Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo thế giới chỉ còn 2 năm để ngăn chặn những mối đe dọa làm mất đa dạng sinh học – “kẻ giết người thầm lặng” có mức ảnh hưởng không kém biến đổi khí hậu.



Giám đốc đa dạng sinh học của LHQ Cristiana Pașca Palmer mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng thế giới phải nỗ lực ngăn chặn sự biến mất của các loài sinh vật trong 2 năm tới nếu không muốn sớm bị tuyệt chủng.
Bà Palmer kêu gọi các quốc gia đặt mục tiêu tới năm 2020 trong việc bảo vệ các loài động thực vật đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất lương thực, làm sạch nguồn nước và hấp thụ khí cacbonic.
“Sự mất đa dạng sinh học là một kẻ giết người thầm lặng. Không giống với biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học biểu hiện không rõ ràng. Tuy nhiên, đến khi chúng ta nhận thức được điều gì đang xảy ra thì đã quá muộn”, bà Palmer nói.
Vào năm 2010, 193 quốc gia tham gia Hội nghị LHQ về đa dạng sinh học lần thứ 10 đã thông qua mục tiêu Aichi nhằm ngăn chặn tốc độ diệt vong của các loài sinh vật trên Trái Đất.
Theo đó, các quốc gia cam kết giảm ít nhất một nửa diện tích môi trường tự nhiên bị biến mất, đảm bảo đánh bắt cá bền vững ở các nguồn nước, tăng diện tích các khu vực tự nhiên được bảo vệ trên đất liền từ 10% lên 17%.
Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan khi nhiều quốc gia chưa đạt được mục tiêu này. Tốc độ mất đa dạng sinh học do sự phá hủy môi trường tự nhiên, ô nhiễm hóa chất sẽ gia tăng trong 30 năm tới.
Biến đổi khí hậu và bùng nổ gia tăng dân số khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn. Tới năm 2050, dự kiến châu Phi sẽ mất 50% các loài chim và động vật có vú, ngành công nghiệp đánh bắt cá của châu Á bị ảnh hưởng nặng nề.
Mặt khác, việc bảo vệ đa dạng sinh học tại một số quốc gia đang có những dấu hiệu tích cực. Một số loài tại châu Á và châu Phi đang gia tăng số lượng trở lại. Diện tích rừng tại châu Á đã tăng 2,5%, các khu vực biển được bảo vệ cũng đã được gia tăng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây khẳng định những vấn đề khí hậu sẽ không thể giải quyết được nếu không có sự ngăn chặn mất đa dạng sinh học. Đây sẽ là một vấn đề trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới tại Pháp.

Hoàng Anh (Tổng hợp) 
daikynguyen.com