Bỏ hay không bỏ
Tết cổ truyền (Tết Âm lịch) là một đề tài luôn trở nên nóng hổi mỗi khi
kỳ nghỉ dài ngày được chờ đón nhất tại Việt Nam đến gần. Năm nay không
phải là ngoại lệ.
Đây là một dấu hiệu rất tốt của xã hội
mở, nơi mà chúng ta bắt đầu chấp nhận những ý kiến trái chiều và tranh
biện – cho dù đề tài là về một truyền thống lâu đời. Điều này càng đặc
biệt tại một xã hội như Việt Nam – nơi mà “một điều nhịn, chín điều
lành” luôn là tôn chỉ chính trong đối thoại xã hội.
Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn chưa làm thay đổi phong thái đối thoại thực tế của các bên trong cuộc tranh luận chưa có hồi kết này.
Bên đề xuất hủy thường “kết án” Tết là
thủ phạm của sự phung phí, trì trệ không cần thiết trong lĩnh vực công,
tạo khó khăn cho các hoạt động tư, từ đó ảnh hưởng chung đến sự phát
triển của toàn quốc gia.
Họ sử dụng một loại ngụy biện tạm gọi là đảo ngược nhân quả, tức cho rằng một hệ quả xảy ra chỉ vì một nguyên nhân mà họ chỉ định. Ví dụ cho lập luận thường được nghe thấy là:
“Nhật, Hàn phát triển kinh tế – công nghệ rất mạnh mẽ.
Nhật, Hàn bỏ Tết Âm lịch.
Vậy bỏ Tết Âm lịch thì Việt Nam có thể phát triển như Nhật, Hàn.”
Bên ủng hộ duy trì cũng không vô can với lý luận của mình. Ngụy biện chủ yếu mà họ sử dụng là ngụy biện dựa vào lịch sử, theo đó cho rằng Tết quan trọng và ý nghĩa với người Việt Nam chỉ vì “hàng ngàn năm qua đã thế” – bỏ Tết Âm lịch tức là mất gốc, mất nguồn cội.
Các cuộc tranh luận đôi khi sa đà theo
hướng công kích cá nhân và làm mất đi giá trị thực tế đáng có của mình.
Vì điều này, người viết cho rằng có một số điểm cần xem xét để cuộc đối
thoại về Tết trong tương lai có thể mang lại hiệu quả trên thực tế.
Đối tượng của đối thoại là chính sách công
Nhiều học giả và cá nhân tiếp cận với
cuộc tranh luận “Nghỉ Tết hay không?” bằng cách loại bỏ ngay lập tức sự
cần thiết của việc tranh luận. Họ chủ yếu cho rằng nghỉ Tết là quyền tự
do cá nhân. Vì vậy, người thích có thể ăn Tết – người không thích có thể
không ăn Tết.
Các tiếp cận này quên rằng đối tượng đối
thoại chủ yếu đang được nhắc đến là chính sách cho nghỉ Tết Âm lịch dài
ngày của chính phủ, không phải nhắm vào quyền tự do của công dân.
“Nghỉ Tết” là một chính sách bắt buộc đã
tồn tại qua nhiều Bộ luật Lao động cho đến ngày nay với các chế tài đi
kèm. Người sử dụng lao động hoàn toàn có thể bị xử phạt nếu không tuân
thủ cơ chế lương, thưởng và ngày nghỉ lễ Tết, theo điều 14 Nghị định
95/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động.
Thậm chí, cho dù một số ít người làm
việc độc lập quyết định duy trì công việc của họ trong dịp Tết, họ cũng
sẽ phải đối mặt với khó khăn là tất cả các cơ quan nhà nước và các bộ
phận quan trọng của nền kinh tế như ngân hàng, bưu chính, dịch vụ công
cộng khác… đều đóng cửa hoặc giảm tải mạnh.
Vì vậy, đây là một đối thoại đáng lưu ý cần được mang ra bàn thảo trong môi trường công cộng, không nên hạn chế hay bỏ qua.
Cần xem xét vị trí của mỗi bên đối thoại
Việc thiếu cân nhắc này khiến cho các
bên không thể và không muốn hiểu nhau. Chúng ta cần nhận ra rằng không
phải bất kỳ ai đưa ra quan điểm đối ngược với mình đều do thành kiến,
giả định sai trái hay mục đích không đúng đắn. Vị trí, công việc và chức
năng của mỗi bên có khả năng khiến nhiều người có những thái độ khác
nhau trước cùng một vụ việc.
Một thẩm phán có trách nhiệm xét xử vụ
án một cách công tâm và đúng theo quy định pháp luật. Nhưng điều này
không ngăn cản ông cân nhắc các ý kiến từ phía chuyên viên, quan chức
chính phủ; tình hình chính trị, các ảnh hưởng có thể có trong tương lai
mà phán quyết mang lại hay nguyện vọng lớn của cộng đồng.
Những cân nhắc này có thể khiến cho phán
quyết bị phê phán, nhưng cũng nhằm duy trì sự tồn tại của phán quyết
đó. Đây là điều mà chúng ta cần hướng tới trong việc giải quyết các mâu
thuẫn nảy sinh trong bài toán “Có nên bỏ Tết hay không?”
Một doanh nhân có thể gặp khó khăn khi
vướng vào cả hai ngày nghỉ tréo ngeo “Giáng Sinh” của phương Tây và
“Tết” của Việt Nam, khiến họ không thể giao dịch với đối tác hay không
thể xử lý nhanh chóng các công việc hành chính nhà nước phát sinh.
Các nhà kinh tế học và chuyên gia chính
sách, trên cơ sở các số liệu thống kê, lo ngại về những khoản chi tiêu,
lãng phí không đáng có.
Học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh xem Tết là cơ hội đoàn viên trong gia đình.
Các nhà văn hóa, lịch sử quan tâm đến
khía cạnh danh tính dân tộc và các giá trị khiến văn hóa Việt Nam còn
duy trì được đến ngày nay.
Khi liệt kê một cách cẩn thận và không
phán xét nhu cầu của từng nhóm đối tượng, không khó để nhận ra rằng
những kỳ vọng không phải lúc nào cũng trái ngược nhau. Nhìn ra được điểm
này, chắc chắn các nhà hoạch định chính sách có thể tìm ra một định
hướng giải quyết vẹn toàn.
Thiếu những hành động và giải pháp thiết thực
Vấn đề cuối cùng mà người viết nhận thấy
trong đối thoại Tết năm nay, là hầu hết hai bên đều không đưa ra được
những giải pháp cụ thể để hoàn thiện mục tiêu đối thoại chính của mình.
Khi nhóm đề nghị bỏ “nghỉ Tết” không hề
đưa ra phương án thay thế khả thi, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà lập
pháp hay lựa chọn một đạo luật nhất định để can thiệp trực tiếp vào vấn
đề (như kêu gọi sửa đổi Bộ luật Lao động chẳng hạn, hoặc xem xét sử dụng
những văn bản pháp luật khác).
Bên duy trì cũng không có những giải
pháp, cuộc vận động nhằm hạn chế sự lãng phí về tiền bạc và thời gian đã
được chứng minh rõ trong suốt những năm qua.
Thiếu hành động, những cuộc tranh luận
tốn không biết bao nhiêu giấy mực, công sức như vậy của dân tộc Việt
cũng chỉ như những cuộc hàn huyên tâm sự vô thưởng vô phạt trước thềm
Tết đến Xuân về mà thôi.
—
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét