6 thg 12, 2018

HÀM RĂNG KỂ CHUYỆN – CUỐN II NGỤ NGÔN (kỳ 1/2)


♦ Chuyển ngữ:  

Vài dòng về tác giả và tác phẩm:
Valería Luiselli là một nhà văn nữ Mễ Tây Cơ, sinh năm 1983, hiện đang sống tại Hoa Kỳ. Tác phẩm của cô đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và được dịch ra hơn hai mươi thứ tiếng. Cuốn “La historia de mis dientes” (nhà xuất bản Sextopiso, Mexico, 2013) có thể được gọi là “sáu cuốn sách trong một cuốn sách”. Mỗi chương của cuốn sách được đặt tên là “Libro”, đánh số thứ tự La Mã, kèm theo một tiểu đề. Tuy có sự liên tục giữa chương này với chương kia, mỗi chương có thể được thưởng thức như một truyện ngắn riêng biệt. Cuốn II, với tiểu đề là Ngụ Ngôn, là phần được trích dịch dưới đây từ nguyên bản tiếng Tây-Ban-Nha.


Mỗi lần nói chuyện với mấy vị linh mục là hai hàm tôi cứ đánh lập cập và răng của tôi lại lỏng đi một chút, tôi tin rằng vì các linh mục hay mang lại xui xẻo và trong tôi có cái gì cảm nhận được điều đó.
Một ngày nọ, cha Luigi Amara, cha xứ của nhà thờ Santa Apolonia, đến gặp tôi. Cha cho tôi biết rằng nhà thờ của cha đang bị suy thoái tài chính vì chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Cha cần gấp dịch vụ bán đấu giá của tôi và đề nghị với tôi một việc mà, theo như ngài hứa, cũng đem lại lợi lộc cho tôi —ít nhất là về mặt tinh thần.
Đã nhiều năm nay không hành nghề đấu giá, tôi nghĩ rằng vì tiếng tăm đó của tôi đã làm ngay cả những gia đình quyền thế phải ngại ngần, cho nên chẳng còn ai cần đến dịch vụ của tôi. Tôi cũng không còn đi đây đi đó nữa, nhất là vì tôi thấy rằng ở Mễ Tây Cơ cái gì cũng có cả. Tôi cho là ngoài Mễ Tây Cơ ra chỉ có Paris là nổi bật; nhưng ngay cả trong trường hợp đó, tất cả chúng ta đều biết rằng Paris chẳng đòi hỏi gì nơi thành phố Campeche này cả. Thay vì vung tiền vào những chuyến du hành mà qua đó tôi có thể kiếm vài ba món đồ được đánh giá cao qua tài hùng biện tinh vi và thủ đoạn chung của những tay bán đấu giá thời nay, vài năm trở lại đây tôi bỏ hết thì giờ vào việc sưu tập những món đồ mà vận may đã ban thưởng cho tôi, hay những món tôi tìm được ở tiệm bán đồ cũ trong xóm, một cửa tiệm khá đẹp mà hai chủ nhân, Jorge F. Hernández và Jorge Ibargüengoitia, tiếp đãi tôi rất nồng hậu vì tôi là khách hàng trung thành của những món đồ cũ của họ. Cộng hết những gì tôi đã gom nhặt được qua những chuyến đi ngoại quốc và bộ sưu tập kiếm được ở trong vùng, tôi đã có được một tài sản đáng nể. Tôi biết có ngày tôi sẽ mở một cuộc bán đấu giá lớn ngay tại nhà mình, ở đó tôi sẽ cống hiến kho báu của tôi cho những người nào xứng đáng; những người thanh lịch và quyền quý.
Nhưng tôi cần thì giờ và công sức để làm chuyện đó. Tôi phải hoàn thành cái cầu treo nối nhà kho với gian nhà bán đấu giá, phải xin giấy phép sử dụng khu đất, phải kiếm ghế ngồi thoải mái cho những người đến đấu giá, và nhất là cần thuê một người soạn ra cuốn Danh mục các món đồ sưu tập. Làm nhà bán đấu giá giỏi nhất thế giới quả là một việc khá tốn kém. Vả lại, nói gần nói xa chẳng qua nói thật, cuộc khủng hoảng toàn cầu cũng có phần nào ảnh hưởng đến tôi, nên tôi rất cần món tiền mà cha Luigi cam đoan là chúng tôi sẽ kiếm được nếu cùng chung sức tổ chức cuộc đấu giá Những món đồ sưu tập ở nhà thờ của ngài.
Kế hoạch mà cha Luigi đề ra cũng đơn giản. Mỗi tháng một lần, nhà thờ Santa Apolonia có một buổi phục vụ những người ở nhà dưỡng lão trong xóm, gọi là Buổi chiều bình yên, hay có thể gọi là Buổi chiều êm ả, hoặc cũng có thể chỉ vắn tắt là Buổi chiều —dù sao đi nữa, tên gọi nào nghe cũng ngán ngẩm và chẳng có gì mới lạ.
Chủ nhật tới là lễ hằng tháng dành cho những cụ cao niên. Theo lời cha Luigi, đa số họ là từ những gia đình khá giả. Già nua nhưng rủng rỉnh tiền bạc, đức cha bảo vậy. Chúng tôi phải lợi dụng tối đa việc đi lễ và bối cảnh của buổi lễ để kiếm chút “moneys” từ trong túi họ —đức cha nói thế, bằng tiếng Anh và ở số nhiều. Chúng tôi sẽ bán cho những giáo dân lẩm cẩm nhưng nhiều tiền lắm của đó một bộ sưu tập trong Những món đồ sưu tập của tôi với mục đích gây quỹ cho tôi và cho giáo xứ: 30% cho tôi và 70% cho nhà thờ Santa Apolonia.
Thoạt đầu, tôi thấy chuyện này có vẻ không được công bằng cho tôi lắm, xét vì điều duy nhất mà cha Luigi đóng góp là ngôi nhà thờ, và một cách gián tiếp, không công bằng cho những người đến đấu giá, vì tuy là số đông, họ đã lú lẫn, già yếu cả rồi. Chẳng có gì bảo đảm cho tôi có một cuộc đấu giá tốt đẹp với một cử toạ như thế. Nhưng đức cha đã bảo tôi phải nghĩ đến cảnh những linh hồn già nua sẽ cảm thấy hân hoan khi tôi có mặt, và đến việc cứu rỗi linh hồn của chính tôi, đẹp đẽ, tốt lành và đời đời. Tuy không chắc rằng có hoả ngục, tôi chính là một trong những kẻ tin rằng thà phòng ngừa còn hơn phải than oán. Gia dĩ, cha Luigi còn đồng ý không một chút do dự rằng tôi sẽ thực hiện một cuộc bán đấu giá theo kiểu ngụ ngôn, cuộc đấu giá đặc biệt nhất dành riêng cho tình huống đó.
Đúng vậy, Carretera 1 ạ, chuyện ngụ ngôn là phương tiện chuyên chở hữu hiệu nhất để truyền đạt quyền lực vô biên của Thánh Thần.
Tôi không dùng chữ chuyện ngụ ngôn mà dùng chữ ngụ ngôn. Nhưng cha Luigi, như tất cả những người cùng nghề nghiệp với ngài, thường bỏ ngoài tai những gì người khác nói mà không tương ứng với những gì ngài nghĩ rằng họ nên nói.
Tôi mất hết mấy ngày suy nghĩ đến bộ sưu tập thích hợp nhất để mang ra bán đấu giá trước một cử toạ gồm những người đấu giá già nua. Tôi nảy ra một ý tuyệt hay. Trong Những món đồ sưu tập của tôi có một bộ gồm những hàm răng của một số người vừa đàn ông vừa đàn bà tai tiếng nhưng, theo cách riêng của của họ, cũng rất đỗi tài ba. Người cho tôi bộ sưu tập răng này là một trong những người chú tôi rất quý, chú Cadmo Sánchez vĩ đại, con của bà cô tôi là Telefasa, và là người sưu tập bất đắc dĩ rất nhiều của báu. Tôi đưa bộ sưu tập này cho cha Luigi, và ngài ưng thuận ngay mà không để ý lắm đến những chi tiết hấp dẫn về đặc điểm cũng như lai lịch của những chiếc răng này. Những người của đám đông là như thế, kể cả những vị linh mục, lúc nào đầu óc cũng bận rộn với chính mình đến nỗi không còn thấy hiếu kỳ về cuộc sống của ai khác nữa.
Tôi cảm thấy vừa nghi ngại, vừa lưỡng lự vào phút cuối trước khi ký kết giao ước. Thật không dễ dàng gì cho tôi khi trưng bày công khai món quý giá nhất trong bộ sưu tập của tôi. Thật tình tôi muốn giữ món này cho cuộc bán đấu giá lớn của riêng tôi. Nhưng cuối cùng tôi đã chấp nhận, vì tôi không phải là một kẻ xấu bụng. Và cũng vì tôi nhớ đến một buổi chiều rực nắng khi thầy Oklahoma kể cho chúng tôi nghe về một cuộc bán đấu giá ngụ ngôn, trong đó một vị pháp quan đã đấu giá toàn Đế Quốc La Mã, sau cái chết của Hoàng Đế Pertinax vào năm 193; bằng lời nói danh dự. Dưới ánh sáng của lịch sử, thật là không đúng đắn nếu tôi không chấp nhận thử thách nhỏ bé này mà Vận May đem đến trước mặt mình. Tuyên bố đến đây là hết.
*
Sáng Chủ nhật hôm bán đấu giá, cha Luigi ghé nhà tôi thật sớm. Ngày hôm trước tôi đã cho người mang bộ sưu tập răng đến nhà thờ để qua đêm ở đó. Lúc bước ra đón cha Luigi vào nhà, tôi bắt đầu nhận thấy hai hàm của mình rung lên nhè nhẹ. Tôi đoán đức cha nghĩ sự run rẩy đó là do tôi hồi hộp vì cuộc đấu giá sắp đến; ngài có ngờ đâu rằng chính ngài mới là nguồn cơn làm tôi run rẩy.
Đừng có trở nên hèn nhát vào giờ phút này, tôi nhủ thầm, trong lúc chúng tôi đi qua cánh cổng lớn để ra ngoài đường.
Có gì lạ không, thưa Cha? tôi hỏi, hai hàm tôi đánh lập cập như gõ mõ, chắc tôi trông như một con gà mắc nước!
Không có gì cả, đức cha nói, và ngài giữ một sự im lặng khó đoán đến nỗi tôi thà không đánh tan nó đi thì hơn.
Đi được nửa đoạn đường, chúng tôi thấy đói nên ghé quán của bà Magalita Arriola để uống nước bắp và cả hai đều cùng khụt khà khụt khịt rõ to cho đến tận giáo xứ.
Anh không tính rút lui bỏ cha chứ?
Ngó vậy chứ con không lo lắng gì đâu, thưa Cha, con là người cương quyết mà.
Anh thấy đó, Carretera, chuyện này sẽ không dễ dàng đâu, nhưng anh đừng nghĩ gì hơn là phải cứu lấy giáo xứ này khỏi cái chủ nghĩa tư bản man rợ đang rình rập chúng ta, được không? Làm như vậy anh sẽ rửa sạch linh hồn mình giùm Cha, hiểu chưa?
Hiểu rồi, thưa Cha. Nhưng làm gì mà lắm lễ nghi như thế này ạ?
Lễ nghi gì đâu. Chỉ nên biết rằng những người này đến đây để gặp anh, Carretera ạ, và họ mong anh lắm đấy. Có lẽ anh không biết thôi, vì lâu nay anh vẫn sống trong tháp ngà, chứ thật ra anh là một huyền thoại đối với rất nhiều người. Ở đây ai cũng biết anh cả.
Cha quá khen. Cha cứ tiếp tục, tiếp tục đi, đừng giữ kẽ.
Nhưng anh cũng nên nghĩ đến điều này, Carretera, rằng có thể một số người không ưa anh lắm; có thể một số người ghét anh nữa.
Bây giờ thì tôi ngờ ngợ rằng đức cha đang cho tôi uống nước đường, thí dụ như ai vậy, thưa Cha?
Như con trai anh chẳng hạn.
Ratzinger cũng đến nữa à?
Đúng vậy.
Nhưng Cha có nói với con là chỉ có những người già giàu có đến mua bộ răng của con thôi mà. Chúng ta đã đồng ý về việc này rồi. Ratzinger là trai trẻ, nó chẳng có việc gì phải đến đây cả.
Phải rồi, nhưng khi nó biết được là anh sẽ bán một phần bộ sưu tập huyền thoại của anh, nó muốn đến để gặp anh. Anh đã làm cho thiên hạ tò mò rồi.
Nhưng vậy là sẽ diễn ra một tấn bi hài kịch rồi ạ.
Cha đã e rằng anh sẽ nói thế.
Con sẽ ăn nói với nó làm sao đây? Con là một nhà bán đấu giá đàng hoàng. Con không phải hạng bá vơ đầu đường xó chợ.
Không có ai nói như vậy đâu, anh đừng tự dằn vặt như vậy. Anh đừng quên đây là ngôi nhà thờ đang bị khủng hoảng và điều quan trọng là phải buôn bán kiếm tiền thôi.
Chuyện đó Cha đã nói với con rồi.
Cha nói thế để bây giờ cha có thể cầu nguyện cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Điều đó đang xảy ra, thưa Cha.
Anh đã biết phải làm gì với những món bán đấu giá rồi chứ?
Con biết, nhưng bây giờ con quên hết rồi.
Carretera, giờ phút này không phải là lúc do dự nữa. Anh đã sẵn sàng chưa?
Thưa Cha, bây giờ con đã bình tĩnh lại rồi ạ.
Hay lắm, Carretera!
Còn một điều này nữa, thưa Cha. Cha có biết câu chuyện Cô bé choàng khăn đỏ kể lộn ngược không ạ?
Carretera, Cha không hiểu…
Con luôn luôn kể câu chuyện này trước những cuộc bán đấu giá: nó làm lưỡi con dẻo hơn và tra thêm dầu nhớt vào hai hàm của con. Có lẽ Cha cũng cần kể chuyện này cùng với con nhé.
Kể làm sao?
Như thế này ạ: ngừa-xay có ke-bố chò-khăn-đoảng đa-qui một khưng-rù, la-la-la, la-la-la, bững-dông, đài-một-cúng! con chói-só.
Hay lắm, Carretera, hay lắm! Nếu muốn, anh cứ việc tiếp tục một mình đi, rồi vào lúc 10 giờ 15, anh sẽ vào nhà thờ qua cửa làm lễ ban bí tích. Lúc đó, Cha đang ban hiệp thông. Thánh lễ sẽ kết thúc vào lúc 10 giờ 30. Ở chỗ làm lễ ban bí tích sẽ có một cậu giúp lễ đón anh và đưa cho anh một tờ giao kèo cho anh ký tên vào; chỉ là hình thức thôi. Sau đó, cậu sẽ đưa anh đến bục giảng để anh bắt đầu cuộc bán đấu giá. Đồng ý chứ?
Đỳ-ống, thưa Cha.
Vậy nhé.
Thưa Cha, nó có phải là người đàng hoàng không ạ?
Ai cơ?
Ratzinger ấy mà.
À, nó siêng năng lắm.
Nó làm nghề gì ạ?
Nhân viên bảo vệ tư, như anh ngày trước đấy, nhưng là làm ở một phòng triển lãm nghệ thuật, bên cạnh xưởng làm nước trái cây, chứ không phải làm trong xưởng ấy.
Vậy đó. Cha tôi ngày trước thường nói rằng di truyền học là một ngành khoa học đầy dẫy những vị thánh.
Thôi, sắp trễ giờ rồi, Cha phải vào nhà thờ để chuẩn bị đây, Carretera à. Chúng ta đã sẵn sàng cả rồi chứ?
Cho con nói một điều chót nữa thôi, được không Cha?
Anh nói đi.
Với tất cả lòng kính trọng Cha, và không cố tình chơi chữ nhé, có vài sợi râu bắp dính vào râu mép của Cha đấy ạ.
Chú thích của người dịch:

1. Biệt danh của nhân vật chính, có nghĩa là «Xa Lộ». 

(TC.Da Màu )  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét