Radio FM974
Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 30/01/2017
Đốt thêm điếu thuốc lá nữa, một trong sáu mươi điếu sẽ hút trong ngày, sau giờ cầu nguyện,
ông Nassr, người gốc Syrian, 58 tuổi, khẻ nhúng vai, nhìn xuống con sông nhỏ, dầy
đặc những chiếc ghe chở đủ thứ hàng hóa vật dụng, cây trái, lòng buồn chùng xuống,
buông tiếng thở dài “thật là khó sống cho một người tỵ nạn bất hợp pháp trên đất
Thái Lan”.
Cùng ngồi với hai anh bạn của ông Nassr, một người tỵ nạn Palestinian gốc
Syrian khác, ngao ngán nhưng hy vọng nay mai sẽ tìm được công việc làm, Nassr
cho biết, họ không thể đi làm, không có cách nào kiếm ra tiền, cái gì họ có thể
làm lúc này là ngồi chờ mà thôi.
Bốn năm trước, Nassr sống tại thủ đô Damascus, Syria, với vợ và ba đứa
con nhỏ, chuyên làm nghề trãi thảm nhưng chiến trận giữa các phe càng ngày càng
tới gần hơn, mọi thứ đều thay đổi, không còn những nụ cười vui tươi như thường
ngày, thay vào đó là không biết bao nhiêu xác người chết trên đường phố, cho
nên ông ta nghĩ đến lúc phải ra đi. Một người bạn từ Syria, đã đến được Vọng
Các, khuyên Nassr đừng tìm cách đi ngang qua Hy Lạp, vì quá nhiều rũi ro nguy
hiểm, thay vì đó xin chiếu khán du lịch nhập cảnh vào đất Thái, quốc gia cuối
cùng có tòa lãnh sự còn hoạt động ở Damascus. Nassr nhớ lại, chuyện này xem ra
quá dễ dàng, ông đến đó xin chiếu khán, đóng 100 đô la cho mỗi người, mua năm
vé máy bay đi Thái Lan là xong.
Nassr hay gia đình ông, chẳng có ai biết nhiều gì về Thái nhưng bạn bè bảo
ông rằng, một khi đến được Vọng Các, chỉ cần ở đó vài tuần là có phái đoàn Cao ủy
tỵ nạn LHQ làm thủ tục cho đi định cư tại các quốc gia khác. Theo lời Nassr,
ông tin cách này, ông sẽ có thể tới Âu châu an toàn hơn là chịu đựng hiểm nguy,
có khi mất cả mạng nếu đi bằng đường biển. Bốn năm sau, gia đình ông vẫn chưa
biết ngày nào mới được rời Thái đi định cư, cao ủy tỵ nạn LHQ bảo ông là, ông
phải chờ ít nhất hai năm nữa, họ cũng nói rõ, đơn xin quy chế tỵ nạn được xem
xét theo thứ tự, từng trường hợp một, người tới trước đi trước, tuy nhiên ưu
tiên chỉ dành cho những hoàn cảnh đặc biệt cần lưu ý. Trong khi chờ đợi, ngày
qua ngày, Nassr không biết làm gì hơn là đi nhà
thờ và ra chợ, Narrs cho biết, ông cố gắng ở trong nhà càng lâu càng tốt,
tránh mọi sự chú ý của người chung quanh, vì sợ sẽ bị bắt giữ. Vợ chồng ông và
mấy đứa con, hiện sống nhờ vào số tiền giúp từ anh em mình những người đang sống
ở nước ngoài, phần lớn đã rời khỏi Syria trước khi chiến cuộc bắt đầu.
Thái Lan là nước không phê chuẩn hiệp ước ty nạn của LHQ, cho nên họ
không công nhận tư cách hoặc bảo vệ cho người tỵ nạn, con số người tỵ nạn ở
Thái Lan đã tăng lên gấp ba trong vòng ba năm qua, theo bản báo cáo của LHQ. Theo
lời của bà Jennifer Bose, làm việc cho Cao ủy tỵ nạn LHQ, sau ngày chiếu khán
nhập cảnh du lịch ba tháng hết hạn, người tỵ nạn trên căn bản trở thành một người
sống bất hợp pháp tại đây, từ giờ phút đó, người tỵ nạn có thể bị bắt giam hay
trục xuất bất cứ lúc nào. Cũng vì vậy, khoảng hơn vài trăm người Syrian ở Thái
Lan, thường trốn lánh trong phòng, trong nhà, không thể đi làm cũng như đi đến
trường học. Như anh Firaz, đang ở trong một căn chung cư một phòng ngủ, vùng
ngoại ô Vọng Các, với vợ, hai đứa con và bà mẹ, nói về hoàn cảnh mình, cứ có tiếng
động nào lạ, đáng lo ở cửa thì người anh hoàn toàn lạnh run, sợ ai đó tới bắt
đi, cảnh sát di trú Thái luôn luôn tới khám xét nhà mà không có chuyện báo trước,
như họ đã làm hai năm trước đây khi đến bắt gia đình anh và giải vào trung tâm
tạm giam, sau hai tuần trong nhà giam, họ được thả ra sau khi đóng số tiền tại
ngoại khoảng 140 ngàn tiền Bath, khoảng 5000 đô la, cũng theo lời anh Firaz, cảnh
sát di trú Thái có thể tới nhà trong ban đêm và người tỵ nạn không bao giờ biết
là họ đến chọc ghẹo chơi hay đến bắt đi.
Firaz là người thuộc thế hệ tỵ nạn thứ hai, gia đình anh gốc từ
Palestine, năm 2012 khi chiến tranh tràn đến trại Yarmouk, một trại tỵ nạn của
người Palestinian ở Damascus, nơi anh sinh sống, gia đình Firaz di tản tới
Lebanon, ở đây đời sống quá khó khăn, họ quyết định dành dụm tiền bạc cho chuyến
đi, một chuyến có đi không có về, tới Thái Lan. Ở Vọng Các, bên cạnh số tiền trợ
cấp 3000 Bath hàng tháng của LHQ vì bệnh tật của Firaz và 600 Bath cho con cái,
gia đình anh sống còn nhờ vào nó, anh không còn cho con đi học tiếng Thái tại
trường của người tỵ nạn, vì tiền xe buýt tốn 70 bath một ngày, với số tiền này
anh có thể nấu ăn cho cả gia đình. Tủ lạnh của Firaz, chất đầy phần lớn là cà rốt,
bắp cải xanh và những hộp cá mòi, có hộp đã quá thời hạn dùng, đây là những gì
gia đình anh ta có trong bữa ăn, anh không thể ngủ yên, cứ suy nghĩ chuyện ngày
mai họ sẽ sống làm sao đây, có cái gì để nấu được nữa không. Với những lo âu về
thực phẩm, đôi khi Firaz mơ là đáng lẽ đừng bao giờ tới Thái Lan mặc dù, anh đồng
ý rằng, nhân viên di trú và người dân địa phương ở đây rất tốt và thân thiện.
Với em Zahra, tròn 15, lại nhìn sự việc một cách khác hơn, em hết sức vui
mừng khi được cha em, một nha sĩ người Syrian, dẫn mấy chị em và mẹ mình đến
Thái Lan, mà không theo con đường ngang qua Hy Lạp như phần lớn những người
khác trong gia đình, với em, trước tiên là trốn thoát cái chết ở Syria, nơi nhà
cửa của cha mẹ em ở thủ đô Damascus bị cháy sập tan tành, chỉ có may mắn lắm mới
còn sống sót giữa biển cả.
Hơn hai năm, Zahra không thể đi đến trường, hiếm khi mới rời khỏi căn
nhà mà em đang tạm trú ở Vọng Các, theo em, đi ra ngoài thường không mấy an
toàn, thay vì vậy, em tìm đọc mọi thứ sách báo trong nhà có. Gia đình em cũng sống
nhờ vào sự hổ trợ từ Trung tâm tỵ nạn Vọng Các, có sự trợ giúp của Cao ủy Tỵ nạn
LHQ vì cha em không được đi làm, nhưng tương lai sáng sủa đang chờ cả nhà trước
mặt, gia đình em mới vừa đây, đã nhận được giấy tờ cho đi định cư sang Hoa Kỳ,
chỉ có không hơn 1% số người tỵ nạn trên thế giới có được may mắn như vầy.
Zahra, vui mừng, mơ tới một cuộc sống
mới nay mai, nhưng với em “em sẽ nhớ Thái Lan nhiều, mặc dù có khó khăn, trở ngại
nhưng vẫn còn tốt hơn là sống trong chiến tranh, dưới tiếng bom lằn đạn, chết sống
từng giờ, không biết ngày mai sẽ ra sao và như thế nào”.
Thuyên Huy
Mon 30.01.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét