27 thg 11, 2018

'Có mối quan hệ giữa trầm cảm và hành vi tự hủy hoại'



Học sinh cần được quan tâm để kịp thời giúp trẻ “gỡ rối” khi gặp rắc rối về tâm lý - Ảnh minh hoạ: K.ANH

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu phó Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chủ nhiệm đề tài khoa học Hiện tượng hủy hoại bản thân của học sinh trung học cơ sở và biện pháp phòng ngừa - cho biết trầm cảm làm cho học sinh dễ có hành vi tự hủy hoại bản thân, và khi đó dễ dẫn đến nguy cơ trầm cảm lâu dài và nguy cơ gia tăng mức trầm cảm.
Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Huỳnh Văn Sơn về chủ đề này.

* Nghiên cứu được thực hiện trên 1.043 học sinh tại 7 trường THCS tại TP.HCM và Bình Dương, cho thấy 280 học sinh có dấu hiệu thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân, đặc biệt có 2 em tự hủy hoại ở mức nặng... Theo ông, mức độ như thế có đáng báo động?
- Hành vi tự hủy hoại bản thân là tự làm tổn thương thân thể mình, làm mình bị đau đớn, mệt mỏi với các dấu hiệu cụ thể về mặt thể xác và lâm sàng, nhưng nhiều khi chính chủ thể cũng không nhận ra hay không cảm nhận một cách cụ thể.
Biểu hiện của hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh cuối cấp THCS gồm: không quan tâm đến sức khỏe, tính mạng bản thân, từ chối tham gia bảo hiểm, những hình thức bảo vệ (không đội mũ bảo hiểm, không mặc áo phao, không cài dây an toàn…). Tự cắt xén, bứt tóc, tự khắc lên da thịt, tự đầu độc (chất kích thích, chất gây nghiện, phim ảnh đồi trụy, chất độc…), tự cắn, tự làm phỏng. Đau khổ trong im lặng, không thể hiện cảm xúc. Có mưu toan tự tử, thực hiện hành vi tự tử.
Lý luận cho thấy vấn đề này đang diễn ra trên bình diện xã hội chung, và cũng tồn tại ở nhiều quốc gia. Cần làm rõ vấn đề là nếu xét trên bình diện chung ở tất cả học sinh, việc tự hủy hoại đang tồn tại, tuy nhiên không nên nói về tính báo động, do so sánh với nhiều quốc gia trên thế giới thì mức này chỉ ở mức trung bình khá.
Nguyên nhân của hiện tượng này có từ những tác động như: sự tác động trên bình diện xã hội, ảnh hưởng từ phía gia đình, diễn tiến tâm lý tự nhiên của độ tuổi và cả sức ép từ hoạt động học tập, sự quản lý thời gian, cái tôi của lứa tuổi...

* Trong số những em tự hủy hoại bản thân có nhiều em học khá, giỏi. Một trong những nguyên nhân ấy phải chăng các em chịu nhiều áp lực về học hành? Sự kỳ vọng của cha mẹ?
- Kết quả nghiên cứu thực trạng cho thấy có 21,1% (hơn 1/5 mẫu nghiên cứu chính) ở mức độ tự hủy hoại trung bình, dù rằng dữ liệu này tương đồng với biểu hiện hành vi tự hủy hoại của học sinh trên thế giới, trong đó có 0,8% học sinh đang tự hủy hoại mình ở mức độ nặng và rất nặng.
Khảo sát biểu hiện hành vi cho thấy có 61,6% học sinh có hành vi bỏ bê bản thân, và 38,4% suy nghĩ bi quan về cuộc sống. Bên cạnh đó, có 26,7% (hơn 1/5 khách thể nghiên cứu) học sinh THCS có trên hai biểu hiện.
Việc cha mẹ kỳ vọng ở bản thân học sinh cũng là một trong những tác động đáng kể. Nhưng cũng cần nhận ra các áp lực ảnh hưởng, bao gồm áp lực tự thân (tự gây sức ép với chính mình, tự tạo ra gánh nặng tâm lý...), mong đợi từ thầy cô cũng như những mong mỏi về mẫu hình thành đạt nhân cách xã hội...

* Đây có phải là hiện tượng trầm cảm mà gần đây phương tiện truyền thông đại chúng có nêu ra trong giới trẻ, thưa ông?
- Đây chính là một trong những điểm nhấn thú vị mà nghiên cứu của chúng tôi đã đề cập. Minh chứng cho thấy có mối quan hệ nhất định giữa trầm cảm và hành vi tự hủy hoại. Từ trầm cảm, học sinh dễ có hành vi tự hủy hoại, và khi có hành vi tự hủy hoại dễ dẫn đến nguy cơ trầm cảm lâu dài, nguy cơ gia tăng mức trầm cảm.
Từ những phân tích trên cho thấy chính các bậc cha mẹ, người thân cần nhạy cảm và tinh tế trong quan sát. Ngoài ra, cũng cần xem xét trên bình diện tham vấn để từ đó có thể tác động song hành và có trọng điểm, nhằm đảm bảo từ việc phòng ngừa và giảm thiểu, chứ không hẳn tập trung xử lý sau khi xảy ra hành vi này...

* Những giải pháp mà đề tài đưa ra nhằm phòng ngừa hiện tượng này trong lứa tuổi học sinh THCS là gì, thưa ông?
- Xét trên trọng điểm phòng ngừa hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh THCS, có thể quan tâm các biện pháp sau:
Nâng cao nhận thức về hành vi tự hủy hoại bản thân cho học sinh THCS, giáo viên, chuyên viên tham vấn học đường.
Tổ chức các chuyên đề kỹ năng sống lồng ghép nhằm phát triển năng lực ứng phó với hành vi tự hủy hoại cho học sinh THCS.
Xây dựng hệ thống kiến thức và bài tập hướng dẫn học sinh THCS có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân, nhằm điều chỉnh trạng thái tâm lý và đối phó với các tác nhân kích thích của hành vi này.
Ngoài ra, việc rất quan trọng cần đảm bảo trong tổng thể các biện pháp là công tác tư vấn học đường cần được đảm bảo triển khai một cách rất bài bản và hệ thống. Và việc tư vấn cần bám sát vào trọng điểm: phát hiện và phòng ngừa, chứ không hẳn là xử lý hay trị liệu.

* Ông đánh giá như thế nào về hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh khối THCS hiện nay tại các nhà trường?
- Hoạt động tư vấn tâm lý trong những năm gần đây đã có sự thay đổi nhất định, và có sự đầu tư từ Bộ Giáo dục - đào tạo. Điều này cũng thể hiện ở tầm nhìn của từng trường và sự trách nhiệm của các thầy cô ban giám hiệu.
Đánh giá công bằng, hoạt động này đã khởi sắc và đang chú trọng nhiều đến học sinh trung học. Điều này minh chứng bằng sự đầu tư về phòng tham vấn học đường, nhân sự làm tư vấn. Năm 2017, Bộ Giáo dục - đào tạo đã có những thông tư cũng như thể chế hóa công tác tham vấn tâm lý học đường...
Riêng TP.HCM đã có hơn 100 chuyên viên là nhân sự chính thức đang làm việc. Với kinh nghiệm triển khai hơn 15 năm, đây là sự nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, công việc này cần có những đầu tư nhiều hơn về con người, về cơ sở vật chất và cả chế độ của người làm việc để đảm bảo phát triển bài bản và hệ thống.

 (Từ VCCorpvn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét