5 thg 1, 2017

Có một miền Tây giữa lòng Sài Gòn - Dương Cầm (Từ Dannews)

Mời CácBạn Có Dịp Ghé Qua Đây Mua trái Cây Miền Tây Ủng Hộ Bà Con.

Buổi chiều, một đoạn đường Trần Xuân Soạn thuộc phường Tân Hưng, quận 7 vào giờ tan tầm. Những người đàn ông, đàn bà lục tục bưng từng thùng trái cây từ dưới ghe lên bờ. Che qua loa tấm bạt, trải vội miếng nylon, họ bày trái cây bên vệ đường, bắt đầu cuộc mưu sinh.
Thủy triều đang lên, thoang thoảng mùi khó chịu của dòng sông bị ô nhiễm. Một vài người đàn ông còn nán lại dưới ghe, nhàn nhã lai rai “dăm ba hột” trong buổi chiều tà, cao hứng lấy hơi ca một câu vọng cổ buồn buồn. Trên đường, xe cộ tấp nập qua lại…
Tay thoăn thoắt bày những trái vú sữa, ổi, mãng cầu… ra khỏi giỏ, anh Nguyễn Văn Quá cười buồn: “Qua năm, chính quyền không cho đậu ghe, buôn bán ở đây nữa. Chắc phải tìm bến sông khác. Nếu bí quá, chắc tui về quê luôn”.

Anh Nguyễn Văn Quá bày trái cây ra vỉa hè khi thành phố vào giờ tan tầm

Người đàn ông chất phác tâm sự: “Tui ở xã Cổ Cò, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Từ nhỏ tới lớn tui chỉ quanh quẩn ở quê làm nông, có biết đi đâu đâu. Gia đình có ít đất, canh tác không đủ sống. Một mình tui giông ghe lên đây, neo đậu ở cái bến này cũng đã được 5 năm rồi. Ăn ngủ, sinh hoạt dưới ghe, lâu lâu về quê thăm vợ và hai đứa con, dành dụm được chút tiền, sẵn mang về. Buôn bán quanh năm chỉ đủ nuôi miệng chứ không có dư giả”.
Một phụ nữ luống tuổi tấp xe vào hỏi: “Mãng cầu bán bao nhiêu một ký vậy?”, câu chuyện bị đứt đoạn. Anh Quá cười xòa: “Bán rẻ, bốn chục ngàn thôi. Ở vườn mang lên đó chị. Tui bao ăn luôn, không ngon thì trả lại”.
Người phụ nữ lựa một trái mãng cầu, bảo anh Quá cân thử. Trái mãng cầu xiêm nặng non một ký, anh Quá lấy 35.000 nhưng người phụ nữ cò kè, đòi bớt xuống còn 30.000 đồng. Ngần ngừ một chút, anh Quá cũng chấp nhận dù bị thiệt.
Đợi người phụ nữ kia rồ xe đi khỏi, anh Quá than: “Buôn bán ở đây coi vậy chứ khó ăn lắm. Bữa nào trúng mánh, bán cũng được trăm ký lô, chứ bình thường bán chậm, chỉ vài chục ký, tính chi phí vận chuyển cũng không lời lớm gì nhiều. Gặp mấy bà trả giá rát như vầy, coi như tiêu luôn”.

Anh Nguyễn Văn Quá đang cân trái mãng cầu bán cho khách

“Bữa tui bị công an kéo ghe về đồn, phạt, coi như thua trắng. Vài bữa nữa Tết, lề đường này cho thuê một triệu bẩy đồng bạc trên mỗi mét vuông, chứ không cho bán tự do như bây giờ đâu”, anh Quá cho biết thêm.
Vài chiếc xe nữa tấp vào. Anh Quá lúi húi cân trái cây bán cho khách. Chia tay anh, chúng tôi đi sang gặp một thương hồ khác. Một chị ngồi bên đống dừa mới dọn từ ghe lên, bẽn lẽn không chịu cho biết tên: “Tui buôn bán nhỏ, sống qua ngày, có biết gì đâu mà nói. Anh gặp bà sồn sồn đằng kia kìa. Bả bán kỳ cựu ở đây. Bả chịu nói đó”.
Theo tay chị chỉ, chúng tôi đến gặp bà Huỳnh Thị Cúc. Người phụ nữ trạc 50 tuổi này tâm sự từ hồi học lớp 5, còn nhỏ xíu đã biết phụ ba má buôn bán trái cây. Thời con gái, bà lấy chồng, sanh hai đứa con. Bà một mình bươn chải, rời quê hương Vĩnh Kim (Tiền Giang), dông ghe trái cây lên Sài Gòn, neo đậu ở bến sông chợ Cầu Muối. Sau này thành phố phát triển, đất chật người đông, chợ Cầu Muối bị giải tỏa, bà mới mang ghe qua đây đậu. Con gái lớn của bà có chồng, đi theo má buôn bán, còn đứa con gái út mới học lớp 11 vẫn ở quê với ba. Ngót đã hơn hai mươi năm bà sống đời sông nước, buôn gánh bán bưng.

Buổi chiều, khi thành phố tan tầm, bà Huỳnh Thị Cúc rời ghe lên bờ, bắt đầu cuộc buôn bán trái cây mưu sinh
“Tui bán trung bình mỗi ngày khoảng 100 ký lô, gồm xoài, mãng cầu, vú sữa, chuối, me, quýt…. Ngày rằm, người ta mua trái cây cúng nhiều, trúng mánh thì cũng bán được khoảng 600 ký”, bà Cúc nói.
Thấy chúng tôi có vẻ nghĩ bà bán được nhiều, chắc thu nhập khá, bà Cúc phân trần: “Coi vậy chứ không có lời nhiều đâu. Buôn bán ở lề đường mà, lượm bạc cắc đắp đổi qua ngày thôi. Anh phải nghĩ đến những trái cây bị dập, thúi không bán được nữa. Tui mà giàu thì đâu có chịu sống thui thủi dưới ghe, xa nhà như vầy?”.
“Sông có hà bá, đất có thổ công”, để có chỗ mưu sinh ở bờ sông này, bà Cúc cũng phải tuân thủ theo những quy định. Bà nói: “Ở đây người ta chỉ cho bán từ 5 giờ chiều, vào giờ tan tầm thôi. Ban ngày không được bán. Tui bán tới 12 giờ đêm thì xuống ghe ngủ. Quần quật tới khuya, còn phải dọn dẹp nữa, mệt lắm”.
Bà Cúc thở dài: “Mấy chục năm bươn chải, không dư. Nhà cửa ở đây mắc như vàng, làm sao mà rớ nổi. Qua năm người ta không cho bán ở đây nữa, tui chưa biết đi đâu”.
“Gian hàng” của bà Cúc tương đối nhiều khách tìm đến. Chốc chốc bà lại chạy ra xe, đưa trái cây “mẫu” cho khách “thẩm định” trước khi mua….

Bà Cúc đưa cho khách xem thử quýt
Trời sụp tối. Cơn mưa chợt đến. Những mảnh đời co ro vào những tấm bạt nhăn nhúm, chiếc dù nhỏ xíu.. Ánh đèn của những chiếc xe chạy ngang nhấp nhoáng những trái ổi, xoài, bưởi… đang ướt mưa nằm trên vỉa hè. Dưới sông, đèn trên dãy ghe chừng hai chục chiếc đã bắt đầu lù mù, không còn nhìn rõ nữa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những mảnh đời “neo đậu” Sài Gòn này có xuất thân từ các tỉnh miền Tây sông nước: Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre… Họ đều có hoàn cảnh khó khăn và phải mưu sinh giống như anh Quá, bà Cúc.
Xem thêm một số hình ảnh: 

Người đàn ông này đang bưng thùng trái cây lên bờ bày bán trong buổi chiều tà

Trái cây bày bán ở đây có xuất xứ từ các tỉnh miền Tây trù phú

Khung cảnh mua bán trái cây tại khúc sông bờ đường Trần Xuân Soạn 

Các tỉnh miền Tây sông nước nổi tiếng với trái cây ngon: Bưởi 5 roi (Vĩnh Long), xoài cát Hòa Lộc,ổi (Cái Bè, Tiền Giang), vú sữa Vĩnh Kim (Tiền Giang), dừa Bến Tre, chuối, nhãn Cao Lãnh (Đồng Tháp)… Tất cả đều có ở khúc đường ngắn này

Người dân thành phố thường hay đến khu vực này chọn mua trái cây ngon

Chiều về, đa số các chủ ghe lên bờ mưu sinh, ghe trống không người

Đoạn “đường miền Tây” khi đêm về

Những dãy ghe lụp xụp trong buổi chiều tối nhập nhoạng

Cơn mưa bất chợt, những mảnh đời trốn mưa, bỏ mặc trái cây ướt…

Dương Cầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét