LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt
nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo
ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của
phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health.
Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive
Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện
Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708.
Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com
Mỗi lần viết toa cho bệnh nhân, bác
sĩ thường dặn dò không những về liều lượng, số lần uống thuốc trong ngày, thời
điểm uống thuốc: buổi sáng hay buổi tối, bụng đói hay bụng no, và có nên cử
những thức ăn hay những loại thuốc nào khác hay không.
Thoạt đầu thì có vẻ rối rắm, cũng
may là hầu hết các thuốc đều có thể uống lúc nào cũng được, không đòi hỏi cầu
kỳ, ngoại trừ một số thuốc cần lưu ý.
Trước nhất, đa số các thuốc có thể uống khi bụng đói, miễn
là uống với nhiều nước, trừ một số thuốc cần phải uống bụng no vì những lý do
sau đây:
1. Để giảm phản ứng phụ có thể gây
ra nôn mửa, thí dụ như thuốc trị bệnh gout allopurinol, thuốc giảm căng sữa và
trị bướu não bromocriptine, thuốc trụ sinh doxycyclin.
2. Để tránh phản ứng phụ gây ra xót,
hay loét bao tử, thí dụ như các loại thuốc giảm đau aspirin, NSAIDS ibuprofen,
thuốc steroids chống viêm sưng như prednisone dexamethasone.
3. Các loại thuốc trị bệnh bao tử, ợ
chua, ăn không tiêu cần uống trước khi ăn.
4. Một số thuốc chữa trị bệnh về
bệnh lở loét răng miệng, ống thực quản, cần uống sau khi ăn, vì nếu uống trước
khi ăn, thuốc sẽ bị thức ăn đẩy xuống ruột non mau chóng,
5. Một số thuốc chữa bệnh HIV,
ritonavir, saquinavir và nelfinavir cần uống vói thức ăn thì thuốc mới thấm vào
máu hữu hiệu,
6. Thuốc trị bệnh tiểu đường cần
uống với thức ăn để có thể có thể thấm đường vào máu.
Nói là uống thuốc khi bụng no nhưng
thật ra không cần bụng phải no lắm; một vài miếng bánh mì, một ly sữa cũng đủ
khi uống những loại thuốc cần phải có đồ ăn.
Mặt khác, như thủy triều lên xuống
trong ngày, cơ thể của chúng ta cũng thay đổi theo một nhịp điệu tương tự gọi
là circadian rhythm. Tùy theo thời điểm trong ngày, một số hormones hay một số
cơ phận sẽ hoạt động tích cực hơn. Cũng vì thế, các loại thuốc men có tác dụng
vào nhịp điệu tuần hoàn của cơ thể sẽ có hiệu ứng tốt hơn khi được sử dụng đúng
theo thời điểm, buổi sáng hay buổi tối.
Một số thuốc cần uống buổi sáng trước bữa điểm tâm gồm có:
1. Thuốc có chất sắt, trị bệnh thiếu
máu cần uống bụng đói với một ly nước cam. Vitamin C có tính acid giúp cho chất
sắt thấm vào bao tử nhanh hơn.
2. Thuốc trị bệnh cao huyết áp nên uống sáng sớm khi mới thức dậy, vì áp
suất máu thường tăng vào buổi sáng.
3. Thuốc trị bệnh suy tuyến giáp
(hypothyroidism), cần uống bụng đói, và không nên uống chung với các thuốc khác
kể cả thuốc bổ multivitamin.
4. Các thuốc trị bệnh rỗng xương cần
uống buổi sáng, bụng đói.
Một số thuốc khác nên uống sau khi ăn sáng:
1. Thuốc bổ sẽ thấm vào máu dễ dàng
hơn vì có chất béo trong đồ ăn. Hơn nữa, thuốc bổ uống buổi sáng giúp cho cơ
thể… tươi mát hơn trong ngày.
2. Các loại thuốc trị dị ứng vì các
triệu chứng dị ứng thường xảy ra buổi sáng.
3. Các loại thuốc cung cấp vi khuẩn
tốt cho cơ thể, probiotics.
Các loại thuốc sau đây có thể uống trước buổi trưa:
1. Thuốc trị bệnh nhức mỏi, phong
thấp để tránh nhức mỏi trong ngày
2. Thuốc lợi tiểu, diuretics, vì nếu
uống buổi tối sẽ phải thức dậy đi tiểu qua đêm làm mất ngủ.
Cuối cùng buổi tối sau khi ăn:
1. Thuốc trị bệnh cao cholesterol.
Nên nhớ 70% cholesterol sản xuất ra bởi lá gan, vào buổi tối. Thuốc giảm
cholesterol khống chế sự sản xuất cholesterol nên phải uống vào buổi tối.
2. Các loại thuốc cần phải uống thêm
lần thứ hai hay lần thứ ba theo toa bác sĩ.
3. Thuốc ngủ.
Xin lưu ý, một số thuốc cần phải
uống đúng giờ mỗi ngày thí dụ như thuốc ngừa thai.
Ngoài ra, một số thuốc có tác dụng
phụ khi uống chung với nhau, cẩn thận hơn hết là không nên uống chung với nhau
mà chia ra cách nhau độ một tiếng. Thí dụ như thuốc trụ sinh và thuốc ngừa
thai.
Thức ăn cần kiêng cử khi uống thuốc
gồm các thí dụ sau đây:
1. Trái bưởi hoặc nước bưởi có thể
làm có thể làm tăng nồng độ máu của một số thuốc trị bệnh tim mạch, hay thuốc
giảm cholesterol statins.
2. Khi uống thuốc loãng máu warfarin
thì nên tránh ăn các loại rau cải lá màu xanh có nhiều vitamin K.
3. Còn khi uống thuốc trị bệnh cao
huyết áp ACE inhibitors thì nên tránh ăn chuối. Trong chuối có nhiều chất
potassium khi dùng với thuốc ACE inhibitors co thể làm rối loạn nhịp đập của
trái tim
4. Khi uống thuốc trụ sinh thì không
nên uống sữa hay các thực phẩm biến chế từ sữa, có thể làm cho thuốc không thấm
vào máu.
5. Thuốc trị đau nhức NSAIDS có thể
làm mạch máu co rút, làm tăng huyết áp, và có thể làm lở loét mạch máu, và làm
loét bao tử, không nên dùng chung với tỏi. Tỏi hay bột tỏi có thể ảnh hưởng đến
khả năng cầm máu. Khi uống chung có thể làm chảy máu đường ruột.
Trên đây là một vài thí dụ cần lưu ý
khi uống thuốc. Nếu không chắc thì nên hỏi bác sĩ và dược sĩ khi được kê toa
thuốc. Trên mạng Google cũng có nhiều websites để tra cứu thêm về tác dụng phụ
của thuốc men. Uống thuốc đúng sẽ tránh ngộ độc và làm tăng công hiệu của
thuốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét