Ra khỏi nhà ga, thay vì theo con đường hẻm nhỏ, tắt ngang phố tới văn phòng làm việc như thường ngày, Hiển đi ngược lên khu chợ người Việt, tìm mua trước hộp xôi đậu phọng, để ăn trưa hôm nay, vì phải cố làm cho xong số hồ sơ cần gấp của một người khách mà anh đã lỡ hẹn, thứ xôi mà có vài lần, chị Diên, người thư ký, mua từ chỗ một bà bác già, thường ngồi bán ở một góc vĩa hè, đầu dãy tiệm ăn dọc đường Nicholson, đem về mỗi khi công việc quá bận, xôi ăn rất ngon, ngon không thua gì thứ xôi mà những ngày còn nhỏ ở quê nhà, cái xóm nhỏ, bên bờ vàm cuối ấp Cây Bần, đường lên chợ Gò Chùa, Hiển đã được ăn. Làm việc ở đây tính cũng đã vài năm, khi về dưới này từ miệt trên Blackburn khá xa, từ nhà, căn nhà cây nhỏ, nhiều hoa hơn lá, cuối con đường cụt ngó ra công viên khu phố Yarraville của một cặp vợ chồng già người Anh, về hưu, dọn đi Brisbane trốn cái lạnh Melbourne với giá rẽ, thỉnh thoảng ông bà về chơi cũng có ghé qua thăm. Bằng xe lửa, cứ lên ga xuống ga Footscray ngày này qua ngày nọ, biết bên khu chợ người mình đó nhưng ít khi qua, cần gì thì phía bên này phố có đủ và dãy tiệm tạp hóa cũng không thiếu món nào, bước xuống lầu thì đã ở ngay trước mặt, cũng không cần chờ băng qua bên kia đường.
Đường tới nhà ga đông nghẹt người, học trò, công nhân, thầy thợ hối hả, chẳng ai nhìn ai, tay xoa tay suýt cái lạnh của trời chớm thu, cứ một đường, chân đuổi nhau mà đi cho kịp chuyến xe lửa ngược xuôi nào đó. Trời chưa sáng hẳn, nhưng trong xanh và có chút nắng sớm, ngược chiều đám đông, quẹo trái vào khoảng đường bên hông chợ, trước mặt không mấy xa, một đám con gái, học sinh trường nữ trung học Gilmore vây quanh ở góc vĩa hè, chỗ bà bác bán xôi, tay nắm tay cầm mấy hộp cười nói tíu tít, Hiển khẻ nhìn đứng sau lưng thong thả chờ, đám con gái bỏ đi, Hiển lại gần hỏi mua, bà sửa thế ngồi trên cái ghế đẩu thấp bằng nhựa cũ, đặt sát cái thùng cũng bằng nhựa trắng, bà lấy một trong số mấy hộp xôi còn lại trong đó, kéo cái khăn màu xám như khăn mỏ quạ đội đầu che khuất ngang mặt, vén lên cao, vừa đưa hộp xôi vừa ngước mặt lên nói nhẹ “cám ơn cậu”, chưa kịp nhìn kỹ mặt, Hiển giựt thót mình khi thấy ngón tay út mất đi hai lóng phía ngoài và cái mục ruồi đen trên mép ngoài bàn tay trái đang cầm gói xôi của bà, Hiển chết đứng, đúng là bàn tay trái của mẹ nuôi mình, má Thắm, thấy Hiển chưa cầm lấy, bà ngẫng đầu nhìn lên lần nữa cười, Hiển ngồi quỵ xuống, ôm chầm lấy tay bà, hộp xôi rớt trên nền gạch, bật khóc “má ơi, má ơi, thằng Hiển đây, thằng Hiển nè má ơi”, bà chưng hửng một lúc, há hóc miệng ngơ ngác, rồi cũng khóc theo “Hiển đây sao con, phải con không?”, chừng đó thôi, hai mẹ con ôm nhau sụt sùi, chợ bắt đầu đông người, tiếng xe tiếng người rộn rã chỗ này chỗ kia, Hiển ngồi bệt xuống kế bên, thùng xôi không mở nắp, bà kéo khăn che đầu quẹt nước mắt, lâu rồi mà hai mẹ con vẫn còn rấm rứt ở đó.
*
Chị Thêu, mẹ của Hiển mất vào rạng sáng một ngày mưa dầm đầu hè, vừa bải trường cuối năm lớp ba, sau những ngày ra vào bệnh viện, dưới quận trên tỉnh vì bệnh ung thư gan, kéo dài từ một năm qua, Hiển thẩn thờ, ngơ ngác, khóc sụt khóc sùi “má ơi má ơi”, chị ba Thắm nhà bên cạnh, vốn là bạn thân của mẹ Hiển dưới miệt Cần Đước Long An bỏ xứ theo lên lấy chồng ở Gò Chùa, cùng bà con xung quanh trong ấp, xúm nhau một tay, mấy nén nhang, vài mâm cây trái nhà quê, đem chôn bên cạnh mộ chồng, anh Đúng, ba của Hiển, mất năm Hiển vừa tròn ba tuổi, tại cái nghĩa địa đất khô cằn nức nẻ ở cuối ấp, phía đầu con rạch nhỏ ra vàm. Anh Đúng, là lính nghĩa quân xã, hiền hậu vui tươi, không may bị quân du kích Việt cộng bắn chết giữa khuya một ngày tối trời, khi anh cùng toán nghĩa quân đi tuần về, bên ngoài hàng rào đầu khúc bờ ấp chiến lược bị phá bỏ sau ngày có đảo chánh dưới Sài Gòn. Thương cho cảnh tình côi cúc, nhỏ dại của Hiển, một thân một mình, người trong ấp bàn với mấy bác hội đồng Xã, định sắp xếp đưa Hiển lên cô nhi viện tòa thánh trên Long Hoa, cô giáo Phụng, cô giáo của lớp Hiển, nhà dưới miệt Trảng Bàng, còn độc thân muốn đem Hiển về nuôi, nhưng cuối cùng phải để cho chị ba Thắm đứng ra nhận Hiển làm con nuôi ở với mình, dù gì đi nữa, từ lúc nó sinh ra tới giờ, nhà hai bên chạy qua chạy lại, cũng mến tay mến chân rồi, vã lại có Diệu, con gái của chị, lớn hơn nó hai tuổi cũng có chị có em, hủ hỉ với nhau, hoàn cảnh chị Thắm, con Diệu mất cha, nhưng còn được mẹ, chồng chị Thắm, không may bị tai nạn lật xe chết ở khúc cầu Đá Hàn gần cuối ấp Bến Mương, trên đường về từ Tây Ninh, đàng này, Hiển mất cả hai, sau ngày chồng chị chết, mẹ Hiển, cũng một tay phụ trước phụ sau, giúp chị nuôi con Diệu. Miếng đất gò căn nhà của anh chị Thêu, được bác tám Tiến chủ xe lam duy nhất ở xã, thương tình cho cất lên ở không giờ trả lại cho bác, căn nhà cũng chẳng có gì quý giá, mấy miếng tôn, vài chục cây kèo cây cột, hai ba cái tủ cũ nhèm, bốn năm cái ghế chân thấp chân cao, bà con phụ dọn qua bên nhà chị ba Thắm, thế thôi và thằng Hiển cũng theo về với ba thứ lỉnh ca lỉnh kỉnh đó.
Chị Thêu mất, chợ không còn người bán bánh ú nữa, cái sạp ngồi bán chung trước đầu chợ xã, ngó qua cổng trường tiểu học Phước Trạch, giờ chỉ còn lại chị ba Thắm với thúng xôi đậu phọng trộn dừa nạo muối mè xem ra lẻ loi, hiu quạnh, nhiều lúc ngồi chờ người mua, nhìn qua sân trường, thấy buồn rười rượi, tội nghiệp cho thằng Hiển, từ ngày về ở với chị, mặc dù có Diệu nhưng nó lầm lũi, ít nói, đêm ngủ lúc đầu, ngày nào cũng khóc kêu “má ơi má ơi”, vỗ nó mà lòng mình đau nhói, vào lớp học cũng vậy, lặng lẽ đứng ở góc sân, không nói không cười, không nhập bọn chơi giởn, trừ khi có Diệu, cô Phụng vừa dạy vừa lo lắng cho nó, tan trường chiều nào cũng nghé ngang nhà chị Thắm, ở nán hỏi hỏi han han Hiển chút xíu rồi mới về nhà. Sáng đi học, hai chị em phụ mẹ bưng dọn cái này cái kia, ăn xôi trước khi vào trường nhưng chị Thắm thấy Hiển không ăn ngon lành như trước, những ngày còn mẹ, không biết là nó nói gì nhưng cứ hai ba chiều, trời còn nắng, Diệu thường dắt Hiển đi xuống nghĩa địa, con đường đất mòn cách nhà chừng hai cây số.
Ngày đi tháng qua, thương nhớ than khóc rồi cũng nguôi ngoai, Hiển lớn dần trong mớ ký ức của tuổi thơ ấu đó, cái ký ức của thằng nhỏ mồ côi thương mẹ nuôi không thua gì mẹ ruột, thương chị Diệu của nó giờ nhiều hơn là cái thương của những ngày tháng trước, lúc nào cũng vậy, hể cứ ngồi ăn cơm hay phụ chị Thắm lấy cái này cái kia khi chờ nấu xôi, Hiển cứ nắm bàn tay trái của chị, mằn mò hỏi tới hỏi lui, “mấy lóng tay đâu mất rồi má”, chị Thắm cười xoa đầu “thằng nhỏ này” mà không nói gì hết, nó lại tìm hỏi Diệu mới biết chị Thắm khi chẽ cũi, vô ý chặt vào bàn tay mấy năm trước đây nên mới ra cớ sự, mỗi khi ngồi bán với chị ngoài chợ, Hiển cứ xoa xoa bàn tay trái, luôn miệng “má còn đau không?”. Rồi Diệu thi đậu vào đệ thất trường quận, Hiển một mình ở trường làng, buổi sáng Diệu đón xe lam cùng hai ba người bạn khác sớm hơn xưa, còn lại Hiển tay xách cặp tay bưng rổ bưng lá, phụ mẹ nuôi dọn hàng ra ngoài chợ, ngồi bên mẹ, bắt chước Diệu “tiếng mọc tiếng mời” người đi chợ mua xôi, chờ trống trường vào học điểm, chiều về hôm nào cũng vậy, ra đứng ngay đầu ngõ, ngóng về phía đường lộ ngoài chợ chờ đón Diệu về, hai chị em ríu rít bên nhau, nói cho nhau nghe chuyện phố phường dưới quận, êm êm như mặt nước phẳng lờ của con rạch nhỏ ấp Cây Bần, một đời chảy ra vàm sông lớn. Năm sau, Hiển cũng đậu vào trường quận, chị Thắm mừng không biết bao nhiêu mà nói, hai chị em giờ phải thức sớm hơn, phụ mẹ dọn hàng từ đó, trước khi lên xe xuống trường, hai cái cặp đựng đầy sách vở chưa hề thiếu hai gói xôi đậu còn nóng hổi, buổi chiều không còn ai chờ ai, cứ như vậy mà bên nhau, sáng đi chiều về, mưa nắng chung đầu, chân chim chân sáo.
Cuối hè năm đệ ngũ, cô Phụng lập gia đình, đổi về dưới Trảng Bàng để cùng dạy chung trường với chồng, ngày đến từ giã, cô ở chơi cả buổi trời, cho tới chuyến xe chiều từ trên Tây Ninh xuống, dặn dò hai chị em Hiển đủ thứ, cô cùng chị Thắm, nói chuyện riêng tư với nhau khá lâu, cả nhà lội bộ theo ra tiễn cô ngoài đường lộ, đứng bên lề chờ, lên xe rồi mà cô Phụng cũng còn quay lại nói thêm gì đó với chị Thắm nữa, nắng chiều xuống thấp thật thấp phía bên sân trường tiểu học xã, trời đứng gió, xe chạy khuất khá lâu, ba mẹ con vẫn còn đứng đó nhìn theo cho tới cuối đường, có chút bụi lờ mờ hồng, loang lưa thưa trong bóng nắng muộn. Mấy ngày sau, Hiển xin chị Thắm được đi làm lơ xe cho bác tám Tiến, cái xe lam mà hai chị em đã cùng đám bạn ngồi trong những ngày đi học dưới trường quận, ngày thứ bảy chủ nhật, để kiếm thêm chút đỉnh phụ mẹ chi xài, chị Thắm trong lòng thật sự không muốn, nhưng không nở từ chối, chị nhắc chuyện hôm đưa cô Phụng về Trảng Bàng, rồi cho hai đứa biết, khi còn dạy trên này, từ khi Hiển về ở với chị, bao nhiêu năm qua, cô Phụng cứ vài ba tháng lảnh lương thì đưa chị chút đỉnh tiền, để phụ mua sách vở áo quần cho Hiển, cũng như lần chia tay rồi cô cũng không quên gởi thêm một số tiền nữa nhưng dặn chị giữ kín, rồi dịu dàng cười, cái cười buồn hơn vui,“giờ má nói ra cho con biết, con muốn thì cứ đi thử vài ngày xem sao, còn phải lo học nữa chứ ”, Diệu nín thinh, Hiển ngồi yên nhìn lên hình ba má nó và ba của Diệu trên cái bàn thờ giữa nhà rồi quay nhìn chị Thắm bật khóc sụt sùi “má ơi má ơi”, rồi thì Hiển cũng đi làm với bác tám Tiến vài ngày, trong suốt mùa hè đó và mùa hè năm sau, tiền có được, không bao nhiêu, Hiển đưa hết cho chị Thắm.
Nắng chiều lịm dần từ lâu, xuống thấp nhưng trời chưa xế bóng lắm, con rạch nhỏ chảy ra vàm, giờ này nước đứng, Hiển ngồi bên ba nấm mộ, thì thầm nổi niềm riêng với người nằm dưới đó, từ những ngày lên đệ nhị, hình như Hiển đã yêu Diệu mất rồi nhưng biết làm sao đây, có dám nói ra không và khi nào mới nói, Hiển cứ lầm thầm như vậy trước mộ, mắt cay cay nghèn nghẹn, bên kia bờ vàm lớn, lấp loáng nắng từng vạt chậm tắt, có tiếng đạn đại bác vọng về xa xa trên miệt biên giới Miên từng chập một, chiến trận vốn bắt đầu từ nhiều năm qua đã lan rộng, có phần ác liệt hơn, không còn lẻ tẻ như trước, hết trận đánh nơi này rồi chỗ kia, từ miền trung vào từ miền Tây lên, ì ầm tiếng bom tiếng đại pháo, tiếng súng ngày càng nghe gần hơn, Bắc quân vượt sông vượt rừng từ phía bên kia sông Bến Hải, rần rộ tiến vào Nam, xóm làng cũng không còn cái yên bình của thuở nào, ruộng đồng vắng người và trâu bò sớm hơn xưa, sớm hơn khi trời chưa tắt nắng, chuyện quân lính VNCH chuyển quân trên đường hay lính nghĩa quân và địa phương quân đánh nhau với đám quân du kích lần mò về xã đã quá quen với người dân trong làng trong ấp, Hiển vẫn còn ngồi nán ở đó, toán lính nghĩa quân quen, trên đường tuần đêm ra ngoài vòng đai xã đi ngang, thúc Hiển về thôi, đêm chập choạng xuống chậm, Hiển nhìn họ chào, đi khỏi một khoảng xa họ cũng còn quay lại vẫy tay.
Hiển quyết định vào lính sau ngày đậu tú tài một, chị Thắm chưng hửng, buồn buồn hết mấy ngày, Diệu cũng giống mẹ nhưng hai người không biết phải khuyên lơn làm sao, với chị Thắm, dù sao, trước vong linh cha mẹ Hiển, chị đã làm tròn những gì chị đã hứa làm, với Diệu, thương em cũng đủ trọn thương, tiếc là nay mai không còn bên nhau nữa. Rồi tháng ngày cũng tới, Diệu xuống Sài Gòn ở trọ nhà một người quen của cô bạn cùng lớp ở Gò Dầu, thi vào trường Sư phạm Sài Gòn thay vì lên đại học, mau ra trường lo cho mẹ để mẹ bớt nhọc nhằn vất vả, hy sinh cả một quảng đời trẻ cho mình đã quá đủ, vã lại vốn đã quen cái nghèo rồi nên hai mẹ con cũng không mơ ước cao xa gì, hôm ghé Trảng Bàng thăm cô Phụng trước ngày khăn gói vào quân trường, Hiển nhắc chuyện cô lo cho mình và xin hẹn ngày nào đó sẽ đền ơn đáp nghĩa, cô trò kể cho nhau chuyện buồn chuyện vui, chuyện lo chuyện lắng cả một buổi trưa, có lúc Hiển muốn nói cho cô nghe tâm sự lòng mình nhưng cứ đắn đo chần chừ, cuối cùng lại thôi, tự hẹn với mình để khi khác, Hiển ra về, cô theo tiễn ra tới ngoài bến, kịp lúc chuyến xe đò trưa từ Sài Gòn về vừa ngừng bỏ khách, buồn thấy trên mặt cả hai, xe chạy rồi, cô đứng nhìn theo thì thầm “lạy trời phù hộ cho em tôi được bình an và nhiều may mắn”.
Diệu nghỉ học về Gò Chùa để tiễn em, ngày Hiển khăn gói vào quân trường, trước khi đi, ba mẹ con ra nghĩa địa thật sớm, ba người ngồi trước mộ, bên kia sông trời vừa hừng sáng, chị Thắm sắp lại mấy dĩa đựng thức ăn, có cả xôi đậu mới nấu giữa khuya, rồi đốt bó nhang thơm đưa cho Diệu, Hiển mỗi người ba cây, cùng nhìn xuống chấp tay xá lạy, ai cũng lầm thầm nói gì đó thật lâu mà không ai nghe ai, gió từ ngoài vàm lớn lùa về, khói nhang quẩn quanh, quyện nhau trên mộ, cắm mấy cây nhang còn cháy trước mộ bia, chị Thắm đứng lên, một lần nữa vừa xá vừa sụt sùi nói nhỏ “thằng Hiển sắp đi rồi, anh chị có linh thiêng nhớ phù hộ cho nó bình yên”, Hiển đưa tay sờ mộ cha mẹ lâm râm khóc “con đi nghe, rồi con sẽ về thăm ba má lần sau”, hai mẹ con đứng sau lưng cũng òa khóc theo, chuyến xe đò xuống Sài Gòn trưa hôm đó, chị Thắm không đứng nhìn theo chờ xe khuất đâu đó mà lầm lũi về ngay, buồn man buồn mác, mắt đỏ cay nghèn ghẹn “Hiển ơi, con ơi”, hai chị em ngồi bên nhau trên xe, chuyện qua chuyện lại, cười đùa với mớ kỷ niệm vụn vặt từ nhà tới trường học cho tới trung tâm huấn luyện Quang Trung, xe ngừng, Hiển xuống chần chừ “thôi em đi, nhớ chị nhiều lắm, chị nhớ lo cho má nghe”, Diệu đứng dậy nhìn theo “em ráng giữ gìn sức khỏe, ráng về thăm nhà”, xe chạy đi rồi, bỗng dưng muốn khóc.
Ra trường bộ binh Thủ Đức Hiển vào binh chủng TQLC, được phép nghỉ trước khi ra đơn vị, về Gò Chùa thăm nhà, thăm mộ ba má vài ngày, hai mẹ con mừng muốn khóc, cứ hết chuyện này chuyện kia, Diệu bận học dưới Sài Gòn, Hiển cũng không quên ghé qua thăm bác tám Tiến, chủ xe lam, cám ơn tấm lòng tử tế của bác trong những ngày làm lơ xe, ngày cuối phép chị Thắm vui nhưng chị làm sao biết lòng Hiển tan nát đau khi nói cho Hiển biết là hè năm tới Diệu lấy chồng, chồng người dưới Gò Dầu, lòng đau nhói, chết hết một nửa hồn, tưởng chừng như gần bật khóc, cố mà nuốt chửng gượng làm vui “vậy là nhà mình vui tới nơi rồi, con hy vọng và cầu chúc chị Diệu hạnh phúc”. Bổng dưng hình như tất cả không còn gì níu kéo mình ở lại, Hiển không ở lâu, bác Thắm một lần nữa ra đường lộ ngoài chợ tiễn, hai người bịn rịn, bác nắm tay Hiển dặn dò, nhắc một nhắc hai “tới ngày đó, con ráng về vui với chị con nghe, nhớ ráng về”, Hiển “dạ” một tiếng nhỏ vừa đủ cho hai người nghe, bước lên xe buồn vời vợi, trời Gò Chùa cũng buồn theo, bất chợt đổ mưa giữa trưa. Hiển xuống xe ở Trảng Bàng, ghé qua thăm vợ chồng cô Phụng, trước khi bắt kịp chuyến xe chiều về Sài Gòn, vẫn lời chúc bình an như lần trước tiễn nhau, Hiển cũng chưa nói ra được “mối tình câm ” mà mình muốn nói.
Rồi giầy đinh áo trận, hết chiến trường này tới chiến trường kia từ đồng khô cỏ cháy, sông bùn biển mặn đến rừng sâu dốc thẳm, gió núi mưa mùa, Hiển cứ miệt mài theo đồng đội, ngày đội mưa pháo địch đêm mõi trắng mắt hỏa châu rơi, cứ vậy mà cố mà quên nhưng hình bóng Diệu đôi khi lại bất chợt thoáng hiện về đâu đó trong đôi ba phút hiếm hoi lạnh buốt dưới hố cá nhân, không còn tiếng súng địch. Ngày Hiển theo tiểu đoàn ra Quảng Trị cũng là ngày cưới của Diệu, Hiển đã không về như đã hứa nhưng thà như vậy mà hay hơn, trận chiến dối đầu với Bắc quân ở đây xem ra khốc liệt đẩm máu, máu quân mình máu quân địch, đồng đội của Hiển lần lượt nằm xuống, bỏ đời đi xa từng người một, mới mầy tao buổi sáng thì đã vuốt mắt buổi trưa, chưa biết chừng nào tới phiên mình, nhờ có quân lên thay, đại đội Hiển lui về khu làng bỏ trống đêm qua sau khi Bắc quân bỏ chạy, tạm nghỉ, trời lạnh như cắt da, sương mù dầy đặc dù mặt trời đã lên cao từ lâu, đâu đây vẫn còn tiếng súng vọng về, dưới hố cá nhân trốn pháo địch, Hiển quyết định viết thư cho Diệu, lá thư muộn màng, nói ra mối tình thầm kín mà anh đã mang theo, đã bao lần muốn nói nhưng ngập ngừng không dám nói, nếu không, lỡ không may, sẽ không có lần nào nữa, thư Hiển gởi từ KBC của đơn vị về cho cô Phụng nhờ trao lại.
Ra trường Sư phạm Diệu được về dạy ở trường tiểu học Hiệp Thạnh, bác Thắm mừng quá, gần nhà, đường Vên Vên Gò Chùa, đạp xe đạp còn được, cũng chuyến xe lam của bác tám Tiến như cũ, đi về mẹ con có nhau, mới ngày nào là học trò mà giờ cũng là cô giáo như cô giáo Phụng rồi, chừng hơn một vài tháng sau thì cô lấy chồng. Chồng Diệu, anh Thắng đang làm phụ tá trưởng phòng hóa chất của công ty bột giặt VISO ở Sài Gòn, trước cũng học trường quận nhưng lớn hơn hai lớp, hiền, học khá và vui tánh, con trai thứ và con trai độc nhất của ông bà ba Trọn, chủ vựa gạo dưới chợ Gò Dầu, không quen nhiều lắm, gặp nhau chào hỏi, qua lại mấy câu nầy nọ khi vào trường khi ra về rồi thôi, Hiển cũng biết anh, cũng anh anh em em khi nầy khi khác, Thắng để ý Diệu lâu rồi nhưng chưa tìm được dịp, không ngờ cô Phụng lại có bà con vai dì với mẹ anh, hôm đám giỗ ông nội, có mặt vợ chồng cô, cũng là ngày Diệu có kết quả tú tài hai, Thắng lên năm thứ ba kỹ sư hóa học Phú Thọ, chuyện qua chuyện lại mới biết cô Phụng quen thân với bác Thắm, mẹ của Diệu, và bác Trọn gái đã nhờ cô Phụng mai mối, cô sốt sắng vui mừng nhận lời ngay và cả hai bên gia đình cũng vui vẻ bằng lòng. Sau ngày cưới, vì mới nhận việc, chưa sắp xếp đâu đó chỗ ăn chỗ ở dưới Sài Gòn, Diệu ở nhà với mẹ, đi dạy cho gần, chạy lên chạy xuống nhà chồng dưới Gò Dầu chứ không phải ở hẳn “làm dâu làm con”.
Nhận thư của Hiển, lá thư dài nhàu nát vàng màu giấy, chữ ngã chữ nghiêng, kể chuyện mình yêu Diệu tha thiết nhưng hoàn cảnh trớ trêu quá, đành cam lòng câm lặng, từ Quảng Trị gởi về, chừng đầu tháng ba, cô Phụng ngồi đọc tới đọc lui, đọc không biết bao nhiêu lần, mà lần nào cũng ngậm ngùi bật khóc thúc thít, hai vợ chồng nghĩ tới nghĩ lui, đời lính nhất là đời lính lúc này, chiến trận khốc liệt quá, không biết khi cô ngồi đọc là thư này, biết Hiển có còn được may mắn lâu hơn hay đã nằm xuống ở nơi nào ngoài đó rồi, vài hôm sau, sáng sớm thứ bảy cô đón xe đi Gò Chùa thăm hai mẹ con, ở chơi khá lâu tới xế trưa và đưa lá thư của Hiển cho Diệu trước khi về, ba người đứng chờ xe ngoài đường lộ, đoàn quân xa GMC dài từ hướng dưới Sài Gòn lên chở đầy lính trận bám bụi đường nhìn nhau mệt mõi rã rời.
Giữa tháng ba, chiến trận căng thẳng hơn trước sự tấn công ào ạt của Bắc quân, ngay cả ở Sài Gòn cũng không thấy yên, không may Thắng chết khi chuyến xe đò đầu ngày về Gò Dầu nổ tung, vì mìn quân du kích gài lại trong mấy cái mô đất bùn ruộng, cao hơn đầu gối vào đêm qua ở khúc đường vừa qua Suối Cụt không xa. Gia đình bác ba Trọn làm đám tang ở Gò Dầu, người đưa không đông mấy, rồi cũng đội khăn tang như hôm đầu lễ, Diệu theo người nhà đem Thắng xuống Sài Gòn hỏa thiêu, tro cốt hai bác Trọn đem về gởi trong chùa Thạnh Lâm nằm trên con đường ngang xuống chợ Gò Dầu, để sớm tối có lời kinh tiếng kệ cho hồn mau thanh thoát. Diệu để tang chồng đi dạy những ngày sau đó, buồn nhiều lắm nhưng cái thư của Hiển làm cô cũng buồn không ít, có khi ngồi một mình nhìn quanh căn nhà, cũng căn nhà những ngày còn Hiển, bật khóc thầm hỏi hai tiếng “tại sao”.
Ngày cuối tháng 3, căn cứ hỏa lực của tiểu đoàn của Hiển tại núi Ba Hô và Sarge bị Bắc quân tấn công dữ dội bằng xe tăng đại pháo, không chống cự nổi buộc phải di tản vào đêm đó sau khi bị tổn thất nặng nề, một ngày sau, căn cứ Đông Hà, Ái Tử cũng bị tràn ngập giữa khuya, Hiển bị bắt làm tù binh. Gia đình bác ba Trọn, trong những ngày “tranh tối tranh sáng”, sáng hôm 28 tháng 4, sau khi qua chùa xin lại hủ đựng tro cốt của Thắng, mang theo, bỏ lại nhà cửa, đi cùng với vợ chồng và mấy đứa con người chủ tiệm thuốc tây ở ngã ba đường dốc đầu chợ, xuống Sài Gòn và họ theo chiếc tàu nào đó của hải quân VNCH rời Sài gòn đêm 29 tháng 4. Diệu tiếp tục đi dạy được hơn hai năm, không còn lên xuống nhà chồng nữa, tâm trạng ngổn ngang, buồn nhiều hơn vui, cố nghe ngóng chút tin về Hiển nhưng vẫn “biệt vô âm tín”, bác Thắm cũng chán ngán cảnh đời, hai mẹ con buồn như nhau, Diệu bị bí thư trường cho nghỉ dạy, ở nhà chưa tính được gì thì cô Phụng lên Gò Chùa thăm, một lần rồi hai lần, cuối cùng một sáng vừa vào hè, hai mẹ con cùng vợ chồng cô Phụng đón xe đò ra Phước Tỉnh và quá khuya đêm đó theo một chiếc tàu đánh cá cũ ra khơi giữa bầu trời tối xầm mịt mù mưa giông gió xoáy.
Miền nam mất, Hiển được thả về giữa năm 1978, theo người bạn cùng tổ trong tù, cũng cùng binh chủng về tá túc tại nhà anh này ở gần Lăng Cha Cả vài hôm, nhờ có thêm chút đỉnh tiền của mẹ anh giúp, Hiển đón xe đò về Gò Chùa. Căn nhà của bác Thắm đã bị công an xã lấy sau ngày hai mẹ con bỏ đi, bác tám Tiến vẫn còn ở chỗ cũ, chiếc xe lam đã bị xung vào cái gọi là “hợp tác xã” gì đó, bác buồn buồn kể lại chuyện của nhà Hiển sau ngày anh vào lính, chuyện Diệu lấy chồng, chuyện chồng Diệu, anh Thắng chết vì xe đò trúng mìn và chuyện hai mẹ con bỏ đi mà chính bác cũng không biết là đi đâu, cái nghĩa địa đầu vàm đã bị “cải tạo mặt bằng” giờ trở thành “cung thiếu nhi” có hoa có lá, có hình em bé quàng khăn đỏ và lá cờ màu đỏ ngôi sao vàng, nuốt đau đứng từ xa nhìn, Hiển rấm rức khóc thầm, vong hồn cha mẹ có được siêu thoát hay vẫn còn vất vưởng đâu đây, xin xá tội cho thằng con vô dụng. Hiển trở xuống Sài Gòn, tạm ở nhà người bạn tù, lang thang, quần quật, kiếm sống đủ nghề, khiêng thuê vác mướn bến xe bến đò, chợ ngày chợ đêm. Một ngày cuối tháng ba năm sau, Hiển tình cờ gặp lại Tấn, nhà ở Trâm Vàng, bạn học cùng lớp ở trường quận, cũng đi tù về vì là sĩ quan hải quân VNCH, một trưa Sài Gòn mưa dầm ở góc đường đầu chợ Nguyễn Tri Phương, đang ngồi nghỉ tay sau khi xong việc bỏ hàng trong chợ từ cái xe ba-gát xuống, sau đó nhờ Tấn nhận là người phụ lái, Hiển may mắn theo một chiếc tàu hàng lớn, chở người gốc Hoa vượt biên theo cái gọi là “đăng ký bán chính thức” ở Bến Đáy Trà Vinh do công an tổ chức, tàu đến Nam Dương bình an.
*
Nắng sáng rựng, ửng đỏ một màu vàng lá giữa thu trên đồi Nam Tiên Tự, nằm xa ven ngoại ô thành phố Wollongong, chuyến xe chở khách đi thăm chùa đến sớm, bải đậu xe cũng đã không còn mấy chỗ trống, cả một khoảng sân rộng trước dãy nhà chánh điện người và người, ai nấy xí xô xí xào, gọi nhau ơi ới. Mang túi xách lên vai, xuống xe Hiển vừa dìu bác Thắm vừa sửa lại cái khăn quàng giữ ấm trên cổ của bà, rồi hai mẹ con rời đám đông, rẽ theo hướng con đường xuống dốc đồi ngập lá khô đổi màu, tới chỗ thăm thân nhân của khu hậu liêu, nằm khuất sau rặng cây thông dầy lá, cách biệt hẳn phía ngoài tiền đường khá xa, một chút mưa bụi thu nhẹ bất chợt từ hướng biển về ngang, giọt nối giọt đong đưa như hạt sương, đuổi nhau lấp lửng lùa theo vạt nắng, tiếng “đại thần chung” vang lên từng hồi một phía ngoài chánh điện, chấm dứt giờ cầu kinh buổi sáng.
Hiển đứng bật dậy nhìn theo, bác Thắm chỉ tay hướng người ni cô đi phía trước, hai ba người ni cô khác lác đác sau, trong bộ áo màu nâu nhạt từ phía con đường dưới đồi đi lên gần tới, vui vẻ cười “Diệu đó con”, Hiển gật đầu, rưng rưng gọi thầm hai tiếng “chị Diệu”. Ngồi bên nhau bác Thắm vui ra mặt, không nói gì, nhìn hai người hỏi chuyện, chuyện vui ngày xưa hơn là chuyện buồn, mĩm cười một mình, rồi trước mặt một ni cô thánh thiện, không là chị Diệu của đời ngày xưa, những gì muốn nói từ lâu đã trở thành vô nghĩa, Hiển nhìn Diệu, cô cười thật tươi, Hiển nói khẻ “chúc chị nhiều bình an và được nhiều ân điển của Phật” trước khi từ giã, Diệu đứng nhìn theo hai người đi về hướng lên đồi, Diệu vẫy tay nói vọng theo “nhờ Hiển săn sóc má giùm, má nhớ giữ gìn sức khỏe”, phía bên trên chánh điện, một lần nữa có tiếng chuông vọng, bắt đầu giờ cầu kinh buổi trưa, quay nhìn lại, không còn thấy Diệu ở đó, vài ba chiếc lá nâu úa rời cành, bỏ đời đơn lẻ, lả tả bay ngang giữa gió thu nhè nhẹ, Hiển cầm tay bác Thắm nói nhỏ “thôi mình về nghe má”.
*
Chủ nhật, buổi sáng trời hanh hanh lạnh đầu đông, Hiển thức dậy sớm, bưng ly cà phê ra sau vườn, để trên cái bàn cây nhỏ, chưa uống vội, ngồi chờ nắng, không bao lâu nắng chập chững lên, Hiển lấy lá thư úa vàng màu giấy, nhăn nhúm, chữ ngã chữ nghiêng mà anh viết nhờ cô Phụng trao lại, Diệu đã để lại nó cho bác Thắm, trước ngày rời nhà “xuất gia đầu Phật”, bác cất giữ cho tới giờ, rồi đưa lại cho Hiển, sau ngày lên thăm Diệu trên Nam Tiên Tự về, đi tới một góc rào, châm lửa đốt dưới gốc cây hồng trắng lớn, lửa bén nhẹ rồi bùng lên, không lâu chỉ còn chút tàn tro thấm sương muộn sáng trên đất, Hiển thì thầm “vĩnh biệt một phần đời”, trong nhà bên cạnh cửa sổ, bác Thắm ngồi nhìn ra, mĩm cười, cười mà buồn, nụ cười có chút nước mắt già mằn mặn.
Thuyên Huy
Melbourne tháng thôi mưa 2018
Nhân vật và bối cảnh được tự dựng & viết bằng tưởng tượng để nhớ chuyện của một người con gái quen ở chợ Bến Cầu quê nhà đã có lần gọi là chị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét