19 thg 1, 2017

FM974:Anh Quốc-Bí Mật Vụ Thiên An Môn Trong Bức Điện Tín Cũ Cách đây 27 Năm

FM974-Chuyện Thế Giới Trong Tuần




 Chính phủ Anh quốc hay nói đúng hơn, nhân viên tình báo Anh quốc, đã biết trước là nhà cầm quyền Trung cộng, chắc chắn sẽ sẳn sàng bắn chết đám sinh viên biểu tình tại quảng trường Thiên An môn năm 1989 nhưng họ vẫn không tin như vậy cho tới giờ phút chót.
    Luân Đôn biết rõ, Trung cộng đã có kế hoạch cho một cuộc thảm sát tại quảng trường này, hai tuần lễ trước khi sự việc xảy ra. Dựa trên những tài liệu mới được giải mật gần đây, Đặng Tiểu Bình đã nói “hai trăm người chết có thể mang đến cho Trung cộng hai mươi năm yên bình”, vài tuần lễ trước ngày quân đội ra tay càn quét nhóm sinh viên biểu tình hôm 4 tháng 6 năm 1989. Cơ quan lưu trử dữ kiện quốc gia Anh, hôm 30 tháng 12, đã cho công khai phổ biến một số lượng lớn những tài liệu mật của chính phủ từ năm 1989 đến 1990, trong số đó, trên hơn mười trang, ghi ngày giữa 20 tháng 5 và 21 tháng 7 năm 1989, cho thấy sự thông hiểu của chính phủ bà Margaret Thatcher, về hiện tình chính trị của Trung cộng, trước khi có vụ thảm sát Thiên An môn. Điểm chính để xác định diều này là, tòa đại sứ Anh quốc ở Bắc Kinh, biết được việc “quân đội giải phóng nhân dân” sẽ tàn sát hàng trăm người, nếu không nói là hàng ngàn, đang tụ tập tại quảng trường trong nhiều ngày qua,trước ngày 4 tháng 6 hai tuần lễ.
    Ngày 20 tháng 5 năm 1989, một tháng, sau ngày sinh viên bắt đầu chiếm cứ quảng trường Thiên An môn, phát động cuộc biểu tình rần rộ, đòi hỏi đảng cộng sản cải tổ dân chủ, Đặng Tiểu Bình tuyên bố thiết quân luật và điều động 300 ngàn quân lính tới Bắc Kinh, cũng trong cùng ngày đó, ông Alan Ewen Donald, đại sứ Anh tại Trung cộng, đã gởi một bức điện tín về chánh phủ Anh ở Downing Street, nói về bữa ăn trưa của ông với giáo sư xã hội học người Mỹ, Stuart Schram, trong đó viết “Giáo sư Schram đoan chắc với ông rằng, một trong những bạn người Trung Hoa mà ông có liên hệ, đã bảo là, trong mấy ngày vừa qua, Đặng Tiểu Bình đã không ngần ngại nói câu, hai trăm người chết sẽ mang đến cho Trung cộng hai mươi năm yên bình”, Đại sứ Donald cũng đã viết “điều này cho thấy một cách rõ ràng là, hy sinh một số người biểu tình hôm nay sẽ ổn định hiện tình Trung cộng và để họ có đủ thêm thời gian cần thiết cho việc hoàn tất sự cải tổ của Trung cộng”. Đại sứ Donald tiếp theo, cũng từ các sự kiện mà Ngũ Giác Đài Hoa kỳ biết trong cùng đêm đó, nhà cầm quyền Trung cộng đã quyết định “sẽ không có cách nào tránh được đổ máu”, cho nên họ gọi tất cả nhân viên y tế phải có mặt tại bệnh viện mình làm và ra lệnh cho quân đội “làm bất cứ những gì cần thiết phải làm để ổn định tình hình”. Sau đó ông xác nhận với không quân Hoa kỳ, những tin tức mà ông có được “rất đáng khả tin”.
     Vụ thảm sát Thiên An môn, cũng được gọi là “biến cố 4 tháng 6”, là một trong những sự kiện đen tối nhất của lịch sử cận đại Trung cộng, đã không có những vụ nổi dậy có cùng mức độ như vậy, xảy ra ở Trung cộng kể từ sau ngày đó. Đảng cộng sản Trung cộng đã triệt để ngăn cấm dân chúng nhắc nhở tới nó và đàn áp bất cứ hành động nào nhằm vào việc tưởng nhớ nạn nhân bị giết chết. Ngày nay thì, có rất nhiều công dân Trung cộng trẻ chẳng hề biết là đã có biến cố này xảy ra trong quá khứ và dường như cũng chẳng cần bận tâm tới nó.
     Cuộc biểu tình xảy ra, sau khi Hồ Diệu Bang, tổng bí thư đảng cộng sản Trung cộng lúc bấy giờ mất, một người được dân chúng xem là một nhà cải cách dân chủ tự do, đã bị truất phế vì ý tưởng này đi ngược lại khuynh hướng cực đoan bảo thủ, dân chúng cùng giới sinh viên đại học, nhân việc bày tỏ lòng thương tiếc người có tư tưởng như ông, tu họp nhau xuống đường biểu tình, đòi tự do ngôn luận báo chí và diệt trừ tham nhũng, cuộc biểu tình này ngoài tên gọi “biến cố 4 tháng 6”, cũng còn được biết đến tên “phong trào mùng 4 tháng 6”, đặt theo hai vụ phản kháng cũng xảy ra tại Thiên An môn trước đây, “phong trào mùng 4 tháng 5 năm 1919” và “phong trào mùng 5 tháng 4 năm 1976”, cũng trong thời điểm này, tổng bí thư đảng cộng sản Nga Sô, Mikhail Gorbachov đến thăm viếng Bắc kinh, sau nhiều năm bang giao giữa Liên sô và Trung cộng bị gián đoạn, vì vậy tại Bắc kinh đã có mặt rất nhiều phóng viên báo chí quốc tế quan sát, theo dỏi cũng như tường thuật tin tức. Cuộc biểu tình của sinh viên kéo dài, ngày càng rộng lớn hơn làm cho nhà cầm quyền Trung cộng lo ngại, sợ có cơ may không còn kiểm soát được. Triệu Tử Dương, tổng bí thư mới, có ý định hòa giải giữa hai bên nhà nước và người biểu tình nhưng bất thành.
    Được biết, một ngày trước tang lễ Hồ Diệu Bang, đêm 21 tháng tư, khoảng hơn 100 ngàn sinh viên đã tụ tập tại quảng trường Thiên An môn, ngày hôm sau họ đòi hỏi gặp thủ tướng Lý Bằng, người được xem là đối thủ chính trị của Hồ Diệu Bang, nhưng không được, cũng cùng hôm ấy, ở Tây An và Trường An có các cuộc biểu tình tương tự. Ngày 26 tháng 4, tờ “Nhân dân nhật báo”, tiếng nói chính thức của đảng cộng sản Trung cộng, dựa vào bài diễn văn của Đặng Tiểu Bình, cho đăng một bài viết có tựa đề “Dương cao ngọn cờ phản đối bất kỳ một sự xáo trộn nào”, với mục đích cổ võ sự ủng hộ của dân chúng và cáo buộc rằng, có một số kẻ cơ hội, đang âm mưu phá rối trị an đất nước, phản đối lập luận này, bất chấp lời cảnh cáo đe dọa sẽ đàn áp thẳng tay của nhà nước, gần 50 ngàn sinh viên tràn xuống đường phố Bắc kinh, đòi hỏi tờ báo phải rút lại bài viết.
    Ngày 19 tháng 5, Triệu Tử Dương đến gặp đám sinh viên biểu tình, ông rấm rứt khóc khi nói với họ rằng, “ông đã đến đây quá trễ”, qua lời nói này, người ta xem như là dấu hiệu cho thấy, quyết định đàn áp bằng bất cứ giá nào của nhà cầm quyền Bắc Kinh là việc chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng không khuyến dụ được sinh viên và các người ủng hộ họ bỏ cuộc, người dân Bắc kinh đã thay phiên nhau gặp quân lính tại các địa điểm trấn đóng hàng ngày, nói cho họ biết, những người biểu tình không phải là những người “phản cách mạng” và hầu hết người dân Trung cộng khó mà tin là “quân đội nhân dân lại có thể nổ súng bắn “nhân dân”.
    Nói chung, cuộc tụ tập tại quảng trường Thiên An môn của dân chúng và sinh viên chỉ có mục đích cùng tưởng niệm cái chết ông Hồ Diệu Bang, được họ coi là người ủng hộ cải cách dân chủ, nhưng dần dần trở thành một phong trào chống đối tham nhũng, đòi hỏi tự do báo chí và đáng nói hơn là yêu cầu chấm dứt hay cải cách sự cầm quyền tại lục địa của đảng cộng sản Trung cộng và Đặng Tiểu Bình. Ngày 4 tháng 6, quân đội Trung cộng, có cả chiến xa tiến vào Bắc kinh, họ yêu cầu phóng viên báo chí rời khỏi nơi đó, hổn loạn, có tiếng súng nổ và người chết, cuộc biểu tình bị đè bẹp và giải tán một cách tàn nhẩn sau đó.
    Các tài liệu giải mật này cũng tiết lộ thêm một sự kiện khá lý thú khác, ít có người nghĩ tới là, ông Lý Quang Diệu, thủ tướng Tân Gia Ba lúc này, lại là người ủng hộ việc đàn áp sinh viên biểu tình của nhà cầm quyền Bắc kinh. Trong một buổi gặp gỡ với đại sứ Donald của Anh quốc tháng 7 năm 1989, ông Lý nói rằng, ông ta có hơi khó hiểu, tại sao đám sinh viên biểu tình quyết định “leo thang”, từ những đòi hỏi cải tổ chính trị chung chung tới việc trực tiếp tấn công Đặng Tiểu Bình, hành động này ông Lý gọi là “một hành động ngu xuẩn”. Lý Quang Diệu đồng thời tiên đoán, dùng quân đội đán áp là sự chọn lựa duy nhất của Đặng Tiểu Bình để chấm dứt sự phản kháng của sinh viên, theo cái cảm nhận trong xương tủy của một người Trung hoa mà ông có.
    Tất cả trong nội dung của các bức điện tín cho thấy, những cuộc đàm thoại này đã lan truyền tại Bắc Kinh, vài tuần lễ trước khi quân đội Trung cộng nhận lệnh nổ súng vào đám biểu tình, nhiều người, trong nhóm giới chức thân cận với nhà cầm quyền, bao gồm cả những đảng viên cao cấp của đảng cộng sản Trung cộng, có con cháu tham gia trong hàng ngủ biểu tình, không làm gì khác hơn được, khi biết trước và biết chắc rằng, phe bảo thủ cực đoan sẽ là người thắng cuộc.
   
Thuyên Huy
Mon 16.01.2017
Viết theo FoxNews Science & Quartz   
   
  
  (ảnh:Wikipedia,biểu tình tai Thiên An Môn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét