Vào thời điểm này, nam sinh đang học tiết địa lý tại lớp thì đột ngột ngất xỉu. Ngay lập tức em được các giáo viên trong trường gọi xe đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất. Khoảng 1 giờ 30 phút sau, em tử vong do bệnh lý tại bệnh viện dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa.
Khoảng 1/3 trẻ không rõ nguyên nhân
Vài ngày trước, một bé trai 5 tuổi (ngụ tỉnh Long An) được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng TP cấp cứu trong tình trạng méo miệng, co giật đột ngột, gồng tay chân, không sốt... Sau thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi có tổn thương thần kinh định vị, yếu liệt... Khi chụp MRI, ghi nhận bệnh nhi bị nhồi máu não vùng đính trái. Được các bác sĩ điều trị kịp thời, hiện sức khỏe bệnh nhi ổn và đang được điều trị các bước hồi phục chức năng vận động, ngôn ngữ.
Từ trước đến nay, riêng khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi đồng TP tiếp nhận, điều trị 3 trường hợp trẻ từ 2-5 tuổi bị đột quỵ. Theo các bác sĩ, đột quỵ ở độ tuổi này hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm.
BS Nguyễn Duy Khải - phó khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi đồng TP - cho biết đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính. Có hai dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Đột quỵ ở trẻ tương đối hiếm, chỉ chiếm 2,5/100.000 trường hợp.
Theo BS Khải, nếu như đột quỵ ở người lớn liên quan đến lối sống (ăn nhiều dầu mỡ, hút thuốc, lười vận động...) và các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường... thì đột quỵ ở trẻ không liên quan đến lối sống mà chủ yếu là do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não...
Dấu hiệu mờ nhạt
Theo các bác sĩ, đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông của máu ở não bị tắc nghẽn làm chết những tế bào não ngay tại vùng bị tắc, còn những tế bào não ở vùng kế cận sẽ bị giảm lượng máu đến nuôi chúng. Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ.
Nếu như đột quỵ ở người lớn có các dấu hiệu ban đầu điển hình dễ nhận biết như miệng méo, nói ngọng, yếu liệt chân tay... thì ở trẻ em dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường như: co giật, mất ý thức ngắn, hành động vụng về...
Các bác sĩ khuyến cáo các phụ huynh khi thấy dấu hiệu bất thường của con, nên đưa ngay đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời.
Bệnh nhân tim mạch trẻ hóa nhanh, vì sao?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia Phạm Mạnh Hùng chia sẻ có tình trạng trẻ hóa rất nhanh người mắc các bệnh tim mạch ở VN.
"Một thống kê ở luận văn thạc sĩ cách đây 5 năm cho thấy có tỉ lệ 10% người bị nhồi máu cơ tim dưới 45 tuổi, thậm chí có ca bệnh mới trên 20 tuổi, trong khi trước đây bệnh nhân nhồi máu cơ tim trên 50 tuổi đã là rất trẻ. Thời tôi đi học thì hãn hữu lắm mới có một bệnh nhân nhồi máu cơ tim dưới 45 tuổi" - BS Hùng cho hay.
Không những phát hiện bệnh nhân trên 20 tuổi, gần đây còn ghi nhận cả bé trai mới 5 tuổi bị đột quỵ. Về trường hợp đặc biệt này, bác sĩ Hùng cho rằng những ca bệnh tương tự có thể liên quan tới dị dạng mạch máu não, khi mạch máu bị dị dạng vỡ ra, gây tình trạng đột quỵ, không phải do những bệnh lý có liên quan hay gặp như tăng huyết áp. Tuy nhiên ở nhóm bệnh nhân đột quỵ trên 20 tuổi thì nguy cơ liên quan tới tăng huyết áp, béo phì, hút thuốc lá... là rất cao.
Thay đổi thói quen và công thức 3-5-7
Nhiều bạn trẻ chọn đạp xe để rèn luyện sức khỏe - Ảnh: T.T.D.
Theo bác sĩ Hùng, gần đây Viện Tim mạch quốc gia tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân đột quỵ dưới 45 tuổi. Vì còn trẻ, bệnh nhân rất chủ quan, cho rằng mình rất khỏe mà không để ý tới chứng tăng huyết áp đang tiềm ẩn. Bên cạnh đó, thói quen ăn mặn khó sửa khiến nguy cơ tăng huyết áp càng tăng.
"Nếu muốn thay đổi, cần thay đổi thói quen của cả gia đình như chế độ ăn uống, tập luyện. Về tập luyện thì có công thức 3-5-7, có nghĩa là 30 phút/ngày, ít nhất 5/7 ngày trong tuần, giảm ăn mặn, giảm món ăn nhiều mỡ, đồ chiên rán, thức ăn nhanh, thay đổi các thói quen có hại như uống rượu, hút thuốc lá..." - BS Hùng cho biết.
L.A.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét