Chuyên mục Văn Hoá – Thời báo Đại Kỷ
Nguyên xin trân trọng giới thiệu loạt bài: “Những bức thư để đời”.
Trong loạt bài này, chúng tôi sưu tầm và giới thiệu những bức thư nổi
tiếng của các danh nhân tự cổ chí kim, hoặc từ trong các tác phẩm văn
học nghệ thuật đặc sắc. Ấy là những lời tâm huyết nhất của những người
trong cuộc gửi trao cho nhau biết bao nỗi niềm tâm sự và tư tưởng tình
cảm tốt đẹp, nhân văn, cao thượng; qua đó cung cấp cho ta một tham khảo
tốt để xử lý những tình huống trong cuộc sống; hay đơn giản là mang đến
một góc nhìn mới mẻ về con người và sự kiện.
Kỳ 1: Bức thư của Tổng thống Abraham Lincoln gửi cho người em trai
Abraham Lincoln là một tổng
thống vĩ đại của nước Mỹ. Ngài vĩ đại không chỉ trong những đại sự quốc
gia mà còn trong lối cư xử thường nhật với những người xung quanh. Khi
đã có địa vị cao sang, Lincoln không hề quên thuở hàn vi, lúc nào ngài
cũng nhớ đến họ hàng thân thích, đến anh em bè bạn thuở ấu thơ. Dù không
có nhiều tiền nhưng ngài luôn tìm cách giúp đỡ gia đình và bè bạn. Có
khi ngài giúp bằng tiền, có lúc lại bằng những lời khuyên chí tình chí
lý, có tác dụng nâng đỡ, cứu vớt con người hơn cả tiền bạc. Dưới đây là
nội dung một lá thư ngài gửi cho người em trai, là con riêng của bà kế
mẫu mà ngài rất mực yêu quý.
—
Chú Johnston,
Trong bức thư mới rồi chú có xin tôi cho
chú tám chục mỹ kim, nhưng lần này tôi không thể theo lời chú được.
Trước đây tôi có thể giúp chú một vài bận, và bận nào chú cũng bảo tôi:
“Thế này là em lại được thảnh thơi rồi”. Nhưng chỉ ít lâu sau chú lại
túng thiếu như cũ. Theo ý tôi, chú bị túng thiếu như vậy là tại vì chú
có một tật xấu. Tôi biết tật xấu đó là thế nào rồi. Chú không lười biếng
đâu, nhưng lúc nào chú cũng ăn không ngồi rồi. Tôi chắc chắn là từ khi
tôi biết chú cho tới nay, chưa lúc nào chú chịu làm việc suốt một ngày.
Tôi biết là chú cũng không đến nỗi ghét
làm việc cho lắm, nhưng tuy vậy chú cũng không muốn làm việc, là tại vì
chú cho rằng làm việc thì cũng chẳng được bao nhiêu. Cái thói quen ăn
không ngồi rồi đó chính là nguyên nhân làm cho chú phải khó khăn. Vậy
chú cần phải bỏ cái thói đó mới được, quan trọng không phải riêng cho
chú mà thôi, quan trọng hơn nữa là cho các con của chú. Quan trọng cho
các con chú là bởi vì đời chúng còn dài, và nếu chú bỏ được cái thói đó
thì chúng sẽ khỏi mắc phải cái thói đó. Nếu để chúng mắc phải cái thói
đó rồi, thì bỏ được cũng là khó khăn lắm.
Tôi biết là chú bây giờ đang cần một ít
tiền. Vậy tôi đề nghị với chú hãy đi làm đi, hãy lao đầu vào mà làm với
bất cứ một người nào có thể trả tiền cho chú. Chú hãy để cho cha và các
cháu trông coi các việc trong nhà, cày bừa gặt hái. Còn chú, thì chú đi
làm để được càng nhiều lương càng tốt, để trả những món nợ mà chú đã mắc
phải hoặc sau này sẽ mắc phải. Để thưởng công lao cho chú, tôi hứa là
kể từ hôm nay cho tới ngày mồng một tháng năm tới, chú kiếm được một
đồng thì tôi cũng cho chú một đồng, dù là chú kiếm được tiền mặt hay chú
làm trừ được nợ. Như vậy, nếu mỗi tháng chú đi làm thuê mà kiếm được 10
đồng thì tôi lại cho chú 10 đồng, như thế là mỗi tháng chú được cả thảy
20 đồng.
Tôi không có ý nói là chú phải đi xa,
như là tới thành phố St. Louis, hay là đi làm tại các mỏ chì mỏ vàng ở
tận California, nhưng tôi muốn là chú đi làm thuê tại một nơi nào gần
nhà như ở quận Coles, và kiếm được số lương cao nhất tại đó. Nếu chú
chịu đi làm như vậy thì chẳng bao lâu nữa chú sẽ hết nợ, và hơn nữa chú
sẽ giữ được một thói quen để chú sau này khỏi phải mắc nợ. Còn nếu bây
giờ tôi giúp tiền cho chú trả nợ thì chỉ sang năm là chú lại nợ như cũ.
Trong thư chú có nói là nếu ai cho chú bảy chục hay tám chục bạc thì chú
sẵn lòng nhường lại chỗ của chú trên thiên đàng. Nếu vậy thì chẳng hóa
ra chú bán chỗ chú trên thiên đàng một cách rẻ mạt ư, bởi vì tôi tin
rằng nếu chú theo đề nghị của tôi thì chỉ trong vòng bốn năm tháng là
chú đã kiếm được số tiền bảy tám chục bạc đó rồi.
Chú nói là nếu tôi bằng lòng cho chú số
tiền đó thì chú sẵn lòng làm văn tự về miếng đất của chú để làm tin, và
nếu chú không trả lại tiền cho tôi thì chú sẵn lòng mất đứt miếng đất
đó. Chú thực là ngu dại. Có đất mà chú không kiếm sống được, mất đất rồi
thì chú sống bằng cách nào? Từ trước tới giờ lúc nào chú đối với tôi
cũng tốt lắm, chẳng lẽ bây giờ tôi lại có ý xấu đối với chú. Trái lại,
nếu chú chịu khó nghe theo lời tôi thì chú sẽ nhận thấy lời khuyên bảo
của tôi còn đáng giá tới tám chục bận cái số tiền tám chục bạc mà chú
xin tôi.
Thân ái,
Anh của chú
Abraham Lincoln—
Bình Nguyên
Tham khảo:
Tạp
chí Hương Xa, “Các bài báo ngoại quốc chọn lọc: Số đặc biệt kỷ niệm năm
thứ 150 ngày sinh nhật Abraham Lincoln”. Phát hành ngày 25/02/1960 từ
USIS Saigon.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét