Ngay từ thế kỷ 16-17, người phương Tây đã đến Việt Nam và ghi chép
cẩn thận về văn hóa nước ta. Ngoài những ghi nhận về phong tục tốt đẹp
của người Việt trong dịp Tết thì họ cũng không ngại nêu ra những thói
xấu.
Samuel Baron, một thương nhân Hà Lan từng đến Thăng Long hồi thế kỷ 17 khi viết cuốn A Description of the Kingdom of Tonqueen
có tả: “Lệ đi lễ và cách đem biếu quà cáp của người dưới đối với người
trên hôm đầu năm có từ ngày xưa thì bây giờ bắt buộc và có một đạo luật
rất nghiêm khắc chế định nên không ai có thể bỏ đi được. Các quan tùy
theo phẩm trật của mình (có nhiều người lại tùy theo phẩm trật mình muốn
đạt) mỗi năm gửi phẩm vật quý giá về dâng vua… Hạ quan gửi tặng vật về
biếu thượng quan; học trò tết thầy, con cháu biếu gia trưởng, và như thế
người dưới biếu người mà mình nhận là người đứng ngay hàng trên mình.
Vì lễ vật nhận được rất nhiều và đủ các thứ, nên các quan có tục vào
những ngày tất niên đem thết bà con và thân hữu một phần to; còn lại thì
cho lính tráng, đầy tớ để cho ai cũng có cảm tưởng là được dự vào tết
và mọi người được vui mừng sung sướng.
Marini, nhà buôn người Ý, sống ở Đàng Ngoài từ 1647-1658 viết: “Đi
Tết ai, thường cũng tết thêm mấy bánh pháo to nhỏ tuỳ theo cấp bậc, địa
vị; vừa xướng Tết xong, người ta liền đốt pháo cho ran nhà, cho tà ma bỏ
chạy, để hạnh phúc tràn tới. Người dưới phải đem đồ, hoặc cho người đại
diện đi tết người trên. Con cháu phải tết ông bà, cha mẹ, chú bác; trò
phải tết thầy… Các quan cấp dưới cũng phải gửi đồ tết quan trên. Vì vậy
nhà các đại quan tràn ngập đồ tết. Thường thường các vị đó lại đem tặng
bạn bè, hoặc cho quân lính, kẻ hầu hạ, để mọi người được hưởng lộc. Tất
cả các quan lại không buộc dâng đồ Tết vua chúa.
Đồ tết của người dưới đối với người trên hầu hết là thực phẩm: gạo,
heo, gà, vịt, cau, đường, trái cây, bánh, mứt… Nếu là quân lính, sẽ họp
nhau cùng tết viên quan chỉ huy trực tiếp. Họ mang đồ Tết đến nhà quan
bằng một nghi thức trang trọng: đi đầu là cai đội (chỉ huy từ 2 đến 6
thuyền, mỗi thuyền từ 30 đến 60 lính) rồi đến lính bưng một quả (hộp)
gạo), và khênh con heo mới giết đặt trên bàn, để trước mặt quan. Viên
quan ngồi giữa nhà thật oai nghiêm. Quân lính lạy quan sát đất ba lần.
Quan nhận đồ Tết, rồi bảo người hầu đem cất đi; sau đó ban quà mừng tuổi
cho lính tương xứng với đồ Tết. Còn quà mừng tuổi của vua chúa cho các
quan là một bộ phẩm phục, đặt trong quả (hộp) áo sơn son vẽ rồng, cùng
một mẫu. Vua chúa sai người bưng quả áo đến nhà viên quan, đi theo có
lính che lọng quà mừng tuổi. Việc che lọng trên không có ý tránh mưa
nắng, nhưng chỉ là tỏ sự cung kính món quà vua chúa ban”.
Một giáo sĩ người Pháp là Jean Baptiste Tavernier sống ở Thăng Long
vào thế kỷ 17 cũng xác định chuyện này trong cuốn sách có tên “Recueil de Plusieurs Relations et Traites Singuliers et Curieux”
và viết chuyện dùng quà xin xỏ được thực hiện rất công khai và sòng
phẳng: “Khi các quan đi chầu hoặc tết vua chúa, phải mặc áo tím, đội mũ
lục lăng và phải lạy sát đất 4 lần. Riêng nữ giới chỉ buộc lạy một lần
theo kiểu lạy của họ (ngồi mà lạy). Dịp này cũng như các dịp khác ai
muốn dộng (là tiếng để nói với chúa Trịnh; cũng như khi nói với vua thì
dùng tiếng tâu (tâu vua, dộng chúa); nói với đại quan dùng tiếng bẩm;
với quan nhỏ, tiếng trình; với vai trên, thưa. Như vậy trong thuật ngữ
xưng hô đẳng cấp xã hội, tiếng dộng ở cấp thứ hai) xin ân huệ gì, thì
đội của lễ lên đầu, hoặc bưng cao ngang trán, tiến gần tới chúa để nói.
Nếu chúa nhận lời, ngài sẽ bảo người hầu cất của lễ đi; bằng không, thì
chúa cũng không nhận của lễ”.
Không chỉ quan lại, mà dân chúng cũng vậy. Giáo sĩ Benigme, người Pháp, tác giả của Vingt ans en Annam
(Hai mươi năm sống ở An-nam) viết: Những kẻ dưới đi Tết người trên thì
đem theo lễ vật và quỳ lạy ít ra là một lễ , không bao giờ người ta đi
chúc Tết người trên mà lại đi tay không. Sau đó họ được phép tha hồ bê
tha cờ bạc trong ba ngày Tết, say mê đến nỗi thua sạch cả quần áo. Nhưng
họ không được phép chơi ở gìan nhà chính mà chơi ở dưới mái hiên và với
điều kiện chỉ nói cười khe khẽ. Ðáng phục là điều kiện này đến cả các
bà cũng tuân theo!”.
Ngoài tệ biếu lễ dịp Tết thì người phương Tây cũng nói rằng Tết là
dịp người Việt chè chén bê tha. Courtois Edmondl, giáo sĩ- bác sĩ Pháp
viết: “Nhưng Tết không phải chỉ là lễ cúng tổ tiên, nó còn là cái cớ để
người ta tiệc tùng, chè rượu thả cửa, tất cả những đĩa đồ ăn bầy la liệt
trên bàn thờ mỗi ngày thay mấy lần, có thể nói là họ ăn uống từ sáng
đến tối. Chiều mồng một hiếm khi gập một người An-nam nào không chuếnh
choáng hơi men, say khướt thứ rượu “choum choum”, (không rõ rượu gì)
rượu trắng cất bằng gạo, rất dở mà khắp xứ Bắc đâu đâu cũng có…Thế rồi
lại ca hát ê a, và Tết kéo dài khoảng một tuần ở nhà giầu, nhà nghèo thì
ngắn hơn. Số tiền nhỏ mọn họ dành dụm ky cóp đã tiêu sạch”.
Baron cũng nhận xét như vậy khi ông cho rằng: “Ðây là thời gian người
ta mặc sức ăn ngon, phóng túng, ai mà không cố tiếp đãi họ hàng, bạn
bè chu tất thì mang tiếng là bủn xỉn, bần tiện, nên dẫu họ biết rằng
tiêu hoang vào dịp này thì rồi sẽ khánh kiệt, cả năm đến phải sống bằng
cách đi ăn xin cũng không quản ngại”.
Nguồn motthegioi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét