26 thg 1, 2017

Di sản quý giá của tác giả bức Cụ bà đẹp nhất thế giới

Nhiếp ảnh gia Réhahn, người được biết đến với bức ảnh Cụ bà đẹp nhất thế giới tại Hội An, đang thực hiện một dự án đầy tham vọng mang tên “Di sản quý giá” về Việt Nam.
Di sản quý giá của tác giả bức Cụ bà đẹp nhất thế giới
Cụ Bùi Thị Xong trong bức ảnh Cụ bà đẹp nhất thế giới của nhiếp ảnh gia Réhahn
Réhahn đến từ Bayeux, một thị trấn nhỏ với chừng 15.000 dân ở Normandy, miền bắc nước Pháp. Từ vùng quê yên bình với đồng cỏ trải dài và những đàn bò sữa cao lớn, Réhahn xách balô đến 35 quốc gia để rồi dừng chân tại Hội An (Quảng Nam). “Bởi vẻ duyên dáng đầy mê hoặc của đô thị cổ này” – Réhahn nói.
Lưu giữ văn hóa các dân tộc
Với chiếc máy ảnh trên vai, những năm qua Réhahn rong ruổi khắp các vùng miền Việt Nam. Anh tìm tới bản làng các dân tộc thiểu số, tiếp xúc và ghi lại những nét văn hóa truyền thống độc đáo.
Trong một nhà hàng nhỏ cũng là nơi trưng bày các sáng tác của anh trên đường Nguyễn Phúc Chu (Hội An), Réhahn chia sẻ về dự án mới của mình: “Tôi biết một số người yêu thích chụp ảnh thường chọn cuộc sống một số dân tộc trên Tây Bắc như Sa Pa, nhưng phải thực sự đam mê bạn mới tìm hiểu hết được 54 dân tộc ở đất nước này bởi việc đi lại khá vất vả.
Tuy nhiên, nếu bạn đã dấn thân thì sẽ thấy mọi thứ thật tuyệt vì đây là một nền văn hóa cực kỳ đa dạng. Ở những vùng miền núi Việt Nam, chỉ cần đi 10km là bạn đã gặp một dân tộc khác với văn hóa khác hoàn toàn dân tộc bạn vừa gặp trước đó. Với 42 dân tộc đã gặp gỡ và tiếp xúc, nó cho tôi cái cảm giác như vừa đi qua 42 quốc gia vậy!”.
Réhahn nói sau những chuyến đi, anh nhận thấy nhiều dân tộc thiểu số đang dần đánh mất những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục và ngôn ngữ. Có những tộc người còn vài trăm nhân khẩu, nhưng chỉ có vài ba bộ trang phục truyền thống và một số ít người già có thể nói được tiếng dân tộc mình. Sau vài năm quay lại, anh nói rằng họ chẳng còn bộ trang phục truyền thống nào nữa.
“Tôi không phải người Việt Nam nhưng tôi đang sống ở đây và cảm thấy bản thân mình có trách nhiệm cần phải lưu giữ những nét văn hóa này. Nếu không có ai làm việc đó thì chúng ta chỉ có thể đứng nhìn những nét văn hóa đẹp đẽ ấy trôi qua và biến mất. Đó là động lực khiến tôi phải làm, và một lý do nữa là tôi thích được làm như vậy!” – anh chia sẻ.
Di sản quý giá của tác giả bức Cụ bà đẹp nhất thế giới
Réhahn chụp ảnh cùng các em thiếu nhi người dân tộc
Nỗi lo mai một
Réhahn tiết lộ dự án của anh đã đi được hai phần ba chặng đường. Anh đã gặp hầu hết các dân tộc sống tại miền Bắc và miền Trung – Tây nguyên. Kế hoạch trong năm tới là tiếp xúc với những dân tộc khu vực Nam bộ. Ở những nơi đã qua, anh gặp gỡ trưởng làng, nói chuyện với người dân và thu âm lời nói, câu hát truyền thống.
Anh chụp ảnh và sưu tập những bộ quần áo truyền thống của họ. Dự án sẽ tổng hợp thông tin về 54 dân tộc và xuất bản cuốn sách ảnh Di sản quý giá (Precious Heritage). Ngoài ra, anh cũng ấp ủ ý định xây dựng một bảo tàng để trưng bày các trang phục truyền thống và hình ảnh về các dân tộc.
Réhahn không nhớ đã thực hiện bao nhiêu chuyến hành trình bằng xe máy đến với các bản làng heo hút. Nhưng hầu như chuyến đi nào cũng mang lại nhiều câu chuyện thú vị. Nhưng không phải mọi chuyến đi đều mang đến kỷ niệm vui.
Cũng có những trường hợp đáng buồn như lần anh tìm tới làng của người Brâu tại huyện Ngọc Hồi, Kon Tum (giáp biên giới Lào). Đó là dân tộc ít người thứ hai tại Việt Nam, điều tra dân số năm 2006 cho thấy chỉ còn khoảng 320 người sống tại đây.
Réhahn kể: “Họ không quan tâm nhiều tới truyền thống văn hóa của mình, những bộ trang phục truyền thống còn lại khá ít, được vứt lung tung và dùng để lau nhà. Những người trẻ tôi gặp dường như thiếu tự tin khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống.
Có thể vì sự thay đổi của cuộc sống hiện đại hoặc là họ đang chạy theo thị hiếu thời trang mới”. Anh nói việc sưu tập trang phục truyền thống của những dân tộc này cực kỳ khó khăn.
Réhahn nói rằng những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số cần được đề cao hơn nữa từ ngay cả những người ở trong và ngoài cộng đồng dân tộc để họ có động lực bảo tồn, phát huy nền văn hóa của dân tộc mình.
“Tôi hi vọng dự án này sẽ giúp người dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về vẻ đẹp và sự đa dạng văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Đây là di sản mà không phải đất nước nào cũng có được. Mỗi người dân Việt Nam nên có trách nhiệm lưu giữ và bảo tồn giá trị truyền thống, chúng ta cần hành động để những nét văn hóa của mỗi dân tộc không bị mai một!” – Réhahn chia sẻ.
Di sản quý giá của tác giả bức Cụ bà đẹp nhất thế giới

Đưa hình ảnh VN đi khắp thế giớiTôi tình cờ gặp bà (Bùi Thị Xong) khi đang đi dạo trên bờ sông Hoài. Lúc đó bà làm nghề chèo thuyền đưa khách tham quan Hội An. Khi lên thuyền tôi đã trêu bà: A, bà không có răng! Thế là bà cười tít mắt và lấy tay che mặt.Tôi đã chụp được khoảnh khắc ấy và bức ảnh ra đời như thế. Đến tận bây giờ chúng tôi vẫn luôn giữ mối quan hệ thân thiết. Hằng ngày bà đều ngồi trên thuyền chờ khách trước nhà hàng của tôi, thế nên tôi có thể cùng trò chuyện với bà. Chúng tôi còn có chung ngày sinh nữa” – Réhahn kể. Cụ bà 78 tuổi lái thuyền trên sông Thu Bồn qua góc máy của Réhahn đã trở thành một hình ảnh Việt Nam ấm áp, sống động với bạn bè thế giới.
Bức ảnh Nụ cười ẩn giấu (Hidden Smile) chụp bà Xong được nhiều tờ báo và kênh truyền hình lớn của Mỹ như National Geographic, Los Angeles Times, Daily Mail… ca ngợi là “cụ bà đẹp nhất thế giới”. Bức ảnh cũng là điểm nhấn trong cuốn sách Việt Nam, những mảnh ghép đối lập (Vietnam, mosaic of contrasts) gồm 150 bức ảnh về con người và đất nước Việt Nam được Réhahn xuất bản đầu năm 2014.
Réhahn đã có bảy năm rong ruổi khắp Việt Nam và đã chụp hơn 40.000 bức ảnh.
Di sản quý giá của tác giả bức Cụ bà đẹp nhất thế giới
Người phụ nữ Hrê (Quảng Ngãi) qua ống kính Réhahn
Di sản quý giá của tác giả bức Cụ bà đẹp nhất thế giới
Trang phục truyền thống của cụ bà người dân tộc Nùng
Di sản quý giá của tác giả bức Cụ bà đẹp nhất thế giới
Phụ nữ Pà Thẻn rực rỡ trong trang phục truyền thống
Di sản quý giá của tác giả bức Cụ bà đẹp nhất thế giới
Cụ già người dân tộc La Hủ trong trang phục truyền thống
 
TẤN LỰC (báo Tuổi trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét