nghị cải cách của ông, nếu được thi hành, có khả năng làm cho nước Việt Nam trở nên giàu mạnh như Nhật Bản hay các nước Tây phương hay không ?
         Sách Đại Nam thực lục do Quốc Sử Quán soạn chép về ông dưới thời vua Tự Đức (1847-1883) như sau:
“ Bính Dần 1866, tháng 5 mùa hạ : Sai Lang trung là Hồ Văn Long, cùng với dân đi đạo là Nguyễn Trường Tộ đi từ Quảng Bình ra Bắc, đến địa phận núi Hải Dương để tìm kiếm than mỏ .”(sđd T7, tr. 997).
Tháng 7 mùa thu : Sai Giám mục nước Phú Lãng Sa là Hậu cùng với đồ đệ là Nguyễn
Trường Tộ, Nguyễn Điều sang nước Tây thuê thợ và mua máy móc” (sđd tr. 1012).
“Canh Ngọ 1870 mùa thu tháng 9:  Dân theo đạo ở Nghệ An là Nguyễn Trường Tộ mật tâu 2 cách về việc đối với nước Tây:
– Xin sai người đi đến Gia Định dò thám, dâng kế khiến cho tướng Pháp trả lại ta sáu tỉnh, mang cả quân về nước, để dẹp nạn trong nước, rồi lại sang buôn bán như người Anh ở Hạ Châu (tức Mã Lai).
– Cần chơi thân với người Anh, nước ấy thấy ta cần đến người ANh, mới dễ nguôi lòng về bàn định hòa ước. Lại phái người sang thủ đô nước Anh thăm dò, tùy tiện bày kế.
– Trần Tiễn Thành nhân xin sai Nguyenx Hoằng (người bên đạo sang sai phái) đi sang nước Pháp bảo là cho người đi học, rồi nhân tiện cho Nguyễn Trường Tộ theo sang để trình bày lợi hại với viên cố đạo tây và xem sự thể tình hình các nước Anh, Nga, Úc, Phổ. Và nước Pháp vẫn trông cậy ở 2 nj Công hầu và Thứ dân, nên ngầm thương thueets với 2 viện đó, có cơ hội gì lần lượt tâu về
        Vua nghĩ Trường Tộ tâu về việc quốc quân hệ trọng, cho triệu về Kinh để hỏi (Trường Tộ trước đã sang Tây du học lâu ngày).” (sđd, tr.1248).
         Qua đó ta thấy dưới triều đại nhà Nguyễn, mà cụ thể là thời Tự Đức, NTT được ghi nhận 3 trường hơp:
– Ông đã được cử đi tìm mỏ than (1866).
– Được cử sang Pháp thuê thợ và mua máy móc (1887).
– Dâng kế lên vua Tự Đức để lấy lại 6 tỉnh đã mất (1870).
        Những điều đó ít nhiều cho ta thấy vua Tự Đức không phải không biết gì. Triều đình đã giao nhiệm vụ cho ông trong một số công việc. Đến năm 1870, sử ghi chép cụ thể những điều ông đề đạt, và chính đích thân nhà vua đã mời ông đến để hội với đình thần.
         Thế nhưng, trong cuốn Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo (2002), tác giả Trương Bá Cần đã cho công bố 58 bản di thảo của ông qua bản dịch chữ quốc ngữ. Tác giả cho biết là  dựa vào những bản chữ Hán được sao chép lại do bản gốc đã bị thất lạc. Bản thứ nhất ghi thời gian là tháng 3-4 năm 1863; bản 55 vào tháng 10-11 năm 1871; ba bản cuối không thấy đề thời điểm viết ra.
          Về lý do mấy chục bản điều trần bản gốc bị thất lạc là một điều rất cần tìm hiểu, nhất là đối với các nhà nghiên cứu lịch sử. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn về việc thực hiện được hay không nội dung của những bản điều trần đó, trong bối cảnh thực tế nước nhà lúc bấy giờ.
         Như chúng ta đã biết, từ năm 1862, Pháp đã cưỡng chiếm 6 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vì thế,  nhiệm vụ cấp bách của triều đình lúc đó là làm sao để  tập hợp mọi lực lượng để giữ nước, không để bị mất đất nhiều hơn. Ngoài nhiệm vụ này không có nhiệm vụ nào khác. Âm mưu của thực dân Pháp đã được vua Tự Đức chỉ rõ : “chúng như một bầy hổ đói…”, vì thế , đòi hỏi từ bỏ nhiệm vụ hàng đầu để hòa mà lo việc cải cách là một điều không có nhà lãnh đạo nào có thể thực thi. Hơn nữa, khi đưa ra những đề nghị cải cách đó, NTT cũng đã nhận rằng, nhân dân Việt Nam phải làm ăn chung đụng mười năm với người Âu thì tài nghệ người Việt mới bằng người Âu. Do đó, những cải cách của ông chỉ có thể thi hành được khi Việt Nam có một khoảng thời gian rảnh tay chừng trên dưới 10 năm (theo NTT). Thực tế lúc đó, thực dân Pháp đã không để yên cho Việt Nam, không để triều đình nghỉ ngơi bàn nghị để thi hành cải cách. Chúng áp dụng chính sách “tàm thực”, đánh chiếm nơi nọ xong là đánh chiếm nơi kia, như vậy các đề nghi cải cách của NTT nếu được chấp nhận cũng không có thời gian để thực hiện…
         Nhưng giả sử các đề nghị ấy được thi hành, thì theo chúng tôi, kết quả cũng rất khó làm cho nước Việt trở thành giàu mạnh, có khi tạo điều kiện cho thực dân dễ dàng chiếm trọn nhanh chóng cả Bắc Kỳ và Trung Kỳ hơn ! Với hiện trạng đất nước đã mất 6 tỉnh Nam Kỳ, nếu muốn thi hành cải cách theo ý của NTT, triều đình Huế không thể không trông vào sự “giúp đỡ” của thực dân Pháp. Chính NTT cũng nhận thấy rằng sự giúp đỡ của thực dân Pháp là một tất yếu trong công cuộc cải cách, nhằm đưa đất nước vào con đường tư bản chủ nghĩa. NTT đã từng khuyên triều đình Huế nhờ các Hội Kinh doanh ngoại quốc của tư bản Pháp làm các công việc như tìm mỏ, khai mỏ, xây dựng cửa bể, dựng nhà máy…Các Hội Kinh doanh ngoại quóc mà NTT muốn nhờ cậy đó là ai, nếu không phải là các tổ chức thực dân chuyên chỉ huy và phát động các cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa ? Nếu chúng ta biết rằng trong chính sách xâm lược hồi đầu thế kỷ XVII, công ty thương nghiệp Đông Ấn độ đã đóng một vai trò rất quan trọng, thì chúng ta thấy rằng nếu giao các công việc tìm mỏ, khai mỏ, xây dựng cửa bể, nhà máy…cho các Hội Kinh doanh ngoại quốc nói trên khác nào giao vận mệnh Tổ quốc cho bọn trùm kẻ cướp ?
        Chúng ta không biết ở thời đại ông, NTT có biết được những điều đó không, hay ông chỉ nhìn những Hội Kinh doanh là những tổ chức thương nghiệp hoặc công nghiệp thuần túy. Ông có nhận thức được đó là các Hội Kinh doanh ấy chỉ là các tổ chức xâm chiếm thuộc địa dấu tên mà thực tế gần một thế kỷ qua lịch sử thế giới đã chứng minh điều đó ?
        Nhân đây xin được trích lại một nhận định có tính khái quát về những bản điều trần của NTT.Tác giả Bùi Kha trong cuốn Nguyễn  Trường Tộ và vấn đề canh tân xuất bản năm 2011 do NXB Văn Học phát hành đã có đánh giá riêng, đành có có phần chủ quan nhưng không phải là không có cơ sở:
        “Điều quan trọng là qua 58 bản điều trần xếp theo thứ tự thời gian, chúng ta thấy tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ không được bố cục một cách nhất quán, mà viết theo biến chuyển của tình hình quân sự và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, cũng như viết theo bối cảnh lịch sử thời bấy giờ để xoáy vào chủ điểm chính: Tại sao nên hợp tác với Pháp. Với giọng văn điêu luyện, sắc sảo, chúng ta thấy Nguyễn Trường Tộ đã sử dụng hai luận điểm chính để thuyết phục dân Đại Nam nhất là triều đình Tự Đức. Hai luận điểm có tính chiến lươc và chiến thuật có thể đặt tên là “củ cà rốt” và “cục xương”.
        Chiếc thuật “củ cà rốt” là đưa ra một miếng mồi béo bổ như khai thác hầm mỏ, sử dụng tài nguyên thiên nhiên…để làm cho dân giàu nước mạnh. Muốn đạt được mục đích đó thì phải làm gì ? Trả lời: Phải hợp tác với Pháp, phải cầu khẩn Giáo hoàng La Mã giúp sức như trong di thảo số 5.
         Chiến thuật “cục xương” là đưa ra một số đề nghị không thể thực hiện được như chỉnh trang võ bị, đào kênh từ Hải Dương đến Huế …(di thảo số 27) để qua đó muốn triều đình nhà Nguyễn mất thì giờ gặm nhấm “cục xương” để không làm gì khác hơn…” (sđd, tr. 37-38).
          Trích đoạn nhận định của tác giả Bùi Kha ở đây, mục đích người viết chỉ muốn góp phần lý giải thêm về việc tại sao triều đìnhTự Đức không thực hiện những điều đó, và nếu thực hiện thì kết quả sẽ như thế nào ?
—————————
Tài liệu tham khảo:
– Từ Ngọc Nguyễn Lân, Nguyễn Trường Tộ, Nxb Mai Lĩnh, 1941.
– Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến TK XIX, Nxb KHXH, 2013.
– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục T7, Nxb Giáo Dục, 2007.
– Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ con người & di thảo, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2002.

– Bùi Kha- Trung tâm Nghiên cứu Quóc học, Nguyễn Trường Tộ & vấn đề canh tân, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét