Người đàn ông trẻ đón ông Lâm Định ở phi trường nội địa thành phố D. giơ tay bắt, miệng cười vồn vã:
“Chào mừng giáo sư Lâm Định. Tôi là Andreas
Moretti, người thường xuyên liên lạc với ông từ nhiều tháng qua. Ông vẫn
khoẻ? Chuyến bay thoải mái, không có gì trở ngại chứ, thưa giáo sư?”.
“Rất hân hạnh được gặp anh”, ông Lâm tươi mặt, cố nén cái đau vạch đằm đằm chữ thập trên phiến lưng.
“Tôi xin có lời khen ngợi, dấu giọng Việt ngữ của anh vô cùng tài hoa, hiếm thấy người Âu Tây nào đạt được trình độ như vậy”. Kiểu nói khách sáo ông thường sử dụng mỗi lần chứng đau khớp tới cữ hoành hành.
Moretti cuốn vội tờ giấy cứng tô đậm mấy chữ tô
dấu rõ ràng “Giáo sư Lâm Định”, cắp vào nách, dằn lấy cái xắc da nâu cũ
từ tay ông giáo sư, bật tiếng cười ngắn:
“Giáo sư quá lời đó thôi”. Rồi anh nhỏ giọng ra
điều quan trọng: “Mà… mà biết đâu chừng, kiếp trước tôi là người Việt
Nam, thưa ông”.
Ông Lâm cười xoà, thoáng đưa mắt quan sát anh
thanh niên. Anh cao hơn ông nửa đầu, tóc nâu sẫm cắt ngắn. Màu mắt xanh
trong vắt sau lớp kính gọng bạc thanh mảnh. Áo sơ-mi dài tay xám nhạt,
quần đen ủi nếp kỹ lưỡng. Thần sắc anh toát sáng nét thân thiện hiếm
thấy ở vài người bản xứ mà ông Lâm đã tiếp xúc trong ngày hôm nay. Những
gương mặt nhân viên đoan thuế lạnh băng. Những tia mắt vô cảm của mấy
nữ tiếp viên chăm bẳm dò xét sau quầy nhận, trước màn ảnh máy vi tính,
dè xẻn lời nói như thể phải trả chúng bằng một giá đắt đỏ.
Moreti cho biết, anh đậu xe dưới hầm. Trong thang máy, anh nhẩn nha kể chuyện thời tiết:
“Giáo sư may mắn lắm đó, tuần trước trời còn đổ tuyết”.
“Tháng năm mà còn rơi tuyết sao?”, ông Lâm không khỏi ngạc nhiên.
“Khó lòng biết được chuyện thời tiết xứ này, đặc biệt tại đây, một nơi nhiều núi đồi, thưa giáo sư”, Moretti chép miệng.
Bất chợt anh bừng giọng hứng khởi:
“Vậy mà, như có phép lạ, chỉ sau một cuối tuần,
trời trở ấm, nắng ráo cho tới bữa nay. Tôi sẽ chỉ giáo sư xem đại lộ anh
đào trên đường tới học viện. Tuyệt diệu không tả nổi”.
Cách nói và điệu bộ của người đàn ông trẻ khiến
ông Lâm háo hức, tưởng chừng quên đi cảm giác nhức buốt dửng dưng lan
khắp thân người. Nhưng không thể. Thỉnh thoảng chúng lại nhói lên như có
kẻ nghịch ngợm cầm dao lam cứa lên từng lóng xương lỏng lẻo. Ông hỏi
Moretti phòng vệ sinh, bước nhanh vào, lấy ra lọ thuốc giảm đau, run tay
mở nắp. Ông vốc nước ực liên tiếp nhiều ngụm, khép mắt định thần giây
lâu. Ngẩng lên, khuôn mặt trong gương nhìn ông như kẻ lạ. Mái tóc hoa
râm thưa sợi. Ba vạch nhăn ngang trán. Hai nếp gấp giữa cặp chân mày mọc
sợi đen cứng, bừa bãi, xen kẽ sợi bạc. Ông tự dặn lòng, tối nay phải
nhổ chúng đi. Nhưng làm sao ông bôi xóa được những đường nhăn, những đốm
da mồi tuổi tác trên đôi gò má, lốm đốm dọc sống mũi? Và vô số ý nghĩ
ngổn ngang, dằn vặt tâm trí ông lâu nay về một chữ, chỉ một chữ duy nhất
mà ông không thể định nghĩa rành mạch, xác đáng: chữ Hạnh.
Bưu tín từ nước ngoài đến tay ông vào một ngày
mưa tháng tám. Ngoại ô Sài Gòn bầm dập cơn mưa chiều xối xả. Thằng cháu
nội chạy sầm sập lên gác, trao ông lá thư đẫm mưa lấm tấm. Ông Lâm bật
đèn, lật qua lại phong bì dán góc bưu hoa một xứ Âu châu xa xôi, giơ ra
vũng đèn vàng ối. Thằng cháu còn đứng đó, xoe mắt tò mò. Tiếng trẻ con
giỡn mưa trong lòng hẻm lầy lội vang dội từng chặp. Nó, cũng như ông,
dường như cảm nhận điều khác thường cất giấu trong phong bì lạ mắt này.
Ông Lâm không mở thư đọc vội, ngoắc tay gọi cháu. Nó bước lại, tần ngần
ngồi xuống, ngoặt đầu lên đùi ông như một con mèo đói. Ông không nhớ rõ,
từ bao lâu rồi ông ít khi gần gũi chuyện trò cùng con cháu. Căn hộ
chật, chung đụng ba thế hệ. Từ dạo biết mình vướng hội chứng suy nhược
thần kinh hệ, ông Lâm bắt đầu ẩn dật trong chính chiếc bóng mình. Ông
luồn ngón tay vào đầu tóc rậm rì của thằng bé. Ông cháu thủ thỉ trò
chuyện. Tiếng mưa sầm sập mái tôn lẫn tiếng sấm loé trời thỉnh thoảng
cắt ngang mạch chuyện. Trũng đèn chớp tắt run rẩy theo dòng điện đứt
đoạn. Có tiếng giục giã gọi tên thằng nhỏ. Nó ngấc đầu, phắt cái liếng
chân chạy biến. Ông Lâm tần ngần cầm phong thư, ngắm nghía hàng chữ
người gửi. Một cái tên lạ. Ông rọc mạnh rìa thư, gắn gọng kính lão lên
mắt …
“Chúng ta đang rẽ vào đại lộ anh đào, thưa giáo sư”.
Ông Lâm chập choạng hé mắt. Cảnh không gian mở ra
trước mặt. Không phải vòm mây ẩm mưa xám ngoét đất quê nghèo một ngày
lê thê, mà trong vắt khung trời không một gợn mây. Và, đại lộ trổ hồng
anh đào Nhật Bản một hàng thẳng tắp giữa lòng đường xuôi ngược hai dòng
lưu thông. Giáo sư Lâm Định xoáy mắt ngắm không chớp. Những chòm hoa bụ
bẫm, tươi rói, kiêu hãnh thanh xuân trong sắc nắng vàng nõn. Ông lẩm
bẩm:
“Một bữa tiệc thịnh soạn cho thị giác. Ngon ngoài sức tưởng tượng”.
“Giáo sư nói chi?”, Moretti từ tốn.
“Có khi nào anh được thiên nhiên dọn cho một bữa ăn mãn nhãn thế này chưa?”, ông Lâm cười xoà, bỡn cợt.
Người thanh niên hiểu ra, cười khẽ:
“Mỗi năm một lần. Mỗi lần, dăm ba ngày”.
“Đủ rồi. Trước kia bà Từ Hy Thái Hậu đãi đằng quan khách ba ngày ba đêm, ăn mệt nghỉ là vậy”.
Chợt, Moretti rụt rè cất giọng:
“Có lẽ giáo sư đói bụng? Xin lỗi, tôi sơ ý”.
Ông Lâm không khỏi cười lớn:
“Tôi ăn bữa điểm tâm trên phi cơ rồi, vẫn còn no, anh đừng lo”.
Và ông buộc lòng nghĩ tới mấy thứ vặt vãnh cất
giữ trong xắc tay: cái bánh con nâu quánh gói giấy bóng, mấy túi giấy
đường muối, hộp nhựa tí tẹo đựng mứt dâu tây, vài thỏi sô-cô-la. Ông
định bụng, dành làm quà mọn cho lũ cháu loắt choắt. Biết ông được phép
du hành ra nước ngoài, đứa nào cũng thỏ thẻ dặn dò. Ôi, những đứa trẻ ra
đời sau 1975 chưa từng hít thở thứ dưỡng khí của một xã hội chưa bị
ngôn ngữ giáo điều ô nhiễm. Ông là một trong hàng ngũ trí thức đã một
thời dốc lòng tin tưởng vào tín nghĩa ẩn sau mớ từ vựng độc lập, tự do, hạnh phúc.
Ông không phải đi học tập cải tạo. Nhưng ông thấy rõ hoàn cảnh sa sút
và sa đọa của đất nước. Đau lòng nhất là biến chất của từ vựng. Những
công trình soạn thảo tự điển công phu không còn bao nhiêu giá trị. Đói
không còn là trạng thái trống rỗng của dạ dày ba lần mỗi ngày, mà trở
thành bản sắc khắc sâu vào ý thức, di truyền qua nhiều thế hệ, là nguyên
nhân của mọi tệ trạng. Ông không ngạc nhiên, khi từ láo đương nhiên hàm
chứa ba đầu chín tay quyền phép. Và một lần, bất chợt, ông thẫn thờ suy
ngẫm về ý nghĩa sâu kín của chữ Hạnh.
“Kính thưa giáo sư Lâm Định,
Học viện chuyên ngành văn hoá và ngữ học Đông
Nam Á thuộc đại học thành phố M. dự định tổ chức hai ngày Lễ Hội Việt
Nam vào mùa xuân năm tới. Qua lời giới thiệu của nhiều nhà ngữ học có uy
tín tại đây, chúng tôi trân trọng gửi tới giáo sư lời mời tham dự buổi
hội thảo về đề tài “Vai trò của Đông triết trong thời đại vi tính”.
Ngoài ra, nhân dịp này chúng tôi cũng ước mong được giáo sư cho nghe một
bài thuyết trình khoảng ba mươi phút. Mọi phí tổn sẽ được chúng tôi đài
thọ…”.
Ông Lâm đặt tờ thư mở toang hoác xuống mặt bàn,
trật gọng kính dụi mắt định thần. Mưa vẫn sàn sạt bạo hành lên mái tôn.
Lũ trẻ tắm mưa trững giỡn vô tư, rầm rập đuổi nhau trong hẻm chật. Giọng
người la mắng, gọi khan. Văng vẳng đâu đó tiếng Tây Ban cầm không rõ
giai điệu. Còi giao thông từ lộ chính cách đây một dải nhà hớt hải đua
chen. Trang thư giấy trắng tinh, những dòng chữ trịnh trọng nhưng mạch
lạc, ấn hiệu của học viện trên góc phải. Và cái tên lạ: Andreas Moretti.
Một kẻ không rõ xuất xứ, soạn một lá thư ẩn giữa những hàng từ ngữ
khách sáo là một khối tâm tình tha thiết, như những cuống rún không thể
lìa xa nhúm đất chôn nhau khốn khó. Chụp đèn bàn viết điện thế yếu soi
vàng mặt chữ. Ông Lâm vói tay rút pho tự điển bong gáy trên kệ. Những
tựa sách hiếm quí, ông đã bao phen chật vật giấu diếm, bám víu theo ông
sống sót sau nhiều đợt truy lùng văn học văn chương chế độ cũ …
“Nếu tôi dùng chữ đẹp để tả cảnh đoạn đường này,
nghe tầm thường lắm. Ngặt nỗi, ngôn ngữ cũng như chữ viết rất thường khi
thiếu sót. Đành mượn cái này để nói cái kia, rằng nhãn quan tôi vừa
trải qua một cơn dục lạc tột đỉnh”, ông Lâm tấm tắc.
Moretti bật cười sảng khoái, cất giọng tỉ tê:
“Gần đây có thành phố lớn ăn chơi trụy lạc nổi tiếng. Nếu giáo sư muốn, tôi sẽ đưa giáo sư tới đó một tối cho biết”.
“Đúng, phải biết để còn về nước lớn lối khoe mẽ với chúng nó một bận cho đã miệng. Bị dán keo lâu rồi!”.
Chàng thanh niên bản xứ chừng như hiểu ý, gật gù:
“Ra đây, giáo sư khỏi lo”.
“Lầm to, anh bạn ơi! Kiểm soát hết đấy! Tôi già rồi, được dịp bung một lần cho thỏa”, ông Lâm trợn mắt.
Xe rẽ vào khuôn viên đại học chia lối ngăn nắp.
Nhiều vườn cỏ dốc thoải lên đỉnh đồi nhấp nhô tầng kiến trúc đồ sộ.
Tháng Năm, cỏ cây mơn mởn lộc non. Moretti giảm tốc độ tối thiểu, không
ngớt thuật chuyện:
“Đại học chúng tôi kết giao với đại học Tokyo.
Hàng anh đào giáo sư vừa thấy lúc nãy, là của họ trồng tặng nhân lễ khai
mạc mối bang giao. Thuở ấy tôi còn là sinh viên phân khoa ngữ học Á
châu, mê chữ không thể tả. Mà không hiểu sao, phải là thứ chữ biểu tượng
Á châu mới thích. Rồi từ từ tôi chuyên ngành, chọn Việt ngữ. Có lý do
hết đấy, thưa giáo sư”.
Ông Lâm còn dụ dự chưa kịp hỏi thì Moretti đã
lách xe vào ô trống trong bãi đậu bên hông hàng cây còn thưa lá. Ông
bước ra, ngước mặt quanh quất. Hương hoa lạ, mùi nhựa cây và nắng mới
lay lắt, chan hoà. Nhiều dãy xe đậu xéo hai lối tráng nhựa dẫn vào tòa
chung cư năm tầng. Những ô cửa đồng dạng, cánh mở cánh đóng. Vài tia mắt
tò mò quét nhìn, lúc ông cùng Moretti bước vào hành lang kê hàng hộp
thư sơn xám. Moretti bảo ông Lâm đứng chờ, anh vào văn phòng quản gia
ghi danh nhận phòng, lấy chìa khoá.
Căn phòng rộng vừa. Chiếc giường đơn trải khăn
trắng muốt. Một bàn thấp và hai ghế mây lót nệm. Một ghế gỗ thông cạnh
bàn làm việc đặt trong góc, chụp đèn nâu có cần điều chỉnh, máy điện
thoại sơn trắng. Ông Lâm còn váng vất trước cách bày trí gọn sạch thì
Moretti đã tới kéo màn cửa, mở rộng khung kính.
“Đại học dành riêng vài phòng cho khách phương xa
trong cư xá sinh viên, thay vì mướn cho họ chỗ trọ trong khách sạn, có
thể đầy đủ tiện nghi hơn, nhưng xa trường và cách biệt với sinh hoạt của
học viện”.
Rồi anh đảo mắt xem xét, nói như xin lỗi:
“Phòng hẹp, nhưng yên tịnh và khoảng khoát”.
“Không, không, ấm cúng thế này, tôi đâu muốn gì hơn”, ông Lâm rối giọng.
Moretti xoa tay:
“Vậy, tôi xin phép cáo lui cho giáo sư nghỉ ngơi. Sáu giờ chiều tôi trở lại đón giáo sư đi ăn tối”.
Anh còn chỉ ông Lâm chỗ kê tủ lạnh con đựng thức
uống, vài cái tách úp ngược trong khay nhựa. Phòng vệ sinh và bồn tắm
gương sen hai vòi lạnh nóng. Tất cả, đối với ông không lạ, nhưng mới
sạch, gần như miễn nhiễm. Lúc ông tới cạnh khung cửa mở, trông ra, vòm
mắt choáng ngợp trước quanh cảnh trước mắt. Thị giác lại thêm một lần no
nê ảnh sắc. Phòng ở tầng trên cùng. Từ đỉnh đồi nhìn xuống, trường đại
học với kiến trúc hình hộp lạ mắt, tường vôi nhiều màu khác nhau, rải
rắc dọc ngang như những rương bê-tông khổng lồ lưu trữ não bộ tri thức
của nhân loại. Tin học và ngữ học. Vật lý hạt nhân và triết học cổ điển.
Kinh doanh quốc tế và văn chương cận đại. Đối tính kề cận nhau, bổ
sung, dung hoà. Không cấm đoán. Không tiêu diệt. Không xảo trá nguỵ biện
bằng uy lực của quyền bính.
Ông Lâm khép cửa, thay quần áo, đi tắm rồi vào
giường nằm. Cái mệt bấy giờ mớt thật sự ùa tới. Toàn bộ xương cốt ông
mỏi nhừ, rần rật nghìn nghịt nọc kiến châm chích. Ông đã luyện tập, khắc
phục nỗi đau bằng cách tập trung tư tưởng tại huệ nhãn. Chỗ đó, soi
gương, rành rành hai nếp gấp thời gian. Đôi khi ông hoa mắt thấy chúng
biến dạng thành nét chữ Nho phác thảo, không rõ nghĩa gì. Trí nhớ ông
càng lúc càng tồi tệ, chỉ vài phút sau đó, không còn sót lại chút gì để
ông ghi ra giấy, giở tự điển tìm tòi. Cũng xuất phát từ nguồn sáng bật
sáng từ lớp lớp cơn đau buốt xương rách thịt ấy, ông đã cảm nghiệm đề
tài cho ba mươi phút thuyết trình vào ngày mai: “Chữ Hạnh trong tâm thức
Việt hiện đại”. Nghe qua, tưởng như triết lý hay học thuyết gì mới mẻ,
cao siêu. Thật ra chỉ là những suy tư lấn cấn, vật vã ông từ nhiều thập
niên qua. Dịp này, không xuất ra, e trễ mất.
Ông ý thức ra điều này trong quãng thời gian ông
bị giam lỏng trong bốn vách nhà riêng. Mái tôn vách ván. Cửa sổ là một
tấm gỗ mỏng. Cửa lớn trổ ra ban-công có lan can gác chéo nhiều thanh gỗ
tróc sơn xanh đỏ nhặt nhạnh đó đây, bày nhiều chậu kiểng con sần sùi
thân nhánh nhưng cùi cụi rậm lá. Vài sợi dây ny-lông phơi quần áo, đồ
lót ông tự giặt lấy. Bàn thuốc lào lạnh hơi môi, bị ông ruồng rẫy từ khi
sức khoẻ tuột dốc. Trên bàn viết, chất chồng sách báo, ngổn ngang bút,
giấy chi chít ý nghĩ gạch xoá, sợ hãi giấu diếm mỗi lần nghe tiếng chân
người kót két giẫm lên thang gỗ. Những khuya trằn trọc lắng đợi thời
gian trở mình, nghe tiếng mối mọt sột soạt gặm mòn những trang chữ suy
dinh dưỡng. Lũ cháu nội ngoại mớ máy những mơ hoang. Đã nhiều phen ông
bị mời ra cơ quan làm việc. Những câu hỏi dằn xốc. Liên lạc với ai ở
nước ngoài? Bạn bè, thân nhân là những ai, làm gì, ở đâu? Đã trước tác
những gì, khi nào? Đôi khi rắn giọng doạ dẫm, có lúc mật bùi hứa hẹn.
Những lúc đó, nếu ông không định thị vào điểm sáng rực rỡ giữa hai chân
mày, có lẽ ông đã xuôi tay tuân phục theo sức nén của áp lực. Chữ là một
lẽ, niềm tin vào lương tri tuyệt đối là lẽ khác. Ông kiên trì bấu víu
vào đó để tồn tại, chờ ngày phục sinh của chữ.
Tiếng đồng hồ tay rón rén báo thức. Ông Lâm mở
mắt. Nắng tháng Năm lấp loé ngoài rèm cửa. Chiều nơi xứ lạnh khua khẩy
những thanh âm từ tốn. Không phải giọng rao hàng khắc khoải suốt chiều
dài con hẻm chật. Không nghe tiếng leng keng xe kem chằm chặp thúc bách.
Giọng thiếu nữ thảnh thót hột vịt lộn hột gà vữa, đứt ngang ở âm ữa như
một nốt nhạc què quặt. Đúng sáu giờ chiều, loa khuếch âm đầu hẻm lanh
lảnh bản tin những thắng lợi siêu việt của nhà nước. Điệu nhạc lè rè
dòng điện câu. Lâu rồi, ông thấy nhớ tiếng chim dáo dác gọi bạn trong
vòm cây úa lá nghi ngại.
Cho tới một ngày, ông được phép qua đây thuyết
trình về một chữ đã ám tưởng tâm thức ông nhiều thập niên qua. Không
ngớt. Lên đường một mình. Nhưng không dáo dác, nghi ngại mà phấn chấn
trong cơn đau ngấm ngầm mỗi khớp xương theo ngần ấy độ ấm lạnh sai biệt.
Moretti lái xe qua phố lớn cách đấy gần nửa tiếng
xa lộ. Trung tâm phân chia phố cổ phố tân rạch ròi nhà cửa xây thấp.
Những ngõ ngách chằng chịt trải đá xanh. Nhiều thánh đường kiến trúc
La-Mã cổ cân xứng chặt chẽ với những cao ốc lắp kính màu tân kỳ. Khu thị
tứ san sát cửa hiệu hào nhoáng xa xỉ phẩm. Cạnh hải cảng là trụ điểm
của truỵ lạc, chen chúc quán xá, hộp đêm, nhà chứa, kẻ bán người mua lạc
thú nhốn nháo sau chín giờ tối.
Chiều sớm, nhiều quán rượu, nhà khách chưa thức.
Moretti rảo xe chậm ngang, chỉ trỏ hài hước, giải thích. Rồi anh ngắn
gọn kết luận:
“Chúng tôi đặt cái chơi trước cái ăn vì vậy”.
Ông Lâm nhỏ nhẻ:
“Thì đã sao. Có khác nhau mới thú. Triết Tây xưa
kia lấy thượng đế làm chuẩn, bây giờ bám vào lý thuyết thực dụng. Còn
triết Đông tìm cách bôi sạch ý thức, định nghĩa chân lý, cho rằng động
vật và thiên nhiên hiện hữu hỗ tương… Ối, rắc rối. Sở học một đời người
không thể nắm trọn”.
“Thế sao người Á Châu coi trọng miếng ăn?”, Moretti cắc cớ.
Ông Lâm ngần ngừ:
“Không biết tổ tiên chúng tôi thuở trước nghĩ sao, chứ hiện giờ, dễ giải thích thôi. Tại đói!”.
Nội thất quán ăn trong phố cổ bắc dọc ngang trục
gỗ đen bóng khắc hoa văn sơn đỏ rượu chát, vàng lúa mì, xanh hồ thuỷ.
Bàn ghế gỗ sồi vạm vỡ, đèn vàng ấm cúng, tranh sơn dầu cổ điển nhiều sắc
nâu, khung nhũ vàng nhũ bạc sáng loáng. Hầu bàn trong đồng phục áo
trắng quần đen, tạp dề lết phết lục sẫm.
Giáo sư Lâm Định cầm tờ thực đơn bìa da, lật đọc chăm chú một đỗi rồi gấp lại, cười lấp lửng:
“Tiếng Đức khó lắm, phải không anh?”.
Moretti gật đầu:
“Mời giáo sư uống thử loại bia đặc sản vùng này”.
Cặp mắt ông Lâm sáng lên, lắng tai chăm chú. Moretti chậm rãi tìm chữ:
“Bia và bánh khoai tây nướng với dồi thịt mỡ hun
khói, thức ăn dân dã miền Hắc Lâm, đậm đà không thể tưởng. Giáo sư dùng
thử nhé?”.
Ông Lâm hớn hở, quên tuốt mấy qui luật kiêng cữ
do y sĩ căn dặn. Và tiêu chuẩn ẩm thực được lặp đi lặp lại mòn tai:
không bị cấm đoán thứ gì cả, nhưng càng ít càng tốt, bỏ hẳn là lý tưởng
nhất. Ông dí dỏm so sánh với thứ luật pháp dị hợm ở xứ sở ông, tóm tắt
vỏn vẹn chỉ mấy chữ: đừng tưởng bở!
Bữa ăn tối đáp ứng trọn vẹn lề ăn thói uống được
Tản Đà tiên sinh ghi chép. Có nên thêm thắt cái hoa thị kèm mấy dòng chú
thích: câu chuyện cũng phải ngon? Mẩu tâm sự của Moretti bên lề bàn ăn
bắt đầu bất ngờ:
“Tính mê chữ Việt của tôi từ mẹ mà ra”.
Ông Lâm ngừng tay xẻ khúc dồi, nhếch mắt đăm đăm
nhìn anh thanh niên ngồi đối diện. Ông thích lối dụng ngữ của Moretti,
là lạ bất chợt như cắn phải hạt lựu mỡ chài ẩn trong lớp thịt bằm khen
khét mùi khói, gây gấy chút hậu vị lạ miệng.
“Nghĩa là sao?”.
Moretti nâng ly bia, hớp ngụm đầy. Chút bọt trắng
bám mép. Anh giơ khăn chặm, nét mặt không chút giao động. Ông Lâm đoán
chừng anh đang lựa chữ. Ông tiếp tục nhai nhằn những hạt thịt mỡ, chờ.
“Tôi là con nuôi của ông bà Moretti từ thuở sơ
sinh, mẹ tôi kể vậy. Bà goá bụa ngót chục năm rồi. Cha tôi mất vì chứng
ung thư phổi. Không thể hiểu nổi, vì ông chỉ hút xì-gà mỗi năm độc nhất
một lần sau bữa tiệc tân niên cùng họ hàng bên nội”.
Bất giác ông Lâm liên tưởng hương thuốc lào loọc
soọc sực nức căn gác giam hãm. Hai lá phổi buồn bã dưỡng khí. Phần não
bộ căng thẳng cùng cực những tính toán mưu sinh. Sản nghiệp của ông,
những trang chữ phế thải cần được chỉnh trang cho thích ứng với thời
thế.
“Ông mất để lại một gia tài lớn. Phần của tôi chỉ được hưởng khi tôi lập gia đình…”.
“Bằng không?”, ông Lâm xen lời.
“… Sẽ được phân phát cho các cơ quan từ thiện.
Phần của mẹ tôi được bà quyên tặng dồi dào cho phân khoa ngữ văn Đông
Nam Á. Bà không khuyên, nhưng ý bà rõ ràng muốn tôi theo học ngành này”.
“Tôi phải cám ơn mẹ anh. Nhờ bà mà tôi được dịp
rời nước một bận, quen biết anh, tạm quên nhiều nỗi bức bách trong cuộc
sống”, ông Lâm tươi tắn.
“Ngày mai mẹ tôi sẽ tới nghe ông nói chuyện”.
Ông Lâm cầm chéo khăn lau miệng, không nói. Khó
hình dung dáng điệu một người đàn bà, lại là một người đàn bà Tây
Phương, trong kinh nghiệm của ông với ý thức của một người Á Châu suốt
quá khứ vừa qua đã bị nhiều giáo điều bào mòn không thương tiếc. Ông
không biết nói gì hơn ngoài mấy lời quảng giao nhạt nhẽo, lạnh tanh lớp
mỡ đọng váng dưới đáy thẩu sứ.
Moretti hỏi ông có muốn trở lại góc phố truỵ lạc
đang sửa soạn thức giấc. Ông Lâm cám ơn, xin được về lại phòng trọ, nghỉ
ngơi lấy sức cho ngày mai.
Đêm sậm sật mê hoặc. Trời ngoài khung cửa xanh
huyễn. Hơi lạnh không quen nổi gai da thịt, đóng đinh rách toạc những
lóng xương. Cảm giác nhức nhối rành rành siết lấy não bộ. Chặt. Chặt
hơn. Ông cắn môi, ngăn nỗi đau bật tiếng. Cùng lúc là cảm giác dật lạc
của kẻ leo núi, vừa trèo tới đỉnh, dang tay phóng mắt bao quát vùng bao
la trước mặt. Khoảng khoát vô biên. Khoảnh khắc ấy, giao điểm của đớn
đau và khoái lạc, ông thấy ra tính hiện hữu của bản ngã. Không còn là
nhúm thịt xương vô dụng, trong một xã hội vô dụng, của ngày của tháng
của năm vô ý nghĩa. Ông tưởng mình có thể nắm bắt, sở hữu điều trừu
tượng lẽo đẽo ám nặng tâm trí bấy lâu nay.
Ông run tay vói lấy lọ thuốc chống đau, lấy ra
hai viên bỏ vào miệng, kéo chăn tận cổ, nằm lắng nghe tiếng đêm tan vào
giấc ngủ chập chờn.
***
Mảnh vườn phía sau ngôi nhà trệt thoai thoải dẫn xuống lối đi hẹp, cạnh con suối lớp ngớp đá tảng. Bậc thềm lót thân cây cưa khúc. Hàng rào nguyệt quế đẫm sắc lá. Cây tỉa ngọn, tàn xoè cành đang độ đơm lá non. Vườn cỏ rực vàng hoa thổ tiên. Tượng Phật đúc xi-măng thiền toạ bên bụi mẫu đơn trổ nụ mũm mĩm. Một ao nước con róc rách dòng nước len lỏi hòn giả sơn đắp sỏi vụn. Chiều tây phương soãi bóng lướt thướt trong vườn nhà đông phương góa bụa. Giáo sư Lâm Định được Moretti đưa tới đây theo lời mời của mẹ anh.
Lúc Moretti giới thiệu bà với ông Lâm trong lúc
nghỉ giải lao sáng này, ông không khỏi sửng mặt ngạc nhiên. Không phải
một người đàn bà Tây Phương như ông tưởng mà là một phụ nữ Á Đông mảnh
khảnh nói tiếng Việt.
“Hân hạnh được biết giáo sư”, bà chắp tay lễ độ.
“Chào bà… bà… Moretti”, ông Lâm lúng búng.
“Tôi không biết Andy đã kể những gì với ông, chắc không nhiều?”, người đàn bà chúm chím.
Moretti bật tiếng cười to:
“Khá nhiều, thưa mẹ. Chỉ có điều, mẹ là người Việt Nam, con không tiết lộ”.
Ông Lâm vỗ nhẹ vai Moretti:
“Một lần nữa, tôi có lời khen cách sử dụng Việt ngữ của anh, tài hoa lịch thiệp, khác với một số người trong nước”.
Moretti thoáng đỏ mặt, ngượng ngập choàng tay qua vai mẹ:
“Giáo sư phải khen mẹ tôi mới đúng”.
Người đàn bà tha hương luống tuổi ấy, bây giờ,
đang ngồi cách giáo sư Lâm Định một mặt bàn gỗ thông dưới mái hiên trông
ra cảnh vườn sau đẫm bóng tối sáng. Tách trà bốc khói thơm thoảng. Dĩa
bánh hạnh nhân nướng bơ. Lọ hoa thổ tiên vàng nhu nhã, sắc vàng hiếm
thấy ở xứ nhiệt đới. Chiều tà khoả hơi lành lạnh. Bà Moretti khoác áo
len mỏng màu lam nhạt, gương mặt không trang điểm trắng xanh, màu mắt
nâu rợn tia sáng lạ thường, tuôn ra luồng giao cảm tin cậy, gần gũi.
Bà nâng tách trà, thủng thẳng hớp ngụm.
“Khung cảnh nơi đây thanh tịnh, đậm đà thiền vị,
cho thấy chủ nhân phải là người có nội tại vô phân biệt với ngoại giới”,
ông Lâm khơi chuyện.
Người đàn bà mỉm cười:
“Nhà tôi thuở còn sống rất thích ăn thứ bánh
nướng này, được làm bằng hạnh nhân Thổ-nhĩ-kỳ xay nhuyễn, gia vị thêm
chút bột quế. Mời giáo sư dùng thử, xem có cạnh tranh nổi với loại bánh
hạnh nhân thuần tuý ở quê nhà không?”.
Miếng bánh vỡ vụn trong miệng người đàn ông, rồi
tan theo hớp trà thơm vừa vặn. Ông gật đầu khen ngợi, chữ tỏa khói qua
rãnh môi. Ông văn hoa so sánh, người tây phương có thói quen uống cà-phê
còn dân Á Châu uống trà khi ăn bánh. Cả hai thức uống đều là sản phẩm
thiên nhiên. Cà-phê hiếm khi được uống thô, còn trà pha sao uống vậy.
Chủ quan mà nói, lẽ đó mà trà gần với thiên nhiên hơn, lại là một nơi
khí tiết tươi mát, cỏ hoa thi vị thế này.
“Ngôi nhà và cảnh vườn này cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên”. Thần sắc bà Moretti trở nên lãng đãng.
Tuy bà không nói ra, nhưng ông Lâm nghĩ rằng, ý
bà muốn nhắc tới thời quá khứ hạnh phúc với người bạn đời đã quá vãng.
Tự dưng ông rùng mình tưởng ra, tách trà này, chỗ ngồi này, vùng khí
quyển này trước đó thuộc về một người đàn ông khác. Giờ, chỉ còn lại
những mảnh quế vong, lạnh lẽo đây đó.
Giáo sư Lâm Định muốn biết, thế còn đất nước Việt Nam thì sao? Bà Moretti ngập ngừng:
“Nhẩm lại, khoảng thời gian tôi tha hương đã hơn
hai mươi mốt năm tôi sống ở quê nhà. Từ đó tới nay có nhiều thay đổi như
bàn tay úp ngửa, nhân tính cũng như ngoại cảnh. Tôi không… không… dám
chắc mình còn có thể thích nghi với môi trường mới”.
“Dù úp ngửa cách nào cũng là bàn tay mình, thưa bà”, ông Lâm lý luận.
Bà Moretti cười lửng lơ:
“Chính điều đó làm tôi đau lòng. Một khi chữ Hạnh
không đủ sức cảm hoá thì bàn tay trở thành một thứ khí giới nguy hiểm.
Sáng này giáo sư đã không thuyết trình như thế hay sao?”.
“Tôi cứ tưởng không ai chú tâm tới bài nói thiếu
thực tế của một ông già đang dọ dẫm bước chân vào cỗ áo quan. Chỉ thấy
hiện diện vài khuôn mặt trẻ. Tôi ngại rằng họ không hiểu ý tôi nói gì”,
ông Lâm tủm tỉm.
“Không đến nỗi như vậy. Chứng cớ là Andreas, con trai tôi, thưa giáo sư”.
Ông Lâm tở mở:
“A, người bạn vong niên nói tiếng Việt lưu loát dấu giọng, hiếm thấy ai được như vậy.
“Nó chính là biểu tượng của một quê hương Việt
Nam còn nặng lòng với thói ăn nếp nói của tôi nơi đất trích”, giọng
người đàn bà rộn ràng hãnh diện.
“Lẽ đó mà bà vẫn giữ được những tâm tình rặt ròi Việt tính. Trong nước, hiện nay, đâu còn mấy ai”.
Vừa khi ấy, vẳng lại trầm trầm hồi chuông giáo
đường gióng lễ chiều. Ánh ngày nấn nán vài đốm nhợt nhạt mặt đất. Vành
chân trời phương xa thấp thỏm bức xạ đỏ lườm tia sáng. Bấy giờ ông Lâm
mới nhận thức âm suối bền bỉ len lách. Tàng cây đổ bóng loằng ngoằng lên
vườn cỏ nghiêng vai cạnh lối đi tráng nhựa uốn lượn thân rắn. Bà
Moretti đứng lên cất tiếng xin lỗi. Lát sau, từ nhà trong hắt ra ánh đèn
vàng ấm. Hương nhang nhè nhẹ lan qua khung cửa mở, như mời mọc bóng quế
người khuất mặt trở về. Sống lưng ông Lâm buốt lạnh một đường âm dương
cách trở, nhắc ông nhớ ra nỗi đau toa rập hành xác mỗi chiều. Cơn đau
chiều nay rất khác mọi ngày. Lạnh mà không nhức buốt. Không bén ngót
lưỡi dao bổ cau cứa sâu mà như thể có đầu móng tay ai bấu xoáy cột tủy
ông, xao động những vòng ly tâm nhớn nhác của viên sỏi vừa ném xuống mặt
nước không rõ độ sâu. Loe rộng rồi mất biến trong từng lỗ chân lông.
Ông Lâm run tay nâng tách trà trong vắt hổ phách. Tia sáng ngọn đèn hiên
nhà rơi rớt, tình cờ loè nhoè một gương mặt. Không phải của ông. Diện
mạo sóng sánh đáy trà lạnh hơi người, lạ lùng nhưng không xa cách. Trái
lại, dường như ông đã thoáng thấy nét mặt ấy đâu đấy một lần rồi. Chợt,
một tiếng mõ se se trong vắt loang vào không gian huyễn hoặc. Thanh âm
như mũi nhọn ấn xuống mặt người trong tách nước, nứt mảnh tan vào lớp
men mỏng mảnh, không bền của kiếp người. Ông Lâm rùng mình. Diện mạo ấy
chính là gương mặt của người quá vãng trong tấm di ảnh, ông thấy trên
bàn thờ, mới nãy.
“Xin lỗi đã để giáo sư ngồi một mình ngoài hiên
lạnh. Chiều nào tôi cũng thắp nhang, gióng mõ bàn thờ cho nhà tôi. Hôm
nào quên, ông ấy nhắc”, giọng đàn bà mềm mại cất lên.
Một đường rợn buốt sống lưng người đàn ông.
“Sương đã xuống lạnh, mời giáo sư vào nhà trong, tôi sửa soạn bữa cơm tối”.
Rồi giọng bà Moretti rực màu:
“Andreas có nói sẽ tới muộn. Chương trình buổi chiều theo dự định, tám giờ mới xong. Nó dặn tôi đừng chờ”.
Ông Lâm đứng lên, bước xuống bậc thềm dẫn ra
vườn, soi mắt nhìn cảnh hoàng hôn bàng bạc sương mỏng. Nắng tắt theo độ
sâu của bóng tối. Con suối nhân tạo vẫn mải miết giai điệu thủy chung.
“Vậy mà tưởng nhà có thêm khách”, ông lẩm bẩm như nói với riêng mình.
***
Khoảng thời gian sau đó, về lại quê hương, có khuya giáo sư Lâm Định lại rúng người tỉnh ngủ. Độ ẩm và sức nóng của ngày sót đọng mái tôn, tươm mồ hôi chăn chiếu. Hơi gió yếu ớt rớt lại mùi rác rưởi. Mùa nắng năm nay oi bức khác thường. Bụi không rõ từ đâu thốc tháo ngập không gian. Có người cho đó là hậu quả của hoả sơn phún lửa bên đảo Java. Sài Gòn, một tổ tò vò vĩ đại, nhớp nháp đầy mật bụi.
Đèn ngoài hẻm lặt lìa rãnh sáng bên khung cửa mở
bung. Tiếng ngáy của vài đứa cháu ngủ chung giường mớ máy chen nhau. Ông
Lâm vạch mùng, tới bàn viết bật đèn, xoè diêm châm vòng nhang xua muỗi
đặt dưới chân. Ông đeo kính, giở quyển tập ký chép, nâng bút ghi tiếp
đoạn hồi ức dở dang, dập xoá rối rắm.
“…Bộ chén đũa và khăn ăn dành cho người khách
thứ tư trong bàn cơm tối nhà bà Moretti hôm đó không người đụng tay. Ghế
bỏ trống. Andreas tới lúc chúng tôi bắt đầu món tráng miệng. Nét mặt
anh sẫm mệt nhưng tia mắt rạng ngời. Bà Moretti vào bếp hâm lại thức ăn.
Có xúp cà chua đậu hũ rắc ngò ta, cơm với nấm rơm xào măng rưới sốt Tứ
Xuyên, tráng miệng bằng chè bánh trôi chay nước đường thẻ. Toàn những
món thanh vị. Bà chủ nhà cho biết, đã lâu rồi bà không đụng đũa tới thịt
cá. Không hẳn chỉ vì lý do tín ngưỡng mà vì bà đã ý thức rõ ràng lợi
hại của thực phẩm. Andreas vừa ăn vừa nhũn nhặn bàn chuyện. Những đề tài
của buổi thuyết trình sáng nay rất độc đáo, thú vị. Ba chuyên gia từ
Đông Nam Á với ba chủ đề tưởng lỗi thời nhưng vẫn còn thích ứng tuyệt
đối với thời đại vi tính hiện nay. Anh làm tôi nghĩ tới vị học giả đến
từ Vạn Tượng đã luận bàn vừa vặn ba mươi phút về Tính Không trong Phật
học. Người dịch thuật không tránh khỏi lúng túng nhiều đoạn trong máy
nghe. Thoạt đầu Andreas lo ngại, nội dung đề tài quá phức tạp, ít ra đối
với những bạn trẻ thuộc thế hệ lưu vong thứ hai. Nhưng vị giáo sư Lào,
vóc người nhỏ thó, nước da nâu sạm, đã linh hoạt dụng ngữ bình dân, gần
như khinh suất. Ông so sánh tính đối đãi của Phật triết với mô thức
có-không căn bản của tin học hiện đại. Con người cần có sức công phá
siêu việt của một loài vi khuẩn điện tử cực kỳ thông minh để hủy diệt
toàn bộ hệ thống, xoá sạch, tìm cách đạt tới chân lý tuyệt đối. Rồi ông
xuống giọng, ít ra trong khoảng thời gian lắp ráp lại tầng cấu trúc
có-không của mạng lưới điện tính. Vài tiếng cười vang khẽ, chứng tỏ có
người hiểu ý. Điều này khiến Andreas vô cùng phấn khởi, đã không phí sức
chuẩn bị đằng đẵng nhiều năm trời chỉ cho hai ngày cuối tuần. Bà
Moretti ngồi lắng tai chăm chú. Tôi để ý thấy bà đôi lúc choàng tay đặt
lên lưng ghế trống bên cạnh. Cung cách bà âu yếm kỳ lạ, như thể thanh gỗ
vô tri là bờ vai gần gũi, thân quen. Chén cơm xới lưng lạnh lẽo hương
lửa. Vai ghế ám đọng hơi ấm tay người. Sóng mắt người đàn bà lặng lờ mặt
nước mùa lặng gió. Andreas thỉnh thoảng lại xoay người, nắm tay mẹ lắc
nhẹ như muốn lay thức bà ra khỏi cơn mê bất chợt. Bà Moretti góp ý,
giọng thản nhiên không ngờ: Nghe các ông chuyện vãn tưởng như mấy mươi
năm chiến tranh kinh hoàng hoàn toàn không có. Vậy mới biết, con người
là một sinh vật có khả năng sinh tồn dai dẳng, dám chừng hơn cả loài
gián. Andreas gọi khẽ, mẹ ơi… Giọng anh lệch đi, nghe như “mè ơi,” buộc
tôi phải nghĩ tới những hạt mè rang bùi bẳm trong chén chè men trắng.
Những viên bánh bột nếp vo tròn, cỡ đầu ngón tay cái, lấp lửng trắng đục
trong ngấn nước đường nâu sánh, thơm ngát hương gừng non, xoáy vòng
nước cốt dừa trên mặt. Và lốm đốm hạt mè rang ray rứt mảnh vụn cổ tích
quê hương, mộc mạc đằm đằm giấc ngủ ấu thơ.
Tất cả những hương vị thuần gạo nếp quê nhà
ấy, cớ sao tồn tại ở một nơi quạnh quẽ đất Âu châu ấy? Trong khi ngay
trên đất quê hương, khó tìm lại. Có phải đó là ý nghĩa thầm kín của chữ
Hạnh với đất, với những nặng nợ cưu mang, với cả hồn ma người phối ngẫu
không cùng màu da, ngôn ngữ?
Trên đường trở lại chỗ trọ, Andreas tỏ ý lo
ngại cho sức khoẻ của mẹ anh. Dạo gần đây, anh nhận thấy hành động và
cách nói của bà biểu lộ vài dấu hiệu khác thường. Bà ngủ ít, dỗ giấc
thường xuyên bằng tiểu thuyết, thỉnh thoảng phải trợ lực bằng thuốc an
thần. Những giao tiếp bè bạn thưa dần. Bà chỉ rời nhà để lo liệu những
chuyện cần thiết. Điều làm anh bận tâm nhất, bà thường kể chuyện gặp lại
cha anh, đây đó. Andreas ngỏ lời, sẽ sắp xếp để về sống chung với mẹ.
Tôi tán đồng ý kiến này. Tôi thấu hiểu tâm trạng cô đơn của bà Moretti
hơn ai hết. Một mình trong ngôi nhà ngập ngụa vết tích của một thuở như
đũa có đôi.
Còn tôi, một kẻ còn nguyên vẹn người thân, quê
hương, ngôn ngữ bên cạnh. Ngặt nỗi, tất cả đã trở nên què quặt, khiếm
khuyết, chỉ vì thiếu sót mỗi một chữ Hạnh”.
(Tháng 8.2006. Nhuận sắc, 12.2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét