Vào lúc 3 giờ sáng ngày 10 tháng Mười Hai, 1948 Đại Hội đồng Liên
Hiệp Quốc, họp tại Paris, đã thông qua Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân
Quyền, mà cho đến ngày này vẫn là tuyên bố được thừa nhận ở nhiều nơi
nhất về những quyền mà tất cả mọi người trên hành tinh chúng ta phải
được hưởng.
Rồi một chuyện hy hữu chưa từng bao giờ diễn ra ở Liên Hiệp Quốc đã diễn
ra. Các đại biểu đứng lên vỗ tay khen ngợi một đại biểu duy nhất, một
phụ nữ đứng tuổi, rụt rè, vẻ mặt hơi trang nghiêm nhưng nụ cười rất thân
thiện. Tên bà, tất nhiên, là Eleanor Roosevelt.
Bản Tuyên ngôn Quốc tế không phải là một hiệp ước ràng buộc, chỉ là
"tiêu chuẩn thành tựu" các nước nên cố gắng đạt đến. Nhưng hiện nay bản
tuyên ngôn đã được xuất bản bằng tiếng mẹ đẻ của tất cả các quốc gia, và
là ngọn cờ tập hợp cho những nạn nhân rất khác nhau của áp bức như Lech
Walesa ở Ba Lan và Nelson Mandela ở Nam Phi. Bản tuyên ngôn là chuẩn
mực được cả các tổ chức Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ dùng
để đánh giá sự thực thi của chính quyền. Bản tuyên ngôn đã ảnh hưởng
đến những hiến pháp và lập pháp của nhiều nhà nước và là nguồn khích lệ
chính cho hơn 20 hiệp ước nhân quyền ràng buộc về pháp lý và cho những
tổ chức nhân quyền ở Châu Âu và Châu Mỹ La tinh.
Vào tháng Giêng năm 1947, khi Ủy ban về Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc được
thành lập, bà Roosevelt, người năm trước đấy được Tổng thống Harry S.
Truman bổ nhiệm làm đại biểu Liên Hiệp Quốc, lập tức được bầu làm chủ
tịch.
Chẳng ngạc nhiên là bà Roosevelt chẳng bao lâu thấy mình bị lôi cuốn vào
những cuộc đối đầu gay gắt với người Nga. Họ hiểu những từ "tự do" và
"dân chủ" theo nghĩa rất khác. Họ muốn thêm vào sau mỗi điều khoản của
bản tuyên ngôn một điều nói nhà nước có thể tùy ý quyết định quyền cụ
thể nào đấy được thực thi hay không. Và họ đòi đưa vào bản tuyên ngôn
những quyền về xã hội và kinh tế - quyền làm việc, giáo dục, y tế - mà
họ nói không kém phần quan trọng hơn những quyền chính trị. Sau nhiều
thảo luận, bà Roosevelt đã thuyết phục Bộ Ngoại giao chấp nhận thêm vào
những quyền về kinh tế. Dù sao, chẳng phải Tổng thống Roosevelt đã đề ra
mục tiêu hậu chiến là "thoát ra khỏi cảnh đói nghèo" - "ở khắp nơi trên
thế giới" hay sao? Cho dù hành động này đáp ứng phần nào yêu cầu của
họ, nhưng người Nga vẫn cương quyết cản trở. Họ quyết định Bản Tuyên
Ngôn Quốc Tế chính là thứ họ không thích. Họ chỉ trích kịch liệt và rất
ác ý về sự kỳ thị chủng tộc và thất nghiệp tại Hoa Kỳ.
Khi đại biểu Nga chuyển sang chủ đề về tình cảnh của người Mỹ da đen, bà
Roosevelt đề nghị người Nga có thể cử một phái đoàn đến Mỹ để quan sát
các vấn đề chủng tộc ở Hoa Kỳ nếu Hoa Kỳ có thể làm như thế ở Liên Xô.
Tờ New York Times nhận xét, "Người Nga có vẻ như đã gặp phải bà
Roosevelt kỳ phùng địch thủ của họ."
Quyết tâm thúc đẩy đến cùng sự hoàn thành của bản Tuyên ngôn, bà
Roosevelt ép các đồng nghiệp làm việc rất cật lực. Có nhiều ngày họ làm
việc đến mười bốn, mười sáu tiếng và nhiều đại biểu có thể đã kín đáo
thì thầm lời cầu nguyện được cho là của Tổng thống Roosevelt:" Chúa ơi,
hãy làm cho Eleanor mệt!" Đại biểu từ Panama xin bà Rooselvet hãy nhớ
rằng các đại biểu Liên Hiệp Quốc cũng có nhân quyền như ai.
Vào mùa hè 1948 Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền cuối cùng đã thành
hình. Được soạn thảo ra như bà mong muốn, qua lời văn mộc mạc nhưng hùng
hồn, bản tuyên ngôn đã tham khảo rất nhiều bộ Luật về Quyền Công dân Mỹ
(Bill of Rights), Đại hiến chương Magna Carta của Anh và Tuyên Ngôn về
Quyền Con Người của Pháp. Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền gồm có lời
mở đầu và 30 điều khoản bày tỏ minh bạch những quyền và tự do căn bản.
Điều 1 nêu ra triết lý căn bản:"Mọi người sinh ra đều được tự do và bình
đẳng về nhân phẩm và quyền. Họ được phú cho lý trí và lương tâm và nên
đối xử với nhau trong tinh thần bằng hữu." Điều 2 bày tỏ minh bạch
nguyên tắc không phân biệt trong sự thụ hưởng nhân quyền. Điều 3 đến
điều 21 khẳng định mạnh mẽ những quyền dân sự và chính trị, bao gồm
quyền sống, tự do và tài sản; không bị tra tấn hay bị đối xử, trừng phạt
một cách hạ thấp nhân phẩm; không bị bắt bớ, giam giữ, hay lưu đày một
cách độc đoán; quyền được tòa án độc lập và vô tư xét xử công bằng và
công khai; tự do tư tưởng và tôn giáo; tự do ngôn luận; quyền hội họp và
lập hội ôn hòa.
Điều 22 đến điều 27 đặt ra những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Những
quyền này bao gồm quyền làm việc, quyền an sinh xã hội, quyền được
hưởng lương như nhau cho cùng công việc; quyền nghỉ ngơi và giải trí;
quyền được hưởng mức sống đầy đủ; quyền giáo dục; và quyền tham gia vào
sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.
Khi Đại Hội đồng nhóm họp ở Paris vào mùa thu năm 1948, Liên Xô đang
phong tỏa Berlin. Phát biểu bằng tiếng Pháp ở đại học Sorbonne, bà
Roosevelt nói việc người Nga không tôn trọng nhân quyền hiện nay là trở
ngại chính đối với nền hòa bình thế giới. Khi Bản Tuyên ngôn cuối cùng
được thông qua, đại sứ Charles Malik của Lebanon tuyên bố:" Tôi không
hiểu làm sao chúng ta có thể thực hiện được điều chúng ta đã thật sự
thực hiện được nếu không có sự hiện diện của bà."
Mặc dù bà Roosevelt tự hào về vai trò của mình trong sự thành hình Bản
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền, nhưng bà luôn luôn là người thực tế. Bà
biết lời lẽ trong bản tuyên ngôn không tự thực thi được. Những năm về
sau bà thích nói với các đại biểu Liên Hiệp Quốc rằng thách thức thật sự
là thách thức của " thực sự sống và hoạt động cho tự do và công lý cho
mỗi người ở các nước chúng ta."
Đấy là thách thức bà đã sẵn sàng chấp nhận, và tấm gương của bà là tấm gương khích lệ chúng ta hôm nay.
Richard N. Gardner, giáo sư luật quốc tế ở đại học Columbia, là đại sứ Mỹ tại Ý từ năm 1977 đến 1981.
Nguồn:
New York Times, số ra ngày 10/12/1988
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét