29 thg 11, 2018

Thú ăn động vật sách đỏ ( Từ Bình Luận Án)

 Thú ăn động vật sách đỏ


Trần Hồng Phong

Hôm qua 26/11/2018, báo chí trong nước đưa tin về vụ có một "tay chơi" là giám đốc một doanh nghiệp, khoe ảnh đang giơ hai con chim quý và hô hào “Có ai nhậu không, thiếu tay”, trên trang cá nhân của mình. Nhậu mồi là động vật sách đỏ có vẻ là một thú vui của không hiếm đàn ông Việt Nam.

<< Đây là một chú mèo rừng ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), là một trong những loài động vật quý hiếm thuộc danh mục nhóm IB, mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Không loại trừ khả năng có những gã đàn ông muốn có cơ hội nhậu món mồi quý hiếm này (ảnh minh họa)



Trong tấm ảnh, là một người đàn ông tuổi còn trẻ, đang cười nham nhở (hay đắc ý) trên tay cầm hai con chim đã bị vặt trụi lông, thui qua lửa để ăn nhậu. Theo báo, người đàn ông này được cho là giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước và loại chim xuất hiện trong ảnh là chim Hồng Hoàng, sinh sống nhiều trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước). Đây cũng là loại chim quý nằm trong sách đỏ của IUCN về các loài nguy cấp.

Thực hư chuyện này thế nào, có phải là động vật sách đỏ hay không, sẽ bị xử lý ra sao... , tôi không quan tâm lắm mà cũng không muốn đào sâu. Mà chỉ là tôi bỗng liên tưởng đến thú vui ăn nhậu của giới đàn ông Việt Nam, trong đó có cả ... tôi!

Nói một cách ngắn gọn, là tôi thấy đàn ông Việt Nam giai đoạn đang xây dựng xã hội chủ nghĩa hiện nay rất khoái nhậu nhẹt, say sưa. Gặp nhau, thay vì cùng uống trà, hay cà phê ... thì luôn có quan điểm cho rằng như vậy là sơ giao, nhẹ nhàng quá. Chưa được nhiệt tình, thể hiện sự quý mến nhau. Cho nên là phải nhậu.

Mà đã nhậu, thì thức uống tất nhiên phải là thứ có cồn như bia, rượu và càng đắt tiền càng quý. Đồ mồi cũng vậy, càng quý hiếm lạ lại càng quý, thể hiện được sự tôn trọng quý mến nhau. Hoặc ít ra cũng chứng minh mình những người rành ăn nhậu, biết chơi.

Thế nên, đồ mồi mà làm từ heo, bò, cá ... thường bị xem là quá thường. Chê.

Mà đồ mồi phải là đặc sản, lạ, và đặc biệt là càng hiếm, càng đắt tiền lại càng ... tốt(!?). Nói về tiền, thì nhiều ông về nhà keo kiệt với vợ, con từng đồng. Tỷ như con xin tiền vài chục ngàn đồng mua cuốn truyện thì hoặc không cho, hoặc bắt phải hứa hẹn chăm ngoan điểm tốt. Nhưng ra quán nhậu bạn bè bù khú, thì góp vào 500K, hay 1 triệu, 2 triệu là chuyện đơn giản (bằng cả tháng tiền mua sữa cho con). Tiền cứ nhẹ như lá đa.

Nói về mồi nhậu, thì món "lạ", món "đặc biệt" thường là đặc sản địa phương, hay thú rừng quý hiếm.

Tôi không phải là đại gia, cũng không làm quan, nên chưa có cơ hội dùng đồ mồi dạng cao cấp như tay gấu, não khỉ, ... nhưng xin thú nhận là cũng đã nhiều lần cùng bạn bè ăn hoặc được mời những món quý hiếm như: heo rừng, chồn hương, dúi, nai, nhím, ...vv

Nói chung là khi ăn thấy lạ, ngon, sướng! Nhưng cũng chỉ là cảm giác thoáng chốc thôi. Chứ không đến mức thèm khát, nhớ nhung gì.

Nhưng càng chững tuổi, tôi càng thấy mình có gì đó sai sai khi ăn những món mồi như vậy. Đó cũng là lý do tôi "cảm hứng" viết vài dòng chia sẻ chút kỷ niệm ở đây.

1. Có một lần, tôi được khách hàng mời nhậu món đồ mồi là con Dúi - một loài chuột núi sống hoang dã. Khi nhân viên nhà hàng hỏi làm thành mấy món, rồi giới thiệu "ngon lắm" ... vì tò mò nên tôi có đi ra phía sau, nói để xem con Dúi là con gì mà hồi giờ chưa biết. Nhân viên dẫn tôi ra phía sau nơi đặt chuồng nhốt thú. Tôi thấy cả một dãy cũi sắt chạy dọc tường, nhìn các con thú bị giam trong cũi, mắt nhòa nhoẹt ghèn, run bần bật như cầy sấy. Đặc biệt là một con thú giống như một con chó con hay chồn con chi đó, ánh mắt của nó nhìn tôi vừa như cầu cứu, lại vừa thù hận, phẫn uất khiến tôi bị ám ảnh mãi. Khi tôi đi vào nói với mọi người về cảm giác của mình, mọi người đều cười, nói tôi "yếu đuối". Nói đã ăn con gà con lợn, thì ăn con dúi cũng vậy thôi. Mà đã ăn thì đừng suy nghĩ dong dài chi cho thêm rắc rối.

2. Lại có lần vào quán thịt heo rừng ở Sài Gòn cùng nhóm bạn. Anh bạn tôi kêu một dĩa "heo rừng hấp hành". Lát sau nhân viên nhà hàng mang ra một đĩa thịt hấp. Anh bạn tôi nhìn, nói: "thịt này mà heo rừng cái gì? Mang vô đổi thịt heo rừng thật ra đây". Cậu trai nhân viên cười hề hề, mang dĩa thịt vô, lát sau mang ra một đĩa thịt khác. Anh bạn cầm đôi đũa gạt gạt kiểm tra rồi lại nạt lần nữa "vầy mà heo rừng! Vô nói ông chủ đem heo rừng thiệt ra đây. Bộ giỡn mặt hả". Cậu nhân viên cười nói: "vậy là mang thiệt heo rừng thiệt phải không?". Rồi lát sau lại mang ra một đĩa thịt mới (lần thứ ba). Lần này, anh bạn tôi kiểm tra cẩn thận, rồi gật gù "Ừ đây mới đúng là thịt heo rừng thiệt". Rồi chỉ cho tôi cách phân biệt: "heo rừng là phải có lông mọc theo từng chòm 3 sợi như vầy, như vầy".

3. Từ chuyện heo rừng trên, tôi lại nhớ ở ngay ở quê tôi (Bình Định) vài năm trước, báo đăng từng phát hiện vụ một cơ sở chuyên mua heo nái già về, cấy lông chòm 3 cộng, rồi dùng cây khò đốt da cháy xém, giả làm "heo rừng". Sản phẩm "heo rừng" này tiêu thụ khắp cả nước, mỗi ngày bán ra mấy tạ. Như vậy, tức là heo rừng giả nhiều ê hề trên thị trường. Suy cho cùng, cũng là để thỏa mãn cái thú nhậu "thú rừng" của mấy ông nhậu thôi.

4. Có lẽ chuyện gây tranh cãi khá nhiều vài năm gần đây là việc ăn thịt chó. Tôi cũng từng ăn thịt chó (từ hơn 10 năm trước, vài lần theo bè bạn rủ, chứ thực tình tôi không thích thú gì lắm món này). Tôi cũng từng ủng hộ quan điểm mỗi người có quyền tự do ăn uống, chọn món mình thích, miễn là không vi phạm pháp luật (viết bài đăng trên báo Thanh Niên). Nhưng sau này, tôi thấy chó là một loài động vật rất khôn ngoan và đặc biệt trung thành với chủ. Thực tế rất nhiều người nuôi chó làm thú cưng trong nhà, thân thiết yêu thương không khác nào một người bạn thật sự. Nên họ rất căm thù những kẻ trộm chó, ăn thịt chó. Thậm chí có thể giết chết những kẻ trộm chó! Nhiều vụ như vậy đã xảy ra. Nói chung, nay tôi ủng hộ quan điểm nên hạn chế, thậm chí là cấm ăn thịt chó.

5. Lại có một lần cách nay đã khá lâu rồi, tôi đi theo một đoàn công chức nhà nước ra tham quan một nơi là Vườn quốc gia. Ở đây có một số loài động vật được xếp vào sách đỏ, rất quý và hiếm. Anh giám đốc vườn quốc gia này (tôi xin không nêu tên cụ thể vì lý do tế nhị) có lẽ vì quý mến đoàn chúng tôi, nên đã sai lính bắt nguyên một ổ trứng của một loài động vật trong sách đỏ đem luộc... đãi khách! Khi ăn còn dặn chúng tôi là tuyệt đối không ai bỏ trứng này vào túi mang về. Vì nếu lỡ bị phát hiện có thể bị truy tố hình sự! Chúng tôi chỉ là một đoàn công chức quèn quèn mà còn được chiêu đãi như vậy, thì không lẽ quan chức to không được chiêu đãi món quý hiếm, và cũng là "hàng cấm" này hay sao?!

6. Việc các quan to, thậm chí rất to, ăn nhậu hay dùng/sử dụng sản phẩm từ những loài quý hiếm, thậm chí có trong sách đỏ - là sự thật đã và đang tồn tại ở Việt Nam từ lâu. Chỉ có điều là không ai dám nói, dám tố cáo. Mà có tố thì cũng không chắc ai dám xử lý, không khéo lại mang vạ vào thân.

Đọc trong sách báo, thấy trước đây vua chúa từng ăn cả thịt cọp, thịt voi, hay "nem công chả phượng"... Giờ thì có thể là sừng tê giác, cao hổ cốt, sâm nhung đặc biệt ...

Vì sao rất nhiều người thích ăn những món hiếm lạ như vậy? Tôi nghĩ không hẳn là vì món đó ngon hay bổ. Mà chính là do vì nó quá quý hiếm, đắt tiền, người thường không có cơ hội ăn, nên mình ăn, rồi khoe đã ăn, đã biết - để chứng tỏ với thiên hạ mình là giới "đẳng cấp". Tức là có yếu tố tâm lý, hay muốn khoe khoang mà thôi.

Đôi khi tôi tự hỏi, một người có "thành tích" ăn một con cọp hay một con tê giác, hay đại loại vậy - thì liệu có gì là hay ho tài giỏi hơn một người ăn uống bình thường? hay thậm chí là một người ăn chay? Hình như đâu có ai hơn ai chứ nhỉ? mà cũng chẳng có gì đáng khoe khoang.

Nói rộng ra, chuyện ăn thú rừng sách đỏ là một thú vui ăn uống có phần phàm tục của một số người. (Tôi không nói về chuyện vi phạm pháp luật). Nhưng thực ra đối với loài người nói chung, có một cái "thú" còn nguy hại hơn, là thú tham lam quyền lực. Mà có vẻ như nếu ai có cái thú này, thì thường sẽ bao trùm luôn cái thú ăn uống những của ngon vật lạ (như một tất yếu).

....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét