6 thg 11, 2018

Cai trị trong nỗi sợ và bằng nỗi sợ: Trường hợp của Đinh Xuân Thu, Thiên Sơn Đồng Lão và Nhậm Ngã Hành

Xem Tiểu Thuyết Kim Dung:


Đỗ Hùng

Một buổi chiều mùa thu mười một năm trước, mình đang ngồi trong chiếc Camry cũ kỹ do Kenneth Oo lái chạy giữa những con phố Yangon nhuốm màu dĩ vãng. Đó là một chàng rất trẻ, đẹp như tài tử Hàn Quốc và đang cùng cha điều hành doanh nghiệp chế biến mây tre lá lớn nhất nhì xứ sở của chùa vàng, gỗ teak và ruby.
Bấy giờ cựu đô của Myanmar đang trải qua những ngày thiết quân luật sắt máu sau cuộc Cách mạng Cà sa. Máu còn vương trên Đại lộ chùa Sule bên cạnh những bãi nước bã trầu do đám đàn ông mặc longyi chốc chốc ngẫu hứng phẹt ra. Cảnh sát và hàng rào thép gai ken dày quanh ngôi chùa nơi phát khởi nhiều đợt sóng phản kháng chính quyền quân sự. Lạm phát vài chục ngàn phần trăm. Giá xăng tăng gấp đôi sau mỗi ngày và mỗi người sở hữu xe hơi chỉ được mua xăng dầu theo một quota nhất định.
Bất chợt mình hỏi Kenneth: "Than Shwe là người thế nào? Tại sao dân Myanmar chấp nhận sự cai trị của ông ta?" Kenneth bảo: "Tớ không hề thích Than Shwe. Người dân Myanmar cũng thế." Một chốc sau, anh chàng hạ giọng: "Nhưng tất cả đều kinh sợ ông ta".
Cai trị bằng nỗi sợ, hay chính xác hơn, bằng cách gieo nỗi sợ lên bá tánh, chính là phương cách cai trị cơ bản nhất của những nền độc tài.
Hannah Arendt trong Nguồn gốc của Toàn trị đã viết: “Khác biệt căn bản nhất giữa các chế độ độc tài hiện đại và tất cả các bạo chúa trong quá khứ đó là ngày nay sự khủng bố không còn được sử dụng làm phương tiện để tiêu diệt và trấn áp đối thủ mà được sử dụng như là phương tiện để cai trị người dân hòng kiếm tìm sự phục tùng tuyệt đối. Sự khủng bố như chúng ta biết hiện nay được thực hiện mà không cần một lý do nào, và nạn nhân của nó là những người vô tội ngay cả khi khái niệm này được đặt dưới lăng kính của kẻ gieo rắc khủng bố.”


Khủng bố nhằm vào người dân có mục đích là đạt được sự phục tùng vô điều kiện. Những người dân sợ hãi như bầy trẻ nít sẵn sàng chấp hành mọi chính sách áp đặt của nhà cai trị. Từ thời cổ đại, Thucydides đã chỉ ra rằng nỗi sợ (cùng với danh vọng và lợi lộc) là những thứ mãnh liệt nhất thôi thúc con người ta hành động.
“Người ta không muốn bị nhốt tù, bị tra tấn hoặc bị giết. Do đó, người ta sẽ sẵn sàng tuân thủ các mệnh lệnh nếu họ tin rằng họ ắt sẽ trả giá nếu làm khác đi”, Gregory S. Kavka diễn giải trong Cai Trị Bằng Nỗi Sợ khi đề cập đến các nhà nước công an trị.
Có nhiều cách để gieo rắc nỗi sợ lên người dân. Nhà cầm quyền thường thực hiện điều đó bằng các biện pháp kiểm soát cuộc sống của người dân về mọi mặt: về sinh kế, về sinh mệnh, về quyền tự do hay thậm chí cả những thứ trừu tượng và riêng tư như niềm tin triết lý.

* * *
Một ngày nọ bên bờ Tây Hồ ở Hàng Châu, tù nhân vừa được tự do Nhậm Ngã Hành hỏi đám Bảo Đại Sở:
“- Các ngươi có biết Tam thi não thần đan lợi hại thế nào không?

Bảo Đại Sở đáp ngay:
- Ai đã uống Não thần đan của giáo chủ rồi là vĩnh viễn nghe lời giáo chủ sai bảo, dẫu chết cũng chẳng dám từ nan. Nếu không thế con thi trùng trong viên thuốc đang nằm chết cứng tự nhiên hoạt động trở lại chui vào trong óc mà cắn não tủy. Dĩ nhiên là nạn nhân đau đớn không thể chịu nổi, hành động lại càng càn rỡ điên rồ, so với bị chó dại cắn còn ghê gớm hơn.
Nhậm Ngã Hành hỏi:
- Ngươi nói đúng lắm! Nhưng ngươi đã biết Não thần đan linh nghiệm là thế mà sao còn dám cả gan nuốt vào?
Bảo Đại Sở đáp:

- Từ nay trở đi thuộc hạ đã nhất tâm trung thành với giáo chủ thì Não thần đan có lợi hại gấp trăm lần nữa cũng chẳng can gì cho thuộc hạ.”


Tuân phục hay là chết. Đấy chính là phương cách cai trị của chính thể độc tài được hóa thân vào nhân vật tiểu thuyết Kim Dung. Tam thi não thần đan của Nhậm Ngã Hành và Sinh tử phù của Thiên Sơn Đồng Lão được cấy vào người đám đệ tử và các thành viên ba mươi sáu động, bảy mươi hai đảo để đổi lấy lòng trung vô điều kiện. Những kẻ đã uống Tam thi não thần đan hoặc bị cấy Sinh tử phù sẽ trả giá bằng cảnh sống không bằng chết nếu mảy may nảy sinh tâm địa bất tuân.
Tam thi não thần đan trong tiểu thuyết là những viên độc dược màu hồng. Tam thi não thần đan trong các nhà nước độc tài hiện đại muôn hình vạn trạng. Đó có thể là những tấm thẻ hành nghề, thẻ cư trú mà một khi mất đi, công dân sẽ không còn kế sinh nhai, sống không bằng chết. Tam thi não thần đan cũng có thể là những đạo luật kiểm soát tự do của người dân, mà một khi bị khống chế, người dân sẽ là những Bảo Đại Sở không hơn không kém.
Nhưng, cũng như trường hợp của Than Shwe, cai trị bằng nỗi sợ chỉ mang lại sự tuân phục tạm thời và ở ngoài lớp vỏ. Đệ tử ba mươi sáu động, bảy mươi hai đảo đã luôn tìm cách tấn công Linh Thứu Cung để bức bách Thiên Sơn Đồng Lão phải giao thuốc giải Sinh tử phù. Giáo chúng trên Hắc Mộc Nhai cũng đã nhanh chóng trở cờ khi Nhậm Ngã Hành bị cầm tù, hoặc về sau, khi Đông Phương Bất Bại bị tiêu diệt. Cũng như những người dân Myanmar dưới chính quyền quân sự, họ chỉ kinh sợ chứ không kính trọng. Mầm bất phục luôn tiềm ẩn trong mỗi một người dân và khi gặp cơ hội thì nó sẽ bùng phát lên thành những cuộc phản kháng như sự kiện Cuộc nổi dậy 8888 hoặc Cách mạng Cà sa 2007.
Trong Thiên Long Bát Bộ, giải pháp cai trị thay thế mà Kim Dung đề xuất đó là lòng nhân. Hư Trúc đã dùng lòng nhân để giáo hóa đệ tử ba mươi sáu động, bảy mươi hai đảo mà không cần một tấm Sinh tử phù nào. (Mình đồ rằng đây là một phiên bản của tư tưởng minh quân.)
Theo một phương cách khác, nhà cầm quyền cũng có thể khiến người dân sợ hãi bằng cách gieo rắc vào đầu họ niềm tin về những nguy cơ (không có thật), khiến họ hành động theo hướng mình muốn. Lãnh đạo Đức Quốc Xã Hermann Göring từng nói: “Người dân không muốn chiến tranh, nhưng các lãnh đạo luôn có thể làm họ thay đổi lập trường. Điều này rất dễ dàng. Tất cả những gì chúng ta cần làm là nói với họ rằng đất nước đang bị tấn công, rồi lên án những kẻ chủ hòa là thiếu lòng ái quốc khiến đất nước đối mặt nguy nan. Phương cách đó linh nghiệm ở mọi quốc gia”. Trong lịch sử, những khái niệm như “al-Qaeda”, “khủng bố”, “thế lực thù địch” đôi khi được một số nhà nước cường điệu để hù dọa hoặc thôi miên công dân mình. Điều đó cũng tương tự như Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần gieo vào lòng các đệ tử “danh môn chánh phái” nỗi ám ảnh thường trực về Ma giáo, để cho gia tộc Lưu Chính Phong một phen máu chảy đầu rơi.

* * *
Một hôm trước cổng chùa Thiếu Lâm ở núi Thiếu Thất Hà Nam, quần hùng chợt nghe những thanh âm kỳ lạ:
“Tinh Túc lão tiên
Thần thông quảng đại
Pháp lực vô biên
Uy chấn thiên hạ”

Ấy là lúc đại ma đầu Đinh Xuân Thu xuất hiện. Nhân vật đại ma đầu trong Thiên Long Bát Bộ luôn được vây bọc bởi những lời tung hô của đám đệ tử. Nhưng Đinh Xuân Thu không là duy nhất trong không gian kiếm hiệp Kim Dung. Trên Hắc Mộc Nhai thuở còn Đông Phương Bất Bại, giáo chúng thường ngợi ca không biết ngượng mồm vị giáo chủ đã tự cung. Sau khi Nhậm Ngã Hành khôi phục địa vị, người ta cũng thường nghe "danh vang bốn bể", "trường trị muôn năm", "nhất thống giang hồ", “văn thành võ đức”… Không chỉ Lệnh Hồ Xung mà người đọc sách hẳn đôi lần cảm thấy lợm giọng trước những lời tụng ca này. Dễ dàng để nhận ra sự tôn sùng lãnh tụ ấy không xuất phát từ thành tâm mà từ nỗi sợ bị trừng phạt. Đấy chính là rừng cây tha hóa đã trở nên bạt ngàn sau khi những hạt mầm sợ hãi không ngừng được gieo cấy.
Trong Vô Úy hay Tự Do Khỏi Nỗi Sợ, bài luận nổi tiếng nhất của Aung San Suu Kyi, bà đã mở đầu thế này: “Không phải quyền lực khiến con người ta tha hóa mà chính là nỗi sợ. Nỗi sợ đánh mất quyền lực làm tha hóa kẻ nắm quyền lực trong tay và nỗi sợ bị quyền lực áp bức làm tha hóa những ai nằm dưới ách quyền lực”.
Kẻ nắm quyền luôn sống trong nỗi sợ bị phản bội, tức chính họ cũng ở trong trạng thái bất an (insecurity) thường trực, đã dùng bạo quyền để trấn áp ngày một bạo liệt hơn. Kẻ bị bạo quyền trấn áp ngày càng mất hết nhân phẩm, trở nên ti tiện và đớn hèn đến vô cùng. Sự tha hóa của đám đệ tử của Đinh Xuân Thu hay của Nhậm Ngã Hành là hình ảnh thường thấy dưới những chế độ độc tài.
Sau rốt rồi mình băn khoăn không biết Kim Dung là văn nhân hay triết gia? Hay mình đã luyện công thái quá mà tẩu hỏa nhập ma đâm ra càng nói càng lẩn thẩn?
Mười một năm trước, mình bắt gặp Nhậm Ngã Hành trong hình hài Than Shwe ở Yangon. Mười một năm sau, Than Shwe đã rửa tay gác kiếm quy ẩn giang hồ nhưng những gã độc tài vẫn còn đầy rẫy cõi nhân gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét