(Trích "Về thăm lại quê hương Quyển 1: Thành phố Sài Gòn". Bản thảo này sẽ còn sửa chữa nhiều lần trước khi xuất bản. Các bạn đang theo dõi Phần 1 của sách: Đi tìm Sài Gòn xưa.)
Mấy năm trước vợ chồng tôi về thăm lại quê hương. Nhân dịp này tôi đã tìm gặp lại gia đình Sư Phạm Sài Gòn. Đó là nơi tôi đã từng dạy học nhiều năm trước khi đi Mỹ lập nghiệp sau sự kiện năm 1975. Gặp lại đồng nghiệp và học trò cũ, những Nhà Giáo miền Nam trước đây, gợi tôi nhớ thời tuổi trẻ dạy học, viết văn làm sách, tuyệt vời quá.
Tôi đã trăn trở nhiều trước khi quyết định về đây, thăm lại quê hương, gia đình, bạn cũ, và tìm lại tình người Việt Nam. Trở về đây gợi tôi nhớ nhiều kỷ niệm thời quá khứ, tôi cố quên trong nhiều năm. Tôi nghĩ những gì ở Việt Nam tôi đã để lại quê hương năm 1975, và không muốn nhớ tới nữa. Tôi đã lầm.
Cũng như mọi gia đình khác ở miền Nam, có người bên này và bên kia chiến tuyến, đại gia đình Sư Phạm Sài Gòn cũng vậy. Nhưng một lần trong đời, tôi quyết định quên những khác biệt chánh trị và tư tưởng, đặt tình thương gia đình và tình tự dân tộc lên trên, và đến đây gặp mọi người, không phận biệt họ theo phe nào.
Nhìn hình thật tình tôi không biết ai là Cộng Sản, ai không. Nhưng điều này có ý nghĩa gì không? Tất cả chúng ta là người Việt Nam, của miền Nam trước đây, đã từng làm nghề dạy học. Tất cả chúng ta là những thành phần của đại gia đình Sư Phạm Sài Gòn, một trường đã bị đổi tên, nay không còn nữa. Gặp được nhau sau cơn hồng thủy, mà còn sống sót nhìn nhau tay bắt mặt mừng, đó mới là điều quan trọng.
39 năm sau khi tôi rời khỏi quê hương, đó là lần đầu tiên tôi gặp lại gia đình Sư Phạm Sài Gòn ngay tại Sài Gòn. Có lần tôi gặp lại đại gia đình Sư Phạm Sài Gòn, nhưng lần đó tại phố Sài Gòn Nhỏ Cali.
Có khoảng 6 cựu giáo sinh trưởng Sư Phạm Sài Gòn hiện đang sống tại Mỹ cũng đã trở về đoàn tựu. Vui quá. 39 năm qua bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, bao nhiêu bạn đồng nghiệp và học trò cũ đã qua đời, bao nhiêu thay đổi.
Tôi rất vui mừng gặp lại những người quen cũ. Trở về Sài Gòn gặp lại gia đình Sư Phạm gợi tôi nhớ đến nhiều kỷ niệm quá khứ, tưởng đã chôn vùi trong quên lãng. Tuyệt vời quá.
Rất tiếc một người bạn cũ đã cùng tôi chú trương Tủ Sách Giáo Dục tư nhân đầu tiên tại miền Nam trước đây, nay không còn nữa. Giáo sư Trần Hữu Đức thuộc khóa giáo sư Sư Phạm đầu tiên của miền Nam, đã nằm xuống tại Bĩ trong những năm đầu sau sự kiện 1975.
Một người bạn khác là Giáo sư Nguyễn Hòa Lạc cũng đã qua đời. Và nhiều bạn khác nữa, tôi không bao giờ thấy mặt trở lại sau sự kiện 1975, mọi người đã ra đi khắp bốn phương trời, và trường Sư Phạm Sài Gòn đã bị đổi tên, đào tạo giáo chức theo chiều hướng Cộng Sản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét