Câu hỏi đó thằng nhỏ hỏi mỗi ngày mỗi ngày mỗi
ngày, khi đói khát, khi bị đánh đập cấu nhéo, khi phơi trần ra dưới nắng
mưa. Khi nó nằm trên mặt đường và kêu khóc khản giọng. Nó hỏi vào đám
đông lướt qua nó, hỏi ai đó dừng chân cho nó (chính xác là cho những kẻ
chăn dắt nó) chút tiền lẻ. Nó hỏi những kẻ bắt nó nằm lăn lóc kêu khóc
trên đường để kiếm tiền, để nhởn nhơ ăn mòn tấm thân bé nhỏ non nớt của
nó.
Nhưng tôi tưởng tượng thôi,
trong lúc ngồi uống một ly cà phê mặn chát. Dường như cả quán hôm đó
cũng có cùng cảm giác, sau khi giở tờ báo sáng, và nhìn thấy hình ảnh
của thằng bé ăn xin. Nó nhỏ đến mức chỉ biết khóc. Ở truồng và khóc. Ướt
và khóc. Bị đánh đau và khóc. Chấp chới giữa dòng người ngược xuôi đông
đúc như con vịt con ngơ ngác mà người ta dùng để câu nhắp cá lóc. Em bé
– con mồi sống không nói gì hết, mà tôi tưởng như nó hỏi, người ơi,
người ở đâu ?
Tôi đã nhận được câu
hỏi đó bao nhiêu lần trong đời ? Không đếm được. Có đứa thậm chí còn
không khóc. Nó ngủ mềm oặt, xanh rớt trên tay người đàn ông ngồi ở một
góc đường. Một kiểu ngủ mụ mị vì tác dụng của thuốc. Buổi tối tôi đi qua
chỗ đó và em lại hỏi bằng vẻ câm lặng im lìm. Như cái chết. Có còn
người không ?
Đám đông không lên
tiếng. Không Lục Vân Tiên nào, đại diện công quyền nào đưa cả hai con
người rách rưới về, gạn hỏi coi có thật là cha con như gã đàn ông phân
trần, hay chỉ là kẻ chăn dắt với con mồi. Em bé ngủ vì thuốc ngủ hay vì
sốt cao ? Em cần một mái ấm hay một bệnh viện cho qua cơn đau ? Bàn tay
mỏng đó không quá khó để người đời nắm lấy. Nhưng dòng người lũ lượt
không ai dừng lại. Chính xác là cũng có người bước tới cho vào cái ca
nhựa bạc màu chút tiền lẻ, nghĩ sau đó mình sẽ nhẹ lòng. Tôi cũng vậy,
tự lừa mình. Và cái góc đường trước Trung tâm văn hóa thông tin ám ảnh
tôi dai dẳng dù em bé chỉ ở lại hai đêm rồi biến mất. Cuộc ra đi gây bất
an hơn cả khi xuất hiện, bởi linh cảm em lại vạ vật ở một góc đường
khác, bị nhấn chìm trong giấc ngủ khác. Ngủ là một cách hỏi, người đâu
mất rồi ?
Cũng như những em bé ăn
xin mà bất cứ ai cũng có thể gặp một đôi lần trên đất nước này, chúng
gọi con người bằng nhiều cách, bằng ánh mắt thất thần, bằng vẻ ngoài
trần trụi và lem luốc, bằng tiếng khóc, tiếng hát, bằng bàn tay bẩn thỉu
xòe ngửa, bằng những vết thương bầm tím trên da thịt… Ai đó nghe thấy
tiếng gọi đó nhưng họ bận rộn, sợ hãi, bất lực, cũng có kẻ không nghe,
không cảm nhận gì hết…
Và những đứa trẻ đường phố vẫn tồn tại, như một phép thử.
Thử
coi người ta bất lực, rụt rè, ngại khó bao nhiêu ? Bao nhiêu người đã
từng đi qua, chứng kiến những thân phận nhỏ bé khốn khổ. Dù ngoái lại,
dù áy náy, dù thấy thương và bất an… nhưng chậc, mình lại phải đi rồi…
Họ không làm gì mà kêu mấy ông nhà nước làm gì đi chớ…
Thử coi người ta đã tha hóa, độc ác và nhẫn tâm tới mức nào khi phơ phởn kiếm tiền bằng cách giày vò, đọa đày kẻ khác ?
Thử
coi nhà chức trách đã làm gì để bảo vệ luật pháp, quyền con người,
quyền được sống được vui chơi ? Trẻ con họ không che chở được, thì họ hô
hào khẩu hiệu, tính làm chuyện lớn lao chi hả trời ?
Một
phép thử đau. Nhưng thử thách bao nhiêu lâu rồi, nhân tình thế thái đã
bày ra đó rồi, chuyện muốn biết thì đã biết, đám trẻ vẫn chưa ngưng gọi
con người. Vẫn chờ đợi ai đó đáp lời, chìa ra một bàn tay, một vòng tay ấm. Có điều, khi đó không biết chúng còn đủ sức để nắm lấy không ?
(Bài in báo Sài Gòn Tiếp Thị)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét