Hoshi Shinichi
♦ Chuyển ngữ: Hoàng Long
Lời người dịch: Truyện ngắn “Thế giới mới tươi đẹp” sau đây được chúng tôi dịch từ nguyên tác Nhật ngữ “けがれなき新世界” trong tập truyện “Đường đến thiên đường” (天国からの道) của tác giả Hoshi Shinichi (星新一) do Nxb Tân Triều Văn khố (新潮文庫)
tái bản lần thứ mười bốn năm Bình Thành 25 (2013), từ trang 73 đến
trang 81. Truyện không chỉ là một ngụ ngôn hiện đại xuất sắc về vấn đề
tranh giành quyền lực của con người mà còn là lời cảnh tỉnh cho đám đông
u mê, không bao giờ dám đảm đương lấy công việc của mình mà cứ hy vọng
có kẻ khác làm thay để rồi trở thành những kẻ nô lệ mới. Cái nhìn của
Hoshi Shinichi rất thấu suốt về bản tính con người. Cho nên không phải
ngẫu nhiên Hoshi Shinichi được xem là bậc thầy của thể loại truyện cực
ngắn và truyện viễn tưởng (SF) của Nhật Bản. Trân trọng giới thiệu cùng
quý độc giả.
Hoshi Shinichi
Con quái vật mang tên “ô nhiễm môi trường” ngày càng trưởng thành
mạnh mẽ. Nó càng ngày càng reo rắc những chất độc hại, làm ô nhiễm môi
trường sống, gây hại cho biết bao nhiêu người.
Ai cũng ca thán nhưng chẳng cải thiện được gì. Các ban ngành trong
phạm vi quyền hạn của mình đều cố gắng dấu che đi những chuyện xấu xa.
Mọi người đều biết phải đến lúc thức tỉnh rồi đây nhưng chẳng chịu làm
gì cả. Chắc một phần là không biết phải làm thế nào mà hơn nữa ai cũng
nghĩ rằng rồi chắc sẽ có ai đó làm thay cho mình thôi chăng?
Tuy nhiên trong số đó, có một tổ chức dân sự ra sức hoạt động quên
mình. Mang tên là “Hiệp hội giám sát ô nhiễm môi trường”, hiệp hội quy
tụ nhiều người thuộc những chuyên ngành khác nhau, tranh thủ lúc rảnh
rỗi hoạt động tình nguyện giúp mọi người.
Họ mang các khí cụ đo đạc, điều tra tình hình ô nhiễm, lên các kế
hạoch ngăn ngừa rồi đi thương thảo với các nhà máy xí nghiệp. Họ tóm tắt
các tiến trình đó vào những quyển sách nhỏ đem đi phân phát cho mọi
người để ai cũng có thể đọc được. Đài truyền hình và báo chí tìm đến để
đưa tin về hoạt động đó nhưng họ đều từ chối nhã nhặn.
“Đừng làm đao to búa lớn mà chi. Người ta nghĩ chúng tôi muốn quảng
bá tên tuổi thì phiền phức lắm. Chúng tôi thích thì làm thôi. Việc này
cũng như là sở thích thôi đấy mà”
Cung cách hoạt động kín đáo và thiết thực như thế được người dân dành
nhiều thiện cảm. Luôn dành những lời ngợi khen có cánh cho hiệp hội.
“Họ nhiệt tình làm việc vì dân quá. Thế gian này toàn kẻ đầu môi chót
lưỡi, mấy ai được như họ lẳng lặng mà làm không nói gì. Đáng nể thật
chứ”
“Họ khiến những kẻ ăn không ngồi rồi như chúng tôi cảm thấy xấu hổ.
Chỉ còn biết nói lời cảm tạ mà thôi. Tôi chỉ có thể dành cho cho họ sự
động viên khích lệ từ tận đáy lòng mình”
Không tìm thấy một lời chỉ trích chê bai nào cả. Bởi vấn đề ô nhiễm
môi trường đang là kẻ thù lớn nhất của xã hội mà. Và tất cả những thành
viên của hiệp hội đều vì mọi người dân mà ra sức đấu tranh cho điều đó
còn gì.
Những người tham gia vào chiến tuyến với tư cách thành viên của hiệp
hội càng ngày càng đông thêm. Quy mô hiệp hội mở rộng quá nhanh. Tình
hình môi trường thì đang trầm trọng, ô nhiễm khắp mọi nơi với đủ loại
hình dạng sắc thái.
Hiệp hội giám sát ô nhiễm môi trường dù không ngừng cố gắng nhưng
cuối cùng kiệt quệ đành phải kêu cứu. Tức là phải ra mặt trần tình vì
kinh phí khó khăn.
“Để hoạt động, chúng tôi không ngại ngần cống hiến thời gian và sức
lực. Thế nhưng chúng tôi không thể chiến đấu bằng tay không. Cần có khí
cụ quan sát và các phương thuốc thử nghiệm. Còn cần cả tiền in ấn báo
cáo nữa chứ. Chúng tôi cũng muốn sử dụng máy móc thống kê nữa. Thế nhưng
số tiền quyên góp của mọi người thì lại có hạn mà chúng tôi lại không
muốn nhận tiền ràng buộc của các nhà máy xí nghiệp. Hoàn cảnh của chúng
tôi bây giờ như đao gãy tên hết bơ vơ giữa chiến trường hoang mang…”
Đó là lời trần tình bi thảm đầu tiên của Hiệp hội gửi đến xã hội.
Người ta đồng cảm nhưng không ai có ý định quyên góp tài sản. Nhân gian
là thế mà. Số tiền ít ỏi để dành lại sau khi bị trừ thuế lại phải còn
đem quyên góp cho người khác thì còn đau hơn đứt ruột.
Tuy vậy, bây giờ thì dân chúng cũng đã thức tỉnh, gây áp lực lên các
nghị viên quốc hội. Một tổ chức nhiệt thành như hế xứng đáng phải được
tiền trợ cấp của quốc gia chứ. Họ đã đạt được nhiều thành tích trong
thực tiễn. Còn giao cho các ban ngành thì phí tiền mà hoạt dộng lại
không hiệu quả. Chẳng bằng cứ dành số tiền đó cho hiệp hội giám sát môi
trường thì số tiền đó chắc chắn được sử dụng hữu hiệu cho mà xem.
Các nghị viên đều nỗ lực nhắm đến mục tiêu chung cao hơn lợi ích đảng
phái của mình. Vì chỉ cần phát ngôn kiểu như “Có thể quyết toán cho vấn
đề này không?” là chắc chắn lần sau chắc chắn sẽ thất bại trong việc
bầu cử. Thế nhưng cuối cùng thì vấn đề ô nhiễm môi trường đang là thách
thức lớn nhất của xã hội mà.
Bằng cách đó tiền trợ cấp cũng được rót xuống. Ai nấy đều thở phào
nhẹ nhõm. Như được tiêm một liều long não, Hiệp hội giám sát môi trường
giờ đã tiền nong rủng rỉnh, lấy lại sức khỏe khí thế, tiếp tục cuộc
chiến với ô nhiễm môi trường.
Viện nghiên cứu mới được thành lập đầy đủ máy móc hiện đại để thực
hiện chức năng điều tra, phân tích, khai phá các đối sách mới rồi từ đó
tiến hành kiểm thảo đánh giá chung.
Tuy thế hiệp hội không phải là tổ chức của những con người cuồng loạn
quá khích nên tiếp tục được nhận tiền trợ cấp của chính phủ. Nhưng Hiệp
hội không có ý định cạnh tranh gì với các văn phòng ban ngành khác cả.
Các tài liệu đều được công bố công khai minh bạch và Hiệp hội cùng hợp
lực với các ban ngành khác nữa. Bởi vì đây là trận chiến chống lại kẻ
thù ô nhiễm môi trường, không phải với các ban ngành khác. Đây là một tổ
chức dân sự nhằm giúp đỡ và bao quát những nơi chốn mà các ban ngành
khác không bao quát hết được. Nhiệm vụ vô cùng khiêm tốn. Thế nhưng lại
hoạt động vô cùng nhiệt tình, hiệu quả. Các ban ngành khác cứ trút hết
tất cả những nhiệm vụ phiền phức, đáng ghét cho Hiệp hội. Thâm tâm họ
đầu nghĩ hiệp hội chỉ như người làm thuê tiện tay nhờ vả mà thôi. Các
phòng ban dường như cũng cảm thấy tội lỗi hay sao nên đề nghị với hiệp
hội đưa các quan chức về hưu đến giúp đỡ thêm. Còn chính những người đó
cũng xem nơi đây là bàn đạp để dễ bề ra tranh cử lại nữa.
Hiệp hội đón nhận điều đó với lòng biết ơn. Về vấn đề quan chức nghỉ
hưu chuyển sang làm cho tổ chức dân sự thì báo đài không có ý phê phán
gì. Dù sao hiện tại ô nhiễm môi trường là vấn đề trọng đại của xã hội
kia mà. Đây đâu phải là lúc nói đến những nguyên tắc cứng nhắc được.
Chẳng phải chúng ta đều hiểu rõ đạo lý này hay sao?
Thế là hiệp hội giám sát ô nhiễm môi trường càng phát triển mạnh mẽ
hơn. Vỉ có nối kết với những người trong chính phủ nên hiệp hội được các
chính trị gia hậu thuẫn đằng sau. Nhưng vững lòng nhất là hiệp hội nhận
được sự ủng hộ từ tất cả người dân. Tiền hỗ trợ liên tiếp được gửi đến.
Người ta đâu tiếc tiền mua sinh mệnh và sức khỏe của mình đâu?
Mặt khác, trận chiến với nạn ô nhiễm môi trường dần dần cũng thu nhận
được thành quả. Mặc dù không thể nói là kết quả vượt mong đợi nhưng
phần lớn các vụ gây ô nhiễm môi trường đều được dẹp tan.
Những người trong Hiệp hội lần lượt đi du lịch nước ngoài. Vì nạn ô
nhiễm môi trường là vấn đề toàn cầu, cần phải tổ chức các hội nghị quốc
tế. Phải đi thị sát tình hình các nước phát triển, đưa ra những lời
khuyên cho những nước chậm tiến. Nếu tiếc tiền cho việc này thì tương
lai chỉ còn là tai họa mà thôi.
Đoàn thị sát với tên gọi tắt là “Hiệp hại” (Hiệp hội giám sát tác hại
môi trường) thoải mái đi tham quan du lịch khắp thế giới. Các vấn đề
được thị sát bao gồm xâm hại tình dục, nạn cờ bạc, tác hại của thời gian
nhàn rỗi…vân vân và vân vân.
“Cái quái gì thế? Mang tiếng thị sát môi trường để đi du lịch thôi sao?”
Bắt đầu có những tiếng phê phán mỉa mai. Đó là những lời chỉ trích
đầu tiên nhắm vào Hiệp hội. Và Hiệp hội cũng lần đầu tiên lên tiếng phản
bác.
“Đã có người phàn nàn về hoạt động của chúng tôi. Đó là điều vô cùng
đáng tiếc. Tất cả những hành động cống hiến quên mình của chúng tôi cho
đến giờ này ngay cả trẻ con cũng biết. Cứ thử hỏi các em nhờ ai mà các
em có thể đến trường sánh vai cùng các anh em bạn bè chứ? Chắc chắn câu
trả lời sẽ là tên Hiệp hội chúng tôi. Hoạt động của chúng tôi đáng lẽ
phải được đưa vào sách giáo khoa môn xã hội luôn ấy chứ. Hơn nữa, để đãi
ngộ tốt hơn các thành viên chúng tôi yêu cầu phải được tăng mức trợ
cấp. Nếu không chúng tôi sẽ đình công để cho mọi người biết đến sự tồn
tại của chúng tôi”
Thế rồi đình công nổ ra. Những ngày đó thật vô cùng loạn lạc. Bầu
trời đục ngầu, nước biển mãi mới sạch được thì lại trở nên dơ bẩn, cá ở
sông hồ chết sạch, số lượng bệnh nhân tăng dần đều. Dân chúng bắt đầu
hoảng sợ. Hiệp hội lên tiếng phát ngôn.
“Không có chúng tôi là xã hội trở thành như vậy đó. Các người muốn
đảo ngược sự vận hành của lịch sử hả? Chúng tôi muốn sự thừa nhận của
thế giới”
Cuối cùng số tiền trợ cấp cũng được gia tăng như ý nguyện. Sự tàn phá
môi trường trong lúc Hiệp hội đình công thật quá sức tưởng tượng. Cũng
có tin đồn rằng chính Hiệp hội đã âm thầm gây ra những vụ ô nhiễm môi
trường đó nhưng theo như phát biểu của Hiệp hội thì “các nhà máy xí
nghiệp đã tranh thủ lúc chúng tôi buông lỏng giám sát mà thải những chất
ô nhiễm ra môi trường”. Chân tướng sự việc như thế nào ai mà biết được.
Bởi vì những dữ liệu về ô nhiễm môi trường chỉ có một mình Hiệp hội nắm
được mà thôi.
Tiền vốn nhiều, tiền đồ có vẻ sáng sủa thế nên nhân tài hội tụ. Với
tình thế đang lên cao, Hiệp hội giám sát tác hại môi trường mới yêu cầu
với chính phủ.
“Mặc dù chúng tôi đã ra sức cố gắng thế nhưng gốc rễ của vấn đề của
nạn ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi muốn có quyền hạn thâm
nhập vào các nhà máy để kiểm tra. Chứ tình hình bây giờ chỉ như bắt cóc
bỏ dĩa mà thôi. Cứ xem như chúng tôi hỗ trợ cho các cơ quan ban ngành
làm việc không hiệu quả thôi mà”
Dân chúng ủng hộ điều đó. Bởi vì những người trong Hiệp hội đang đứng
đầu chiến tuyến đấu tranh với nạn ô nhiễm, bảo vệ cuộc sống của chúng
ta cơ mà. Cho họ thêm chút quyền hạn như vậy có mất mát gì đâu.
Thế là Hiệp hội được thêm đặc quyền đó. Và rồi một ngày kia, Hiệp hội
dựa vào đó bất ngờ đột nhập một nhà máy kia để kiểm tra, xô xát với bảo
vệ và bên Hiệp hội có một người chết. Tội phạm thì không rõ nhưng xác
chết là có thật. Thế là Hiệp hội đánh trống mở cờ.
“Chuyện gì xảy ra nữa đây? Bây giờ đến mức tập trung vào việc giúp đỡ
nhân dân cũng không được nữa ư? Chúng tôi muốn được cấp phép sử dụng
súng. Hiện tại thì chỉ có cảnh sát, cơ quan công an đường sắt với cơ
quan bài trừ ma túy là được sở hữu súng đạn mà thôi. Như thế thì chúng
tôi phải được trang bị súng vì đấu tranh với kẻ địch lớn hơn bọn móc túi
và buôn ma túy gấp nhiều lần mà. Nếu không được thế chúng tôi không thể
gánh vác trách nhiệm đâu. Chúng tôi sẽ xem xét giải tán Hiệp hội nhưng
trước hết phải đình công cái đã”
Vừa mới giơ ra thanh bảo kiếm gia truyền có tên gọi “đình công”, yêu
cầu đó lập tức được chuẩn thuận. Hơn nữa dân chúng ủng hộ gần như tuyệt
đối. Trang bị vũ khí cho phe chính nghĩa thì có hại gì đâu.
Đúng là có thêm súng thì chẳng khác gì hổ mọc thêm cánh. Các vụ ô
nhiểm môi trường giảm thiểu thấy rõ, những người phải đối Hiệp hội công
khai cũng ít hẳn đi. Cứ phản đối là ngay lập tức bị uy hiếp mà.
“Nào, hãy viết vào đây, thừa nhận làm ô nhiễm môi trường đi. Đúng là
kẻ thù của dân chúng. Kẻ phản bội đất nước. Không cẩn thận phát ngôn là
toi mạng đấy biết chưa?”
Nếu thua trong cuộc chiến chống lại nạn ô nhiễm môi trường thì chẳng
còn ai có thể sống sót được cả. Nâng cao chính nghĩa, dẹp tan luận điệu
xuyên tạc là chuyện phải làm. Có cả thêm súng ống đạn dược vào nữa thì
tà ma ác quỷ nào cũng phải câm miệng hến mà thôi.
Lấy ý kiến quần chúng làm hậu thuẫn, Hiệp hội tác động đến chính
trường và chính phủ, ra cái tuyên ngôn “bố cáo tuyên chiến với vấn đề ô
nhiễm môi trường”. Rồi dựa vào đó, Hiệp Hội nắm quyền chi phối cả lực
lượng tự vệ nữa. Cho đến bây giờ, lực lượng tự vệ chỉ được dùng để cứu
trợ thiên tai thôi. Bây giờ cũng tương tự thế. Chỉ khác là trận chiến
chống lại ô nhiễm môi trường mang tính trường kỳ, tính tổ chức cao hơn.
Phải lập ra một Bộ Tổng tư lệnh. Không sao hết, không có vấn đề gì về
mặt Hiến pháp cả. Vì mình lập ra với mục đích tự vệ chứ có phải để giải
quyết các tranh chấp quốc tế gì đâu.
Còn những người căm ghét muốn bỏ trốn ra nước ngoài đều bị bắt về xử
phạt thật nặng. Đúng tình cảnh như thời chiến tranh vậy. Chẳng phải
những kẻ có ý định đào tẩu khỏi chiến tuyến đều không được mọi người tha
thứ sao?
Tuy vậy không phải là không có kẻ ca thán.
“Tại sao tôi phải sống trong cõi đời này chứ? Cuối cùng ô nhiễm môi trường là cái quái gì vậy?”
“Nếu cứ để mặc thì tình hình sẽ tệ hơn đấy nhưng đâu ngờ mọi chuyện đi quá xa thế này”
“Cứ thế này này thì trở thành chính trị khủng bố rồi chứ còn gì nữa”
“Ừ, đúng nhỉ. Đúng là tai hại của tai hại”
Thế nhưng những lời nói lén lút đó đều bị cảnh sát mật trực thuộc
Hiệp hội đánh hơi thấy được, cho người bắt nhốt hết, tra tấn khổ sở
không biết bao nhiêu mà kể.
“Thật là loạn lạc nhố nhăng quá. Cứ thế này, Hiệp hội chẳng khác gì băng đảng KKK của Mỹ cả”
Nhưng kêu than cũng vô ích mà thôi.
“Chuyện của nước ngoài quan tâm làm gì. Nhưng mà tên Hội KKK nghe hay
đó. Mình lấy tên gọi tắt đó cho Hiệp hội giám sát ô nhiễm môi trường[1] của mình đi”
Thế là bài hát “hành khúc KKK” được sáng tác, và mọi người phải vui
vẻ cất cao giọng hát “nếu như không có ô nhiễm môi trường, cuộc đời ta
thật sướng vui sao”……
Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ
[1]
“Hiệp hội giám sát ô nhiễm môi trường” ( 公害監視協会 Kougai kanshi Kyoukai)
viết tắt ba chữ đầu là KKK, giống tên băng đảng KKK (Ku Klux Klan) của
Mỹ chủ trương đề cao thuyết người da trắng thượng đẳng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét