Dạy con làm việc nhà, ngoài những
tác dụng ích lợi được nhiều người biết đến như giúp con tăng cường sức khỏe,
rèn luyện tính tự lập, giáo dục lòng tự tin và đức tính biết chia sẻ... thì
theo cách nhìn của người Nhật, việc dạy con làm việc nhà còn có những công dụng
"không giống ai" như: trí óc của trẻ được kích hoạt làm việc khi cơ
thể vận động, giúp con xúc chạm vào cuộc sống thực tế, biết làm việc nhà thì
con cảm nhận được ý nghĩa thực chất của cuộc sống gia đình...
Thực tế ở nước ta có nhiều phụ huynh
thường nại lý do vì bận rộn nên không có thời gian dạy con làm việc nhà hoặc
nhờ con làm việc nhà thì "có mà đợi tới tết" thôi thì "mình làm
luôn cho xong", hoặc cho rằng con còn nhỏ "biết gì mà làm"...
Nhưng theo bà Nagisa Tatsumi, một chuyên gia giáo dục nổi tiếng của Nhật Bản, đó
là những quan niệm sai lầm. Vì chính lúc bận rộn là lúc thích hợp để con trẻ
chia sẻ với cha mẹ công việc nhà, và "tuổi nhỏ làm việc nhỏ" cho nên
làm việc nhà thì không có giới hạn tuổi tác. Ngoài ra không ai có thể thay thế
vai trò cha mẹ trong việc dạy con làm việc nhà và chỉ có ở trong mội trường gia
đình là nơi duy nhất cha mẹ mới có thể dạy con làm việc nhà.
Nếu phụ huynh cho rằng vì bận rộn
hoặc vì con chây lười mà không kiên nhẫn dạy con làm việc nhà thì ngày tháng
trôi qua con trẻ nhanh chóng trở thành một người lớn xác mà không biết làm việc
nhà trong lúc cha mẹ thì lúc nào cũng bận rộn, cũng có trường hợp do con không
cảm nhận được vai trò hữu ích của mình đối với gia đình mà nảy sinh tâm lý
thiếu tự tin, sống khép mình lại với mọi người… Vị chuyên gia giải thích thêm
trong tác phẩm "Atamanoiiko Sodatsu Otetsudai Noshuikan" (tạm dịch
là: "Dạy con thông minh - dạy con làm việc nhà), một trong những tác phẩm
bán chạy ở Nhật Bản.
Sách "Dạy con thông minh - dạy
con làm việc nhà" tóm tắc ba điều lợi ích cơ bản của việc dạy con làm việc
nhà, một là: Có mối liên hệ giữa tính tự lập với việc trẻ biết làm việc nhà.
Theo tác giả có 3 yếu tố để xác nhận một đứa trẻ trưởng thành đó là: 1. Trẻ
biết tự mình làm những công việc thiết yếu xung quanh, 2. Trẻ biết cách tự chăm
sóc bản thân tự lo liệu việc ăn uống cho phù hợp với thể trạng sức khỏe của
mình, 3. Trẻ biết xây dựng các mối quan hệ thân thiện với những người xung
quanh.
Cả 3 yếu tố trên đều gắn chặt với
môi trường gia đình và liên quan mật thiết đến việc trẻ biết làm việc nhà. Vì
vậy ở trong môi trường gia đình việc cha mẹ ý thức dạy con biết làm việc nhà có
vai trò quan trọng trong việc giáo dục và hoàn thiện tính cách của con trẻ. Từ
những cơ sở như vậy cho nên có thể nói cha mẹ nào cũng mong cho con mình thành
người trưởng thành nhưng nếu không ý thức kiên nhẫn dạy con làm việc nhà là một
điều nghịch lý cần phải khắc phục.
Hai là, trẻ biết làm việc nhà thì
thường "được việc hơn" so với trẻ không biết làm việc nhà. Có một
nguyên lý là “khi cơ thể vận động thì trí óc và con tim cũng được kích hoạt làm
việc”. Không những người bình thường mà ngay cả những nhà khoa học cũng thừa
nhận rằng đối với họ ý tưởng mới nảy sinh chính khi cơ thể họ vận động chứ
không phải là lúc ngồi yên. Cho nên trong xu thế đất chật người đông trẻ em ở
các đô thị thường bị thiếu không gian vận động thiếu sân chơi thì nhiều loại
hình kinh doanh dịch vụ đã phát triển như tổ chức khu vui chơi dành cho trẻ em
với các trò chơi như leo cây, lội bùn, làm vườn, bắn súng, câu cá... Mặc dù vậy
những trò vui chơi tốn phí đó có tác dụng thư giãn nhiều hơn là tác dụng giáo
dục. Vì cơ thể trẻ vận động khi làm việc nhà là sự vận động vì cuộc sống đúng
nghĩa, nó có tác dụng làm cho trí óc và tâm hồn con trẻ vận động thực chất và
có chiều sâu hơn là vận động cơ thể khi chơi.
Ba là, làm việc nhà giúp con trẻ xúc
chạm vào cuộc sống thực tế. Những lời giáo huấn như: "mong muốn cho con
lớn lên trở thành người có ích cho xã hội"... hay những câu huấn thị khác
cho dù hay ho bao nhiêu cũng chỉ là lý thuyết suông nếu không được áp dụng
thành việc làm thực tế. Nó không khác gì mấy những câu châm ngôn đầy màu sắc
ghi trên tờ lịch để bàn. Trẻ khó mà trở thành người có ích cho xã hội nếu trong
cuộc sống hàng ngày trẻ không có ích cho gia đình cha mẹ. Vì thế việc tạo cơ
hội để con xúc chạm vào cuộc sống bằng một công việc làm thực tế sẽ có ý nghĩa
hơn nhiều.
Tác giả Nagisa Tatsumi nêu ví dụ:
khi trẻ mang quần áo đã giặt sạch ra phơi thì tận tay con được sờ vào tấm vải
mát lạnh, tận mắt nhìn thấy áo quần nhơ đã được giặt sạch, con ngửi được mùi
hương thơm của dầu xả còn vương lại trên quần áo, rồi tai con nghe tiếng gió
thổi sau vườn cảm nhận được ánh nắng hướng gió để treo quần áo phơi sao cho mau
khô và không bị rơi, con nghe tiếng lanh canh của móc áo gió thổi va vào
nhau... Cho nên chỉ một việc đem quần áo ra phơi mà cả năm giác quan của con
xúc chạm vào thực tế của cuộc sống qua đó con cũng cảm nhận được "thành
quả lao động" của việc giặt quần áo mà mình vừa làm xong, chắc hẳn sẽ đọng
lại những ký ức dễ thương nào đó trong lòng, nuôi dưỡng cho con trẻ đời sống
tâm hồn phong phú.
Chúng ta thừa nhận trẻ con Nhật Bản
có tính tự lập tốt hơn trẻ con Việt Nam, điều đó có nhiều nguyên do như môi
trường giáo dục, nguyên do về văn hóa và môi trường sống... Nhưng có một nguyên
do mà các cha mẹ Việt cũng hội đủ điều kiện cần và điều kiện đủ để thực hành đó
là việc dạy cho con biết làm việc nhà.
Tuy nhiên cần phải lưu ý là việc dạy
con làm việc nhà đòi hỏi ở cha mẹ lòng kiên nhẫn và không phải trong một thời
gian ngắn mà bắt con phải lĩnh hội mọi điều làm được mọi việc, đó là điều không
thể mà phải từ từ vui vẻ cho con tham gia với cha mẹ làm từng việc một cho đến
khi thuần thục. Ngoài ra có những câu nói mà tác giả gọi là "bộ sưu tập
những câu nói cấm kỵ" khi cha mẹ dạy con làm việc nhà là: trẻ con biết gì,
phải nói bao nhiêu lần nữa con mới hiểu đây, cha/mẹ không nỡ lòng để con phải
làm việc vất vả, nếu tôi làm thì đâu cần phải lo lắng thế này... nếu không, cha
mẹ đã góp phần làm triệt tiêu lòng nhiệt tình và sự tự tin của con trẻ.
TRÚC NGUYỄN.
Xem thêm :Nuôi dạy con kiểu Nhật
(ảnh: AKIRA EDUCATION
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét